Sau khi tuyên bố rút khỏi Đại hội toàn quốc lần thứ nhất Việt Nam cách mạng thanh niên, đoàn Đại biểu Bắc Kỳ trở về nước cùng với chi bộ cộng sản đầu tiên (thành lập tháng 3/1929) xúc tiến việc thành lập một Đảng Cộng sản.
Ngày 17/6/1929, đại biểu các tổ chức cộng sản được thành lập ở các tỉnh Bắc Kỳ đã triệu tập một cuộc họp tại số nhà 312 Khâm Thiên (Hà Nội) quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản đảng (ở một vài văn kiện của Đảng còn ghi là Đảng Cộng sản Đông Dương) .Hội nghị thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng. Các văn kiện này thừa nhận đường lối của Quốc tế Cộng sản, thừa nhận vai trò bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng và thừa nhận mục đích của chủ nghĩa cộng sản. Trong Tuyên ngôn, tính chất của Đảng được nêu rõ: “Đông Dương Cộng sản Đảng là đảng cách mệnh đại biểu cho tất cả các anh chị em vô sản giai cấp (tức là thợ thuyền) ở Đông Dương. Đảng Cộng sản không phải là gồm tất cả các anh em chị em vô sản giai cấp, nhưng chỉ gồm những người nào giác ngộ cách mệnh tiên tiến hơn cả trong giai cấp vô sản”.
Nhà số 312 Khâm Thiên, Hà Nội - nơi họp quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản đảng, ngày 17-6-1929 (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Mục đích của Đảng là đánh đổ bọn đế quốc và tư sản chủ nghĩa, diệt trừ chế độ phong kiến, giải phóng công nông, xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do bác ái.
Tuyên ngôn nêu rõ “thời kỳ đầu tiên của cuộc cách mệnh ở Đông Dương là tư sản dân chủ cách mệnh” và sau đó sẽ là “cách mệnh xã hội”. Trong cách mạng dân chủ tư sản, vấn đề ruộng đất là vấn đề tối quan trọng cho dân cày. Vấn đề đó phải được giải quyết bằng cuộc lật đổ đế quốc và phong kiến, giành độc lập và thống nhất đất nước.
Về mặt tổ chức, Đông dương Cộng sản Đảng thông qua những nguyên tắc kết nạp Đảng viên, không chuyển tất cả những hội viên Việt Nam cách mạng thanh niên vào Đảng, mà phải trên cơ sở giác ngộ, giáo dục, để họ tự nguyện xin vào Đảng.Những người tiên tiến nhất, tích cực nhất của Việt Nam cách mạng thanh niên được tuyển lựa đưa vào Đảng Cộng sản, còn số nào tuy tán thành sự thành lập của Đảng Cộng sản nhưng không hoạt động “tích cực thì tổ chức vào nhóm cảm tình Đảng”. Hội nghị cũng quyết định tổ chức Tổng Công hội đỏ, Nông hội, Sinh hội…lấy cờ đỏ búa liềm làm Đảng kỳ, xuất bản tờ Búa liềm( của Trung ương), tờ Bônsơvích (Trung Kỳ), và tờ Cộng sản (Nam Kỳ), cử Ban Chấp hành trung ương lâm thời và phân công một số đồng chí vào Trung Kỳ, Nam Kỳ phát triển cơ sở của Đảng.
Báo Búa Liềm, cơ quan trung ương của Đông Dương Cộng sản đảng, số 5 (số đặc biệt, trang 1), ngày 11-12-1929 (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Báo Búa Liềm, cơ quan trung ương của Đông Dương Cộng sản đảng, số 5 (số đặc biệt, trang 3), ngày 11-12-1929 (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Ngay sau khi ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng đã hoạt động khẩn trương nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng đặc biệt là xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng tại các địa phương trong cả nước nhằm tạo sức mạnh cho Đảng và phong trào.
Truyền đơn kêu gọi thợ thuyền, dân cày, binh lính của Đông Dương Cộng sản đảng, năm 1929 (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Sự thành lập của Đông Dương Cộng sản Đảng có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng cả nước. Những thành viên tiên tiến trong Việt Nam cách mạng thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng…đều hướng về việc thành lập tổ chức cộng sản, một số gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, một số xúc tiến giải thể tổ chức cũ để thành lập Đảng Cộng sản.
Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)