Nhà khảo cổ Lưu Khánh Trụ cho biết, mộ Tào Tháo được phát hiện đã tương đối lâu và đã bị đào trộm. Sau khi được chính quyền phê chuẩn, công tác khai quật mới bắt đầu tiến hành. Nhưng khi ấy, không hề hay biết đó là mộ Tào Tháo. Từ tháng 10 năm nay, mọi thứ mới ngày càng trở nên rõ ràng.
Trước vấn đề được giới truyền thông nêu ra: “Giới văn học hoặc giới sử học, đặc biệt là giới sử học luôn tìm kiếm mộ Tào Tháo trong nhiều năm. Làm thế nào để xác minh mộ Tào Tháo này là thật”, chuyên gia Lưu Khánh Trụ đã đưa ra quan điểm của mình với một số căn cứ chính sau đây:
Thứ nhất, vị trí của ngôi mộ. Phía Bắc huyện An Dương là Nghiệp Thành, kinh đô của Tào Tháo thời bấy giờ. Theo thông lệ của xã hội cổ đại, sau khi hoàng đế băng hà, thi thể sẽ được an táng tại nơi gần kinh đô. Vì vậy, vị trí phát hiện ra ngôi mộ phù hợp với thông lệ lịch sử nêu trên.
Thứ hai, quy cách ngôi mộ tương đối lớn. Theo những kiến thức khảo cổ hiện có, ngôi mộ này thuộc hàng cao cấp, hoặc là Vương mộ hoặc mộ của một nhân vật có vị trí cấp cao trong xã hội.
Thứ ba, căn cứ theo niên đại của các di vật tùy táng khai quật được trong mộ. Các khí cụ trong mộ Tào Tháo thuộc thời Đông Hán. Cũng xuất phát từ nhiều nhân tố khác, ví dụ như khai quật được tấm thẻ bài bằng đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương”, các nhà khảo cổ mới đưa ra kết luận “mộ Tào Tháo”.
|
|
Lưu Khánh Trụ nói: “Mộ không phải bị đào trộm mà đã bị tàn phá. Lúc tôi tới hiện trường, có rất nhiều đá, cấu kiện bên trong mộ, vài viên đá có thể là một phần của cánh cửa đá, đã bị đập nát. Vốn chỉ cần đẩy cửa ra là được, nhưng tại hiện trường, những khối đá cứng, khó vỡ là vậy đều bị đập nát…Bên trong mộ còn phát hiện được ba chiếc đầu lâu. Một cái là của đàn ông, hai cái còn lại là của đàn bà. Bọn trộm mộ không lấy trộm xương, những chiếc đầu lâu chỉ còn giữ được phần xương sọ, riêng mũi và mặt phía trước đã bị vỡ. Đây là hành động trút giận cá nhân, rất có thể xuất phát từ động cơ báo thù chính trị. Từ đó, có thể đưa ra suy đoán,rằng, thời gian ngôi mộ bị hủy hoại xảy ra không lâu sau khi hoàn thành phần xây cất”.
“Trong số hơn 200 hiện vật khai quật được trong mộ, chỉ tính riêng số thẻ bài bằng đá đã lên tới hơn 50 chiếc. Nhưng phàm là những thẻ bài có chữ: “Ngụy Vũ Vương thường dụng” đều đã bị đập gãy. Những cái còn lại, không có chữ “Ngụy Vũ Vương” thì bình an vô sự. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là hành động đập phá để trả thù”, chuyên gia này nhận định.
Riêng tác giả Nghê Phương Lục thì cho rằng, việc trộm mộ có hai mục đích. Thứ nhất là nhằm tìm kiếm châu báu quý giá. Một mục đích khác là nhằm phá hoại phong thủy. Việc này rất có thể diễn ra sau khi Tư Mã Ý cướp ngôi. Ông ta làm vậy nhằm phá long mạch của nhà họ Tào.
Xung quanh những vấn đề về mộ Tào Tháo được giới chuyên gia lẫn dư luận quan tâm, nổi cộm lên là thân phận thực sự của hai bộ hài cốt nữ được táng cùng trong mộ (hơn 20 tuổi và hơn 50 tuổi). Theo nhà khảo cổ Lưu Khánh Trụ, bộ hài cốt của người phụ nữ hơn 50 tuổi rất có thể là của Biện hoàng hậu.
People và
Ifeng dẫn lời chuyên gia này: “Người đảm nhiệm việc nghiên cứu xương sọ của các hài cốt là một tiến sĩ trong phòng nghiên cứu. Theo phân tích của chuyên gia này, một người phụ nữ trong mộ có tuổi tầm trên 50. Tôi cho rằng đó là hài cốt của Biện hoàng hậu. Biện hoàng hậu ít hơn Tào Tháo 20 tuổi. Khi mất, Tào Tháo 66 tuổi, còn người phụ nữ này hơn 40 tuổi. Sau hơn 10 năm, Biện hoàng hậu khi qua đời ở vào độ tuổi hơn 50, điều đó đồng nhất với kết quả giám định hiện tại. Riêng người phụ nữ trẻ hơn, hiện còn chưa rõ là hài cốt của một a hoàn hay một người thiếp khác của Tào Tháo”.
Trong một bài viết cũng xoay quanh chủ đề về hai hài cốt nữ trong mộ Tào Tháo được đăng trên trang
Ifeng.com vào ngày 9/6/2010, có đoạn viết: Theo kết quả giám định của tiến sĩ Vương Minh Huy – chuyên gia giám định thuộc Phòng nghiên cứu khảo cổ, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, trong hai hài cốt nữ, một người chừng 50 tuổi (ban đầu công bố là “40 tuổi”), người còn lại khoảng 20 tuổi.
Bài viết này được trích từ cuốn: “Tam quốc đại mộ” của tác giả Nghê Phương Lục, do Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô xuất bản. Tác giả cũng đặt ra vấn đề, nếu nói hài cốt nam 60 tuổi là Tào Tháo, vậy, hai người phụ nữ kia có quan hệ gì với nhân vật nổi tiếng trong lịch sử này và họ là ai? Theo tác giả, xét theo phong tục tùy táng, hai người phụ nữ này chỉ có thể là thê thiếp của Tào Tháo….