Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Công tác nghiên cứu, sưu tầm

Với chức năng xây dựng kế hoạch và thực hiện thám sát, khảo sát, khai quật khảo cổ học, thực hiện các dự án và chương trình hợp tác nghiên cứu về khảo cổ học trong và ngoài nước, BTLSQG là một trong ba trung tâm nghiên cứu khảo cổ học lớn trong cả nước. Trong những năm qua, Bảo tàng đã đóng góp tích cực vào việc phát hiện, nghiên cứu khai quật các di tích thuộc nhiều thời đại lịch sử khác nhau, đặc biệt là giai đoạn Tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Các nhà khảo cổ học của bảo tàng là một trong những người tiên phong trong nghiên cứu táng thức mộ thuyền văn hóa Đông Sơn. Một số phát hiện được coi là một trong những thành tựu quan trọng đã được đưa vào các giáo trình dùng để giảng dạy bộ môn khảo cổ học. Rất nhiều sưu tập hiện vật có giá trị thu được qua khai quật đã bổ sung phong phú thêm nguồn hiện vật cho trưng bày của Bảo tàng hiện tại và dự án xây dựng BTLSQG mới trong tương lai.

1

Phế tích kiến trúc tháp Champa (Cấm Mít, Đà Nẵng)


Bảo tàng hiện là cơ quan duy nhất trong nước triển khai hoạt động khảo cổ học dưới nước. Nhiều con tàu đắm đã được các chuyên gia của Bảo tàng phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành khai quật như: tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa-Vũng Tàu), tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tàu cổ Cà Mau, tàu cổ Bình Thuận, tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang), tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi)…Nhiều cuộc khai quật với qui mô lớn, được giới chuyên môn đánh giá cao (di chỉ mộ táng Bãi Cọi ở Hà Tĩnh; di tích kiến trúc thời Lý ở Nam Định; di tích Champa ở Đà Nẵng…). Bảo tàng hiện đang phối hợp triển khai nhiều dự án khai quật khảo cổ học với các đối tác nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…Kết quả khai quật luôn được thể hiện qua các báo cáo khoa học, ảnh tư liệu, bản vẽ, hồ sơ di tích, di vật, phục chế, phục dựng, bảo quản, lưu giữ, trưng bày, xuất bản ấn phẩm…

2

Cán bộ BTLSQG tham quan, học tập nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước tại Hàn Quốc, tháng 6-2013.

3

TSNguyễn Văn Cường - Giám đốc BTLSQG phát biểu khai mạc Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát và khai quật thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh), ngày 30-12-2014.

4

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức tiếp nhận sưu tập bản đồ và tư liệu của TS. Mai Hồng hiến tặng, năm 2012.

5

Cán bộ chuyên môn BTLSQG tham dự buổi nói chuyện về công tác phục dựng, bảo quản hiện vật sau sưu tầm, tháng 5-2014.

BTLSQG thường xuyên quan tâm việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề cương và tổ chức thực hiện sưu tầm tài liệu, hiện vật, trong đó có các hiện vật thời kỳ cận, hiện đại. Nhiều sưu tập tài liệu, hiện vật quý hiếm, có giá trị nội dung lịch sử được sưu tầm bổ sung kho cơ sở và phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, trưng bày, giáo dục công chúng, truyền thông..... Là địa chỉ tin cậy - nơi lưu giữ, bảo quản cẩn trọng và phát huy có hiệu quả các di sản lịch sử văn hóa, Bảo tàng luôn trân trọng và sẵn sàng tiếp nhận tài liệu, hiện vật của các tổ chức, cá nhân hiến tặng cho Bảo tàng.

BTLSQG còn có chức năng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác nghiên cứu sưu tầm, khai quật khảo cổ học cho các bảo tàng, di tích, tổ chức, cá nhân phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao; tư vấn, giám định hiện vật cho các bảo tàng địa phương, hiện vật trong các di tích lịch sử như đình, đền, chùa, hiện vật thuộc sưu tập tư nhân có nhu cầu. Nhiều nhà khảo cổ học của bảo tàng là uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, ủy viên Hội đồng giám định cổ vật của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tham gia giảng dạy, đào tạo đại học, sau đại học tại nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước.