Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Công tác Quản lý hiện vật

Trên cơ sở kế thừa khối di sản của hai bảo tàng (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam) đã có bề dày hơn 50 năm phát triển, BTLSQG hiện đang lưu giữ, bảo quản một khối lượng tài sản vô giá với gần 200.000 tài liệu, hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu có niên đại kéo dài từ thời nguyên thủy đến ngày nay. Qua 5 đợt xét duyệt, đến nay BTLSQG có 18 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến hết triều Nguyễn năm 1945 có gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, trong đó có nhiều sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như: Sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm (Hòa Bình – Bắc Sơn); Văn hóa Đông Sơn; Gốm men cổ Việt Nam; Đồ đồng thời Lê Nguyễn; Sưu tập kim sách, ấn, kiếm vàng; Điêu khắc đá Champa; sưu tập cổ vật của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á... Khối hiện vật này có nhiều nguồn khác nhau: một phần tiếp nhận từ Bảo tàng Louis Finot trước 1954, hiện vật hiến tặng của nhân dân trong nước, một phần tiếp nhận từ các cơ quan công an, hải quan thu giữ qua kiểm tra buôn bán trái phép từ sau 1954 đến nay hoặc do trao đổi, chuyển nhượng, một phần hiện vật được sưu tầm thông qua các đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ học. Đặc biệt những năm gần đây, BTLSQG trực tiếp tham gia và tiếp nhận các sưu tập hiện vật khai quật từ 6 con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam: Tàu cổ Hòn Cau, Tàu cổ Hòn Dầm, tàu cổ Cù Lao Chàm, tàu cổ Cà Mau, tàu cổ Bình Thuận, tàu cổ Bình Châu. Riêng Tàu cổ Cù Lao Chàm đã nhập vào kho bảo tàng gần 5.000 hiện vật, trong đó có sưu tập hiện vật độc bản.

1

Lập hồ sơ khoa học sưu tập hiện vật thời kỳ Đá mới.

Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay có khoảng 83.000 tài liệu, hiện vật quý về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng qua các thời kỳ, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật có giá trị như: sưu tập báo chí cách mạng Việt Nam trước năm 1945, sưu tập hiện vật Cách mạng tháng Tám năm 1945, sưu tập hiện vật thời chống Mỹ cứu nước, sưu tập hiện vật của các anh hùng trong chiến đấu và lao động, sưu tập tặng phẩm của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới tặng Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; S­ưu tập huy hiệu và huân huy ch­ương thời kỳ cận đại; S­ưu tập dấu; S­ưu tập vũ khí thô sơ, tự tạo của nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; S­ưu tập truyền đơn; S­ưu tập áp phích, tranh cổ động; S­ưu tập hiện vật về thời kỳ đổi mới (1986 đến nay) v.v... Ngoài ra, gần 200.000 thư, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân gửi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm trước 1960 cũng đang được lưu giữ.

2

Lập hồ sơ khoa học sưu tập Bảo vật triều Nguyễn phục vụ trưng bày Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam, tháng 6-2014.

Trong những năm qua, hệ thống kho hiện vật của Bảo tàng đã được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục như: cải tạo môi trường ổn định phù hợp với từng chất liệu bảo quản; tăng cường thiết bị, tủ bục thiết kế theo yêu cầu của mỗi chủng loại và chất liệu hiện vật; trang bị hệ thống máy điều hoà và các phương tiện hút ẩm, thông gió, báo cháy, báo động, ánh sáng hợp lý. Để làm tốt công tác quản lý và phát huy hiệu quả nhất khối tài sản quốc gia, công tác đăng ký nhập hiện vật đã được thực hiện theo quy trình thống nhất, khoa học. Hệ thống phiếu, sổ sách đã được sắp xếp và bổ sung thông tin. Đặc biệt, Bảo tàng đã áp dụng công nghệ tin học, từng bước triển khai công tác số hóa, tư liệu hóa vào việc quản lý hiện vật. Nhìn chung, hiện vật được lưu giữ, bảo quản trong kho của BTLSQG đã được kiểm kê, xác định giá trị và phân loại thành những sưu tập một cách khoa học.