Unesco và Irắc vừa ký kết một thỏa thuận về việc bảo tồn và quản lý Di sản thế giới thành phố khảo cổ Samarra. Dự án này sẽ bắt đầu với việc phục hồi Nhà thờ Hồi giáo lớn và ngọn tháp Al-Malwiyah. Di chỉ này đã có mặt trong danh sách Di sản thế giới đang bị đe dọa từ năm 2007.
Thỏa thuận đã được ký kết tại trụ sở của Unesco ở Paris, do ông Ahmed Abdullah Abed Abed, Bộ trưởng Bộ Nhà nước và các vấn đề Ngoại giao Irắc; Ông Ammar Hikmeit Abdulhasan, phó thống đốc tỉnh Salah-Al-Din và Bà Irina Bokova - Tổng giám đốc của Unesco tham gia ký kết.
Tất cả các thành viên tham dự sự kiện này đều nhấn mạnh: thỏa thuận này đánh dấu một cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ di sản văn hóa của Irắc đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Tổng giám đốc Unesco, bà Irina Bokova phát biểu: “Ngay khi những kẻ cực đoan tìm cách hủy diệt nền văn hóa và bức hại con người vì những lý do về văn hóa và tôn giáo, chúng ta cần phải có nhiều kiến thức, hiểu biết, nhiều biện pháp bảo vệ hơn nữa và đó chính là những gì mà chúng ta đang làm ngày hôm nay”.
Ông Ahmed Abdullah Abed Abed mô tả di chỉ Samara là “một trong những địa điểm tiêu biểu nhất của nền văn minh Hồi giáo” và cho rằng việc bảo quản di chỉ này là một yếu tố quan trọng trong cuộc đấu tranh chống khủng bố các công trình, tác phẩm văn hóa ở Irắc. Ông cảnh báo: “Sự khủng bố mà chúng ta đang phải đối mặt là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước ta và đối với tất cả các di chỉ văn hóa. Khủng bố không còn giới hạn trong một quốc gia, nó có thể tấn công bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu”.
Giai đoạn đầu của dự án bảo tồn sẽ kéo dài trong 18 tháng và dự kiến như sau:
- Đánh giá và thực hiện giám sát tình trạng bảo tồn của di sản thế giới này trong việc triển khai dự án.
- Tăng cường năng lực về kỹ thuật và quản lý ở các cấp địa phương thông qua trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, đào tạo các nhà khảo cổ học, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, các kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà quản lý di sản và tất cả các chuyên gia tham gia vào lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản.
- Hỗ trợ chính quyền Irắc xem xét dự thảo đón tiếp du khách hiện nay và dự án xây dựng một bảo tàng trên khu vực di chỉ.
- Dự kiến thực hiện Kế hoạch quản lý Di sản thế giới thành phố khảo cổ học Samarra phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
- Thiết lập một kế hoạch bảo tồn cho Nhà thờ Hồi giáo lớn và ngọn tháp Al-Melwiyah, đây là một phần của Di sản thế giới thành phố khảo cổ Samarra, theo các tiêu chuẩn quốc tế.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc bảo tồn các nguồn tài nguyên lịch sử và khảo cổ học, nâng cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua việc công bố các phương thức thích hợp, ví dụ như những cuốn sách minh họa.
Dự án được cấp vốn 853 000 đô la.
Ông Mahmoud Al-Mullakhalaf, Đại sứ, đại biểu thường trực của Irắc tại tổ chức Unesco cũng tham dự buổi lễ, Ông bày tỏ niềm hy vọng trong việc mở rộng hợp tác với Unesco về những di sản khác, trong lĩnh vực hoạt động khác, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Ông Farid Moustafa Kamil Yasseen, Đại sứ của Irắc tại Pháp cũng có mặt tại buổi lễ.
Thành phố khảo cổ học Samara có các chứng tích của một thành phố hồi giáo, là một địa điểm quan trọng của Đế chế Abbasid vào thế kỷ thứ 9, lãnh thổ Đế chế này trải dài từ Tunisi sang đến Trung Á. Thành phố nằm bên bờ sông Tigre, cách 130 km về phía Bắc của thủ đô Baghdad. Thành phố là minh chứng cho những đổi mới kiến trúc và nghệ thuật đã phát triển ở thời kỳ này và lan ra cả những vùng khác trong thế giới Hồi giáo và xa hơn nữa. Nhà thờ Hồi giáo lớn và ngọn tháp Malwiya hình nón lớn với một con đường dẫn lên đỉnh hình xoắn ốc, có niên đại từ thế kỷ thứ 9, là một trong nhiều công trình quan trọng của thành phố khảo cổ học này.
Nguyễn Thúy (sưu tầm)
http://whc.unesco.org/