Năm 1946, phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội tiễn Người đi thăm nước Pháp tổ chức ở Việt Nam học xá, Hồ Chí Minh nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân; Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó. Bất kì ở đâu, bất kì lúc nào, tôi cũng chỉ có một tâm nguyện: làm cho ích quốc, lợi dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, CTQG, H, 2011, tr. 240)
Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành năm 2014 đánh giá:
“Cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh là một chuỗi những năm tháng vô cùng gian khổ. Hai lần ngồi tù, một lần bị tuyên án tử hình, có giai đoạn hoạt động sôi nổi, được đánh giá rất cao, có giai đoạn bị hiểu lầm, nghi kị, không được giao nhiệm vụ… Song nhờ ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, kiên cường, chủ động vượt qua thử thách, gian nguy, kiên trì mục đích sống, bảo vệ chân lí, giữ vững quan điểm cách mạng của mình”.
Từ lúc thiếu niên cho đến khi về với cõi người hiền, Bác Hồ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, người dân làm nô lệ, Hồ Chí Minh từ một người yêu nước đã trở thành người cộng sản. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác đã đi đến nhiều nơi ở các châu lục trên thế giới, làm nhiều nghề lao động khác nhau vừa để kiếm sống, vừa hoạt động. Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, Bác luôn có hoài bão Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, Người chỉ có một ham muốn, “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác đã dành trọn cả cuộc đời phấn đấu vì nước, vì dân. Với đạo đức trong sáng, tác phong khiêm tốn, giản dị, Bác Hồ đã trở thành tấm gương đạo đức sáng ngời về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Nghiên cứu tiểu sử của Người, chúng ta dễ nhận ra ba cụm từ Người nói năm 1946: ẩn nấp nơi núi non, ra vào trốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, không chỉ là nghĩa bóng, mà đã và sẽ diễn ra như cuộc đời thực của Người.
Ngày 28 tháng Giêng năm 1941, trở về nước sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, người từ năm 1924 đã được Quốc tế Cộng sản xếp vào hàng ngũ lãnh đạo trẻ tuổi - cùng các đồng chí của mình ở và làm việc trong hang đá và rừng sâu của Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, Chính phủ Hồ Chí Minh về làm việc ở Hà Nội. Nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, xem xét tương quan lực lượng và dã tâm của thực dân Pháp, Người tiên đoán “sẽ phải trở lại Tân Trào một lần nữa”. Quả vậy, sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chuyển về Tân Trào. Và lần này việc ở rừng kéo dài 9 năm, đến tận sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Tuy rất cảnh giác và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động bí mật, song trước sự truy lùng gắt gao của chủ nghĩa đế quốc quốc tế, Nguyễn Ái Quốc- người mang án tử hình của chế độ Nam Triều, người mang nhiều lệnh truy nã của các nước đế quốc - đã 2 lần sa vào tay giặc. Năm 1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông. Thực dân Pháp vô cùng hí hửng đã tìm mọi cách để yêu cầu người Anh cho dẫn độ Người về Việt Nam. Song cái tội: yêu nước chống Pháp xâm lược của Nguyễn Ái Quốc không thể bị kết tội ở Anh, lại nhờ Quốc tế Đỏ vận động can thiệp, nhất là sự bảo vệ hết sức hiệu quả của Luật sư F. H. Loseby và các cộng sự, trải qua 9 phiên tòa xét xử, cuối cùng nhà cầm quyền Anh phải trả tự do cho Người...Sau hơn một năm ở Trung Quốc bơ vơ, mất liên lạc với Đảng ta và Quốc tế Cộng sản, mãi tới giữa năm 1934, thông qua bà Tống Khánh Linh và Paul Vaillant-Couturier, Nguyễn Ái Quốc mới trở lại với những người đồng chí ở Matxcơva.
Năm 1942, trên đường từ Pắc Bó đến Trùng Khánh để liên lạc với tổ chức chống phát xít Nhật quốc tế, Hồ Chí Minh bị nhà cầm quyền Quốc dân Đảng Trung Hoa bắt trái phép ở Quảng Tây. Hơn một năm trời bị giam trong ngục tù Quốc dân Đảng, Người đã phải qua bao cực hình cay đắng. Chân bị xích, tay bị trói, bị giải đi giải lại suốt 30 nhà lao của 18 huyện thành trên đất Quảng Tây. Trong những ngày vô cùng cực khổ ấy, Người đã để lại cho đời một di sản vô giá, một áng hùng văn thể hiện khí phách, tâm hồn trong sáng, lạc quan cách mạng đến ngạc nhiên: tập thơ Nhật kí trong tù.
Trang bìa cuốn Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 1942-1943
Từ 1919, sau khi gửi Hội nghị Véc-xây yêu sách 8 điểm, Nguyễn Ái Quốc đã “lọt vào tầm ngắm” và được sự “chăm sóc đặc biệt” của mật thám Pháp. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm được từ lưu trữ Pháp hàng ngàn trang tài liệu của mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc hàng ngày. Trong đó họ đã lên nhiều kế hoạch, có lần lên cả sơ đồ vây ráp để bắt Nguyễn Ái Quốc. Song trước sau Người đều thoát hiểm tài tình. Năm 1950, Hồ Chí Minh đã trực tiếp đi chiến dịch Biên Giới và trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã cùng Trung ương, Chính phủ vượt qua mọi sự tấn công của kẻ thù, bình tĩnh, quyết đoán lãnh đạo toàn dân kháng chiến đến thành công.
Đúng như đánh giá của Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, giai đoạn 1919-1924, là giai đoạn Nguyễn Ái Quốc hoạt động sôi nổi, được đánh giá rất cao. Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở lại Pháp, tìm việc làm ở Paris. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương Lênin đăng trên báo Nhân Đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương đã chỉ cho Người con đường đang đi tìm. Từ đây Người bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Lênin và dần dần nhận ra rằng đây là con đường duy nhất để giải phóng các dân tộc thuộc địa. Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tổ chức ở Tua, khi phải lựa chọn tiếp tục ở lại Quốc tế II hay tham gia Quốc tế III của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã kiên quyết chọn Quốc tế III - lí do là vì quốc tế này bênh vực các dân tộc thuộc địa. Sự kiên định này, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Năm 1921, để tập hợp các lực lượng cùng chí hướng, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí châu Á có mặt ở Paris sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, Hội ra tờ báo :”Người cùng khổ” làm cơ quan ngôn luận của Hội. Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ bút, vừa là phóng viên, vừa là người biên tập chính.
Những hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao. Người được Đảng cử tham gia Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Pháp sang Nga dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản. Tháng 6 năm 1923, Người đến Pêtôgrat, Nga. Do Lênin đang ốm nặng, Đại hội Quốc tế Cộng sản hoãn họp, nên Người được cử đi học lớp ngắn hạn của Trường Đại học Phương Đông (Người đã 3 lần được Quốc tế Cộng sản cử đi đào tạo bài bản: 1923, học Đại học Phương Đông; 1934 học Trường Quốc tế Lênin; 1935 làm Nghiên cứu sinh của Viện các Dân tộc và thuộc địa). Tháng 5 năm 1924, Người cùng Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Pháp dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản và Người được mời phát biểu tham luận tại Đại hội. Cùng năm đó Người liên tiếp được mời dự Đại hội Quốc tế Nông dân, được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Quốc tế Nông dân; dự Đại hội Quốc tế Thanh niên, Đại hội Quốc tế Công hội Đỏ…Ngày mùng 1-5-1924, Người được mời phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Mátxcơva ở trên Đồi Lênin. Năm 1924, Báo Projecto (Đèn chiếu) đăng ảnh Nguyễn Ái Quốc cùng 12 chiến sĩ quốc tế với dòng chú thích: “Các lãnh tụ chủ chốt của giai cấp vô sản thế giới”.
Năm 1924 Người về Quảng Châu, tập hợp những người Việt Nam yêu nước thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện, thành lập Cộng sản Đoàn... chuẩn bị các điều kiện về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sách “Đường Kách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc xuất bản ở Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1927
Đầu năm 1930, Người triệu tập các tổ chức cộng sản Việt Nam họp ở Hồng Kông, quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Lời kêu gọi... do Người soạn thảo.
Tuy nhiên, những sáng kiến tuyệt vời của Nguyễn Ái Quốc trong việc huy động sức mạnh toàn dân tộc, tranh thủ mọi lực lượng, mọi giai cấp ngoài giai cấp vô sản cho công cuộc giải phóng, lại bị một số đồng chí lãnh đạo Quốc tế Cộng sản do không nắm bắt được tình hình phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam, không nắm được khát vọng giải phóng dân tộc của đại bộ phận dân tộc Việt Nam, lại đang mắc bệnh “tả khuynh”, nên không đồng tình, thậm chí còn chụp cho Người chiếc mũ “dân tộc chủ nghĩa”.
Nhờ hiểu rõ tình hình và đặc điểm dân tộc và giai cấp ở Đông Dương, Hồ Chí Minh đã chủ trương giải quyết hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ theo kiểu riêng của Đông Dương, với bước đi và cách làm phù hợp. Nhưng sau khi bộc lộ quan điểm ấy ở Hội nghị thành lập Đảng và không được Quốc tế Cộng sản chấp nhận, Người đã thể hiện tính tổ chức và tính kỷ luật cao trước Quốc tế Cộng sản, mà thể hiện cao nhất là với cương vị chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930. Hồ Chí Minh đã tán thành Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo, tán thành Án nghị quyết của Hội nghị, cho dù Luận cương và Án nghị quyết ấy phủ nhận những văn bản mà Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua. Thậm chí sau đó 6 tháng, vào tháng 4 năm 1931, Hồ Chí Minh còn có thư phê bình Xứ ủy Trung kỳ chưa chịu đổi tên Đảng theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản(1).
Thực tế nghiệt ngã của cuộc đấu tranh và nhất là trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phát xít ngày một tới gần, Quốc tế Cộng sản và những người Cộng sản Việt Nam đã dần dần nhận ra chân lý. Từ tháng 10 năm 1936, những văn kiện của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiếp cận được với tư tưởng Hồ Chí Minh, và tới Hội nghị Trung ương tháng 5 năm 1941, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức của Trung ương Đảng đã hoàn toàn thống nhất. Từ đây, dưới bàn tay chèo lái của Hồ Chí Minh, con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi thác ghềnh mà vươn tới: Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ thắng lợi. đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong ngày Lễ mừng Thủ đô giải phóng, Hà N
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Chính phủ trong ngày lễ mừng Thủ đô giải phóng, Hà Nội, ngày 1-1-1955
Thực hiện Hiệp định Giơnevơ 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đất nước ta tạm thời bị chia làm 2 miền. Là linh hồn của Đảng và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã tổ chức, lãnh đạo toàn dân tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng với hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền: xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Người vạch ra những bước đi đầu tiên của Chủ nghĩa Xã hội, trực tiếp quyết định đường lối giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ và đồng tình của bạn bè quốc tế. Với bộ quần áo ka ki giản dị và đôi dép cao su huyền thoại, trong 15 năm từ 1954 đến 1969, Người đã dành hơn 900 lần về với cơ sở, đến với hợp tác xã, công trường, xí nghiệp, trận địa pháo cao xạ... mang đến cho mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong... sự động viên chân thành, tình cảm thiết tha và sự yêu thương trìu mến.
Áp phích: Theo con đường Bác Hồ đã chọn
Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1969, vì tuổi cao, sức yếu lại bị di chứng vì lao tù đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về với cõi vĩnh hằng. Trước khi đi xa, Người đã dành 5 năm để chuẩn bị những lời dặn lại toàn Đảng, toàn dân. Thực hiện di huấn của Người, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng chung quanh Ban chấp hành Trung ương Đảng, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, thu non sông về một mối. 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay chúng ta vui mừng báo cáo với Bác đã thực hiện xuất sắc lời Bác dặn. Đất nước ta đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, kinh tế phát triển, dân ta ấm no, hạnh phúc hơn, uy tín quốc tế ngày một nâng cao...Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa làm theo lời Bác dạy, còn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vun vén cho mình và nhóm lợi ích của mình, ở một số nơi đời sống nhân dân chưa được cải thiện, văn hóa, đạo đức có lúc có nơi còn xuống cấp...song bức tranh đổi mới tổng thể và xu thế phát triển lành mạnh vẫn đang là chủ đạo. Tấm gương cả cuộc đời vì nước vì dân của Người đã và đang lay động trái tim, khối óc của hàng triệu triệu người. Cuộc vận động học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh do Đảng ta khởi xướng đang ngày càng trở thành phong trào quần chúng mạnh mẽ, tự giác, tích cực, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.
Hà Nội, tháng 5-2019
TS. Chu Đức Tính
Ths. Trần Thu Hà