Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/01/2018 23:36 1637
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)

Trong kho tàng tư tưởng vô cùng quý báu Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân ta, có tư tưởng về thi đua yêu nước. Phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo có từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được tiếp tục duy trì, phát huy trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Cách đây 65 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn đang gay go, ác liệt, ngày 27/3/ 1948, theo sáng kiến của Người, Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào Thi đua ái quốc. Ngày 1/6/1948, Bác ký sắc lệnh 195-SL thành lập Ban vận động Thi đua ái quốc từ Trung ương đến các địa phương. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, trong đó, Người đã nêu cụ thể cho từng giới đồng bào: “Sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già, trẻ, toàn thể quốc dân ta vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua ái quốc” (1)

Sắc lệnh 195- SL

Sắc lệnh 195-SL thành lập Ban vận động Thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương (1/6/1948) (ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Ái quốc là yêu nước. Thi đua ái quốc là phải nâng cao lòng yêu nước nồng nàn và ý thức giác ngộ chính trị cao của mọi người, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (2) . Mục tiêu của thi đua là hướng vào ba vấn đề lớn, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài của cách mạng nước ta: “Diệt giặc đói”, “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc ngoại xâm”, làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Vậy là, thi đua ái quốc kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, thi đua ái quốc đã đi vào lòng người và trở thành sức mạnh vật chất lớn lao. Về cách vận động, tổ chức và chỉ đạo thi đua, Bác nói: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”. Câu nói này của Người tuy ngắn gọn, nhưng chứa đựng toàn bộ nội dung và phương thức hoạt động của thi đua.

Một là, thi đua riêng, từng người. Người căn dặn: “Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm…Kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực” (3) .Giải thích để mỗi người dân nhận thức được rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc…Mỗi người dân khi đã hiểu rõ thì mọi khó khăn đều có thể giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được. Hai là, thi đua chung, từng nhóm người, như các bộ đội, các nhà máy, các trường học, các công sở…Mỗi người, mỗi đoàn thể phải theo công việc, nghề nghiệp của mình mà có nội dung thi đua cho phù hợp với hoàn cảnh, với công việc.

Sau đó, để thi đua phát triển rộng rãi, mạnh mẽ, liên tục,cần có sự lãnh đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể bảo đảm các mặt hoạt động thi đua ăn khớp với nhau và lãnh đạo các cấp, các ngành đặc biệt là cấp ủy, đảng viên phải gương mẫu đi trước, lôi cuốn mọi người noi theo, như Bác đã chỉ thị: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” (4) . Để nuôi dưỡng phong trào thì sau mỗi đợt thi đua, mỗi phong trào thi đua, phải tiến hành sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương và khen thưởng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, ngày 1/5/1952 ( ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Bác rất chú ý tới việc biểu dương, nêu gương và vai trò, tác dụng của việc biểu dương, nêu gương. Bác viết: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới, cần kịp thời nêu gương ai làm tốt, kịp thời giúp đỡ sửa chữa ai làm xấu. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Bác luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước và đề ra những nội dung, mục đích cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử.

Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ chỉ rõ mục đích của phong trào thi đua yêu nước là: “ Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Quân đội ta thi đua giết giặc lập công…để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội” (5) .

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng chụp ảnh lưu niệm với các anh hùng chiến sĩ thi đua tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ 3, tháng 5 năm 1962 ( ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ và rộng khắp với khẩu hiệu: “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”; “Hậu phương thi đua với tiền tuyến”…Ở miền Nam có phong trào thi đua “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Trong nông nghiệp có phong trào thi đua “Đại Phong”; trong công nghiệp có “Duyên Hải”; quân đội có “Ba nhất”; giáo dục có “Bắc Lý”; các lực lượng vũ trang nhân dân nêu cao khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”; “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; Giai cấp công nhân, nông dân thì: “Chắc tay súng, vững tay cày”; thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”; phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang; giáo viên, học sinh có phong trào “Hai tốt”; thiếu niên nhi đồng có phong trào “Làm nghìn việc tốt”; mọi ngành, mọi người “Thi đua làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”…Thi đua ái quốc, tiếp theo là phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn cả một dân tộc, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành, mọi lĩnh vực tham gia, đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Tất cả những phong trào thi đua đó, không chỉ đưa cách mạng đến thắng lợi huy hoàng, mà còn là mực thước, kinh nghiệm cho Thi đua ái quốc của chúng ta ngày nay.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh lưu niệm với các đơn vị lá cờ đầu (HTX Đại Phong, Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, Bệnh xá Vân Đình, Trường Phổ thông Bắc Lý...) tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ 3, tháng 5 năm 1962 (ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Hiện nay, Đảng ta đề xướng và lãnh đạo Công cuộc đổi mới, thực chất đấy là cuộc thi đua yêu nước vĩ đại của dân tộc ta, mà mục tiêu thi đua là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đem lại lợi ích cho từng cá nhân, gia đình, tổ chức…Nội dung Thi đua ái quốc  trong hành trình của thế kỷ XXI mà Đảng ta, Nhà nước ta, mọi giới đồng bào, mọi ngành, mọi người đều cố gắng thi đua thực hiện theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ôn lại những điều Bác dạy về Thi đua ái quốc cũng chính là thiết thực học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)  

Chú thích:

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, t.5, tr 419.

(2).Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, t.6, tr 473.

(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, t.6, tr 270.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, t.12, tr 438.

(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, t.6, tr 469.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4817

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ấp Bắc(2/1/1963-2/1/2013): Bẻ bãy chiến thuật “trực thăng vận” “thiết xa vận” của Mỹ - Ngụy

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ấp Bắc(2/1/1963-2/1/2013): Bẻ bãy chiến thuật “trực thăng vận” “thiết xa vận” của Mỹ - Ngụy

  • 27/01/2018 23:36
  • 1723

Ấp Bắc là một ấp nhỏ chưa đầy 600 dân thuộc xã Tân Phú, quận Cai Lậy (cách thị xã Mỹ Tho 15 km), Định Tường (nay là huyện Cai Lậy, Tiền Giang).