Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Construction Investment Project National Museum History)

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Construction Investment Project National Museum History)

Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg ngày 19/11/2006. Tại Quyết định này, Thủ tướng phê duyệt 6 vấn đề cụ thể trong Đề án; trong đó có các phần:

Cấu trúc nội dung trưng bày, sưu tầm bổ sung tài liệu hiện vật mới và đào tạo nguồn nhân lực Bảo tàng Lịch sử quốc gia như sau:

a) Bảo tàng Lịch sử quốc gia bao gồm các khu chức năng chính:

- Khu trưng bày theo tiến trình lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ lớn: thời kỳ tiền sử, thời kỳ dựng nước đầu tiên, thời kỳ từ cuối thế kỷ II trước công nguyên đến thế kỷ X sau công nguyên, thời kỳ từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX và thời kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay;

- Các tuyến trưng bày chuyên đề và sưu tập bổ trợ cho hệ thống trưng bày theo tiến trình lịch sử;

- Không gian “Khám phá - Sáng tạo” và trưng bày dành cho tuổi trẻ;

- Không gian trưng bày ngoài trời và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống;

- Khu tưởng niệm danh nhân lịch sử, danh nhân cách mạng và danh nhân văn hóa - khoa học đặt ở vị trí trang trọng theo truyền thống và tình cảm người Việt Nam nhằm tôn vinh công lao to lớn, những giá trị tiêu biểu nhất của danh nhân qua mỗi thời đại, của thời đại Hồ Chí Minh.

b) Căn cứ vào cấu trúc nội dung trưng bày, Bộ Văn hóa - Thông tin xây dựng nội dung chi tiết và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

c) Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hàng năm về công tác sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật mới và đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia đi vào hoạt động.

Sơ đồ quy hoạch tổng thể Khu đô thị Tây Hồ Tây.

Về địa điểm xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Địa điểm xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Khu A, ô đất số 7 trong công viên Hữu Nghị thuộc Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; quy mô nghiên cứu sử dụng đất khoảng 10 ha, trong khuôn viên 28 ha của Công viên Hữu Nghị.

Các yêu cầu về giải pháp kiến trúc và kỹ thuật

-Về kiến trúc: Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải là một tổ hợp công trình kiến trúc được thiết kế, xây dựng đảm bảo tính dân tộc và hiện đại, có tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu sử dụng và chất lượng cao. Hình thức kiến trúc đẹp, tổ chức không gian linh hoạt, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu mang tính đặc thù chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng; trang trí nội, ngoại thất phù hợp với yêu cầu sử dụng và thể hiện được tính dân tộc;

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là công trình văn hóa lớn, có ý nghĩa lâu dài; cần tổ chức thi tuyển quốc tế về thiết kế kiến trúc công trình để lựa chọn phương án tốt nhất.

Thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài về kỹ thuật trưng bày bảo tàng.

-Về kỹ thuật: các hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị cho công trình đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, độ tin cậy cao, an toàn, dễ sử dụng, tiết kiệm năng lượng và tính kinh tế, đảm bảo các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường. Có lối đi riêng và phương tiện giao thông cho người tàn tật.

Tiếp đó tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia và cử một Phó Thủ tướng làm trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên gồm: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban thường trực; Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó trưởng Ban, và các ủy viên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia và Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Xây dựng).

Trao thưởng cuộc thi thiết kế kiến trúc BTLSQG (Ảnh: BQLDA)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là công trình do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Phối hợp với UBND thành phố Hà Nội giải phóng mặt bằng; Rà phá bom mìn, xây dựng nhà chỉ huy công trình. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư dự án thành phần nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia; chịu trách nhiệm về yêu cầu, nội dung chuyên môn của dự án, nội dung trưng bày và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia; tổ chức lập dự án và sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật mới và lập dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ để nhận bàn giao và quản lý, sử dụng công trình khi hoàn thành. Tiến hành các thủ tục về mặt tổ chức sáp nhập Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng, sau một thời gian nghiên cứu lập Dự án; tổ chức cuộc thi quốc tế lập các phương án thiết kế (có 18 phương án dự thi tuyển); thành lập Hội đồng thi tuyển gồm các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế; tổ chức trưng bày lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các kiến trúc sư, các nhà quản lý bảo tàng và của đông đảo nhân dân trong nước; Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa Thể thao đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thiết kếđạt giải A của Công ty Nikken Sekkey Ltd (Nhật Bản)

Phối cảnh góc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lựa chọn phương án kiến trúc của Cty Nikken Sekkei làm phương án xây dựng Bảo tàng. Hiện nay, Cty Nikken Sekkei là đơn vị đạt giải A trong cuộc thi tuyển thiết kế nhà thầu được chỉ định lập dự án, thiết kế kiến trúc công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 61/TTr-BXD ngày 22 tháng 8 năm 2012 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Dự án đầu tư xây dựng bảo tàng Lịch sử quốc gia do nhà thầu thiết kế Nikken Sekkei Nhật Bản thực hiện theo hợp đồng kinh tế đã được ký kết (Dự án đầu tư, Bản vẽ thiết kế cơ sở, Bản thuyết minh bản vẽ thiết kế cơ sở phần thiết kế kiến trúc, chưa bao gồm phần nội dung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện).

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: đã thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng khoa học của Bộ giúp Bộ trưởng chỉ đạo, điều hành và cố vấn về mặt khoa học cho phần nội dung trưng bày; Thành lập Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày nằm trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia giúp Bộ trưởng quản lý, tổ chức thực hiện những hạng mục công việc thuộc dự án thành phần mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ thực hiện; Tiến hành các phần việc thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Lập Dự án đào tạo nguồn nhân lực; Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật, xây dựng nội dung trưng bày, chuẩn bị công tác tư liệu hóa, số hóa hiện vật, tu sửa, phục chế tài liệu hiện vật; Xây dựng trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề cương tổng quát để làm cơ sở tổ chức thực hiện các bước tiếp theo;

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng Đề cương tổng quát Nội dung và hình thức trưng bày BTLSQG (Ảnh: Giang Sơn)

Đã trình và được Thủ tướng quyết định sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhằm huy động mọi nguồn lực hiện có tập trung xây dựng nội dung Bảo tàng.

Trên cơ sở lựa chọn nghiêm túc Hồ sơ của 4 nhà thầu tư vấn thuộc các quốc gia Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn được một nhà thầu có đủ khả năng và điểu kiện thực hiện gói thầu và đã có Tờ trình số 1980/TTr-BVHTTDL ngày 18 tháng 6 năm 2012 gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu Tư vấn thiết kế trưng bày, thiết kế hệ thống kỹ thuật, mỹ thuật Bảo tàng Lịch sử quốc gia để kịp thời phối hợp với nhà thầu thiết kế kiến trúc Nikken Sekkei Nhật Bản nhằm đảm bảo tính đồng bộ tránh lãng phí và quyết định sự thành công của công trình.

Tổng diện tích khu đất: 10ha trong khuôn viên 28 ha của Công viên Hữu Nghị; bao gồm: diện tích xây dựng công trình: 30.000m2; diện tích trưng bày ngoài trời: 30.000 m2; khu tưởng niệm danh nhân: 1520 m2; diện tích hoạt động văn hóa cộng đồng: 10.000 m2; diện tích cây xanh sân vườn, giao thông nội bộ: 30.000 m2; tổng diện tích sàn: 91.890 m2; mật độ xây dựng 27,83%.

Các hạng mục công trình gồm:

1- Tòa nhà chính: Diện tổng diện tích khu đất: 20.483,63m2; diện tích xây dựng: 89.980 m2; chiều cao tối đa: 32,5 m; chiều sâu tầng hầm: 6,7m;

- Khu vực đại sảnh: 6.600 m2

- Kho lưu trữ hiện vật: 16.870 m2;

- Khu vực trưng bày: 28.700 m2; chiều cao tầng; khoảng 7 tầng.

- Không gian bảo quản và phục chế: 3.350m2;

- Khu khám phá sáng tạo: 3.220 m2;

- Phòng chụp ảnh: 200m2

- Không gian phục vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học: 3.700 m2

- Phòng hội trưởng, hội thảo, chiếu phim tư liệu: 3.150 m2;

- Khu hành chính, nghiệp vụ, phục vụ làm việc: 4.630 m2;

- Khu kỹ thuật: 10.924,94 m2.

2- Khu tưởng niệm các danh nhân : 1.520m2

3-Không gian trưng bày ngoài trời, quảng trường,vườn tượng: 40.000m2

4-Các công trình kỹ thuật, phụ trợ ngoài nhà, cây xanh, đường: 35.500m2

Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia

* Công trình nằm trên trục Tây Hồ Tây- trục văn hóa, thương mại, lịch sử, văn hóa quan trọng của thủ đô và là điểm nhấn kết thúc của trục. Công trình nằm cạnh công viên Hòa Bình và là một phần của công viên Hữu Nghị rộng 28ha, trong đó bao gồm 10ha xây dựng Bảo tàng. Điều này thể hiện trong tư tưởng của các nhà quy hoạch: việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia được đặt trong tổng thể cây xanh, mặt nước của công viên lớn nhất quốc gia, rộng 28ha tạo nên vị thế đặc biệt của công trình.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia nằm trong khuôn viên Công viên Hữu Nghị rộng 28 ha

Hiếm nước nào có Bảo tàng quốc gia nằm trong một công viên và công viên đó được kết hợp trong trục văn hóa quan trọng của thủ đô. Điều này thể hiện quy mô, tầm vóc của công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay được nâng lên, phù hợp với tương lai lâu dài và vị thế lịch sử đất nước ta.

Minh Vượng (t/h)