Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Công tác Tư liệu, thư viện

Thư viện BTLSQG hiện lưu giữ gần 20.000 đầu ấn phẩm với nhiều ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật, Đức... thuộc các chuyên ngành lịch sử, khảo cổ, bảo tàng, văn hoá, danh nhân, quân sự... Trong đó, có trên 140 loại từ điển tra cứu, trên 200 loại tạp chí ngoại văn và các tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội xuất bản trong nước, có nhiều bộ tạp chí tương đối hoàn chỉnh như: Tạp chí của Trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO), tạp chí của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nhật Bản, tạp chí Nghệ thuật Châu Á (Arts Asiatiques), Viễn cảnh Châu Á (Asian Perspectives), tạp chí Nam Phong... Đặc biệt thư viện hiện lưu giữ nhiều ấn phẩm của các học giả Pháp nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Việt Nam, về văn hóa Champa, về thời kỳ tiền sử Đông Dương được xuất bản từ những năm đầu thế kỷ 20, trong đó có bộ gồm 12 tập xuất bản từ cuối thế kỷ 19 tại Paris. Hàng năm, kho sách của thư viện được bổ sung định kỳ với hàng trăm đầu sách, tạp chí của các nhà xuất bản trong và ngoài nước, cùng với nguồn sách không nhỏ trao đổi với các bảo tàng và các tổ chức quốc tế trên thế giới thông qua công tác đối ngoại của bảo tàng.

Hệ thống kho lưu giữ tư liệu, ấn phẩm của BTLSQG.

Thư viện hiện đang lưu giữ một kho tư liệu dịch và tư liệu trao đổi (tài liệu dịch chủ yếu từ tiếng Pháp, Anh, Nga, Đức...) phục vụ công tác nghiên cứu, chuyên môn thuộc nhiều chuyên ngành như: khảo cổ học, sử học, dân tộc học, lịch sử nghệ thuật, bảo tàng học.... Thư viện coi trọng công tác trao đổi tư liệu với các cơ quan khác như: Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Theo thời gian, số tư liệu ngày càng phong phú thêm với hơn 2.000 bản được chia theo 13 chủ đề: khảo cổ, bảo tàng, lịch sử ... và nguồn tư liệu này vẫn thường xuyên được sưu tầm, bổ sung từ các thư viện của các bảo tàng, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước. BTLSQG cũng đã tiến hành nhân bản nhiều tư liệu quý cho các cơ quan, địa phương, các cá nhân trong toàn quốc với mục đích chung vì sự nghiệp phát triển văn hoá Việt Nam.

Hiện tại, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu thông tin, thư viện BTLSQG đã thực hiện quản lý ấn phẩm tại thư viện theo hệ thống COSLIB, độc giả có thể tra cứu ấn phẩm trên máy tính tại thư viện. Ngoài ra, thư viện cũng đang thực hiện số hoá các tư liệu hình ảnh hiện lưu giữ tại BTLSQG (khoảng hơn 40.000 phim, ảnh) phục vụ tốt cho công tác tìm kiếm thông tin. Các độc giả có thể tra cứu trên máy tính theo từng vấn đề cụ thể: Di tích lịch sử- văn hoá; Tư liệu liên quan đến các nền văn hoá, các cuộc khai quật khảo cổ học, các sưu tập hiện vật tiêu biểu, các cuộc kháng chiến trong lịch sử dân tộc...

Phục vụ bạn đọc tra cứu tài liệu.

Với khối lượng sách, tạp chí, tư liệu phong phú, thư viện BTLSQG đã đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu của cán bộ Bảo tàng, của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.