Chủ Nhật, 10/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/01/2019 08:25 7151
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
*Xây dựng hậu phương vững chắc, chặn bước tiến của địch, bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rút lên Việt Bắc an toàn

Trong khi cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt ở ba liên khu và trên các cửa ô  thì ở vùng nông thôn Hà Đông, Sơn Tây, quân dân ta thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Trung ương giao: Xây dựng hậu phương vững chắc, chặn bước tiến của địch, bảo vệ  các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rút lên Việt Bắc an toàn.

Từ đêm 18-12-1946, nhiều cơ quan của các Bộ, Ban, ngành Trung ương Đảng và Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã rút ra khỏi nội thành, theo quốc lộ 6 và quốc lộ 11A về các vùng nông thôn: Từ Vạn Phúc về Xuyên Dương (Thanh Oai), ra Hậu Ái (Hoài Đức), lên chùa Trầm, chùa Một Mái (Chúc Sơn), Cần Kiệm (Thạch Thất)… Cứ thế, các cơ quan của Trung ương Đảng và Bộ Quốc Phòng vừa di chuyển dần lên Việt Bắc, vừa chỉ đạo kháng chiến. Những sự kiện quan trọng nhất của đất nước đã diễn ra ở các làng xã Hà Đông - Sơn Tây và được nhân dân bảo vệ cán bộ nghiêm ngặt, phục vụ chu đáo: Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát trên làn sóng  Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đặt ở hang núi chùa Trầm, xã Phụng Châu (Chương Mỹ). Ngµy 12-1-1947, Hội nghị quân sự toàn quốc họp ở thôn Chúc Đồng, xã Thụy Hương (Chương Mỹ) quyết định những vấn đề quan trọng về đường lối chiến tranh nhân dân và phát triển lực lượng dân quân du kích, trong đó có việc bảo tồn lực lượng để kháng chiến lâu dài. Hội nghị cũng quyết định đặt tên cho Trung đòan Liên khu I là Trung đòan Thủ đô. Đêm 30 Tết Đinh Hợi (21-1-1947), sau khi chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ ở trụ sở Ủy ban hành chính phủ Quốc Oai và chúc tết cán bộ, nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến chùa Trầm (huyện Chương Mỹ) đọc thơ chúc mừng xuân Đinh Hợi đồng bào chiến sĩ cả nước kháng chiến. Tiếp đó, tối ngày 2-2-1947, Hồ Chủ tịch đã đi từ Cần Kiệm huyện Thạch Thất về Chúc Sơn để chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ tại nhà thờ của chi họ Văn ở thôn Chúc Sơn, thảo luận các vấn đề tài chính, kinh tế, canh nông, tăng gia sản xuất, công tác quốc phòng, ngoại giao ngay trong đêm 2-2 rạng sáng ngày 3-2-1947. Ngày 16-2-1947, Hội đồng Chính phủ họp ở một địa điểm của Chương Mỹ, bàn bạc công tác chuyển lên Việt Bắc. Ngày 22-2-1947, trên đồng đất thôn Phan Long, xã Tân Hội, lễ mừng công của Trung uơng Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng tuyên dương công trạng Trung đòan Thủ đô đã diễn ra trong niềm hân hoan, xúc động tự hào. Ngày 27-2- 1947, ba tiểu đòan 145, 523 và 77 sáp nhập thành Trung đoàn Thăng Long và tổ chức lễ thành lập Trung đoàn tại đình Mậu Lương (Hà Đông). Cũng trong thời gian này, dọc đường quốc lộ 1, Pháp đã đánh xuống Yên Duyên, Sở Thượng, Đông Trạch, Văn Điển. Tự vệ khu Mê Linh kết hợp với du kích Thanh Trì, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang Liên khu II đã chiến đấu anh dũng chặn bước tiến của địch. Dù vậy, sau khi thiết lập được phòng tuyến thứ nhất bao quanh nội thành (Nhật Tân - Cầu Giấy - Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy), từ ngày 2-3-1947, thực dân Pháp tiến hành tấn công ra phía tây - tây nam thành phố để mở rộng phạm vi chiếm đóng ở các vùng nông thôn, đồng thời, tìm diệt Chính phủ Hồ Chí Minh. Vì vậy, các khu ngoại thành: Lãng Bạc, Đống Đa, Mê Linh, Đề Thám được tổ chức lại thành ba quận IV, V, VI. Sau đó, để tạo chỗ đứng chân cho lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục đánh địch trong lòng địch, theo đề nghị của Ủy ban kháng chiến khu XI, từ giữa tháng 3, địa giới  khu XI mở rộng thêm 4 huyện của Hà Đông là: Thanh Oai, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng(6). Các đơn vị bộ đội chủ lực từ nội thành ra, đóng quân ở các huyện, đã phối hợp với dân quân du kích địa phương, tiếp tục chiến đấu chặn đánh địch, lập nên những chiến công vang dội: ngày 2 và 3 -3-1947, trung đoàn Thăng Long đánh địch ở trận Mậu Lương - Đa Sĩ, Mai Lĩnh kết hợp với dân quân du kích và các đội cảm tử thị xã Hà Đông, diệt hàng trăm tên địch. Ngày 4-3, địch vượt sông Đáy, đánh qua Phụng Nghĩa lên Sài Sơn, qua thị trấn Phùng về Hà Nội. Để bảo vệ lực lượng, xưởng quân giới Phan Đình Phùng của khu XI đóng ở Tiên Lữ và đội pháo binh của đồng chí Doãn Tuế đóng làng Phụng Nghĩa (huyện Chương Mỹ) đã kịp thời rút lui an tòan. Tiếp đó, ngày 18 và 19-3-1947, các tiểu đoàn 56, 64, 523 mở cuộc phản kích, tiếp tục đánh địch tại thị xã Hà Đông, diệt gần 100 tên, phá hủy 1 xe jeep, rồi lui quân ra ngoài.

Từ cuối tháng 3, chúng đánh thọc sâu xuống Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Hoài Đức, Đan Phượng, đồng thời, đánh rộng ra Chi Nê, Nho Quan (Ninh Bình), Hòa Bình. Ngày 27-3, một trung đội du kích tập trung của quận V (Hà Nội) do Trung đội trưởng Vũ Văn Sự chỉ huy, đã chốt giữ tại làng Cự Đà, diệt 40 tên, làm bị thương 15 tên khác, bẻ gãy 8 đợt xung phong của địch. Sau trận đánh oai hùng này, đồng chí Vũ Văn Sự được anh em khâm phục gọi là Con hùm xám của Hà Nội, còn nhà văn Thôi Hữu đã viết bài ký nóng hổi “Đợi giờ chết” nổi tiếng. Đồng chí Trường Chinh đã khen ngợi “Trận Cự Đà thật đáng nêu gương cho toàn quốc noi theo”. Các tiểu đoàn chủ lực của khu XI đứng chân ở bốn huyện của Hà Đông tiếp tục chặn đánh địch ngoan cường. Tháng 3 năm 1947, các chiến sĩ cảm tử quân đã ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng địch trên đê Đáy ở Sấu Giá (Hoài Đức). Tấm gương của liệt sĩ Tạ Văn Thả thật sáng ngời cho toàn quân học tập. Ngày 2-4-1947, du kích tập trung quận 4 phục kích đoàn xe cơ giới địch trên đê sông Đáy thuộc xã Yên Sở (nay thuộc Hoài Đức), phá hủy được một số xe vận tải, diệt 50 tên địch. Thời gian này, địch đã lập được phòng tuyến thứ hai từ Chèm - Diễn - Đại Mỗ - thị xã Hà Đông tới Văn Điển, Đông Trạch (Thanh Trì), mở rộng vùng kiểm soát của chúng ra hết đất Đại lý Hoàn Long (tên gọi của ngoại thành từ 1942 đến 1954), sau đó tiếp tục thọc sâu ra các vùng nông thôn của Hà Đông để bảo vệ đầu não của chúng ở nội thành. Các cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Quốc Oai. Ngày 15-6-1947, tại xã Mã Tân (Đan Phượng), tiểu đòan 26, trung đòan 35 phối hợp với du kích thôn Đắc Sở đánh địch giáp lá cà, giữ từng ngôi nhà, ngõ  xóm, diệt hơn 100 tên, phá hủy 1 xe tăng. Chiến thắng vang dội này đã có tác động, ảnh hưởng lớn đến tinh thần dân quân du kích, củng cố quyết tâm kháng chiến lâu dài cho quân dân ta. Ngày 27-6-1947, hòng chụp bắt cơ quan của Chính phủ kháng chiến, địch tấn công vào Bồ Nâu - Uớc Lễ (Thanh Oai), bằng cả không quân và bộ binh, nhưng đã bị thất bại. 

* Củng cố lại tổ chức, trở về gây dựng cơ sở kháng chiến

Tháng 7-1947, địch tấn công Phùng, sau đó lập đồn bốt và thiết lập phòng tuyến thứ ba bao quanh Hà Nội từ Phùng (đường 11 lên Sơn Tây) đến Mai Lĩnh (đường số 6) - Chùa Thông (đường số 1).

Ngày 29-5-1947, theo Nghị định 76 của Liên bộ Bộ Nội vụ và Bộ Quốc Phòng, khu XI được tách ra khỏi khu II và thêm Hà Đông, Sơn Tây nhằm mở rộng thêm hậu phương cho mặt trận Hà Nội(7).  Đầu tháng 9 năm 1947, sau khi đồng chí Trần Độ, Chính ủy Khu XI được điều động về Cục chính trị Bộ Quốc Phòng, đồng chí Đỗ Đức Kiên, nguyên Chính ủy Khu XII được trên điều về làm Chính ủy  Khu XI(8). Do đó, từ tháng 9-1947, Khu ủy khu XI chủ trương sắp xếp lại tổ chức, đưa cán bộ đảng, các ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang về nội thành gây dựng lại cơ sở, phá phòng tuyến địch ở ngoại thành, từ đó phát triển chiến tranh du kích. Để có sự chỉ đạo sâu sát, Khu ủy khu XI quyết định lập lại Thành ủy Hà Nội và tổ chức lại hệ thống Đảng - Chính quyền - Dân quân du kích. Hà Nội được chia thành ba Liên quận huyện: liên quận huyện IV gồm quận IV cũ và Hoài Đức, Đan Phượng; Liên quận huyện V gồm quận V cũ và Thanh Oai; Liên quận huyện VI gồm quận VI cũ và Thanh Trì. Ủy ban hành chính hợp nhất với Ủy ban  Kháng chiến thành Ủy ban Kháng chiến Hành chính từ Thành phố đến các liên quận huyện và các xã.  Ngày 20-9-1947, Thành đội bộ dân quân Hà Nội được thành lập do đồng chí Vị Hải làm Thành đội trưởng. Bộ máy chỉ huy dân quân toàn thành được củng cố. 11 đại đội với 1600 dân quân du kích, hơn 400 súng các loại là lực lượng nòng cốt để gây dựng cơ sở ở ngoại thành, làm bàn đạp tiến vào nội thành(9).

Ở các huyện và các xã, lực lượng dân quân du kích đã phát triển nhanh chóng duới sự chỉ huy thống nhất của Ban chỉ huy huyện đội và xã đội. Lực lượng bộ đội chủ lực của các  trung đoàn 35, trung đoàn 48 đóng quân ở trên địa bàn các huyện Đan Phượng, Thanh Oai… đã huấn luyện cho dân quân du kích địa phương và hoạt động theo phương thức mới - vũ trang tuyên truyền, gây dựng cơ sở ở ngoại thành để tiến dần vào nội thành. Tiếng súng của quân dân Thủ đô vẫn rền vang, tiêu diệt địch ở các đồn bốt, các vị trí quân sự quan trọng: trong tháng 8-1947, ta đánh bốt Đông Trạch (Thanh Trì); chống những cuộc càn quét quy mô lớn ở Vân Canh - Diễn - Ngải Cầu (Từ Liêm và Hoài Đức); tập kích cầu Phùng, chợ Tre, Thụy Ứng, Tháp Thượng ở Đan Phượng. Đặc biệt, ở Thanh Oai, làng kháng chiến được xây dựng thí điểm ở Tam Hưng, rồi mở rộng ra Bối Khê, Hưng Giáo, Nga My. Huyện đã tổ chức cho cán bộ các xã đến học tập kinh nghiệm ở Tam Hưng, với những yêu cầu cơ bản của một làng kháng chiến là có hàng rào, cổng chống, vọng gác, hào, hầm chiến đấu bảo đảm sự liên hoàn giữa làng này với làng khác. Trong thời kỳ này, so với các huyện, chỉ có Thanh Oai xây dựng sớm nhất làng kháng chiến và đó cũng là nét nổi bật, thành công của Thanh Oai.

Tháng 10 - 1947, phối hợp với quân chủ lực đánh địch trên chiến trường Việt Bắc, quân dân Hà Nội mở các trận đánh thọc sâu vào vùng địch chiếm đóng. Trung đoàn 48 phối hợp với dân quân du kích đánh địch ở các vị trí Đại Mỗ, Cầu Giấy, Đông Phù, Đông Trạch, Quang Tó, Văn Điển, Mễ Trì. Hơn thế, dân quân du kích các huyện còn có phong trào “địa lôi chiến”, đánh xe cơ giới của địch trên đê sông Hồng từ phía bắc (Chèm) đến phía nam thành phố (Đại Hà). Đến tháng 12 -1947, ta đã phá hủy được 89 xe cơ giới các loại.

Trong khí thế của chiến tranh nhân dân đã và đang giành thắng lợi, Khu ủy khu XI quyết định cho tổng phá tề, bắt đầu từ ngày 13-11-1947 ở địa bàn huyện Thanh Trì. Ở quận IV, ta tổ chức phá lực lượng bảo an của địch ở Cổ Nhuế, Xuân Tảo, Cáo Đỉnh, Phú Mỹ. Từ những trận phá tề và bảo an đạt kết quả tốt, phong trào tổng phá tề đã lan ra toàn ngoại thành tháng 12/1947 - đầu năm 1948, gây cho địch tổn thất khi chúng dựng lên chính quyền tay sai, đồng thời, củng cố niềm tin cho nhân dân vững tay súng kháng chiến. Ở nội thành, ngày 10-10-1947, công an lọt vào giữa phố cổ, trừng trị tên Trương Đình Tri là tay sai gian ác của địch ngay tại Cổng Đục. Ngày 25-11-1947, chị em phụ nữ quận VI đã lôi kéo được 03 ngụy binh ra hàng, mang theo vũ khí. Những chiến công đầu tiên của phong trào diệt tề, trừ gian đã làm nức lòng quân dân Thủ đô.

Trên đà thắng lợi, ngày 26-12-1947, hội nghị Khu ủy Khu XI quyết định phá các phòng tuyến của địch xung quanh  Hà Nội, đẩy mạnh cơ sở ở ngoại thành để làm bàn đạp tiến vào nội thành. Đến đầu năm 1948, Thành ủy Hà Nội mạnh dạn đề ra chủ trương phát triển các đội tuyên truyền vũ trang, tổ chức ở mỗi quận huyện một trung đội có nhiệm vụ diệt tề, trừ gian, bảo vệ nhân dân, mở rộng ảnh hưởng kháng chiến. Ngày 25-1-1948, thực hiện sắc lệnh số 120/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc hợp nhất các Khu thành Liên khu, Bộ quốc phòng đã tổ chức lại hệ thống các khu trong cả nước. Tại Bắc bộ, khu I và khu XII hợp lại thành Liên khu I; khu XI hợp nhất với khu II, III thành Liên khu III. Sau đó, Thành ủy Hà Nội cũng tổ chức lại: tách các quận ngoại thành IV, V, VI ra khỏi các Liên quận huyện; thành lập Ban cán sự Đảng ở ba quận này và Ban cán sự nội thành; sáp nhập huyện Hoài Đức và Đan Phượng thành Liên huyện Bắc; Thanh Trì và Thanh Oai thành Liên huyện Nam.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một công binh xưởng 
trong kháng chiến chống Pháp

Hơn một năm kháng chiến trên địa bàn cả thành thị và nông thôn; dưới sựu lãnh đạo của Khu ủy Khu XI (từ tháng 10-1946 - tháng 1-1948), quân dân khu XI đã chứng tỏ khả năng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược để giữ lấy độc lập tự do của Tổ quốc. Trong khi nội thành là mặt trận ác liệt, thì ngoại thành và các vùng nông thôn của Hà Đông - Sơn Tây là căn cứ vững chắc cho các cơ quan của Đảng, Chính Phủ, bộ Quốc Phòng, Khu ủy, Thành ủy rút dần ra hậu phương để lên chiến khu an toàn. Làng kháng chiến ở Thanh Oai - một điển hình của chiến tranh nhân dân đã ra đời ngay từ trong máu lửa. Đây là một sáng tạo thần tình của nhân dân từ thực tiễn kháng chiến. Khi nội thành bị địch chiếm đóng, ngọn lửa kháng chiến lan rộng trên địa bàn khu XI, bùng cháy cả ở nông thôn và thành thị. Với lòng yêu nước cao độ và tinh thần hy sinh cao cả, quân dân khu XI đã góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến của quân dân ta trên chiến trường Bắc bộ.

Dù còn bỡ ngỡ khi đi vào cuộc kháng chiến lâu dài, nhưng thắng lợi ban đầu của cuộc chiến đấu anh dũng, ngoan cường, dựa vào sức mạnh của nhân dân trên chiến trường khu XI đã kiểm nghiệm và chứng minh đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đúng đắn.

Kim Thanh

Chú thích:

(6): Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Báo cáo của Khu ủy Khu XI, tháng 4 năm 1947.

(7), (9): BCH Đảng bộ TPHN: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930- 2000), NXBHN, 2004, tr 204.

(8): Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô: Lịch sử Chiến khu XI, NXBQĐND, H. 2006,  tr 201.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4968

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Quân dân Khu XI (Hà Nội) trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (từ tháng 10-1946 đến tháng 1-1948) (Phần 1)

Quân dân Khu XI (Hà Nội) trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (từ tháng 10-1946 đến tháng 1-1948) (Phần 1)

  • 22/01/2019 08:28
  • 9333

Trong lịch sử chống Pháp của quân dân Thủ đô nói riêng, của quân dân cả nước nói chung, Khu XI có một vị trí quan trọng ở thời kỳ đầu cuộc kháng chiến. Do đó, chúng tôi muốn làm sáng rõ thêm những đóng góp của quân dân khu XI từ khi được thành lập đến khi sáp nhập vào Liên khu III (tháng 10/1946 đến tháng 1/1948)