Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Trưng bày chuyên đề

Ở mỗi bảo tàng, bên cạnh hình thức trưng bày thường xuyên cố định , vẫn tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề (trưng bày tạm thời). Đây là hình thức trưng bày có vai trò rất quan trọng, góp phần làm phong phú, đa dạng và “mới” cho hoạt động bảo tàng. Nếu như trưng bày thường xuyên giới thiệu nội dung tổng thể, khái quát theo đề cương chính trị được phê duyệt thì trưng bày chuyên đề có thể khai thác một khía cạnh chuyên sâu nào đó mà trưng bày thường xuyên không đáp ứng được. Trưng bày chuyên đề cũng phản ánh kết quả nghiên cứu của các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của bảo tàng đồng thời phục vụ những nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng. Vì vậy, hình thức trưng bày này thể hiện tính đa dạng, thường xuyên đổi mới, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng khác nhau.

Cùng với hệ thống trưng bày thường xuyên tại hai địa điểm: số 1 Tràng Tiền và số 216 Trần Quang Khải, hàng năm, BTLSQG thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hàng chục trưng bày chuyên đề với nhiều đơn vị, bảo tàng trong và ngoài nước, các hội, các nhà sưu tập tư nhân với các chủ đề trưng bày phong phú, đa dạng. Nhiều cuộc trưng bày được dư luận xã hội và các nhà nghiên cứu đánh giá cao, như: Rồng trên cổ vật, Di sản văn hóa biển Việt Nam, Cổ vật Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam, Trang sức cổ Việt Nam, Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (sưu tập Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Châu Á - những sắc màu văn hóa, Văn hóa Nhật Bản, Tượng gốm cổ Việt Nam, Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954, Văn hóa Đông Sơn, Sen trên cổ vật, Nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam trong đấu tranh thống nhất đất nước 1954-1975, Sưu tập báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, Bảo vật hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802-1945), Đổi mới - Hành trình của những ước mơ, Bảo vật quốc gia Việt Nam, Nét vàng son - Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia…

1 2

Trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa biển Việt Nam”, ngày 18-5-2012.

3

Khai mạc trưng bày chuyên đề Văn hóa Đông Sơn, ngày 18-11-2014.

4

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh phát biểu khai mạc trưng bày chuyên đề “Châu Á- Những sắc màu văn hóa” tại BTLSQG, ngày 8-10-2013.

5

Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Trầu cau Việt Nam”, năm 2012.

6 7

Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Nhật Bản”, ngày 16-1-2014.

8

Trưng bày Tượng gốm cổ Việt Nam, tháng 4-2014.

9

Tham quan trưng bày “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn đông bác cổ Pháp”,
ngày 3/12/2014.

10

Tham quan Trưng bày “Nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam trong đấu tranh thống nhất đất nước 1954-1975”, ngày 24-4-2015

11

Tham quan trưng bày “Sưu tập báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945”, tháng 8-2015.

12

Khai mạc trưng bày Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)”, tháng 3-2016.

13

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề Đổi mới - Hành trình của những ước mơ”, ngày 22-9- 2016.

BTLSQG luôn quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị trưng bày cũng như chú trọng nâng cao chất lượng nội dung các trưng bày chuyên đề, đưa hoạt động này thành một thế mạnh nổi bật của bảo tàng.

Hiện nay, BTLSQG có 2 phòng trưng bày chuyên đề: phòng trưng bày chuyên đề tại số 1 Tràng Tiền diện tích gần 100m2 và phòng trưng bày chuyên đề tại 25 Tông Đản diện tích 200m2. Hai phòng trưng bày đã được cải tạo, nâng cấp với thiết kế đồng bộ, trang thiết bị hiện đại với hệ thống tủ trưng bày chuyên dụng được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, hệ thống chiếu sáng bằng đèn led, hệ thống bục bệ trưng bày... đảm bảo tăng hiệu quả thẩm mỹ trưng bày và phù hợp với nhiều loại hình hiện vật khác nhau. Với từng trưng bày chuyên đề, BTLSQG đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa nội dung, kỹ mỹ thuật và không gian trưng bày nhằm truyền tải đầy đủ nội dung cũng như đảm bảo hình thức, mỹ thuật hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Với mong muốn đưa các giá trị di sản lịch sử, văn hóa Việt Nam đến gần và đa dạng hơn với công chúng, đồng thời là bước đổi mới, nâng cao hoạt động bảo tàng, BTLSQG đã xây dựng thử nghiệm công nghệ bảo tàng ảo tương tác 3D. Hệ thống trưng bày thường xuyên và nhiều trưng bày chuyên đề đã ứng dụng công nghệ hiện đại này chính thức ra mắt công chúng và được tích hợp trên Website của BTLSQG. Ứng dụng có tính tương tác cao của bảo tàng ảo 3D sẽ là công cụ đột phá để thay đổi cách xem bảo tàng thụ động, một chiều, hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực, gợi trí tò mò cho công chúng và thu hút họ đến tham quan bảo tàng. Trên cơ sở những bước thử nghiệm này, BTLSQG đang triển khai xây dựng dự án tổng thể bảo tàng ảo tương tác 3D, sẽ hoàn thành và giới thiệu đến công chúng trong tương lai không xa.

14

Phần trưng bày Văn hóa Đông Sơn được BTLSQG ứng dụng công nghệ bảo tàng ảo tương tác 3D giới thiệu trên Website.

Bên cạnh phương pháp trưng bày truyền thống, BTLSQG còn lựa chọn sử dụng các thiết bị nghe nhìn thông tin số hóa vào trưng bày, tổ chức thực hành trình diễn, tương tác với khách tham quan. Những cách tiếp cận này sẽ đem đến cho công chúng những thông tin chân thực, đầy đủ, đa chiều về nội dung trưng bày, góp phần quan trọng mang lại thành công cho mỗi trưng bày chuyên đề.

15

Học sinh tham quan trưng bày chuyên đề “Văn hóa Trầu cau Việt Nam”, năm 2012

Đặc biệt, BTLSQG được đánh giá là một trong số ít các bảo tàng thực hiện nhiều cuộc trưng bày tại nước ngoài thành công vang dội như: “Văn hóa Đông Sơn” tại Malaysia; “Việt Nam câu chuyện vĩ đại” tại Nhật Bản; “Buổi đầu của nền văn hoá cổ ở Việt Nam – Bình minh trên sông Hồng” tại Hàn Quốc; “Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam” tại Pháp và gần đây là trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại CHLB Đức. Qua đó, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua các di sản văn hóa dân tộc từng bước được giới thiệu và quảng bá ra nước ngoài, giúp cộng đồng quốc tế có cái nhìn đúng và đầy đủ hơn về lịch sử - văn hóa Việt Nam.

16

Trưng bày “Văn hóa Đông Sơn” tại Bảo tàng Quốc gia Malaysia, tháng 3-2014.

17

Giám đốc BTLSQG Nguyễn Văn Cường phát biểu khai mạc trưng bày "Buổi đầu của nền văn hóa cổ Việt Nam - Bình minh trên sông Hồng" tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, ngày 28/4/2014.

18 19

Trưng bày chuyên đề “Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam”
tại Bảo tàng Guimet, Paris, CH Pháp, ngày 8-7-2014.

20

Trưng bày “Từ đất nước rồng bay lên - Báu vật khảo cổ học Việt Nam
tại CHLB Đức, năm 2016-2017.

Bảo tàng thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tư vấn, thực hiện trưng bày cho các bảo tàng tỉnh, thành phố, các bảo tàng chuyên ngành, di tích, tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu xây dựng đề cương trưng bày, giải pháp và thiết kế mỹ thuật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong những năm tới, BTLSQG tiếp tục nâng cao hoạt động trưng bày với định hướng: đa dạng hoá, đa phương hoá và chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu mới trong thời kỳ phát triển và hội nhập.