Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Công tác giáo dục, công chúng

Bảo tàng là một thiết chế văn hoá đặc thù, có khả năng truyền tải đến công chúng những thông tin, cảm xúc lịch sử, những tri thức chân thực, tin cậy và lý thú từ các sưu tập hiện vật vốn thấm đượm và phản ánh sâu sắc trí tuệ và tài năng, tinh thần và tình cảm của nhân loại thông qua các hoạt động, trong đó có hoạt động giáo dục.

Hàng năm, BTLSQG tiếp đón, hướng dẫn hơn 200.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan, Bảo tàng luôn chú trọng đầu tư nghiên cứu, đổi mới và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trưng bày, giáo dục. Đội ngũ cán bộ hướng dẫn, thuyết minh thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức lịch sử, văn hóa và kỹ năng nghiệp vụ, từng bước nâng cao chất lượng hướng dẫn và hướng đến chuyên nghiệp hóa. Hiện nay, BTLSQG đã xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan hệ thống thuyết minh tự động (audioguide) nội dung hệ thống trưng bày thường xuyên giới thiệu về lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến hết triều Nguyễn (năm 1945) bằng tiếng Việt và Anh tại số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công tác hướng dẫn, cung cấp thông tin cho khách tham quan qua đội ngũ hướng dẫn viên và hệ thống thuyết minh tự động dành cho khách tham quan tự do đã giúp công chúng hiểu biết sâu sắc hơn trưng bày bảo tàng và mang lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp từ đông đảo công chúng trong nước và quốc tế về truyền thống lịch sử, về đất nước, con người Việt Nam.

1

Đoàn ngoại giao các nước tham quan hệ thống trưng bày thường xuyên của BTLSQG, tháng 6-2016.

2

Thuyết minh, hướng dẫn khách quốc tế tham quan tại hệ thống trưng bày thường xuyên của BTLSQG.

3

Thuyết minh, hướng dẫn khách trong nước tham quan tại hệ thống trưng bày thường xuyên của BTLSQG.

4

Khách quốc tế sử dụng dịch vụ Audioguide tham quan trưng bày BTLSQG.

5

Anh hùng La Văn Cầu, CCB Hoàng Đăng Vinh chụp ảnh lưu niệm với các học viên Đại học Chính trị quân sự và cán bộ phòng Giáo dục công chúng, tháng 5-2014.

6

Các chiến sĩ trẻ giao lưu, nói chuyện với nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 2014.

Trong những năm qua, BTLSQG đã đẩy mạnh nhiều hoạt động giáo dục như: tham quan học tập phục vụ bài học ngoại khóa; khai thác, sử dụng tài liệu, hiện vật của Bảo tàng vào bài học chính khóa; sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử… cho học sinh và nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm cho các đối tượng công chúng khác. Những buổi sinh hoạt, giờ học lịch sử đã thực sự trở thành cầu nối, khuyến khích giáo viên và học sinh đến với bảo tàng. Với hình thức “học mà chơi, chơi mà học”, các buổi sinh hoạt được thầy cô và phụ huynh học sinh hưởng ứng, đánh giá là một trong những hoạt động mang tính giáo dục toàn diện (tri thức và thể chất, kỹ năng sống), giúp các em học sinh thêm yêu môn lịch sử, mang lại kết quả cao trong học tập.

7

Học sinh khiếm khuyết Hà Nội đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, ngày 16-4-2014.

8

Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” do BTLSQG tổ chức cho học sinh tiểu học Hà Nội, năm 2012.

9

Công chúng tham gia hoạt động trải nghiệm têm trầu do BTLSQG tổ chức.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, BTLSQG sẽ tiếp tục phát triển, nhân rộng, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục nhằm đưa bảo tàng trở thành một địa chỉ giáo dục tin cậy của công chúng.