Thứ Sáu, 03/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/10/2017 00:00 7481
Điểm: 1/5 (2 đánh giá)
Đồng chí Hoàng Đình Giong người dân tộc Tày, sinh ngày 1-6-1904, tại làng Thâm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, thị xã Cao Bằng). Đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng và bồi dưỡng. Đồng chí còn có các bí danh như: Hoàng, Trần Tín, Lầu Voòng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, cụ Vũ…

Đồng chí Hoàng Đình Giong người dân tộc Tày, sinh ngày 1-6-1904, tại làng Thâm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, thị xã Cao Bằng). Đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng và bồi dưỡng. Đồng chí còn có các bí danh như: Hoàng, Trần Tín, Lầu Voòng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, cụ Vũ…

Đồng chí đã sớm giác ngộ và trở thành người cộng sản chân chính,một nhà hoạt động cách mạng, sau đó trở thành một trong những cán bộ chính trị, cán bộ quân sự cao cấp đầu tiên của Đảng và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu cảnh nô lệ lầm than, từ thuở nhỏ, Hoàng Đình Giong đã sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, ghét thực dân đế quốc. Được gia đình cho ăn học, đồng chí sớm tiếp nhận tư tưởng yêu nước tiến bộ, tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng trong học sinh các trường tiểu học ở một số địa phương của tỉnh Cao Bằng. Những năm 1925-1926, đồng chí về Hà Nội học Trường Bách nghệ và gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đồng chí tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Vì lý do này mà Hoàng Đình Giong bị đuổi học, trở về Cao Bằng. Với nhiệt huyết và sớm được giác ngộ, đồng chí đã tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng tại quê hương.

Năm 1927, Hoàng Đình Giong ra nước ngoài để bắt liên lạc với tổ chức Hội. Tháng 12-1929, đồng chí cùng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc). Ngày l-4-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Với thành tích xuất sắc trên, đồng chí Hoàng Đình Giong được dẫn đầu đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ tham dự Đại hội lần thứ Nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) tháng 3-1935 và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trở thành ủy viên Trung ương Đảng khi mới 31 tuổi.

Đồng chí Hoàng Đình Giong (1904-1947).

Năm 1936, đồng chí trở về nước, tổ chức chỉ đạo phong trào công nhân tại Hải Phòng, Quảng Ninh và bị thực dân Pháp bắt đầy đi biệt xứ tại đảo Ma-đa-gát-xca (châu Phi). Năm 1944, đồng chí lợi dụng danh nghĩa đồng minh chống phát-xít, được không quân Anh chở về và cho nhảy dù xuống Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An (Cao Bằng). Được trở về Tổ quốc, đồng chí Hoàng Đình Giong tích cực hoạt động cách mạng. Sau ngày 9-3-1945, đồng chí cùng Đảng bộ Cao Bằng lãnh đạo nhân dân xóa bỏ chính quyền tay sai của địch, thành lập chính quyền cách mạng ở hầu hết các châu trong tỉnh, bao vây quân đội Nhật, trấn áp bọn phỉ phản động. Thực hiện Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, tỉnh ủy Cao Bằng cử đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban khởi nghĩa, lãnh đạo lực lượng vũ trang cùng với quần chúng nổi dậy, từ ngày 20 đến ngày 22-8-1945, giành chính quyền cách mạng trước khi quân Đồng minh kéo vào nước ta.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, đến tháng 10-1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào miền Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đổi tên Hoàng Đình Giong thành Võ Văn Đức - để bảo đảm giữ gìn bí mật vì tên tuổi Hoàng Đình Giong hay Văn Tư, thì kẻ địch đều đã biết.

Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23-11-1945, Hội nghị Quân sự Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Võ Văn Đức tức Hoàng Đình Giong (đổi tên thành Vũ Đức) làm Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ. Tháng 12-1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 chiến khu, đồng chí Vũ Đức được phân công làm Khu bộ trưởng Khu 9.Khu bộ trưởng Vũ Đức đã cùng một đơn vị tiếp tục “Nam tiến” tới tận Cà Mau, miền đất tận cùng của Tổ quốc. Lúc này, tình hình Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Quân Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nam Bộ, trừ Cà Mau. Đồng chí Vũ Đức chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực còn lại ở các nơi tập trung về Cà Mau để củng cố tổ chức. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Khu bộ trưởng Vũ Đức cùng các đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Lê Hiến Mai, chỉ trong một thời gian ngắn, chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Ở Sóc Trăng, ta thành lập được đại đội chủ lực, lấy tên là Đại đội Hồ Chí Minh. Đồng chí Vũ Đức đã đến dự và công nhận đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.Đồng bào các dân tộc miền Tây Nam Bộ rất quý đồng chí Vũ Đức, bởi ông sống chan hòa, gần dân, thương dân vô hạn. Bà con dân tộc Hoa thấy ông nói thạo tiếng Quảng Đông, Quảng Tây nên xem như đồng hương. Đầu năm 1946, quân địch dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền chia rẽ gây hận thù dân tộc, tôn giáo, kích động người Khơ-me chống lại người Việt, kích động tín đồ Cao Đài, Hoà Hảo chống lại cách mạng. Lòng tin của họ đối với chính quyền cách mạng bị giảm sút, mâu thuẫn giữa người Việt với người Khơ-me ngày càng tăng, làm ảnh hưởng không tốt đến tinh thần đoàn kết dân tộc lúc bấy giờ. Trước tình hình phức tạp đó, đồng chí Hoàng Đình Giong đích thân đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương ở Sóc Trăng, Trà Vinh và đến Phước Long - nơi được coi là điểm nóng. Đồng chí đã phân tích, giải thích cho cán bộ cơ sở, tổ chức tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, trong đồng bào người Việt và người Khơ-me về âm mưu thâm độc của kẻ thù. Ngay sau đó, nhiều cuộc hoà giải được tổ chức, công tác giáo dục về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng được tiến hành sâu rộng trong cộng đồng người Khơ-me và người Việt. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã nhắc lại Thư của Bác Hồ gửi đồng bào Nam Bộ, cần "Đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận thấy rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang".

Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong.

Những sự kiện đó được Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu ghi rõ: "Hay tin, cụ Vũ Đức, Khu Bộ trưởng Khu 9 liền ra lệnh thả ngay số đồng bào Khơ-me đang bị bắt, ngăn chặn không cho các cuộc xô xát tiếp diễn...".

Những sự việc trên đã gây ấn tượng mạnh và in sâu trong lòng đồng bào Khơ-me. Đồng chí Hoàng Đình Giong được đồng bào, đồng chí kính trọng gọi thân mật là "Cụ Vũ". Đến ngày nay, đồng bào ở nhiều nơi, đặc biệt là đồng bào vùng Phước Long vẫn còn nhắc đến công ơn "cứu mạng của cụ Vũ Đức", nhiều cụ già nói: "Nước Nam ta có Phật, ở Bắc có Phật Hồ Chí Minh, ở đây mình có Phật Vũ Đức, thằng Pháp rồi nó sẽ chết vì dám xúc phạm đến đất Phật". Tiếng tăm cụ Vũ Đức "không bao lâu đã truyền lan khắp miền Hậu Giang (khu 9) và cả Nam Bộ, ai cũng mến, ai cũng phục vị "Lục" Vũ Đức, từ cụ già đến em bé, khi gặp bộ đội là hỏi có phải bộ đội "Cụ Vũ" không, các chiến sĩ đều nói là bộ đội "Cụ Vũ", đồng bào rất mừng và tích cực ủng hộ bộ đội, ủng hộ kháng chiến. Bằng lý luận và thực tiễn chiến đấu, đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc giữa bộ đội các địa phương khác nhau tại chiến trường Khu 9 và sau này là Khu 6. Trên cương vị của mình, đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, bám đất, bám dân, xây dựng căn cứ địa ở miền Tây Nam Bộ, đó là căn cứ địa U Minh vững chắc cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo để chiến đấu chống kẻ thù. Cuối tháng 11-1946, Trung ương điều đồng chí Vũ Đức ra Bắc họp. Khi đồng chí di chuyển đến Khu 6 thì nhận được quyết định của Trung ương phân công ở lại làm Khu bộ trưởng Khu 6, trực tiếp chỉ huy các đơn vị chủ lực ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

Một buổi sáng tháng 3-1947, đồng chí Vũ Đức đang biên soạn tài liệu huấn luyện dân quân, du kích thì một toán quân Pháp từ phía Đà Lạt, vượt đỉnh núi Thiên Thai, đánh vào sau lưng chiến khu. Giặc ập đến quá nhanh, Khu bộ trưởng Vũ Đức đã lệnh cho những người bên cạnh đi hủy tài liệu, còn mình sử dụng súng ngắn chặn địch. Đồng chí đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng. Cuộc đời hoạt động, chiến đấu và tư tưởng của đồng chí như viên ngọc luôn toả hào quang sáng ngời. Đồng chí đã đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo xuất sắc của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Năm 1980, Trung ương Đảng quyết định đưa hài cốt đồng chí về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Năm 2009, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. “Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp”- Đó là lời Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về đồng chí Hoàng Đình Giong.

Để tưởng nhớ và ghi tạc công lao to lớn của đồng chí, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám (quê nội của đồng chí). Khu di tích được xây dựng với các hạng mục trang nghiêm, trở thành địa chỉ quen thuộc để các thế hệ trẻ tổ chức sinh hoạt giáo dục truyền thống.

Minh Vượng (tổng hợp)

Nguồn TLTK:

-Tài liệu tuyên truyền tháng 4/2014 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Cao Bằng

- Lịch sử Đảng bộ Cao Bằng

- Báo Cao Bằng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4711

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – con người của đổi mới và sáng tạo

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – con người của đổi mới và sáng tạo

  • 18/10/2017 00:00
  • 5194

Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản, có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam.