Tôi vẫn thường nghe tên Ông - Trưởng Ban Biên giới Chính phủ và thấy tên Ông trên những đầu sách của Bộ Ngoại giao;lại cũng được nhà văn Tô Hoài khi còn sống, nhắc đến Ông với tình cảm quý trọng, về những tháng ngày hoạt động trong nhóm Văn hoá Cứu quốc. Năm 2008, đến nơi Ông sống tại số 9 Trần Hưng Đạo, tôi thật sự kinh ngạc
Tôi vẫn thường nghe tên Ông - Trưởng Ban Biên giới Chính phủ và thấy tên Ông trên những đầu sách của Bộ Ngoại giao;lại cũng được nhà văn Tô Hoài khi còn sống, nhắc đến Ông với tình cảm quý trọng, về những tháng ngày hoạt động trong nhóm Văn hoá Cứu quốc. Năm 2008, đến nơi Ông sống tại số 9 Trần Hưng Đạo, tôi thật sự kinh ngạc: Không có gì khác ngoài giá sách khổng lồ trong căn phòng cũ được nhà nước cấp. Ông tặng tôi cuốn hồi ký “Gió bụi đường hoa”, ghi lại những chặng đường hoạt động cách mạng của mình.
Thu này, Ông đã đi xa, nhưng di cảo đồ sộ vô cùng quý giá mà Ông để lại, là báu vật của quốc gia. Ông là Lưu Văn Lợi, người con của quê hương Gia Thụy, huyện Gia Lâm (nay là phường Gia Thụy, quận Long Biên).
Hội viên Hội Văn hoá Cứu quốc
Sinh năm 1913 ở Gia Thụy, nhưng sớm phải chịu cảnh mồ côi cả cha và mẹ trước khi cắp sách tới trường, nên tuổi học trò của Ông gắn với trường Trung học Bonal (Hải Phòng). Năm 1932, tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học, Ông bắt đầu cuộc đời của một công chức nhà Đoan. Nhưng lửa yêu nước trong tim đã thôi thúc Ông tham gia hoạt động trong phong trào truyền bá quốc ngữ ở Phúc Yên. Ông được gặp đồng chí Mười Hương (tức Ban), được tuyên truyền về Việt Minh, về Đề cương Văn hoá Việt Namvà tổ chức Hội Văn hoá Cứu quốc (VHCQ). Từ đó, Ông hăng say tuyên truyền trong nhóm truyền bá quốc ngữ Phúc Yên cho tới năm 1945, chuyển về Hà Nội, lại vẫn làm ở nhà Đoan; nhưng đó chỉ là vỏ bọc an toàn cho Ông và những người đồng chí dễ dàng hoạt động cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Ông cùng các ông Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Hữu Đang làm báo Tiền Phong, cơ quan ngôn luận của Hội VHCQ. Ý định của Hội muốn tờ báo ra sớm, nhưng trong điều kiện in ấn khó khăn, anh em trong Hội bận rộn những ngày nước rút, chạy đua với thời gian, chuẩn bị cho khởi nghĩa, Nguyễn Huy Tưởng được cử đi dự Hội nghị Tân Trào, nên đến tháng 11/1945 báo Tiền Phong mới ra số 1.
* Làm báo La Republique và Le Peuple
Sau khởi nghĩa tháng 8/1945, Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kiểm duyệt Bắc bộ. Tháng 9/1945, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhóm biên soạn gồm Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu và Ông làm nhiệm vụ sưu tầm và biên soạn gấp cuốn sách bằng tiếng Pháp vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Tháng 11/1945, cuốn sách ra đời dưới danh nghĩa sách của Hội VHCQ, với tên “Bằng chứng và tư liệu Pháp về chính sách thực dân của Pháp ở Việt Nam” (Temoignages et document Francais relatifs à la colonisation Francaise au Vietnam). Đây là cuốn sách ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam DCCH. Sau đó, bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt được Hội VHCQ xuất bản dưới tiều đề “Tám mươi năm tội ác”. Năm 1955, Nhà xuất bản Ngoại văn tái bản cuốn sách bằng tiếng Pháp.

Bộ Ngoại Giao tổ chức gặp mặt mừng thọ nhà báo, nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi nhân kỷ niệm Ông 100 tuổi, ngày 1-7-2013.
Cũng trong thời gian này, Trung ương Đảng chủ trương ra một tờ báo tiếng Pháp để tuyên truyền đối ngoại. Hội VHCQ cử Ông làm chủ nhiệm kiêm luôn chủ bút, ông Phan Trác Nghị làm trị sự. Ngay sau đó, Ông mời được ba người bạn Đức rất yêu Việt Nam làm cộng tác viên: Ernts Frey (tức Hồ Chí Dân), Erwin Borchers (tức Chiến Sĩ), Shoeroder (tức Lê Đức Nhân). Ông nhờ họ chuyên viết ba mảng: Lê Đức Nhân viết bình luận quốc tế, Chiến Sĩ viết về lính Lê Dương và lính Pháp, Hồ Chí Dân là cố vấn cho ông về các vấn đề quân sự. Sau đó, ông mời thêm các nhân sĩ trí thức làm cộng tác viên: cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Trần Văn Giáp, ông Nguyễn Khánh Toàn, các nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, họa sĩ Nguyễn Đình Thọ, Luật sư Trần Công Tường. Tuy vậy, do Hội VHCQ không có ngân sách cho báo, nên sẽ phải in chịu nhà in Lê Văn Tân ở Hàng Bông; cán bộ có lương rồi thì không trả thêm khi phụ trách báo. Chuẩn bị xong mọi việc cho báo ra lò, đến tháng 9 năm 1945, tại 58 phố Richaud (nay là Quán Sứ), đồng chí Phạm Văn Đồng đã chủ trị cuộc họp, bàn việc ra số đầu tiên và quyết định lấy tên báo là La Republique. Số 1 được ấn định ra ngày 18/10/1945. Nhớ lại những ngày làm báo trong điều kiện hết sức thiếu thốn đó, Ông đã viết trong hồi ký: “Khi in số đầu và nhiều số sau này, tôi ngủ luôn trên bàn chờ bài để sửa. Thông thường 11, 12 giờ đêm tôi mới về nhà ở 40 Quang Trung; có hôm mệt quá ngủ luôn ở nhà in. Khi đó tôi mới 32 tuổi, sức khỏe nghị lực có thừa nên có thể đồng thời đảm đương cả mấy việc: kiểm duyệt, viết bài, chuẩn bị từng số báo, lên nhà in. Làm việc hầu như không biết mệt”.
Là tờ báo tiếng Pháp duy nhất của chính quyền dân chủ nhân dân, La Républiquenhanh chóng trở thành đường dây liên lạc với đảng viên Đảng Xã hội Pháp ở Hà Nội và nhóm văn hoá mác xít của những người Pháp tiến bộ ở Sài Gòn.
Sau khi Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 được ký kết, để nội dung tờ báo phù hợp với tình hình mới, báo đổi tên là Le Peuple. Số 1 của báo ra ngày 7/4/1946. Tờ Le Peupletuyên truyền về Hiệp định Sơ bộ và là phương tiện đấu tranh đòi phía Pháp thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, tôn trọng chủ quyền nước Việt nam độc lập thống nhất. Báo có thêm chuyên mục mới: Nos Epingles (Những múi kim của chúng tôi) do ông Nguyễn Khánh Toàn đảm nhiệm nhằm châm biếm, đả kích những việc “chướng tai, gai mắt” khi quân Pháp thường xuyên vi phạm Hiệp định. Tình hình ngày càng căng thẳng khi ngày 1/6/1946, cái gọi là nước cộng hòa tự trị Nam kỳ được thành lập và Chính phủ lâm thời Nam kỳ do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng. Hội nghị Fontainebleau bàn về thống nhất Nam Bắc không đạt được kết quả mong muốn. Do vây, tờ Le Peuple đã tỏ rõ thái độ đấu tranh kiên quyết, đòi Pháp thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Sơ bộ, đưa tiếng nói của Chính phủ Hồ Chí Minh đến với những người Pháp, kể cả binh sĩ tiến bộ. Đến khoảng tháng 11/1946, báo Le Peuple ra số cuối cùng để gấp rút chuẩn bị kháng chiến.
Tuy báo chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 11 năm 1946, nhưng báo La Republique và Le Peuple đã góp phần đáng kể trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước dân chủ nhân dân đến với những độc giả tiến bộ của nước Pháp yêu chuộng tự do, dân chủ, hòa bình, ủng hộ dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền, độc lập, thống nhất.
“Đánh thù lớn nhỏ dạ không nao”
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Ông gắn chặt với khởi nghĩa tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giành hòa bình thống nhất non sông trọn vẹn, bảo vệ chủ quyền biên cương đất - biển - trời. Những sự kiện lớn của quân đội và của đất nước, ông đều được giao trọng trách: Năm 1950, Ông làm Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và làm thư ký toà soạn báo Quân đội Nhân dân. Sau chiến thắng Điện Biên phủ, Ông lại được Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ tiếp nhận thương binh do Pháp trao trả. Với bí danh “ thiếu tá Nguyễn Văn Lê”, ngày 11/6/1954, Ông Đại diện cho phía Quân đội Nhân dân Việt Nam làm việc với phía Pháp, thiếu tá James về những vấn đề liên quan đến việc trao 267 thương bệnh binh cho Việt Nam, đình chỉ mọi hoạt động quân sự trên dải đất rộng 200m ở khu vực Phủ LạngThương - Cầu Giỏ đảm bảo an toàn cho họ. Ngày 16/6 /1954, cuộc trao trả đã hoàn thành tốt đẹp, Ông làm nhiệm vụ giao dịch với đoàn Pháp và tiếp cả phóng viên tạp chí Pari Match đến chụp ảnh, đưa tin. Sau đó, Ông được cử làm phiên dịch cho Đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Trung Giã và Ông đã được Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba vì những đóng góp xuất sắc cho hội nghị.
Pháp đi Mỹ đến, Ông được biệt phái chuyển sang Bộ Ngoại giao, vừa làm Chánh Văn phòng Bộ, vừa phụ trách văn thư đối ngoại cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông luôn được anh em tin cậy là người thẩm định cuối cùng các văn bản ngoại giao. Đồng nghiệp bái phục gọi Ông là “từ điển sống của Bộ Ngoại giao”.

Đại tá Lưu Văn Lợi (trái) trong Hội nghị quân sự bốn bên (1973).
Từ 13/5/1968, cuộc đàm phán Việt-Mỹ bắt đầu. Đây cũng là thời kỳ Ông đem tất cả tài trí đang ở độ chín vào cuộc đấu trí căng thẳng nhất, kéo dài nhất, gay go nhất trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của dân tộc ta cho đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết.
Từ hội viên Hội VHCQ trở thành bộ đội Cụ Hồ rồi trở thành nhà ngoại giao xuất sắc suốt 20 năm chống Mỹ, sau đó, làm Trưởng Ban Biên giới Hội đồng Bộ trưởng khi đã ở tuổi 72, con đường Ông đi từ nhà báo đến sứ thần - là con đường của một trí tuệ uyên bác và một nhân cách của người cán bộ cách mạng liêm chính. Ông không chỉ đấu tranh trên bàn hội nghị mà còn là tác giả của các công trình có giá trị khoa học và thực tiễn cao: “Ở Nam vĩ tuyến 17”, Hai vết dầu loang”, “Hai mươi năm can thiệp của Mỹ”, “Vì sao Mỹ không cứu Điện Biên Phủ”, “Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger”, “Việt Nam đất biển trời”. Kỷ niệm 50 năm trên đường dài chinh chiến, nhìn lại quãng đường đời đã qua, Ông cảm tác làm bài thơ dung dị đầy tự hào và cũng đầy mẫn tiệp của người đã trải bao sương gió: “Quốc uy vĩnh cửu giương không mỏi/Lãnh thổ ngàn xưa giữ chẳng hao/Kết bạn gần xa đâu có quản/Đánh thù lớn nhỏ dạ không nao/Thăng trầm thế sự xin cho gác/Một chút tâm nhàn ước chẳng cao”. Huân chương Hồ Chí Minh mà Đảng, Nhà nước trao tặng Ông tháng 5/2007 là niềm tự hào và vinh dự lớn lao trong cuộc đời của người đảng viên 70 tuổi Đảng.
Ông nhẹ bước vào cõi Thiên thu.
Ths. Phạm Kim Thanh