08/07/2019 14:36 4643
Điểm: 3.67/5 (3 đánh giá)
Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.
Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)
Sau cuộc tọa đàm, tôi đến thăm ông ở tại căn hộ nhỏ tại E6 khu tập thể Phương Mai. Tôi học được ở ông rất nhiều kiến thức trên đường đời với bao nhiêu thăng trầm, khốn khó nhưng không bao giờ tắt ngọn lửa đam mê sáng tạo. Nhiều người đã viết về những cống hiến của ông cho văn học - nghệ thuật, nhưng ít người biết, ông đã gắn bó từ rất sớm và có những đóng góp đáng kể cho báo chí cách mạng.
* Đường đến với báo Suối Reo
Tốt nghiệp tú tài toàn phần xuất sắc phân ban Triết học trường Bưởi Hà Nội, nhưng năm 1938, ông đã viết kịch thơ Lam Sơn tráng sĩ. Lòng yêu nước, ghét thực dân áp bức đã đưa đến hành động tự phát chống giặc ở đồn Hà Cối (Quảng Ninh). Ông bị xử án 8 năm tù và bị giải từ Hoả Lò lên nhà tù Sơn La. Đói, rét, ho ra máu kéo dài, ông bị đưa sang phòng giam riêng nên đã được ở cùng đồng chí Tô Hiệu. Ông kể: "Trong tù có cả một thư viện sách đủ cả sách của các tác giả Pháp, Nga, Trung Hoa, đặc biệt báo Volonté Indochinoise (Dân Nguyện) bằng tiếng Pháp, anh Lê Đức Thọ đi làm bồi bếp cho tên công sứ Sơn La đã lấy được báo về nhà tù. Từ đó, anh Trần Huy Liệu bảo tôi dạy tiếng Pháp để anh đọc báo; còn anh dạy tôi học thêm chữ Hán. Tình bạn gắn bó thuỷ chung giữa tôi và anh Trần Huy Liệu bắt đầu từ những ngày học tập và làm báo Suối Reo. Anh Trần Huy Liệu rồi Xuân Thủy phụ trách báo. Tôi vẽ bìa báo. Đào Duy Dếnh (tức Đào Phan) và Nguyễn Duy Phương (tức Lê Hiến Mai) chữ đẹp phải chép rất nhiều bản của báo để bí mật đưa đến các phòng giam”.
Sau này, nhớ lại bốn năm tù Sơn La, ông viết Ký sự "Cánh nhạn lai hồng" (NXB Văn hóa - 1991). Đó là tác phẩm viết hay nhất, xúc động nhất về cuộc đấu tranh trong tù Sơn La. Tính nhân văn sâu sắc và ngòi bút giàu chất thơ - chất thép đã tạo nên thành công của ký sự này.
* Viết bài cho báo kháng chiến
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông phụ trách phòng biên tập của Ban Thông tin Tuyên truyền Liên khu III, viết thơ, kịch bản và truyện ngắn cho các báo và các Sở Thông tin của Liên khu. Lối viết khoáng đạt, ngôn ngữ giàu chất thơ mà vẫn bám sát thời sự nóng hổi của cuộc kháng chiến đã đưa ông tới thành công liên tiếp, đoạt ba giải thưởng: tập truyện ngắn “Trên bến Búng” (1947) đoạt giải của Sở văn hóa Thái Bình; tập truyện “Tù binh Angiê” (1948) đoạt giải của Địch vận Liên khu III, tập thơ “Dao bầu giết giặc” đoạt giải của báo Quân du kích (1949).
Năm 1951, chứng bệnh ho lao cũ tái phát trầm trọng nên ông phải xin phép tổ chức vào Hà Nội cứu chữa. Trong lòng địch, ông sáng tác các tác phẩm nêu cao lòng yêu nước chống xâm lăng, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu (1953) và truyện ngắn Trại Tân bồi (1953).
Đây cũng là thời kỳ ông vừa sáng tạo văn học vừa hoạt động cho kháng chiến mà ông gọi là tổ 3V (Văn hoá-Văn nghệ-Trí thức vận). Còn nhớ trong căn phòng chỉ có ông và cái vi tính to đùng trên bàn, ông lúi húi lục tìm rồi đưa cho tôi xem giấy tờ đã vàng suộm màu thời gian và hào hứng kể: Trong tiểu thuyết Đôi mắt màu tím (1994), các nhân vật được ông lấy từ nguyên mẫu tổ 3V: Lãng chính là ông - Hoàng Công Khanh (tên thật là Đoàn Xuân Kiểu), Hoài là nhà văn - nhà báo Hoài Việt, Xuân Phố là hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Lương là hoạ sĩ Lương Xuân Nhị, Vị là đồng chí Nguyễn Bắc, Quận uỷ viên Quận nội thành phụ trách công tác trí thức vận. Và cả tên báo Dân Vi Quý chính là báo Dân Ý, báo Vui Mới chính là báo Niềm Vui.
Chân dung tặng nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh -
họa sĩ Bùi Xuân Phái ký họa năm 1951
Ông và đồng nghiệp đã sống chết có nhau khi làm báo công khai trong sự kiểm soát gắt gao của Sở Thông tin Bắc Việt. Toà soạn báo đặt ở 84 phố Thuốc Bắc của hiệu sách Kuy Sơn. Ông Hoài Việt đảm nhận vai trò trị sự, quản lý báo, đồng thời ở trong Ban biên tập. Việc chạy giấy phép nhờ ông Muỗi Sài Gòn tức Vũ Đức Toa đang là biên tập viên báo “Tia Sáng”. Tờ báo được một số anh em văn nghệ sĩ như các hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Mạnh Quỳnh, Huyền Quang, Trương Uyên, Hoàng Lan, Sĩ Tiến, Mộng Sơn, nữ sĩ Ngân Giang gửi bài cộng tác, không lấy nhuận bút để ủng hộ kháng chiến. Ông Lê Cường, một chủ nhà in lớn của Hà Nội ủng hộ việc in báo. Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tranh minh hoạ và lên ma két. Số 1 của báo ra ngày 2/5/1954 với 8 trang khổ to như báo Văn Nghệ bây giờ với đủ các chuyên mục: Xã luận, bài và tin tức trong nước, thế giới, truyện, thơ trào phúng, giới thiệu và dịch tác phẩm văn học nước ngoài, tranh... vì khuynh hướng “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” của Dân Ý quá rõ nên báo ra đến số 5, ngày 2/7/1954 thì bị cấm.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết càng làm cho nhân dân nức lòng. Để kịp thời tuyên truyền rộng rãi tin tức kháng chiến, Quận uỷ Nội thành thấy cần phải tiếp tục ra báo công khai. Ông Hoàng Công Khanh và các nhà báo đã tham gia Dân Ý tiếp tục viết bài cho báo Niềm Vui. Số 1 của báo ra đúng ngày 27/7/1954. Trong điều kiện thuận lợi mới, tờ Niềm Vui đã thường xuyên đăng bài về Hiệp định Giơ-ne-vơ, giải thích rõ lập trường của chính phủ Hồ Chí Minh. Niềm Vui ra được 5 số thì Thủ đô tưng bừng hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, Thủ đô sạch bóng thù.
Ông đã về cõi Tiên, uống rượu cùng nhà văn - cũng là ông thông gia Kim Lân 9 năm rồi. Nhớ lời ông kể với ánh mắt tinh anh, nụ cười hồn hậu: Tôi viết kịch thơ “Bến nước ngũ bồ” là mượn xưa nói nay, Nha thông tin Bắc Việt biết cả mà không làm gì được. Làm báo Dân Ý thì dễ thở hơn một chút vì nó đang thua to rồi. Anh em sống chết bên nhau mà vui. Mọi thứ trên đời rồi sẽ qua, chỉ có cái Thiện, cái Nhân của con người là vĩnh hằng”.
Vâng, tôi cũng hằng tin như thế!
Ths. Phạm Kim Thanh