Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/05/2017 21:10 5532
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách đây 71 năm, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam DCCH non trẻ. Đó là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà Pháp (từ 31-5 đến 18-9-1946).

Bốn tháng làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp, 1946

Trong thành phần của Phái đoàn chính phủ nước Việt Nam DCCH cùng đi với chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó, ngoài những tên tuổi của nhiều người mà sau này đã trở thành nổi tiếng vì vai trò và những đóng góp của họ cho nhà nước Việt Nam DCCH như Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Dương Bạch Mai...còn có mặt một doanh nhân nổi tiếng đất Hà thành vào những thập kỷ 30-40 của thế kỷ XX - đó là nhà Tư sản Đỗ Đình Thiện, ông tham dự phái đoàn với tư cách là Thư ký riêng của Chủ tịch nước Việt Nam DCCH. Sở dĩ chúng tôi gọi ông là một người thư ký “đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi lẽ ông vốn là một doanh nhân và chỉ đảm nhận chức vụ này trong một thời gian ngắn (4 tháng, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9 năm 1946). Là Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đỗ Đình Thiện đã ghi chép một cách chi tiết và sinh động những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của phái đoàn ta trong chuyến thăm nước CH Pháp năm 1946 trong cuốn “Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch bốn tháng ở Pháp (22-6-1956 đến 17-9-1946)” (1). Tại cuộc họp báo trước lúc lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu ông Đỗ Đình Thiện và ông Vũ Đình Huỳnh như là “hai cánh tay” của Người khi công du tới nước Pháp. Ông Huỳnh được lập tức phong là “đại tá” phụ trách an ninh, đối nội. Ông Thiện là thư ký phụ trách đối ngoại, tài chính. Và cũng ít người biết rằng, đằng sau vẻ thành đạt của một doanh nhân, Đỗ Đình Thiện còn là một đảng viên cộng sản và có nhiều đóng góp về tài chính cho Đảng ta trong giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền cũng như trong những tháng ngày đầy khó khăn, gian khổ của của nhà nước Việt Nam DCCH thời kỳ mới thành lập.

Ông Đỗ Đình Thiện (1904-1972).

Cuốn “Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch bốn tháng ở Pháp (22-6-1956 đến 17-9-1946) do ông Đỗ Đình Thiện ghi chép. (Bản gốc hiện lưu tại BTLSQG)

GS. TS Toán học Đỗ Long Vân, trưởng nam của ông bà Đỗ Đình Thiện kể: "Vì sao cha tôi được chọn trong chuyến đi đặc biệt ấy ư? Cha tôi kể lại rằng, lúc đó ông Nguyễn Lương Bằng đến nói với ông: "Bác muốn anh tháp tùng Bác đi Pháp?". Cha tôi, vốn là người ngang nghạnh, và rất e ngại việc tham dự những việc chính trị quan trọng nên hỏi lại: "Tôi có thể không đi được không?". Ông Bằng nói: "Nếu anh tìm được người thay thế thì anh có thể ở lại...". Thế là cha tôi trở thành thư ký của Bác Hồ trong chuyến đi đó, ông Vũ Đình Huỳnh là đại tá cận vệ.

Vậy, tại sao Bác lại chọn ông Đỗ Đình Thiện chứ không phải là ai khác làm thư ký cho mình trong chuyến đi quan trọng này sang Pháp?

Ngoài giỏi tiếng Pháp, lịch lãm sang trọng, giàu có đủ lo cho cả chuyến đi, nhà tư sản Đỗ Đình Thiện lúc đó còn là một người có uy tín với nhiều giới ở Hà Nội, một người Việt Nam được giới thượng lưu ở Pháp biết đến. Chuyến đi đã ghi được dấu ấn tốt đẹp của Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam mới với người Pháp và Việt Kiều tại Pháp, trong đó không thể không kể đến công lao của người thư ký “đặc biệt” Đỗ Đình Thiện.

Vài nét về tiểu sử

Đỗ Đình Thiện sinh năm 1904 trong một gia đình viên chức nhỏ, quê ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Mới 3 tháng tuổi, ông đã mồ côi cha. Mẹ ông Thiện, cụ Trần Thị Lan goá chồng từ lúc chưa đầy 30 tuổi, ở vậy nuôi con ăn học và tần tảo gây dựng nên một cơ sở kinh tế tuy chưa thực sự giàu sang nhưng vững chắc với tiệm buôn tơ ở số 72-74 Hàng Gai, Hà Nội. Thời học sinh, Đỗ Đình Thiện học ở trường Hàng Vôi, Hà Nội. Năm 1926, vì tham gia phong trào để tang Phan Châu Trinh, ông bị đuổi học, chuyển xuống học và tốt nghiệp trung học tại Nam Định. Giữa năm 1927, Đỗ Đình Thiện sang Pháp du học, là sinh viên Đại học Canh nông Toulouse và tích cực tham gia vào các hoạt động của Việt kiều yêu nước tại đây. Năm 1928, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (sinh hoạt cùng một chi bộ với Trần Văn Giàu và giữa hai người đã có một tình bạn đặc biệt thân thiết)(2), và sau đó đã được Đảng Cộng sản Pháp cử đi công tác ở Liên Xô một thời gian. Ngày 7-10-1931, ông bị cảnh sát Pháp bắt tại ga Matablan khi mang truyền đơn cách mạng trao cho binh lính người Việt Nam trên đường hồi hương qua Toulouse, bị Toà án Thực dân Pháp kết án 4 tháng tù giam. Đầu năm 1932, ông bị trục xuất về nước, bị mật thám Pháp quản thúc và theo dõi gắt gao. Cuối năm 1932, Đỗ Đình Thiện xây dựng gia đình với bà Trịnh Thị Điền (nguyên là nữ đảng viên đảng Tân Việt, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam) và từ đây, hai vợ chồng ông bắt tay vào việc kinh doanh với việc mở tiệm buôn tơ lụa Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Hà Nội. Trong những năm 1936-1939, ông tích cực tham gia phong trào Mặt trận Bình dân với việc ủng hộ tiền và hoạt động cho báo Le Travail (Lao động) và tuyên truyền vận động bầu người của Đảng vào Viện dân biểu. Năm 1941, ông bà Thiện mua lại của ông Hưng Ký (bạn của mẹ đẻ ông Thiện) một nhà máy Dệt ở Gia Lâm với giá ba vạn đồng Đông Dương. Nhà máy có 20 máy dệt với trên 50 kỹ sư và công nhân. Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, năm 1943, ông bà Thiện mua đồn điền Borel (còn gọi là đồn điền Chi Nê) ở Lạc Thủy, Hòa Bình với giá 1 triệu đồng Đông Dương (tương đương khoảng 2000 lạng vàng). Đây là một đồn điền cà phê do hai chú cháu E.Borel - một dòng họ nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh đồn điền ở Đông Dương dày công xây dựng trong 40 năm, diện tích khoảng 12.000 ha (dài 13 km, rộng 9 km) với 400.000 gốc cà phê, 200.000 gốc soan, 1.500 mẫu ruộng và 4000 con trâu, bò, cừu, dê…Trong những năm 1943-1945, đồn điền Chi Nê đã trở thành một địa điểm liên lạc, cung cấp tài chính và là nơi trú ẩn an toàn cho những cán bộ của Đảng như các ông Nguyễn Tạo, Bùi Lâm, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Tuấn Thức, Lê Văn Hiền …hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu Ấn Độ tại nhà của ông bà Raymond Aubrac, CH Pháp, tháng 9 - 1946.

Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, Đỗ Đình Thiện đã tích cực tham gia vận động đồng bào và giới công thương Hà Nội tham gia Tuần lễ Vàng, được cử làm Trưởng Quỹ Độc lập Trung ương, Uỷ viên Hội Cứu đói, Giám đốc Ngũ cốc Công ty, Phó Chủ tịch Việt Nam Công thương Ngân hàng (thành lập tháng 10-1945 do Trịnh Văn Bô làm Chủ tịch)(3), Uỷ viên Hội đồng Quản trị Đại học Việt Nam (Gồm các ông Vĩnh Thụy, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Cẩn, Hoàng Xuân Hãn, Phạm Khắc Quảng, Phạm Ngọc Thạch, Đỗ Đình Thiện, Hồ Hữu Tường), Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Khu Hoàn Kiếm, Hà Nội, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm nước Pháp.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ông đưa cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến, là Giám đốc đầu tiên của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (1948-1950), Trưởng phòng Quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1951-1952). Năm 1953, ông nghỉ công tác vì điều kiện sức khoẻ. Từ năm 1961 đến 1972, là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất ngày 2-1-1972, hưởng thọ 69 tuổi.

Những đóng góp về tài chính và vật chất cho Đảng và Nhà nước

Cuối năm 1943, sau khi vượt ngục Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Ban Thường vụ Trung ương Đảng phân công phụ trách hoạt động tài chính của Đảng, đồng chí đã đến gặp ông bà Đỗ Đình Thiện tại nhà riêng ở 54 Hàng Gai, Hà Nội. Trong cuộc gặp này, ông bà Đỗ Đình Thiện đã trao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng ba vạn đồng Đông Dương để đóng góp vào quỹ Đảng. Đây là một số tiền rất lớn lúc đó vì theo lời kể của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, khi được phân công phụ trách tài chính của Đảng, toàn bộ Quỹ Đảng lúc đó chỉ có hai mươi bốn đồng(4).

Đầu năm 1945, thông qua ông Vũ Đình Huỳnh, ông bà Thiện gửi cho quỹ Đảng mười vạn đồng Đông Dương.

Trong Tuần lễ Vàng do Chính phủ Lâm thời phát động tháng 9-1945, ông bà Thiện đã hiến 86 lạng vàng.

Khi đựơc Chính phủ cử là Trưởng Quỹ Độc lập Trung ương, ông Thiện đã góp vào quỹ này mười vạn đồng Đông Dương.

Thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, chính phủ kháng chiến lúc này rất khó khăn về ấn loát, in tiền. Ông bà đã mua lại nhà in Taupin của một nhà tư sản Pháp và hiến tặng chính phủ. Và chính nhà in này đã được chuyển về đồn điền của ông ở Chi Nê, là nơi đặt cơ sở in tiền đầu tiên của Bộ Tài chính nước Việt Nam DCCH. Từ đây, tiền giấy Việt Nam DCCH đã ra đời và vực dậy nền tài chính cạn kiệt của quốc gia những ngày đầu độc lập. Giấy bạc Cụ Hồ mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng: góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta. (5)

Chủ tỉnh Hồ chí Minh và một số đại biểu Việt Nam thăm bờ biển nước Pháp, năm 1946.

Là nơi qua lại, dừng chân của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Tháng 2-1947, trên đường đi kinh lý Thanh Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và nghỉ qua đêm tại đây(6). Đồn điền Chi Nê cũng là nơi trú ngụ, đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội. Ông bà Thiện đã thường xuyên ủng hộ các đơn vị bộ đội đóng quân ở Chi Nê rất nhiều lương thực, thực phẩm. Riêng vụ lúa Thu 1946-1947, đã ủng hộ Vệ Quốc đoàn Chiến khu hai 200 tấn thóc để nuôi quân. Sau ngày 19-12-1946, Ông bà Thiện đã ủng hộ Đoàn Xung phong sản xuất của Ban Tài chính Trung ương Đảng gần 1000 con bò khi lập đồn điền Thọ Phương (Thọ Xuân, Thanh Hoá)(7).

Ngày 22-2-1947, máy bay Pháp đã ném bom oanh tạc đồn điền Chi Nê nhằm phá huỷ cơ quan in tiền của Bộ Tài chính. Tài sản của gia đình Đỗ Đình Thiện ở đồn điền bị tàn phá nặng nề(8).

Sau khi nhận được tin máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chi Nê, nơi đặt nhà máy in bạc đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, gây tổn thất nghiêm trọng cho cơ quan ấn loát và tài sản của gia đình điền chủ Đỗ Đình Thiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư cho ông bà Đỗ Đình Thiện trên mặt sau tấm bưu thiếp của Người. Bức thư đó hiện đang được GS.TS Toán học Đỗ Long Vân lưu giữ. Lá thư ngắn, nhưng thể hiện tình cảm thân thiết đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với gia đình Đỗ Đình Thiện. Nguyên văn bức thư như sau:

“ Chú thím Thiện,

Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. “Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ”. Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khoẻ. Hôn các cháu.

Chào thân ái và quyết thắng.”

Theo hồi ức của TS Đỗ Long Vân, sau khi bị bom tại Chi Nê, toàn bộ gia đình ông Thiện đã lên chiến khu Việt Bắc, giao lại đồn điền Chi Nê cho Ban Kinh tài của Đảng. Gia đình ông Thiện sống ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con cháu ông Đỗ Đình Thiện và gia đình các Bộ trưởng, các nhân sĩ cách mạng đã quây quần quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sống và làm việc với niềm tin mạnh mẽ vào ngày kháng chiến thành công.

Tường Khanh

Chú thích:

1. Bản gốc hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

2. Theo lời kể của GS. Trần Văn Giàu và của GS. TS Đỗ Long Vân – con trai ông Đỗ Đình Thiện.

3. Ban Tài chính quản trị Trung ương: Biên niên sử hoạt động tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam (Lưu hành nội bộ).NXB Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr 90-91.

4.Xem : Nhân dân ta rất anh hùng. Hồi ký, NXB Văn học, H, 1960, tr 59-60,Ban Tài chính quản trị Trung ương: Biên niên sử hoạt động tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam (Lưu hành nội bộ). NXB Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr 67-69 .

5. Năm 2010, Nhà nước đã thành lập Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền, tiến hành đầu tư trùng tu, nâng cấp công trình và chia làm ba phần: Ngôi nhà trung tâm Đồn điền Chi Nê xưa, Khu xưởng in bạc và Kho để tiền. Tổng diện tích khu di tích rộng 15,5 ha với tổng mức đầu tư khoảng trên 270 tỷ đồng.

6. Xem: Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử Tập 4. NXB Chính trị Quốc gia, H, 1994, tr 42-53Lê Văn Hiến: Nhật ký của một Bộ trưởng. NXB Đà Nẵng, 2004, tr 75-80.

7.Ban Tài Chính Quản trị Trung ương, sách đã dẫn, tr 89-93.

8. Lê Văn Hiến: Nhật ký của một Bộ trưởng, đã dẫn, tr 78-85.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4524

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Thiền sư Tuệ Tĩnh: ông Tổ nghề thuốc Nam

Thiền sư Tuệ Tĩnh: ông Tổ nghề thuốc Nam

  • 25/04/2017 00:34
  • 13022

Tuệ Tĩnh, tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, còn có biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương)