Cụ Ứng hòe Nguyễn Văn Tố (1889 – 1947) không chỉ là một học giả uyên bác của Viện Viễn Đông Bác Cổ, mà còn là thành viên của Đông Kinh Nghĩa Thục, đã từng cùng với Cụ cử Lương Văn Can, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc… hô hào quốc dân học chữ quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX. Năm 1938, Cụ là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ và là người có công lớn trong việc xóa nạn mù chữ ở Việt Nam
Cụ Ứng hòe Nguyễn Văn Tố (1889 – 1947) không chỉ là một học giả uyên bác của Viện Viễn Đông Bác Cổ, mà còn là thành viên của Đông Kinh Nghĩa Thục, đã từng cùng với Cụ cử Lương Văn Can, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc… hô hào quốc dân học chữ quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX. Năm 1938, Cụ là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ và là người có công lớn trong việc xóa nạn mù chữ ở Việt Nam. Là một học giả uyên thâm Hán học, tinh thông Tây học, đóng góp trí tuệ siêu việt trên các lĩnh vực sử học, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa dân gian...Cụ Ứng hòe Nguyễn Văn Tố hy sinh tháng 10-1947 ở Bắc Cạn như một người chiến sĩ anh dũng trên mặt trận văn hóa và Cụ đã cống hiến trọn vẹn Đức-Trí-Dũng cho khoa học và văn hóa của đất nước.
Liệt sỹ, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố (1889 – 1947).
Một học giả “thông kim bác cổ” trên nhiều lĩnh vực khoa học
Cụ sinh ngày 5/6/1889, trong một gia đình Nho giáo, tại huyện Thọ Xương cũ (Hà Nội), nay là 78 phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn, tiếp thu văn minh phương Tây, Nguyễn Văn Tố vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Từ nhân viên phụ tá, với tư chất thông minh hiếm có, Cụ đã viết nhiều bài khảo cứu, nên được Giám đốc tín nhiệm và cho giữ chức chủ sự Học viện, một cơ quan nghiên cứu lịch sử, văn hóa của người Pháp ở 26 Lý Thường Kiệt. Từ đó, trên Kỷ yếu của Học viện (BEFEO) và các báo Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ - xuất bản tại Hà Nội), Courrier d'Hai phong (Thư tín Hải Phòng - xuất bản ở Hải Phòng), xuất hiện tên tác giả Nguyễn Văn Tố với các bài khảo cứu về văn hóa dân tộc, văn học và lịch sử cổ trung đại bằng tiếng Pháp. Từ năm 1941 đến năm 1945 (từ số 1 đến số 212) của Tạp chí Tri Tân(1), Nguyễn Văn Tố đều có bài khảo cứu.

Tạp chí Tri Tân số đầu tiên ra ngày 3-6-1941.


Bài “Quốc hiệu nước ta” của Ứng hòe Nguyễn Văn Tố đăng trên Tri Tân số đầu tiên, ngày 3-6-1941.
Đến nay, đọc lại di cảo vô cùng phong phú của Cụ trên các lĩnh vực khoa học, văn hóa, lịch sử, chúng ta lại càng thấy sự thông kim bác cổ của nhà trí thức am tường sâu sắc cả văn hóa Việt Nam và phương Đông: Văn hóa phương Đông (1932), Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam (1933), Thời tiền sử ở Bắc Kỳ (1933), Ngôi chùa An Nam (1941), Những vật dụng trong ngôi chùa An Nam, Vua Gia Long đối với dân Bắc Thành (1942), Tôn giáo nước Nam, Văn hóa Đông Dương; Vết tích thành Đại La (1943), Lịch sử Hồ Tây, Gốc tích thành Huế, Đồ thờ của ta, Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây (1944), Khí giới ở các đền chùa và nghi vệ đời xưa (1945)... Nguyễn Văn Tố còn kỳ công đi sâu vào văn bản học, tra cứu những vấn đề gai góc của từ ngữ cổ: Tài liệu để đính chính những bài văn cổ, Bia Văn Miếu, Tra nghĩa chữ Nho. Cụ đã sưu tập, dịch và giới thiệu các tác giả, tác phẩm Hán Nôm ra chữ Quốc ngữ: Sự tích Ôn Như hầu, Hoa tiên, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thơ xuân đời Hồng Đức, Thơ Hồng Đức bổ chính, Thơ vịnh sử đời Hồng Đức…Hứng thú biên soạn lịch sử, cụ đã viết sách Đại Nam dật sử và Sử ta so với sử Tàu, Phép quân điền của nước ta, Những ông Nghè triều Lê. Lần đầu tiên, nhờ có Ứng hòe dày công khảo cứu mà tạp chí Tri Tân công bố các tác phẩm văn học sáng giá của Lê Thánh Tông (1442-1497), Lê Quý Đôn (1726-1784), Nguyễn Huy Lượng (1758-1808), Nguyễn Khuyến (1835-1909)...Tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) được Cụ nghiên cứu sâu sắc và khoa học với cách liên hệ, so sánh câu chữ các bản Nôm, các lối phiên âm, hệ thống điển tích, các bản khảo dị, các cách hiểu, các bài giảng Kiều, tập Kiều, đố Kiều, vịnh Kiều....Cụ sớm trở thành một học giả có tên tuổi trong số ít các học giả người Việt làm việc ở Viễn Đông Bác Cổ thời đó.
Tận lực trong công cuộc truyền bá chữ Quốc ngữ
Trong hoạt động văn hóa và báo chí công khai những năm 1937-1938, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp càng ngày càng nhận thấy một yêu cầu bức thiết: cần phải chống nạn mù chữ, thất học cho nhân dân. Trong hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông Trần Huy Liệu đã viết rất rõ nguyên do thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ: “Để tiến tới một tổ chức chống nạn thất học, chúng tôi, một số đồng chí đã họp với một số nhân sĩ để bàn về việc này. Buổi họp ấy tại nhà anh Phan Thanh, trong đó có các anh Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và tôi cùng mấy nhân sĩ là Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố và Trần Trọng Kim. Hội nghị đã đi tới việc xin phép thành lập một hội, trước định là Hội chống nạn thất học, sau thu gọn lại và cụ thể là Hội truyền bá Quốc ngữ. Nhưng ai là người đứng ra xin phép? Sau khi thảo luận, chúng tôi đồng ý ủy thác cụ Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Trí Tri hồi ấy, đứng ra đảm nhận việc này. Để cho công việc được dễ dàng, sau cuộc họp này, chúng tôi cử người tiếp xúc với cụ Tố lo liệu việc xin phép lập Hội(2). Buổi họp đầu tiên diễn ra tại nhà ông Phan Thanh, bầu ra Ban trị sự lâm thời: Ông Nguyễn Văn Tố là Hội trưởng, ông Bùi Kỷ là Phó hội trưởng, ông Phan Thanh là thư ký, ông Quản Xuân Nam là phó thư ký, ông Võ Nguyên Giáp là thủ quỹ; cố vấn của Hội: ông Hoàng Xuân Hãn.

Một buổi diễn thuyết của Hội Truyền bá Quốc ngữ, năm 1938.
Nhờ sự ủng hộ, đồng tình của cụ Tố, ngày 25-5-1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời tại Hội quán thể thao An Nam (C.S.A) trên phố Khúc Hạo, Hà Nội. Sau khi thành lập, Ban trị sự phân công các ủy viên phụ trách ban chuyên môn: ông Phan Thanh,Trưởng Ban cổ động. Ông Võ Nguyên Giáp, Trưởng Ban dạy học; ông Hoàng Xuân Hãn, Trưởng Ban tu thư; ông Quản Xuân Nam, Trưởng Ban khánh tiết chuyên lo kinh phí, trường lớp cho Hội hoạt động. Mục đích của Hội Truyền bá Quốc ngữ là: “Dạy cho người Việt Nam biết đọc, biết viết và giúp cho họ thâu thái những kiến văn thường thức cần cho cuộc sống mới”. Ngày 9-9-1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ Bắc kỳ khai giảng khóa đầu tiên ở Hà Nội tại Hội quán Trí Tri và trường tư thục Thăng Long với gần 800 học viên. Chỉ sau nửa năm mở trường lớp, tháng 3-1939, Hội mở rộng thêm các trường lớp ở Hàng Cót và bãi Phúc Xá. Đến tháng 9-1939, Hội mở thêm 5 khu mới với 1.200 học viên, 60 giáo viên ở các trường tư thục sau: Tri Tôn (trên phố Công sứ Mi-ri-ben, nay là phố Trần Nhân Tông); Thành Nhân trên phố Huế; Đông Dương và Việt Nam ở phố Lò Đúc; Đông Tây ở phố Hàng Cót. Những năm 1940-1944, mặc dù phải chịu cảnh một cổ hai tròng, thanh niên Hà Nội vẫn nhiệt tâm tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ. Hội vẫn hoạt động khá mạnh với hệ thống trường lớp mở ra ngoại thành và Hà Đông như ở các làng Bạch Mai, Bưởi, Đông Ngạc, Canh, Diễn, thị xã Hà Đông… Số học viên học chữ Quốc ngữ đã lên tới 23.000 người. Có thể nói, đây là sự tiếp nối học chữ Quốc ngữ của phong trào Đông kinh Nghĩa thục ở mức độ sâu rộng hơn, mang tính phổ biến hơn trong những năm 30-40 của thế kỷ XX. Uy tín, đức độ, yêu nước, mong cho người dân biết đọc, biết viết để giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc trong thời đại mới, Cụ đã có đóng góp to lớn vào phong trào truyền bá Quốc ngữ của Hà Nội cũng như cả Bắc kỳ.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Cụ Tố ra giúp nước, giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội (nay là Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946, Cụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội (đại biểu tỉnh Nam Định). Ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội, Cụ được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội) cho đến ngày 8/11/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố và các thành viên Chính phủ Cách mạng Lâm thời, năm 1945.

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I, Nhà Hát lớn Hà Nội, ngày 2-3-1946.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946.
Thực hiện sách lược mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đối phó với quân Tưởng luôn luôn phá hoại chính quyền dân chủ nhân dân, ngày 3/11/1946, Chính phủ phân công các vị làm Bộ trưởng, trong đó Cụ giữ chức vụ Bộ trưởng không Bộ. Đầu năm 1947, Cụ có một chuyến đi làm việc tại Hà Đông để quyên góp gạo cứu đói cho Hà Nội. Trong báo cáo gửi Hồ Chủ tịch đề ngày 6-1-1947, Cụ Nguyễn Văn Tố viết: “Từ thứ Năm mồng 2.1.1947 đến Chủ nhật 5.1.1947, tôi đi phủ Hoài Đức, cách tỉnh lỵ 9 cây số, rồi từ đấy đi các làng xung quanh... Tôi đi đến tận nơi để dân gian được yên lòng... Nếu không đi hết (vì toàn phải đi bộ) tôi sẽ đi phủ Hoài Đức một lần nữa cho hết 58 liên xã (kể cả thôn thì hết 100)”(3).
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Cụ lên chiến khu Việt Bắc. Ngày 7-10-1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, cụ bị địch bắt và hy sinh ngay sau đó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết rất cụ thể về sự hy sinh oanh liệt của cụ: "Bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chúng chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta..."(4). Biết tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời điếu Cụ Tố với niềm trân trọng và tiếc thương sâu sắc:
"Nhớ cụ xưa
Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu
Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết
Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng
Phú quý công danh, cụ nào có thiết
Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt
Chính phủ khôn xiế́t buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc..."(5)
Nhớ đến Liệt sỹ, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố là nhớ đến một học giả xuất sắc của khoa học nước ta đầu thế kỷ XX, từng làm việc trong Viện Viễn Đông Bác Cổ, nhưng giản dị với bộ áo the khăn xếp với biệt hiệu thân thiết mà người dân đặt cho Ông - Ông Phán men(6), tận tâm vì việc nước. Anh linh của Liệt sỹ Nguyễn Văn Tố sống mãi ngàn thu với non sông, đất nước.
Ths. Phạm Kim Thanh
Chú thích:
(1) Tạp chí Tri Tân xuất bản số đầu tiên vào ngày 3/6/1941 với 24 trang khổ 20x25cm. Từ số 1 đến số 212, ngày 22/11/1945, Tri Tân đã ra được 212 số. Sau Cách mạng tháng Tám, Tri Tân ra số 1, ngày 6/6/1946, và số 2, ngày 16/6/1946 là số cuối cùng.
(2) Hồi ký Trần Huy Liệu, NXB Khoa học Xã hội, H. 1991, tr 214.
(3) Tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
(4) Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, NXB Quân đội Nhân dân, H. 1995, tr 201.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr 434 - 435.
(6) Chuyện kể rằng: nhà ông ở Bát Sứ, nhưng ngày ngày, không bao giờ ông lên xe tay hay bất kỳ phương tiện giao thông nào. Ông mang ô, đi bộ men theo hè phố, từ nhà đến Viện Viễn Đông Bác Cổ làm việc và về, vẫn đi bộ như vậy, nên người dân yên mến mà đặt biệt hiệu cho ông là “Ông Phán men”.