Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/02/2019 23:06 5249
Điểm: 1/5 (2 đánh giá)
Đó là lời tâm huyết trong di cảo của đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Thành ủy Hà Nội mà tôi đã được cụ bà Bích Thuận - người bạn đời chung thủy của đồng chí Lê Văn Lương cho tôi đọc ngay tại gian thờ trang nghiêm của gia đình.

* Đồng chí Lê Văn Lương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912 trong một gia đình Nho học yêu nước tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927, 15 tuổi, khi đang học trường Bưởi cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí đã được giác ngộ cách mạng và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN). Sau Đại hội Kỳ bộ Bắc kỳ của Hội VNCMTN (năm 1928), thực hiện chủ trương vô sản hóa, đồng chí vào Sài Gòn, hoạt động trong phong trào công nhân dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự. Ngày 23-3-1931, đồng chí trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của hơn 400 công nhân Hãng dầu Sô-cô-ny (Nhà Bè), sau đó, bị địch bắt cùng đồng chí Phạm Hùng, Lý Tự Trọng. Chúng giam các đồng chí trong khám Lớn (Sài Gòn) và kết án tử hình trong vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương (ngày 14-5-1933); nhưng do không đủ chứng cứ, thực dân Pháp phải giảm xuống án chung thân, đày các đồng chí đi Côn Đảo (tháng 1-1934).

 

Đồng chí Lê Văn Lương (1912-1995)

Biến nhà tù thành trường học và rèn luyện khí tiết người cộng sản, suốt thời gian bị giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng chi ủy nhà tù lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tổ chức vượt ngục; tự học tập lý luận, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh trong tù và biên soạn tài liệu dịch từ sách báo nước ngoài gửi về cho Đảng trong đất liền. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí cùng với các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Trần Ngọc Danh... đấu tranh với chúa đảo, yêu cầu bàn giao chính quyền cho tù chính trị (cuối tháng 8 năm 1945). Báo Độc lập ở Côn Đảo do đồng chí làm chủ biên đã tuyên truyền đắc lực cho đường lối cách mạng của Đảng. 11 năm bị giam cầm ở Côn Đảo, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, đồng chí không chỉ liên tục tham gia chi ủy nhà tù mà còn đóng góp trí tuệ quý báu cho việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và giữ vững ngọn lửa đấu tranh ở Côn Đảo. Ngày 23-9-1945, đoàn tàu của Ủy ban hành chính Nam Bộ rời Côn Đảo, chở đoàn tù chính trị 2.000 người, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương trở về vòng tay chờ đón của đồng chí, đồng bào.

Tháng 10-1945, đồng chí Lê Văn Lương được cử làm ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ; hai tháng sau, đồng chí được cử ra Hà Nội, giúp đồng chí Trường Chinh chỉ đạo báo Sự Thật và sau đó chỉ đạo hoạt động của Nhà xuất bản Sự thật. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí đã đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng của Trung ương Đảng giao phó: năm 1947, đồng chí được Đảng tín nhiệm chỉ định làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (năm 1947), rồi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (năm 1948). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951), đồng chí được bầu vào Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, sau đó là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Năm 1954, đồng chí làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trọng nhân tài và lớp người đi trước, đồng chí tranh thủ được sự hợp tác nhiệt thành của cụ Phan Kế Toại trong Bộ Nội vụ, đóng góp tâm huyết cho dân, cho nước.

Tháng 11-1956, đồng chí được chỉ định làm Bí thư khu ủy Tả ngạn. Tháng 8-1957, đồng chí làm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đến đầu năm 1959, đồng chí làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và ở trong Ban Bí thư, điều hành công việc hàng ngày của Ban Bí thư bên cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Dù bất kỳ ở cương vị nào, đồng chí Lê Văn Lương luôn luôn là một người cộng sản kiên cường, trong sáng, mẫu mực. Đồng chí Hoàng Tùng đã dành những dòng trân trọng khi viết về đồng chí Lê Văn Lương: “Anh là người có bản lĩnh, không bao giờ khuất phục trước uy quyền, cần cù, giản dị, thận trọng từ việc nhỏ đến việc lớn, đối xử công bằng, có trách nhiệm, tình cảm đồng chí đối  với mọi người. Sức thuyết phục của anh là sự chân thành, thẳng thắn, nghiêm khắc và thông cảm, hiểu thấu cả những chỗ yếu của con người mà đối xử khoan dung(1)  

* Kiên cường đứng mũi chịu sào trước gian nan thử thách                                                                          

Đất nước hòa bình thống nhất, Hà Nội được Quốc hội khóa IV quyết định là Thủ đô của nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong giai đoạn mới của cách mạng, Đảng bộ Hà Nội được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ: Hà Nội phải được xây dựng thành một thành phố tiêu biểu cho chế độ XHCN trên đất nước ta, vừa có tính hiện đại, vừa có tính dân tộc, làm chỗ dựa cho sự nghiệp cách mạng XHCN của cả nước. Trước trọng trách đó, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ chính trị về Thành ủy Hà Nội và sau đó, đồng chí được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố bầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội (khóa VII, năm 1977-1980).

Suốt 10 năm, từ 30-5-1977 đến 23-10-1986, ở cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Lê Văn Lương đã mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống của nhân dân Thành phố. Đó cũng là thời kỳ Hà Nội hết sức khó khăn về đời sống và mọi mặt kinh tế-xã hội. Hàng tháng, Thường vụ phải chỉ đạo sao cho các Sở-Ban-Ngành chạy đủ lương thực, thực phẩm, điện, nước, chất đốt cho nhân dân Thành phố. Và người dân vẫn ghi nhớ hình ảnh đồng chí Bí thư đi kiểm tra các quầy bán lương thực ở các tổ dân phố, gần gũi, bình dị.

 

Đồng chí Lê Văn Lương với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ IX, 
ngày 11/1/1982

Cơm áo, đường sá, cầu cống ở cái thời gạo châu củi quế, thật muôn nỗi gian nan; nhưng dưới sự chỉ đạo sao sát của Bí thư Lê Văn Lương, một số công trình hạ tầng giao thông vận tải đã được mở mang với những công trình trọng điểm: cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, sân bay Nội Bài…. Ngành vận tải biển pha sông được thành lập để đưa gạo từ đồng bằng Nam Bộ về thẳng cảng Phà Đen và đưa hàng từ Hà Nội vào đồng bằng Nam bộ. Nhiều khu  nhà cao tầng đã mọc lên ở nội thành và các cửa ô, đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở đã trở nên bức thiết cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang sau chiến tranh, ổn định cuộc sống.

Năm 1979 quân dân Thủ đô cùng cả nước chiến đấu bảo vệ toàn vẹn biên cương Tổ quốc ở phía bắc và phía tây nam và cũng là năm Đảng bộ Hà Nội bắt đầu thực hiện quyết định quan trọng của Trung ương Đảng và Quốc hội (ngày 29-12-1978): mở rộng thành phố lần thứ hai với 4 khu nội thành, 11 huyện, 1 thị xã ngoại thành, tổng số gần 2.500.000 dân Để Thành ủy Hà Nội có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền phù hợp với sự phát triển đô thị, đồng chí trực tiếp đi khảo sát mô hình xây dựng chính quyền cấp quận và phường ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, Thành ủy đã chỉ đạo làm thí điểm ở một số địa bàn như phường Cửa Nam, Kim Liên… Đây là vấn đề mới và phức tạp đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng đồng chí quyết tâm chỉ đạo chính quyền chuyển theo mô hình mới. Từ thực tiễn trên, Hà Nội góp phần quan trọng vào Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI (ngày 18-12-1980), đóng góp sửa đổi một số điều Hiến pháp mới, trong đó, ghi rõ: Bộ máy chính quyền thành phố tổ chức thành 3 cấp: Thành phố, quận, phường.

Thành phố được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi về nhân tài vật lực cho Thủ đô, nhưng cũng nảy sinh ra nhiều khó khăn bất cập, đời sống nhân dân ngày càng gieo neo trong sự khủng hoảng kinh tế-xã hội. Ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của Thành phố, đứng mũi chịu sào, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu cao phẩm chất, năng lực của người cán bộ trung thành, tận tụy, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Những cơ sở công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp của thành phố làm thí điểm theo tinh thần nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa 4), khuyến khích người lao động theo cơ chế khoán gọn sản phẩm đã là những căn cứ quan trọng, góp phần cho Trung ương ban hành Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán đến nhóm lao động và người lao động trong nông nghiệp; Nghị quyết 25/CP và 26/CP của Hội đồng Chính phủ về khoán sản phẩm trong công nghiệp. Trong những năm tháng đó, nhìn thẳng vào sự trì trệ của cơ chế bao cấp, thấy rõ khuyết điểm của Đảng bộ “chưa tập trung đúng mức vào việc cải tạo và xây dựng Thủ đô; chỉ đạo chưa nhạy bén, quản lý mang nặng tính chất hành chính bao cấp”(2), Bí thư Lê Văn Lương luôn luôn chống bệnh quan liêu, bảo thủ, hô hào suông. Các tổ chức cơ sở Đảng và mỗi Đảng viên: “phải có ý chí chiến đấu kiên cường, nhạy bén với các vấn đề mới do cuộc sống đặt ra, có đủ kiến thức để cụ thể hóa các chủ trương chính ách của Đảng và Nhà nước trong thực tế, chứ không chỉ ra nghị quyết, nêu khẩu hiệu”(3). Đối với Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố, đồng chí yêu cầu cần cải tiến lề lối làm việc từ chính tư duy của cán bộ lãnh đạo còn mang nặng bệnh giấy tờ: “Vấn đề cơ bản vẫn là phải biến nghị quyết thành hành động cách mạng thực tiễn của đông đảo quần chúng nhân dân để cải biến tình hình, đưa cách mạng tiến lên. Đó là một vấn đề phải dút khoát để thanh toán hiện tượng một số nghị quyết không thực hiện được hoặc thực hiện “đầu voi đuôi chuột(4).

Đặc biệt, gắn bó sâu sắc và thấu hiểu đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương nêu cao và giữ vững luận điểm “phát huy  nội lực Thủ  đô”, nêu cao ý chí tự lực tư cường, tiềm năng và sức sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Đồng chí nói rõ trong di cảo để lại tháng 6 -1983: “Khi Trung ương xác định nhiệm vụ xây dựng Thủ đô không chỉ là nhiệm vụ của địa phương mà là trách nhiệm của cả Trung ương và Trung ương phải tập trung đầu tư cho Thủ đô, chúng ta vẫn không được ỷ lại. Tôi nghĩ rằng, đặc biệt trong bước đi ban đầu ở nước ta càng phải hết sức phát huy tiềm năng của địa phương, trên cơ sở đó mới tính đúng được phần đầu tư của Trung ương(5)

Với quan điểm đó, đồng chí đã đồng ý cho Thành Đoàn Hà Nội học tập kinh nghiệm của Đoàn Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 18-5-1985, Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng Thủ đô chính thức ra đời với nhiều mô hình mới: xí nghiệp khai thác than ở Quảng Ninh, Đội trồng rừng ở Ba Vì, Đội trồng cói ở Hà-Nam-Ninh. Cán bộ sở Thương nghiệp chủ động vào các tỉnh phía nam mở rộng nguồn hàng, liên doanh liên kết để có hàng hóa bán cho dân.

* Đảng bộ Hà Nội phát lệnh Đổi mới của Trung ương Đảng

Luồng gió mới - cách mạng thổi tới mọi miền, bắt đầu từ trung tâm chính trị của đất nước. Bộ chỉ huy của công cuộc đổi mới gồm các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, tập trung về  chỉ đạo Đại hội  X của Đảng bộ Thành phố (ngày 17 đến 23-10-1986). Lời phát biểu đầy hào sảng của đồng chí Trường Chinh về công cuộc đổi mới đã vang lên giữa bầu không khí phấn khởi, vui mừng của Đại hội. Ý Đảng hợp lòng dân. Đồng chí Lê Văn Lương, người đã vững tay chèo trong suốt 10 năm gian nan, thử thách, với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ lão thành cách mạng, người cán bộ tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên định và chủ động, là linh hồn xây dựng nên bản báo cáo chính trị đọc tại Đại hội - cương lĩnh hành động cách mạng của Đảng bộ, trong đó nêu rõ phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân Thủ đô: “Mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; coi trọng tổ chức công tác thực tiễn, kiên quyết chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa... nâng cao sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt coi trong củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở, kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất ra khỏi Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh”(6).

Hiệu lệnh Đổi mới đã được phát ra từ Đại hội X của Đảng bộ thành phố và lan ra toàn quốc như thế!

* Mãi ngời sáng gương người cộng sản mẫu mực, liêm chính

Suốt đời tận tụy, trung thành cống hiến cho dân, cho Đảng, ngày 31-8-1989, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Ngày 25/4/1995, đồng chí đã về cõi vĩnh hằng. Giản dị, chân thành, thẳng thắn, đồng chí Lê Văn Lương đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô hình ảnh của một người cộng sản chân chính. Đồng chí Hoàng Tùng đã từng dành những dòng trân trọng khi viết về đồng chí Lê Văn Lương: “Anh là người có bản lĩnh, không bao giờ khuất phục trước uy quyền, cần cù, giản dị, thận trọng từ việc nhỏ đến việc lớn, đối xử công bằng, có trách nhiệm, tình cảm đồng chí đối  với mọi người. Sức thuyết phục của anh là sự chân thành, thẳng thắn, nghiêm khắc và thông cảm, hiểu thấu cả những chỗ yếu của con người mà đối xử khoan dung(7)  

Đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu trên gian thờ, đã khái quát phẩm chất cách mạng của nguời cộng sản suốt đời vì dân, vì Đảng sáng mãi muôn đời:

15 tuổi lên đường, chính khí vươn cao trời biển rộng

70 năm cùng Đảng, công huân rực sáng cổ thu soi

Chúng ta càng thấm thía sâu sắc khi đọc di cảo của Bí thư Lê Văn Lương: “Tất cả cán bộ đảng viên chúng ta cần đem những gì tốt đẹp nhất của mình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp của Đảng. Phải nâng cao củng cố Đảng, xây dựng Đảng thật vững mạnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng do Đảng đề ra”(8).   

Tâm nguyện đó của đồng chí Lê Văn Lương là gương sáng giữa trời cho toàn Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh, hùng cường.

Ghi nhớ công ơn của đồng chí, một con đường từ cầu Hòa Mục đến ngã tư Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, chạy qua khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính thuộc địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân đã được mang tên Lê Văn Lương.

Ths.  Phạm Kim Thanh

 

Chú thích:

(1), (2), (3), (4):  Tài liệu về đồng chí Lê Văn Lương, Lưu trữ Văn phòng Trung ương.

(6): Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X (1986). Lưu trữ Văn phòng Trung ương.

(7), (8): Lê Văn Lương, trọn đời vì sự nghiệp của Đảng. NXB CTQG; H.2000, tr 103, 73.

 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4417

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Phó bảng Hoàng Tăng Bí (1883-1939) - “nhà yêu nước nhiệt thành, vị túc nho uyên thâm”

Phó bảng Hoàng Tăng Bí (1883-1939) - “nhà yêu nước nhiệt thành, vị túc nho uyên thâm”

  • 11/01/2019 09:04
  • 8106

Cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí (1883-1939), quê ở Đông Ngạc, phủ Hoài Đức nay là xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cùng với Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Tăng Bạt Hổ, Lê Đại, Lương Trúc Đàm, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Hữu Tiến… Cụ đã góp phần quan trọng vào việc sáng lập trường Đông kinh Nghĩa thục và tổ chức hoạt động phong trào duy tân ở Hà Nội đầu thế kỷ XX - đổi mới và hội nhập văn hoá thế giới trên cơ sở giữ vững quốc hồn dân tộc, đồng thời chấn hưng kinh tế làm cho dân giàu nước mạnh...