* Và miệt mài cùng đồng nghiệp tìm ra lối đi mới, chống đói nghèo, lạc hậu.
* Và miệt mài cùng đồng nghiệp tìm ra lối đi mới, chống đói nghèo, lạc hậu.
Những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, mô hình một hoá ba cải - hợp tác hoá, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cải tạo tiểu thương, tiểu chủ đã bộc lộ những bất cập trong phát triển sản xuất. Và thêm nữa, cái bệnh thần tượng, tôn sùng Anh cả Liên Xô từ phương pháp quản lý, đề ra kế hoạch, áp đặt chỉ tiêu sản xuất theo kiểu tập trung bao cấp, đến phân phối lưu thông cũng bao cấp theo tem phiếu, định lượng. Nhà nước huy động thu mua của dân theo kiểu “mua như cướp, bán như cho” đã dẫn tới xơ cứng hoá, triệt tiêu sự năng động sáng tạo của dân trên tất cả mọi lĩnh vực. Ông và một số đồng nghiệp sớm nhận ra những bất cập ấy, nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề với bản lĩnh vững vàng của người cộng sản để mong sao vượt qua ấu trĩ ban đầu: “Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin/Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả/Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ/Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn”. Nhưng từ mong muốn đến hiện thực là một khoảng rất xa mà phải từ cuối năm 1979, với nghị quyết Trung ương 6 (khoá IV) mở đột phá khẩu đầu tiên, sản xuất mới được bung dần ra. Nhớ lại những ngày đầy sóng gió ấy, ông Nguyễn Văn Trân nói: “Anh Việt Phương cùng với anh Đoàn Trọng Truyến, Đoàn Đỗ, Lê Đăng Doanh…. là những người đầu tiên làm nòng cốt xây dựng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương năm 1978. Ngay sau khi thành lập, Viện chúng tôi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ nghiên cứu và trình lên Hội đồng Chính phủ đề án Cải tiến quản lý kinh tế. Thủ tướng đã đọc duyệt công trình nghiên cứu của Viện và rất tán thành các quan điểm Viện đưa ra. Trong bước đi đầu tiên để tiến tới đổi mới, anh em làm việc quên ăn quên ngủ nghiên cứu đề án và anh Việt Phương thực sự là người luôn đưa ra những ý kiến xác đáng, rất có sức thuyết phục. Có anh ấy là người giúp việc chính, viết bản Tổng hợp của Viện trình lên Thủ tướng Chính phủ, tôi thực sự yên tâm”.
Hành trình đi đến chân lý đầy gian nan, đấu tranh giữa cái mới - tiến bộ và cái cũ - lạc hậu, mong sao góp phần cho dân được cơm no áo ấm sau khi đất nước thống nhất, lúc đó không hề đơn giản. Canh cánh trong ông câu hỏi làm thế nào để đổi mới? Đổi mới phải bắt đầu từ đâu? Câu trả lời đã tìm thấy từ dân với thực tế sống động ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Bình, Hưng Yên… Nhưng phải có lý luận rường cột để thay đổi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và phải bắt đầu từ tư duy, nhận thức lại con đường ta đã đi hơn 20 năm qua theo mô hình cũ, xoá bỏ cái gì, giữ lại cái gì, từ đó xây nên mô hình kinh tế mới đáp ứng thực tiễn đang đòi hỏi. “Chính sách kinh tế mới của Lê Nin (NEP) thực sự soi rọi cho bạn và cho ta nhiều điều về điểm khởi đầu đổi mới”, ông Việt Phương nói. “Trong quá trình nghiên tìm tòi con đường phải đi cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, những chuyên đề của một số nhà khoa học Liên Xô có tư tưởng cải cách kinh tế, xã hội của Liên Xô như A-ban-kin, Ku-li-cốp, Tri-khô nốp…ta mời sang thuyết trình đã giúp cho ta củng cố thêm quyết tâm phải phá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp”.
Các ủy viên trung ương họp tổ thảo luận chuẩn bị nội dung Đại hội VI, tháng 11-1986.
Cái cẩm nang để thoát khỏi cơn đói triền miên cho dân, dân mạnh thì nước giàu, phải là nền kinh tế nhiều thành phần, hôm nay, chúng ta thấy đó là tất yếu, nhưng ở những năm 70-80, nhiều người còn nặng giáo điều. Thay đổi lối mòn, một nếp nghĩ tiểu nông đã khó, thay đổi tư duy trước hết là tư duy kinh tế, còn khó hơn nhiều. Vì thế, năm 1981, Ban Bí thư trưng tập một số người, thành lập nhóm nghiên cứu cơ bản quản lý kinh tế khoảng 20 người (Trần Xuân Giá, Trần Triệu, Thanh Sơn, Thái Nguyên, Lê Sỹ Thiệp, Bùi Thế Vĩnh, Vũ Cao Đàm, Lê Đăng Doanh…) do ông Nguyễn Duy Trinh trực tiếp phụ trách và ông Trần Việt Phương làm trưởng nhóm. Thực tế của các cơ sở sản xuất, các địa phương và ý kiến của nông dân, công nhân, giám đốc xí nghiệp là căn cứ vững chắc để nhóm đưa ra những kiến nghị với Ban Bí Thư trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và VI: “Lúc ấy các lực lượng tham gia nghiên cứu cải tiến cơ bản quản lý kinh tế gồm cả một số Bộ, các Viện và trường Đại học, trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ trí thức ở tất cả các cơ quan chức năng đầu ngành kinh tế đều được huy động, nhóm chúng tôi là dòng suối nhỏ đổ ra sông lớn thôi. Tôi nhớ nhất khi đến cơ sở, anh em kêu lên “Chúng tôi bị trói chân trói tay, trên có thấy không?”. Những kết quả ban đầu khi thực hiện Chỉ thị khoán 100 và nghị định 25/CP, 26 CP đã củng cố thêm quyết tâm phải xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã trở thành rào cản, phải xé rào. Muốn vậy, phải có lực lượng cán bộ đi tiên phong giúp dân thực hiện. Liên tục trong 3 năm, Trung ương chỉ đạo Viện quản lý kinh tế tổ chức cho hơn 500 cán bộ chủ chốt của các ngành của Trung ương sang Liên Xô để nghiên cứu, học tập, khảo sát những kinh nghiệm cải cách kinh tế, xã hội, mỗi lớp chừng 40 người, nghiên cứu trong 3 tháng. Những năm sau đó, Viện tổ chức giảng các chuyên đề cho cán bộ chủ chốt của các Bộ, Ngành của trung ương, các tỉnh thành xuống đến cấp huyện theo nội dung bài giảng của Việt Nam, với những cuộc thảo luận về tình hình thực tế nước ta, sát với nhu cầu và khả năng của Việt Nam. Đó là nguồn cán bộ đầu tiên thực hiện đường đổi mới của Đảng năm 1986. Tôi hỏi ông đã góp cho công tác đào tạo mới nguồn cán bộ đó thế nào, vẫn chỉ nhận được câu trả lời rất khiêm tốn: Tôi không làm gì nhiều,anh em làm là chính. Ông Nguyễn Văn Trân cười vui nhớ như in khi tôi hỏi về công tác giảng dạy: “Tôi và một số cán bộ của Viện, trong đó có anh Việt Phương tham gia giảng chuyên đề ở các khoá học, anh em mê anh Phương lắm. Khi đến trường Bách Khoa giảng, cán bộ nhà trường phục lăn vì kiến thức của anh ấy rất giỏi, nắm sâu rộng nhiều lĩnh vực khoa học. Tôi chắc anh ấy nghiên cứu rất nhiều tài liệu trực tiếp từ nguồn tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng khoa kinh tế chính trị trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trân trọng nói: “Ở Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, anh Việt Phương là người có kiến thức uyên bác, sắc sảo. Anh ấy nắm được rất nhiều nguồn thông tin lúc đó từ các nước Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, và ở Viện, ý kiến của anh ấy bao giờ cũng có sức nặng dựa trên cơ sở khoa học”. Còn ông chỉ một lời:“Tôi không làm được gì nhiều đâu, đó là trí tuệ tập thể, là sức mạnh nội lực của người Việt Nam tìm ra con đường của Việt Nam”.
Năm 1993, ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định cử làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Là cộng tác viên thường xuyên của Hội đồng lý luận Trung ương của Đảng, thành viên Hội đồng cố vấn của Viện Nghiên cứu nhân tài, nhân lực, ông làm con tằm rút ruột nhả tơ, viết nhiều sách và những công trình nghiên cứu mang tính lý luận và có giá trị thực tiễn cao, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới của đất nước:“Nhận thức, vận dụng và phát triển lý luận Mác, Tư tưởng Hồ Chí Minh”;“Dân chủ”;“Các học thuyết của nền kinh tế thị trường hiện đại”;“Tư duy chiến lược và tầm nhìn thời đại trong chiến lược phát triển đất nước”;“Nhà nước pháp quyền Việt Nam”;“Lý thuyết thể chế”;“Xã hội dân sự Việt Nam”;“Cải cách doanh nghiệp nhà nước”;“Phát triển kinh tế nông thôn và đời sống nông thôn ở Việt Nam”...
Ông còn là thành viên của Ban cố vấn cho Vietnam.net, có nhiều ý tưởng hay khi ông tư vấn cho các nhà báo năng động và giàu sức trẻ, để bay cao, đi xa trên con đường đã chọn.
Nghĩ về ông là nghĩ về cây đại thụ đã trụ vững trong bão tố, trả cho đời hoa thơm trái ngọt. Tình yêu cuộc sống, khát khao được dâng hiến cho con người, trong ông, người chiến sĩ cộng sản, thi sĩ Việt Phương là một. Những câu chuyện ông kể cho tôi nghe đã thành cổ tích, thành gia sản của thế hệ vàng lớn lên trong ánh sáng độc lập, tự do của kỷ nguyên Hồ Chí Minh.
Ths. Phạm Kim Thanh