Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ 178/214 số tạp chí Tri Tân (1941-1946). Đây là tạp chí hoạt động công khai, hợp pháp có xu hướng dân tộc tiến bộ do những người trí thức yêu nước Việt Nam sáng lập năm 1941.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ 178/214 số tạp chí Tri Tân (1941-1946). Đây là tạp chí hoạt động công khai, hợp pháp có xu hướng dân tộc tiến bộ do những người trí thức yêu nước Việt Nam sáng lập năm 1941.
Tri Tân là tạp chí có chiều sâu về học thuật và có đóng góp quan trọng về khảo cứu sử học, văn học cổ Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với nhiều bài viết và sự góp mặt của nhiều cây bút, trong đó đặc biệt là Ứng hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947). Trong tổng số 114 bài đăng trên tạp chí Tri Tân của Ứng hòe Nguyễn Văn Tố, chúng tôi chỉ tập trung chọn lọc, giới thiệu các công trình tiêu biểu của ông, để thấy được sự đóng góp quan trọng về khảo cứu, học thuật trên lĩnh vực sử học và văn học cổ Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Bìa và Lời Phi lộ (Tạp chí Tri Tân số 1, ngày 3/6/1941).
* Những công trình khảo cứu sử học
Tác phẩm “Đại Nam dật sử” (68 số, từ số 104, ngày 22/7/1943 đến số 209, ngày 25/10/1945).
Tác phẩm “Đại Nam dật sử” là công trình Ứng hòe Nguyễn Văn Tố chưa viết xong. Tác giả mới viết được đến năm 1207, đời vua Cao Tông triều Lý, sau đó ít lâu thì ông hi sinh. “Dật sử” có nghĩa là bộ sử bị thất tán ghi chép lại những sự việc không đầy đủ, không mấy người biết rõ. Nghiên cứu tác phẩm “Đại Nam dật sử” ta thấy Ứng hòe Nguyễn Văn Tố soạn thảo rất công phu, nghiên cứu, đối chiếu nhiều nguồn thư tịch cổ, tranh luận với các nhà sử học Pháp để làm sáng tỏ chân lý một cách khoa học. Tác phẩm “Đại Nam dật sử” đăng liền 68 số trên tạp chí Tri Tân. Tác giả lần lượt nói về những nhân vật lịch sử như: Cù Hậu, Lữ Gia, Sĩ Nhiếp cho tới Ngô Quyền Thập Nhị Sứ Quân và các vua đời Lý, đời Trần. Ông đưa ra ý kiến “nên có ngày kỉ niệm vua Tiền Lý” (số 121, 122); ông coi “Sĩ Nhiếp là ông tổ văn hiến nước ta” (số 109, 110), ông nêu lên vấn đề “có Triệu Quang Phục không?” (số 124, 125).
Bài viết “Đại Nam dật sử” (Tri Tân số 105, ra ngày 29/7/1943).
Công trình “Đại Nam dật sử” không chỉ khơi dậy lòng yêu nước bằng tấm gương lịch sử cho các độc giả đương thời, mà Ứng hòe Nguyễn Văn Tố còn là người đặt nền móng cho việc tự ý thức về khoa nghiên cứu sử học, góp phần chuẩn bị về mặt tư liệu cho việc ra đời bộ quốc sử Việt Nam.
Tác phẩm “Những ông nghè triều Lê” (112 số, từ số 25, ngày 28/11/1941 đến số 204, ngày 13/9/1945).
Theo Ứng hòe Nguyễn Văn Tố, đây là một công trình “đem bia Văn Miếu ra khảo cứu để bổ khuyết một đoạn lịch sử nước nhà nhằm mục đích tránh sự mai mọt của thời gian”(số 25). Vì vậy, ông lần lượt xét hết cả 82 văn bia dựng ở sân miếu đề tên 1.111 ông nghè từ năm Thái Bảo Nhâm Tuất (1442) đến năm Cảnh Hưng Kỷ Hợi (1779). Ông bắt đầu khảo cứu bằng văn bia năm 1442 để rồi lần lượt ghi danh và sự nghiệp những ông nghè chiếm bảng vàng kể từ năm 1426 cho đến năm 1529.
Bài viết “Những ông nghè triều Lê” (Tri Tân số 36, ra ngày 25/2/1942)
Công trình “Những ông nghè triều Lê” thể hiện sự khảo cứu công phu, uyên thâm Hán học, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố đã tái hiện lại truyền thống hiếu học, trọng nhân tài của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Hậu Lê; đồng thời thông qua khảo cứu hệ thống bia Văn Miếu góp phần vào việc sưu tập, dịch thuật và xác lập hệ thống tư liệu thư tịch, văn bản Hán nôm.
* Những công trình khảo cứu văn học cổ Việt Nam
Khảo cứu, phiên âm, chú thích, giải nghĩa các tác phẩm văn chương cổ Việt Nam
Trên cơ sở những bản Nôm cổ của trường Viễn đông Bác cổ, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố đã dịch sang chữ quốc ngữ, giải nghĩa từng đoạn và chú thích những chữ nghĩa khó hoặc chép nhầm đăng tải trên tạp chí Tri Tân để giới thiệu vốn cổ văn hóa dân tộc. Từ việc đăng tải bài “Hạnh thục ca” (11 số, từ số 192 đến số 211) của tác giả Nguyễn Thị Bích, do Ứng hòe Nguyễn Văn Tố dịch từ bản nôm của trường Bác Cổ số AB 193; đến bài “Chính khí ca” (số 190) ca ngợi sự hi sinh anh dũng của Tổng đốc Hoàng Diệu (1829-1882) của tác giả Ba Giai (Nguyễn Văn Giai) do Ứng hòe Nguyễn Văn Tố dịch từ bản sao chữ nôm của trường Bác Cổ số AB3, từ tờ 1a đến tờ 7a. Bài có 97 câu chia làm 15 đoạn. Phía dưới các bài đều có phần phiên âm, chú thích, giải nghĩa nội dung và các điển tích.
Phần phiên âm, chú thích, giải nghĩa bằng chữ quốc ngữ phía dưới các bài văn cổ giúp người đọc không chỉ hiểu nội dung mà còn hiểu biết các điển tích văn học cổ, góp phần bổ sung nguồn tư liệu văn học về Hán nôm, bồi bổ và góp phần làm phong phú kho tàng văn học cổ Việt Nam.
Đính chính những tài liệu Hán nôm bị chép sai hoặc hiểu sai
Ứng hòe Nguyễn Văn Tố còn đính chính những tài liệu Hán nôm bị chép sai hoặc hiểu sai nhằm mục đích phục hồi nguyên bản các bài văn cổ trên. Công trình khảo cứu “Tài liệu để đính chính những bài văn cổ” (86 số, từ số 19, ngày 17/10/1941 đến số 208, ngày 18/10/1945) của Nguyễn Văn Tố là một minh chứng sinh động và cụ thể. Toàn bộ tác phẩm từ số đầu đến tận số cuối, tác giả cần mẫn thu thập những bài văn cổ, dẫn xuất xứ, so sánh những đại đồng tiểu dị nhằm “trả cổ văn về cho cổ văn”. Trên cơ sở đăng tải những bài văn cổ dựa theo sách Nôm của trường Viễn đông Bác cổ, Nguyễn Văn Tố nhờ các độc giả trên tạp chí Tri Tân có những bản Nôm khác có thể tiến hành dịch lại và cải chính nội dung cho sát với nghĩa nguyên văn bản gốc; phân tích, chỉ rõ những bản Nôm nào của trường Viễn đông Bác cổ bị chép sai và thiếu; trên cơ sở đó sưu tầm, bổ sung bằng những bản Nôm khác chính xác hơn. Ứng hòe Nguyễn Văn Tố cũng chỉ rõ những bản nào in chữ quốc ngữ có nội dung khác với bản Nôm của trường Viễn đông Bác cổ, như bài “Lắm mối tối nằm không phú”. Trên cơ sở các bản Nôm thu thập được, sau khi nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, tác giả cho đăng mục hiệu đính các bài văn cổ có chữ viết sai, đồng thời truy tìm gốc gác chữ viết đúng của các từ đó, như các bài “Tương tư khúc” (số 32),“Bài văn tế Quận Huy” (số 35), “Chung Tình” (số 39).
Bài viết “Tài liệu để đính chính những bài văn cổ” (Tri Tân số 36 , ra ngày 25/2/1942).
Kể từ số 63 đến hết số 208, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố đính chính truyện Kiều nhằm cung cấp tới bạn đọc các “dị tự” của các bản Nôm cổ đã khắc mà chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều câu Kiều có nội dung khác nhau hiện nay. Bên cạnh đó, tác giả còn dịch cuốn tiểu thuyết Trung Hoa Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Đây chính là cuốn tiểu thuyết đã được đại thi hào Nguyễn Du dựa vào cốt truyện để sáng tác truyện thơ lục bát Đoạn Trường Tân Thanh (tức Kim Vân Kiều truyện) mục đích đăng trên tạp chí Tri Tân làm tài liệu sau này khảo cứu.
Có thể nói, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố bên cạnh sự tỏa sáng trong sự nghiệp chính trị khi tham gia hoạt động trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời, ông còn được biết đến với tư cách là một học giả, nhà trí thức yêu nước có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc; đặc biệt trên lĩnh vực sử học và văn học cổ Việt Nam giai đoạn trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Với vốn kiến thức uyên thâm, thông qua các công trình khảo cứu sử học, văn học cổ Việt Nam tiêu biểu đăng trên tạp chí Tri Tân, ông không chỉ có đóng góp quan trọng về các phương diện: học thuật, khảo cứu, văn bản học, mà trên hết còn góp phần tích cực vào việc thu thập, sưu tầm, dịch thuật, hiệu đính, gìn giữ vốn tư liệu Hán nôm cổ dân tộc - những nguồn sử liệu vô cùng giá trị, giúp ích rất lớn cho các nhà khoa học, giới nghiên cứu Việt Nam làm công tác khảo cứu sau này; đặc biệt, trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1940 của thế kỉ XX, trước xu thế phần đông tầng lớp trí thức đương thời chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của lối sống đô thị hiện đại phương Tây hướng về văn hóa Pháp, xu hướng “tìm nguồn - về nguồn văn hóa cổ dân tộc” phần nào bị xem nhẹ, bị cho là cổ hủ, phong kiến, lạc hậu, thì những đóng góp của Ông trên lĩnh vực khảo cứu sử học, văn học cổ Việt Nam lại càng có giá trị biết bao.
Nguyễn Trọng Lượng
TLTK:
1.Từ điển Bách Khoa đất nước con người Việt Nam (tập II), Nxb Từ điển Bách Khoa năm 2010, tr. 1282.
2.Bảo tàng LSQG: Hồ sơ tạp chí Tri Tân từ số kí hiệu 29388/gy.17354/BTLSQG đến số kí hiệu 30552/gy.17735/BTLSQG.
3.Hồng Chương:
Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam.NXB sách giáo khoa Mác-Lê nin, Hà Nội, năm 1987.
4.Đỗ Quang Hưng (chủ biên):
Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945. NXB ĐHQGHN, Hà Nội, năm 2000.
5.Mục lục phân tích tạp chí Tri Tân 1941-1945. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên biên soạn, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, năm 1998.
6.Tạp chí Tri Tân 1941-1945:
các bài viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam.Nguyễn Quang Ân, Phạm Đình Nhân, Phạm Hồng Toàn sưu tầm và tuyển chọn. Hà Nội: Trung tâm thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản, năm 2000.
7.Ứng hòe Nguyễn Văn Tố:
Đại Nam Dật Sử. Sử ta so với sử tàu/Hà Văn Tấn giới thiệu/ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, năm 1997.
8.PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn:
Nguyễn Văn Tố trong tiến trình nghiên cứu văn hóa dân tộc đầu thế kỉ XX- nguồn website
http://nguyenvan.vn