Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/03/2014 20:33 6095
Điểm: 3.33/5 (3 đánh giá)
Từ những năm 70 của thế kỷ 20, chúng ta đã biết đến những đồ gốm sứ Việt Nam qua các phát hiện tàu cổ bị chìm ở vùng biển Đông Nam Á. Những đồ gốm sứ Việt Nam cũng thường được tìm thấy cùng đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, chúng t­­­a lại chưa thấy có một con tàu nào chỉ chuyên chở đồ gốm sứ Việt nam riêng biệt. Trong khi đó, nhiều bảo tàng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á công bố những sưu tập đồ gốm sứ Việt Nam xuất khẩu có chất lượng cao. Điều đó chứng minh rằng đã có nhiều đồ gốm Việt Nam được xuất khẩu ra khu vực này từ những thế kỷ trước.

Vào thế kỷ 15-16 là giai đoạn đất nước Thái Bình, quốc gia phong kiến Đại Việt thịnh đạt. Các ngành kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp được nhà nước khuyến khích phát triển. Nhiều tài liệu đã chứng minh cho sự vươn xa của đồ gốm Việt Nam trong giai đoạn này. Ở Bảo tàng Topkapi Saray (Thổ Nhĩ Kỳ) hiện còn trưng bày chiếc lọ gốm hoa lam mà minh văn viết bằng men lam trên vai lọ cho biết năm sản xuất là năm Đại Hòa thứ 8 (1450) của nghệ nhân họ Bùi, người ở châu Nam Sách

Bình gốm hoa lam tại bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Niên đại 1450; Bùi Thị Hý (hoặc họ Bùi vẽ).

Cũng ở giai đoạn thế kỷ 15, nhiều đồ gốm hoa lam của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Đông Nam Á. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã phải ngạc nhiên trước sự xuất hiện của đồ gốm hoa lam phục vụ việc trang trí các công trình xây dựng ở Majapahit thuộc đảo Sumatra. Gạch men trang trí hoa lam cũng tham gia vào các công trình nhà thờ ở Troulan, Damark, tháp Rudus ở Indonêxia.

Đồ gốm sứ phát hiện trên tàu cổ Cù Lao Chàm.

Việc phát hiện tàu cổ Cù Lao Chàm tại vùng biển Quảng Nam cũng là bằng chứng gốm Việt Nam xuất khẩu với số lượng lớn, chất lượng hàng gốm rất cao. Nhiều chuyến hàng đã tới đích và có mặt trong nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á. Song, bên cạnh đó nhiều chuyến hàng đã không tới đích, còn nằm lại trên hải trình. Và, không chỉ có tàu Cù lao Chàm, nhiều con tàu khác đã được khai quật như tàu Rang Kwian, Sichang III ở Thái Lan và tàu Pandanan ở Philippin đã chứng minh điều đó.

Đồ gốm thế kỷ 15 - 16, được sản xuất ở Thăng Long, ở Bát Tràng chắc chắn có nhiều đóng góp vào sự bùng nổ của xuất khẩu gốm.

Có nhiều đồ gốm thu được trong các cuộc khai quật ở khu vực lũ gốm Chu Đậu, Hợp Lễ , Cậy (Hải Dương) và khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, lâu nay, khiến cho việc phân định còn không ít khó khăn.

Đồ gốm niên đại thế kỷ 15 phát hiện trong khu khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long.

Nhiều đồ gốm đạt trình độ kỹ thuật cao, xương gốm mỏng thấu quang, đạt tiêu chuẩn đồ sứ. Lớp men phủ bóng, mịn, đều làm cho sản phẩm gốm thêm hoàn hảo. Điều đó phản ánh sự lựa chọn và luyện lọc kỹ của xương gốm, tỉ lệ cao lanh tăng, xương gốm trắng và mịn, độ nung cao. Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng gốm men sản xuất phục vụ xuất khẩu trong tàu cổ Cù lao Chàm đã có sự góp mặt của gốm ở Thăng Long. Chẳng hạn như loại bát gốm men trắng mỏng, có in nổi hình rồng mây, hoa lá. Bởi vì loại bát này không chỉ thấy trong tàu cổ Cù lao Chàm mà còn thấy xuất hiện ở Thăng Long, Lam Kinh khá nhiều.

Trong khu khảo cổ học Thăng Long năm 2003, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy không chỉ loại bát, chén, đĩa men trắng mỏng mà còn các loại bình, hũ, bình vôi gốm men trắng. Những sản phẩm gốm này đã phản ánh mặt hàng gốm có chất lượng cao bởi kỹ thuật tạo dáng và trang trí rất điêu luyện.

Ngoài gốm men trắng, gốm hoa lam, các trang trí màu cobalt dưới men được vẽ bằng bút lông nét nhỏ. Đặc biệt, nhiều đĩa bát chén vẽ lam đề tài rồng phượng, với hình rồng 5 móng,cũng gặp không ít. Trước đây Bảo tàng Louis Finot có thu thập được một số đồ gốm hoa lam vẽ rồng phượng như bát vẽ rồng, đường kính 12,3 cm, cao 7,8cm, bát vẽ phượng đường kính 14,2 cm, cao 6,6 cm. Nay phát hiện nhiều đồ gốm men cao cấp như bát đĩa hoa lam vẽ rồng 5 móng, phương thời Lê Sơ, thế kỷ 15, nên các nhà khảo cổ đã cho rằng đây là "đồ ngự dụng dành riêng cho vua và hoàng hậu".

Đồ gốm hoa lam được sản xuất ở vùng Chu Đậu, Hợp Lễ, Cậy (Hải Dương) Bát tràng và Thăng Long(Hà Nội) còn thể hiện tính phong phú, đa dạng đặc biệt ở loại hình đồ thờ là chân đèn và lư hương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Chân đèn hai phần do Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu chế tạo; Ngày 24 tháng 6, năm Diên Thành 3 (1580).

Chân đèn do Đỗ Xuân Vi chế tác ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590).

Lư hương Đỗ Xuân Vi chế tác ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590).

Trên các loại hình này không chỉ thể hiện sự tài khéo của người thợ gốm trong việc kết hợp trang trí nổi để mộc với vẽ lam. Hơn nữa, cũng trên các loại hình này còn thể hiện nhiều minh văn chữ Hán – Nôm cho biết nhiều thông tin về niên đại, họ và tên, quê quán của các nghệ nhân, về những thiện nam tín nữ cùng quê quán của họ đã đóng góp cho việc đặt hàng gốm để cung tiến vào các ngôi chùa, đền, miếu. Chính vì vậy, chúng tôi đã tập hợp những đồ gốm hoa lam này góp phần xây dựng bộ cẩm nang giúp cho việc giám định những đồ gốm Việt Nam khác không rõ niên đại . Nghiên cứu gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16 không chỉ cung cấp tài liệu cho lĩnh vực nghiên cứu hàng hóa thời đó mà còn góp phần soi sáng nhiều vấn đề lịch sử xã hội khác…

Đồ gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16 là một mảng màu tươi sáng và rực rỡ nhất trong bức tranh toàn cảnh của gốm hoa lam Việt Nam.

TS.Nguyễn Đình Chiến

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Văn hóa Đông Sơn – Quá trình phát hiện và nghiên cứu

Văn hóa Đông Sơn – Quá trình phát hiện và nghiên cứu

  • 13/03/2014 11:07
  • 4119

Văn hoá Đông Sơn được đặt tên theo di tích khảo cổ Đông Sơn tìm được năm 1924 ở xã Đông Sơn thuộc vùng sông Mã, tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam.