Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/01/2014 10:50 2928
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bia đá chùa Sùng Khánh cũng như chuông chùa Bình Lâm đã thoát sự phá hoại của thời gian và giặc Minh, nay được gọi theo tên các di tích gốc của chúng. Cả hai ngôi chùa có bảo vật quốc gia này đều là những di tích nhà Trần hiếm hoi còn lại ở vùng biên cương Tổ quốc.


Chuông chùa Bình Lâm

Chùa Sùng Khánh hiện ở H.Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993. Địa thế của ngôi chùa rất đẹp, phía sau lưng dựa vào núi, mặt quay về hướng đông. Chùa Sùng Khánh được xây dựng năm 1356. Người có công lao to lớn đã gây dựng và để lại cho muôn đời sau một di sản văn hóa vô cùng quý báu đó chính là một vị tướng thời vua Trần Dụ Tông, đời vua thứ 7 của nhà Trần, trị vì từ năm 1341 đến 1369.

Chùa Bình Lâm hiện ở TP.Hà Giang, có tên Hán là Bình Lâm Tự. Chuông chùa Bình Lâm do người đứng đầu địa phương cùng với vợ và các lão ông, lão bà, thiện nam, tín nữ góp tiền, của đúc vào ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295) thời Trần, đời vua Trần Anh Tông. Chuông cao 105 cm gồm cả thân và quai, đường kính miệng chuông 59 cm. Hai hình rồng đấu lưng vào nhau tạo thành quai chuông cho thấy đây là hiện vật thời Trần. Đỉnh quai chuông có hình nậm rượu. Chuông có 6 núm tròn. Miệng chuông hơi loe được trang trí bởi những cánh sen nối tiếp nhau. Văn bản chữ Hán khắc trên 4 ô lớn ở thân chuông, gồm bài ký và bài minh khá dài.

Những vị thủ lĩnh mộ đạo

GS Đinh Khắc Thuân, Viện Hán Nôm cho biết bia Sùng Khánh là một bia thời Trần, được dựng trên lưng rùa. Rùa có bề ngang 55 cm, chiều dài từ đầu đến đuôi là 95 cm. Bia là một phiến đá dẹt được bào nhẵn hai mặt. Bia dày 10,5 cm, thân cao 90 cm và bề ngang là 47 cm. Trán bia hình bán nguyệt. Trung tâm trán bia chạm hình Phật A Di Đà ngự trên tòa sen, hai đệ tử hai tay chắp trước ngực đứng hai bên. Hai góc trên trán bia là hai hình rồng chầu, đầu rồng vươn cao hướng tới tòa sen. Xung quanh thân bia trang trí đường diềm hoa dây, phía dưới chân bia là hình sóng nước.

Cũng theo ông Thuân, tên bia được khắc theo cột dọc ở đầu văn bản với 7 chữ là Sùng Khánh tự bi minh tính tự. Văn bản chữ Hán khắc ở mặt trước bia gồm bài tựa và bài minh, cuối cùng là dòng lạc khoản: năm Ất Mùi (1399), tác giả là Tạ Thúc Ngao. Mặt sau bia chỉ có 2 dòng chữ Hán xen Nôm ghi việc cúng ruộng và nô tì vào chùa làm tam bảo.


Bia chùa Sùng Khánh - Ảnh: tư liệu bảo tàng tỉnh Hà Giang

Theo GS Thuân, văn bia cho biết chùa Sùng Khánh do một vị phụ đạo họ Nguyễn sáng lập ra. Ông này không thích chăm lo sản nghiệp riêng, thích ra tay cứu giúp người khác lúc khó khăn. Ông mộ đạo Phật, không ăn thịt uống rượu. Mỗi tháng ăn chay 10 ngày và đọc kinh thường nhật. Ông cũng đặt tên chùa là chùa Sùng Khánh, cúng vào chùa một mẫu ruộng để cấp cho người trụ trì.

“Thông tin trên cho biết ngôi chùa này do một vị phụ đạo - viên quan nhà Trần cai quản vùng biên cương này xây dựng. Chế độ phụ đạo ở đây được cha truyền con nối và những người họ Nguyễn giữ chức phụ đạo này hẳn là những người gốc họ Lý được sai phái lên cai quản vùng biên ải phía bắc, đã phải đổi sang họ Nguyễn vào thời Trần. Ngôi chùa này vào thời Trần đã có tượng Phật”, ông Thuân phân tích.

Nội dung bia trên chuông chùa Bình Lâm cho biết gốc gác của tấm bia cũng cho thấy những người liên quan đã đúc nó như thế nào. Theo GS Thuân, văn bia cho biết thủ lĩnh Nguyễn Anh và vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng thái ông lão bà, thiện nam tín nữ phát tâm đúc quả chuông lớn này.

GS Thuân nói: “Quả chuông này được đúc ở nơi khác vào năm 1295, rồi mới đưa đến chùa Bình Lâm. Văn bản khắc trên chuông được đúc khá sớm. Ngôi chùa hẳn cũng được dựng sớm hơn chùa Sùng Khánh. Cũng như chùa Sùng Khánh, chuông chùa Bình Lâm được hưng công đều là người đứng đầu ở địa phương và cùng mang họ Nguyễn”.

Hai tư liệu Hán Nôm quý trên cho thấy vào thời Trần, quản lý hành chính của Nhà nước Đại Việt đã xác lập rõ ràng tại vùng đất Hà Giang này. Thêm vào đó, những người đứng đầu ở đây cũng rất mộ đạo. Chính họ là những người đã phát tâm, xây dựng thành công những ngôi chùa quý ở đây.

Trinh Nguyễn

thanhnien.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4304

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa trong nghệ thuật tạo hình Đại Việt

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa trong nghệ thuật tạo hình Đại Việt

  • 22/01/2014 16:18
  • 3613

Với phương Tây hay Trung Quốc láng giềng, hình tượng ngựa trong nghệ thuật tạo hình truyền thống khá phổ biến, do đó là vật nuôi gần gũi thân quen, đồng thời cũng là con vật được sử dụng chủ yếu trong các cuộc chinh phạt, giao tranh vốn lợi thế ở những địa hình đồng cỏ thảo nguyên xứ lạnh.