Chủ Nhật, 10/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/05/2019 10:40 4206
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong bộ sưu tập hiện vật ở khu mộ Châu Can, huyện Phú Xuyên (Hà Sơn Bình), có một quả bầu, mà đến nay tên gọi và công dụng của nó chưa được xác định một cách chắc chắn nên vẫn còn là một vấn đề đang thảo luận.

I. Trong cuốn “Khu mộ cổ Châu Can”, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) xuất bản năm 1977, hai tác giả Lưu Trần Tiêu và Trịnh Căn, đã xếp quả bầu đó vào nhóm hiện vật, với tên gọi hiện vật làm bằng vỏ quả bầu: “Đó là chiếc gáo tìm được trong mộ số 6. Nó được làm bằng vỏ quả bầu gáo, dài 24cm. Phần gáo có hình cầu với đường kính lớn nhất 9cm, trên đó khoét một cái miệng hình bầu dục, dài 5,4cm, rộng 3,6cm. Phần cán hơi uốn cong và nhỏ dần, chỗ rộng nhất 3cm. Ở đầu cán có một lỗ tròn, đường kính 0,5cm, được tạo thành do cuống quả bầu rụng đi (P.Q.Q nhấn mạnh). Gáo được làm bằng vỏ quả bầu rất già nên phía ngoài nhẵn và đen bóng”1.

Năm 1978, trong bài “Về tục uống bằng mũi” đăng trên tạp chí Khảo cổ học, số 2/1978, Đặng Nghiêm Vạn đã liên hệ quả bầu tìm được trong mộ số 6 Châu Can với nhiều công dụng khác nhau. Đặc biệt, tác giả đã gắn công dụng của quả bầu với tục uống bằng mũi của người Kháng hiện nay: Chiếc gáo đó có thể có nhiều công dụng, múc nước, múc rượu... Quả bầu trong mộ Châu Can phải là cần thiết hàng ngày, phục vụ con người (đã chết) một cách thiết thực hơn việc rửa chân tay - theo quan niệm thông thường – ma ở bẩn, người ở sạch. “Chiếc gáo đục lỗ ở cán, không thể chỉ qui một cách tự nhiên do cuống bầu rụng mà làm rõ chức năng của cán không chỉ làm tay cầm mà còn để chất lỏng ở quả bầu chảy ra. Rất có thể đó là chiếc gáo dùng trong việc đưa nước qua mũi như ta thấy ở người Kháng hiện nay”2. Từ một câu hỏi – hay đúng hơn, với một ý chưa được khẳng định như thế, cuối cùng, tác giả cho rằng: “Vậy đến nay, tục uống rượu bằng mũi đã được chứng minh bằng tài liệu khảo cổ học, bên cạnh những tài liệu của lịch sử thành văn và tài liệu dân tộc học”3. Tác giả còn đi xa hơn, liên hệ cách ăn uống chung như vậy còn tồn tại ít nhất ở ba hay bốn nhóm ngôn ngữ, để từ đó, có thêm những ví dụ cho khuynh hướng muốn thấy những nét chung nhất về văn hóa giữa các dân tộc thuộc thời đại đồng thau ở nước ta.

Năm 1979, khi bàn đến quả bầu ở mộ Châu Can, Trình Năng Chung còn đi xa hơn, gắn chức năng của quả bầu Châu Can với chiếc khèn sơ khai. Tác giả đã dẫn nhiều tài liệu khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử thành văn v.v… ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để khẳng định, những cây khèn sơ khai, đều làm bằng vỏ quả bầu. Từ những chứng cứ gián tiếp, có tham khảo ý kiến của nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh, Trình Năng Chung đã kết luận: “Đối với hiện vật trong mộ Châu Can, mà chúng tôi đề cập tới ở trên, về kích thước và hình dáng, rất thích hợp cho việc làm bầu cộng hưởng của cây khèn. So sánh về hình thức, nó tương tự như những bầu khèn của người Dayak (Boóc-nê-ô) hay người Chít-ta-gông (Miến Điện). Ở quả bầu Châu Can, có lỗ đục ở đầu cuống bầu, chúng ta không thể gán một cách tự nhiên do cuống bầu rụng, mà nó phải tạo nên với một dụng ý nhất định. Theo chúng tôi, đó là lỗ thổi để người nghệ sĩ truyền hơi vào bầu khèn. Dựa vào kích thước của lỗ khoét trên thân bầu (dài 5,4cm, rộng 3,6cm), chúng tôi ước tính người xưa có thể đặt từ 3 – 4 ống khèn. Nếu như cây khèn này thuộc loại sơ khai nhất là loại khèn bầu đóng kín”4.

Tuy nhiên, với những quan sát không trực tiếp ở những tư liệu của Đông Nam Á mà tác giả đã dẫn làm minh chứng, kết hợp với những tư liệu, mà theo tác giả, còn thiếu thốn trong “cây khèn” Châu Can, nên, phần kết luận, tác giả có dè dặt: “Bàn về cây khèn khi trong tay chỉ có không quá một bộ phận của nhạc cụ thì quả là một việc làm mạo hiểm”5.

II. Dựa vào những cứ liệu dân tộc học, soi sáng những vấn đề của khảo cổ học và lịch sử, đó là một phương pháp cần thiết. Và, thực tế lâu nay, khảo cổ học vẫn được sự hỗ trợ rất đắc lực của dân tộc học. Nhiều vấn đề bế tắc của khảo cổ học và lịch sử v.v… cũng đã được dân tộc học soi sáng, chứng minh và khẳng định. Thế nhưng, khi nghiên cứu khảo cổ học, mọi khoa học khác, ngoài khảo cổ học chỉ là hỗ trợ mà thôi. Vấn đề chủ yếu vẫn là phải xem xét kỹ lưỡng chính những hiện vật muốn bàn, kết hợp với những dữ kiện ngày càng tăng, có liên quan tới vấn đề đang bàn, để từ đó khẳng định hay bác bỏ.

Nói như vậy, chúng tôi muốn trở lại tên gọi và công dụng của quả bầu: gáo, khèn hay đồ tị ẩm?

Chúng tôi đã nghiên cứu lại quả bầu trong mộ số 6 Châu Can. Quả bầu đã khô tóp, nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên được dáng hình như đã miêu tả trước đây. Ở đầu quả bầu có một lỗ tròn 0,5cm. Xem xét kĩ, chúng tôi thấy lỗ không được tròn và miệng lỗ không bằng – tức là không có sự gia công cắt gọt. Ở xung quanh phía trong lỗ có nhiều răng – tuy đã mòn. Đó chính là dấu vết của sự gắn kết phần thân bầu với núm cuống. Kết cấu này dễ bị phá vỡ trong điều kiện bầu khô bị ngâm nước.

Nói chung, những loại quả trong họ bầu bí đều có kết cấu như vậy. Khi giải phẫu một quả bầu già, chúng ta thấy rõ kết cấu này. Chính vì những lý do đó mà chúng tôi cho rằng, hai tác giả Lưu Trần Tiêu và Trịnh Căn đã có lý khi viết: “Ở đầu cán có một lỗ tròn, đường kính 0,5cm, được tạo thành do cuống quả bầu rụng đi”6.

Một tư liệu khác, có thể góp phần soi sáng cho nhận định này, đó là những quả bầu trong khu mộ thuyền ở Xuân La, huyện Phú Xuyên (Hà Sơn Bình) mới được khai quật gần đây.

Trong mộ số 6 (XL82-M6), chúng tôi phát hiện được hai núm quả bầu bị rời ra khỏi thân. Núm thứ nhất khá to, đường kính 4cm. Quan sát phía bên trong, còn thấy nhiều lỗ nhỏ bằng đầu que tăm ở xung quanh núm. Kết hợp với phần thân của quả bầu Châu Can, chúng tôi nghĩ rằng, núm này gắn khớp với phần gai ở thân bầu, tăng thêm sự bền chắc cho kết cấu giữa núm và thân. Rất tiếc, thân quả bầu trong mộ số 6 Xuân La bị nát vụn, nếu còn thì, với một lỗ to 4cm ở đầu núm khó có thể nghĩ nó là ống dẫn nước vào mũi, hay là ống thoát hơi của khèn.

 

Núm vú và đầu quả bầu khô trong mộ Châu Can

Núm thứ hai, cũng ở trong mộ số 6, còn nguyên cả cuống, không bị thủng một lỗ nhỏ nào. Rõ ràng, trong điều kiện bảo quản tốt thì núm vẫn không rụng. Viết những dòng này, chúng tôi không muốn đồng nhất bầu Châu Can với những mảnh vỡ của các quả bầu ở mộ thuyền Xuân La vì, chức năng của vỏ bầu là rất đa dạng, đã được dân tộc học chứng minh. Nhưng, xét trên tổng thể những dữ kiện (vỏ bầu, cùng trong mộ thuyền, bản thân di vật v.v...), chúng tôi nghĩ, lỗ nhỏ trên quả bầu mộ số 6 Châu Can là một hiện tượng ngẫu nhiên, không do chủ ý tạo tác của người đương thời.

Trong ngôi mộ số 3 (XL 82-M3) tìm được một quả bầu khá nguyên vẹn, giống hệt quả bầu trong mộ số 6 Châu Can, tuy kích thước lớn hơn. Chúng tôi quan sát thấy ở phía trong núm tỏa ra và tụ xuống phía đáy quả bầu những đường chỉ (y hệt ta gọt mướp, trên thân, hay vỏ mướp còn để lại những đường chỉ chạy suốt từ đầu quả mướp rồi tụ xuống ở đáy) – những đường chỉ này ngăn tạo các phiến trên thân bầu. Phần tiếp giáp ở giữa những phiến này với núm không liền mà được khớp với nhau bằng những lỗ và những răng (răng cưa ở các phiến cắm vào các lỗ của núm). Kết cấu này dễ bị phá vỡ trong điều kiện bảo quản không tốt. Thế nhưng, ở quả bầu mộ số 3 Xuân La, tuy đã bị nứt một nửa đầu núm, nhưng xem xét nửa còn lại, không hề thấy vết tích một lỗ tròn nào – dù là rất nhỏ.

Tư liệu về quả bầu khá nguyên vẹn trên đây, kết hợp với những cái núm của các quả bầu khác tìm được trong mộ số 6 Xuân La, đã chứng tỏ rằng, trong điều kiện bảo quản tốt, bầu già, được xử lý kỹ trước khi tạo dáng để dùng, sẽ giữ được nguyên núm. Ngược lại, những điều kiện trên không bảo đảm thì cuống sẽ phá vỡ kết cấu, rời khỏi thân, mà quả bầu Châu Can là một ví dụ.

Bầu không khoét lỗ, vậy thì giả thiết là “cái khèn” hay là “gáo tị ẩm” sẽ không đứng vững. Vả lại, việc dùng gáo bầu Châu Can để “tị ẩm” đã được Ngô Đức Thịnh thử nghiệm, không đi đến kết quả. Hơn thế, xét tỉ lệ giữa dung tích bầu với lỗ thủng trên thân thì, nếu, với chức năng “tị ẩm” không cần một lỗ thủng lớn như thế để dẫn nước uống vào mũi. Nếu nó là cái khèn, cho dù là ít hay nhiều lỗ, sơ khai hay tiến bộ, thì kết luận cũng phải rút ra từ việc xem xét chính di vật. Trong điều kiện bảo quản hiện vật là chất hữu cơ hiện nay rất khó khăn, nên việc nghiên cứu, xem xét phải được xúc tiến sớm trước khi nó bị hủy hoại về dạng hình.

 

Muôi bằng vỏ quả bầu trong mộ Châu Can

III. Bầu Châu Can không phải là khèn, không phải là gáo tị ẩm, vậy nó là gì? Tên gọi và công dụng của nó ra sao?

Các tác giả trong báo cáo mộ cổ Châu Can gọi là gáo quả bầu và có liên hệ với một loại hình tương tự ở mộ cổ Việt Khê. Di vật ở Việt Khê có dáng hình giống hệt bầu Châu Can, nhưng chất liệu bằng đồng. Hiện vật đó có chiều dài 17,8cm, dầy khoảng 0,1cm. Bầu hình bầu dục, cao 5,6cm, miệng rộng 3,7cm x 2,8cm. Gắn liền với bầu là một cái chuôi có hình giống như một cái ống nhọn, cong lên phía trên như một cái sừng, phía trong to, nhỏ dần về phía cuối. Những tác giả của báo cáo gọi là “muôi, gáo đồng ?”. Tuy nhiên, vẫn còn nghi ngờ công dụng7. Ở Viện Bảo tàng Lịch sử, (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) hiện còn lưu giữ được một chiếc có dáng hình tương tự.

Gần đây, trong đợt khai quật lần thứ II địa điểm Làng Vạc (Nghệ Tĩnh), những người khai quật đã tìm thấy trong mộ vò số 48, hố 4, một chiếc muôi đồng tương tự muôi quả bầu Châu Can, Xuân La và phảng phất muôi Việt Khê, tuy kích thước nhỏ hơn8. Chúng tôi đã hỏi những người phụ trách khai quật, họ cũng cho đó là “cái muôi Làng Vạc”.

Xét về dáng hình, chúng (muôi đồng Việt Khê, Làng Vạc và muôi bầu Châu Can, Xuân La), có những điều tương đồng – dù chất liệu của chúng khác nhau. Xét về niên điểm xuất hiện và tồn tại, chúng cũng tương đương nhau, khoảng những thế kỷ trước, sau Công nguyên. Nói như vậy, chúng tôi không có ý định hòa đồng hai loại hình với nhau khi chúng là hai chất liệu khác nhau. Chúng tôi cũng không có ý định cho rằng muôi đồng mô phỏng muôi bầu – như có ý kiến đã giả thiết. Nhưng, thực tế trên đây chứng minh rằng, trong khoảng thời gian đó, cư dân cổ đại Việt Nam dùng muôi và gáo là rất phổ biến. Tuy nhiên, là muôi hay là gáo còn tùy thuộc vào kích thước của từng hiện vật, to làm gáo, bé làm muôi. Cách sử dụng và chế tác khá linh hoạt mà trong dân gian thường nói “lành làm gáo, vỡ làm muôi”.

Đặt tên cho hiện vật quả bầu (gáo hay muôi) chúng tôi không có ý định phủ nhận các chức năng khác của quả bầu. Nó rất có thể là “gáo tị ẩm” – như một số tài liệu dân tộc học chứng minh. Nó cũng rất có thể là cái khèn như đã tìm thấy trong một số địa điểm khảo cổ học ở Nam Trung Quốc. Và cũng không thể loại trừ chức năng đa dạng của quả bầu trong đời sống vật chất và tinh thần của nhiều dân tộc trong vùng Đông Nam Á. Nhưng, xuất phát từ việc nghiên cứu chính bản thân di vật, kết hợp với những tư liệu ngày càng tăng lên của vấn đề này, chúng tôi cho rằng, chức năng của quả bầu Châu Can cũng như Xuân La là đồ để múc (gáo hoặc muôi). Như vậy, chúng tôi đã phần nào tán đồng với những ý kiến gọi quả bầu Châu Can là gáo bầu.

TS.Phạm Quốc Quân

 

Tài liệu dẫn:

1. Lưu Trần Tiêu và Trịnh Căn: Khu mộ cổ Châu Can, Hà Nội, 1977, tr 27; ảnh III, hình 3a, tr 72.

2. Đặng Nghiêm Vạn: Về tục uống bằng mũi. Khảo cổ học, số 2/1978, tr 61.

3. Đặng Nghiêm Vạn: đã dẫn.

4. Trình Năng Chung: Về quả bầu ở khu mộ cổ Châu Can. Thông báo Dân tộc học (bản in rô-nê-ô), Hà Nội, 1979, tr 7.

5. Trình Năng Chung: đã dẫn.

6. Lưu Trần Tiêu và Trịnh Căn: đã dẫn.

7. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: Những hiện vật tàng trữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam về ngôi mộ cổ Việt Khê. Hà Nội, 1965, tr 22, bản vẽ XVIII, hình 1, tr 54.

8. Hiện vật trưng bày ở chuyên đề “Kết quả khai quật địa điểm khảo cổ học Làng Vạc, Nghệ Tĩnh” tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4409

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Một tập tục thời văn hóa Đông Sơn

Một tập tục thời văn hóa Đông Sơn

  • 25/04/2019 14:32
  • 4788

Có một tập quán mai táng của người Đông Sơn cổ ít ai lưu ý. Những đồ tùy táng của họ được người hôm nay khai quật, dù là vô tình hay hữu ý đều đem “sửa chữa” cho nguyên lành, mong sao cho đỡ nhức nhối, đỡ gai mắt, nhưng đã mất đi một “thông điệp” của người xưa gửi lại cho chúng ta hôm nay.