Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/02/2014 15:01 4841
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Truyền thuyết: Ngày xưa, ở một nhà nọ có Tân và Lang là hai anh em ruột, giống nhau như đúc. Cha họ là người cao to nhất trong vùng và được vua Hùng triệu về Phong Châu ban thưởng, đặt tên là Cao. Từ đó, gia đình lấy chữ Cao làm tộc phả.

Hai anh em lớn lên thì cha mẹ lần lượt qua đời. Họ càng quyến luyến nhau hơn. Trước khi người cha mất, ông có gửi Tân cho một đạo sĩ họ Lưu. Tân theo học, Lang không chịu ở nhà, cùng đến học với anh. Nhà họ Lưu có một cô con gái cùng trang lứa với hai anh em. Tình yêu đôi lứa nảy nở giữa họ, nhưng cô gái họ Lưu đem lòng yêu người anh. Cuộc tình lứa đôi được chấp thuận và đạo sĩ họ Lưu gả con gái cho Tân. Sau khi cưới, hai vợ chồng đến ở một nhà mới, có Lang sống cùng.

Từ ngày lấy vợ, Tân vẫn chiều em, nhưng không còn mặn mà như xưa. Lang cảm thấy cô đơn, trong lòng đầy buồn bực, chán nản.

Một hôm, Lang và Tân cùng lên nương, tối mịt mới về. Lang về trước. Chàng vừa bước chân lên ngưỡng cửa thì vợ Tân từ trong buồng chạy ra ôm chầm lấy mình. Lang kêu lên. Sự lầm lẫn của chị dâu làm cả hai xấu hổ. Giữa lúc đó, Tân bước vào nhà. Từ đó, Tân đem lòng ghen với em. Cái ghen càng làm tăng sự hững hờ của Tân đối với Lang. Lang buồn phiền, giận hờn, tủi hổ, muốn bỏ nhà ra đi. Một hôm, tờ mờ sáng Lang từ biệt ngôi nhà, theo con đường mòn, đi mãi. Qua mấy ngày đường, Lang đến một con sông lớn, nước chảy xiết, không thể qua được, ngồi trên bờ, ôm mặt khóc. Chàng khóc mãi, khóc mãi, đến nỗi những con chim kiếm ăn đêm còn nghe tiếng nức nở. Sáng ra, Lang chỉ còn như một cái xác không hồn rồi hóa đá.

Sự tích trầu cau (ảnh minh họa)

Chờ mãi, tìm mãi, chẳng thấy em đâu. Tân hối hận vì biết em đã bỏ đi vì giận mình. Anh đi tìm em không hề có lời với vợ. Cũng sau mấy ngày, chàng đến bờ một con sông rộng, nước chảy xiết. Không có cách gì qua được, rồi men theo sông, tìm thấy em đã hóa đá. Tân đứng bên hòn đá khóc cho đến lúc chỉ còn có tiếng nước cuồn cuộn chảy. Tân chết, hóa thành một cây thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh tảng đá chính là em mình.

Vợ ở nhà, đợi mãi, đợi mãi không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Người đàn bà ngồi lại bên cây, khóc cạn nước mắt, sau đó chết, hóa thành cây leo quấn quanh cây mọc thẳng.

Vợ chồng đạo sĩ nọ ngóng trông, cũng chẳng thấy ba người về, chia nhau đi tìm. Trước hòn đá và hai cây lạ, họ đã dựng miếu thờ. Đó là miếu “anh em thuận hòa, vợ chồng tiết nghĩa”.

Rồi một năm nọ, trời hạn hán. Mọi loài cây khô héo, duy chỉ hai cây mọc cạnh hòn đá còn xanh mướt. Vua Hùng tuần du, thấy sự lạ, hỏi dân làng. Câu chuyện cảm động, khiến vua sai người trèo lên cây hái quả nếm thử. Vị chát không lạ, nhưng nhai với lá cây dây leo thì vị lạ đến nơi đầu lưỡi: ngon ngọt, thơm cay.

Đột nhiên, viên quan cận thần kêu lên: Máu. Mọi người dãn ra kinh ngạc, khi bãi nước bọt của vua nhổ xuống đá, đỏ ối như máu. Vua sai lấy cả ba thứ nhai lẫn với nhau, thấy người nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi, sắc mặt hồng hào. Vua phán bảo: “Thật là kinh dị”. Kể từ đó, vua ra lệnh cho mọi người gây giống và có quy định cho mọi đôi trai gái kết hôn phải có ba thứ đó trong lễ cưới hỏi, như một sự tưởng nhớ đến mối tình chồng vợ nêu trên. Chuyện trầu cau có từ đó và tục ăn trầu của người Việt cũng bắt đầu từ đấy.

Đây là một dị bản trong nhiều dị bản của tục trầu cau. Tuy nhiên cốt lõi của truyền thuyết không có mấy sự khác biệt, khiến chúng ta có thể tin được phần nào cốt lõi của lịch sử qua mây mù của truyền thuyết, huyền thoại và truyện kể dân gian.

Chứng tích: Truyền thuyết không biết có từ bao giờ, và được phủ lên bao nhiêu lớp bụi thời gian, nhưng có liên quan tới thời đại Hùng Vương, khiến chúng ta có thể tin được truyện trầu cau với tục nhuộm răng ăn trầu có từ thời đó.

Tục nhuộm răng đen, ăn trầu vẫn còn hiện hữu đến ngày nay (ảnh minh họa)

Trong rất nhiều những ngôi một thuyền có niên đại thời Hùng Vương-An Dương Vương, nhà khảo cổ học tìm thấy chủ nhân nhuộm răng đen, có chôn theo lá trầu, quả cau trong quan tài. Những ngôi mộ ấy được xác định là người Việt cổ, khi những nhà nhân học đã xác định được những chỉ số nhân học và những nhà khảo cổ học nhận ra yếu tố thuần Việt của cách chôn cất theo kiểu sông nước của cư dân nông nghiệp.

Tục nhuộm răng đen, ăn trầu dường như bị đứt đoạn khoảng 7, 8 thế kỷ sau Công nguyên, không hiểu do khảo cổ học chưa tìm ra chứng tích, hay sự thật, đó là thời kỳ đồng hóa của phong kiến phương Bắc, khiến người Việt cổ ở vùng đất này không chống được sự đồng hóa ở tập tục ấy? Tôi chẳng mấy tin vào sự đồng hóa thành công của ngoại bang, khi mà trên hầu hết các lĩnh vực, người Việt cổ đã tiếp thu có chọn lọc yếu tố tích cực từ bên ngoài mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống, khiến những nhà nghiên cứu khẳng định rằng “ chính vì chống Hán-Đường thì ta mới là ta”.

Đến thời Lý-Trần, tục ăn trầu được minh định qua bộ sưu tập ống nhổ bằng gốm sứ vô cùng phong phú - có thể coi là bước khởi đầu cho hệ thống ống nhổ Việt Nam phát triển cho tới trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Thời Lê, tục nhuộm răng ăn trầu tồn tại khá phổ biến và dường như dã trở thành một tập tục của hoàng gia, của tầng lớp quý tộc, khi mà ngôi mộ của vị vua Lê Dụ Tôn, tìm thấy túi gấm đựng trầu cau và vị vua ấy nhuộm răng đen, trong tóc có tỷ lệ vàng nhỏ. Rất nhiều ngôi mộ hợp chất của quan lại đều tìm được dấu tích vật chất của tập tục này, chứng tỏ không chỉ đàn bà, mà cả đàn ông, không chỉ tầng lớp bình dân, mà cả vua, quan, quý tộc sử dụng trầu cau như một tập tục truyền thống của người Việt.

Bình vôi gốm men lục thời Lê sơ- Mạc, thế kỷ 15-16

Những triều đại sau này, đặc biệt là triều Nguyễn, sưu tập vàng, bạc, đá quý của hoàng gia, thấy rất nhiều cối và chày giã trầu bằng vàng, bạc. Ống nhổ bằng vàng, bằng ngọc, bằng bạc và đồng, như là sự thể hiện đẳng cấp và thân phận của người sử dụng. Điều ấy còn nhìn thấy qua các hoa văn trang trí như rồng, phượng, tứ linh, tứ quý.v.v trên những đồ dùng.

Cối ngoáy trầu, hộp đựng, ống nhổ - chất liệu vàng, đồng, pha lê- Triều Nguyễn, thế kỷ 19-20

Tục nhuộm răng, ăn trầu vào những thập niên đầu thế kỷ 20, trở thành khá phổ biến, đi vào đời sống dân gian qua ngạn ngữ “miếng trầu là đầu câu chuyện”, qua nghi lễ cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp… được coi là một sợi dây liên kết cộng đồng, làng xóm, họ mạc. Đó cũng là hồn cốt của dân tộc được bảo lưu suốt hơn 2000 năm, để cùng với những thành tố văn hóa khác, tạo nên bản sắc Việt đậm đà.

Trầu cau trong lễ ăn hỏi (ảnh minh họa)

Giờ đây, tục nhuộm răng ăn trầu đã đi vào quá vãng, nhưng dường như trong nghi thức cúng lễ, dạm ngõ, cưới hỏi vẫn phải có quả cau, cơi trầu, như là một hồi ức xa xăm của người Việt, chứ thật tình, chẳng có ý nghĩa thực tiễn. Đó là giá trị biểu tượng của văn hóa Việt Nam mà chúng ta gặp ở mọi nơi, nhưng chẳng mấy ai chú ý, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay.

T.S Phạm Quốc Quân

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Một trong tứ quí đồ văn phòng ở sưu tập cổ vật Việt Nam

Một trong tứ quí đồ văn phòng ở sưu tập cổ vật Việt Nam

  • 12/02/2014 14:35
  • 5254

Đó là những chiếc nghiên mực và đi liền với nó là thủy trì (lọ đựng nước để mài mực và rửa bút) hiện còn thấy nhiều trong sưu tập đồ gốm sứ cổ Việt Nam.