Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/03/2014 11:07 4119
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Văn hoá Đông Sơn được đặt tên theo di tích khảo cổ Đông Sơn tìm được năm 1924 ở xã Đông Sơn thuộc vùng sông Mã, tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam.

Những cuộc khai quật Đông Sơn đầu tiên được tiến hành từ năm 1924 đến năm 1932 dưới sự điều khiển của L. Pajot, một viên chức thuế quan và cũng là người sưu tầm cổ vật ở Thanh Hoá. Thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” được nhà khảo cổ học người Áo R. Heine - Geldern đề xuất lần đầu tiên năm 1934.

Công cuộc nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam từ năm 1954 đến nay đã xác định được rõ ràng Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, tồn tại khoảng gần một thiên niên kỷ, từ thế kỷ VIII trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ I sau Công Nguyên. Tuy nhiên ở nhiều nơi thuộc khu vực nền văn hoá này còn có thể kéo dài tới thế kỷ II - III sau Công Nguyên.

Phạm vi phân bố của nền văn hoá này về cơ bản trùng với khu vực Miền Bắc Việt Nam hiện nay, kéo dài từ biên giới phía Bắc tới Đèo Ngang (giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình), tập trung chủ yếu tại lưu vực 3 con sông lớn là Sông Hồng, Sông Mã và Sông Lam. Đồng thời, quá trình phát triển từ các nền văn hóa Tiền Đông Sơn lên Đông Sơn đã được xác lập. Ở lưu vực Sông Hồng là phổ hệ các nền văn hóa: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Tại lưu vực Sông Mã là phổ hệ: Cồn Chân Tiên - Bái Man - Quỳ Chử - Đông Sơn. Còn tại lưu vực Sông Lam, phổ hệ thời đại kim khí cũng được chắp nối: Đền Đồi – Rú Cật – Rú Trăn – Làng Vạc.

Trống đồng Đông Sơn

Mật độ phân bố di tích dày đặc. Có khoảng 500 di tích đã được biết đến của văn hoá Đông Sơn hiện tồn tại ở Việt Nam, gồm các di tích khảo cổ tiêu biểu như: di chỉ cư trú; di tích mộ táng; di chỉ - di tích cư trú - mộ táng; di tích xưởng, di chỉ - di tích cư trú - xưởng; và nhiều nhất là các di tích tìm thấy hiện vật lẻ tẻ.

Các cuộc nghiên cứu khảo cổ ở Việt Nam từ năm 1954 đến nay đã xác định được chủ nhân của nền văn hóa này là cư dân Âu Lạc cổ, tồn tại gần một thiên niên kỷ, từ cuối thời đại đồng thau sang thời kỳ thời đại đồ sắt.

Thạp trang trí thú và người hóa trang nhảy múa

Có thể phân chia văn hoá Đông Sơn thành các loại hình như: Loại hình văn hoá Đường Cồ, hay loại hình văn hoá Sông Hồng, loại hình văn hoá Đông Sơn hay loại hình văn hoá Sông Mã, loại hình văn hoá Làng Vạc hay loại hình văn hoá Sông Lam.

Dựa theo chủng loại và chức năng, có thể phân chia hiện vật thuộc Văn hóa Đông Sơn thành 7 nhóm:

1- Vũ khí: Lưỡi giáo, mũi tên, dao găm, đoản kiếm, rìu chiến, qua, giáp che ngực, vật dụng đeo binh khí, cung và nỏ.

Rìu trang trí cảnh chó săn hươu

2- Dụng cụ sản xuất: Rìu, cuốc, thuổng, lưỡi cầy, lưỡi liềm, dùi, đục, dũa.

3- Dụng cụ sinh hoạt: Thạp, thố, bình, âu, khay, đĩa, chậu, lọ, ấm, muôi, đèn dầu, cốc trầm.

4- Nhạc cụ: Chuông, lục lạc, trống. Ngoài ra còn có các nhạc cụ như khèn, chiêng, cồng chỉ tìm thấy trong phần trang trí trên các trống, thạp, thạp, hoặc các hình tượng nhỏ.

Chuông voi

5- Đồ trang sức: Vòng tay, vòng chân, vòng tai, khóa thắt lưng.

6- Hình tượng nhỏ: Thường là tượng người hay thú đúc nhỏ để gắn trên các hiện vật khác, dùng để trang trí, vừa có công dụng cầm tay hoặc làm móc chặn.

7- Hiện vật minh khí: Đồ thu nhỏ dùng để tùy táng, với hầu hết các vật dụng bằng đồng thau điển hình dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Kỹ thuật đúc các đồ đồng này thường sơ sài, mỏng manh.

Dao găm

Mối giao lưu trao đổi của văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa láng giềng một mặt góp phần làm tăng thêm những sắc thái địa phương của các loại hình trong quá trình phát triển và hội tụ của nền văn hóa, nhưng mặt khác cũng khẳng định tính cởi mở của người Đông Sơn về sự hòa nhập với các nền văn hóa lân cận.

Dù ở trong hay ngoài phạm vi phân bố văn hóa Đông Sơn, đồ đồng Đông Sơn vẫn dễ nhận ra được với màu sắc rỉ đồng, hình dáng, và các hoa văn trang trí đặc biệt của chúng. Đây là những dấu ấn khó lầm lẫn được của nền văn hóa Đông Sơn độc đáo này. Văn hóa Đông Sơn thống nhất đã làm hình thành nên bản sắc văn hóa thống nhất. Trong suốt một thiên niên kỷ nền văn hóa Đông Sơn tồn tại, trên khắp lục địa Á - Âu, những thăng trầm đầy kịch tính của các nền văn hóa khảo cổ cũng đồng thời là một thực tế lịch sử. Sự tồn tại sống động và phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn đã làm nên bản lĩnh Đông Sơn.

Cây đèn hình người

Chặng đường 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn đã cho thấy nền văn hóa này có tầm quan trọng nhường nào trong lịch sử dân tộc ta, làm nền tảng cho một nhà nước sơ khai, thời Hùng Vương với trình độ khá phát triển ở khu vực Đông Nam Á và cả phía Nam dãy Ngũ Lĩnh thời bấy giờ. Chỉ có nước Điền thời đó ở khu vực Vân Nam Trung Quốc hay một vài quốc gia khác trong khu vực mới có thể so sánh được với nước Văn Lang.

Thúy Hà (tổng hợp)

Nguồn:

- Hà Văn Tấn. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. H, nxb KHXH, 1994

- Phạm Minh Huyền. Văn hóa Đông Sơn – Tính thống nhất và đa dạng. H, nxb KHXH, 1996

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Bưng Bạc, một di tích khảo cổ học của văn hóa tiền Óc Eo.

Bưng Bạc, một di tích khảo cổ học của văn hóa tiền Óc Eo.

  • 10/03/2014 16:40
  • 4892

Bưng Bạc là tên gọi của một vùng sình lầy cổ chứa nhiều xác thực vật bán phân hủy, đất lầy đọng mùn gley và than bùn, có diện tích khoảng 30ha. Di tích Bưng Bạc hiện nay thuộc ấp Phước Hữu, xã Long Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.