Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/03/2014 16:40 4891
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bưng Bạc là tên gọi của một vùng sình lầy cổ chứa nhiều xác thực vật bán phân hủy, đất lầy đọng mùn gley và than bùn, có diện tích khoảng 30ha. Di tích Bưng Bạc hiện nay thuộc ấp Phước Hữu, xã Long Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đây là một đầm lầy cổ thuộc địa hình đồng bằng cận biển. Khí hậu ở đây mùa mưa thường kết thúc sớm vào khoảng đầu tháng 11 trong năm, tuy thế nguồn nước ở Bưng Bạc lại cung cấp đầy đủ cho cây trồng quanh năm, vì vậy đã tạo cho Bưng Bạc những đặc điểm riêng biệt góp phần quan trọng vào phương thức sử dụng thích hợp miền sình này để sinh sống và hoạt động kinh tế của cư dân bản địa trong mọi thời gian lịch sử.

Trong hai cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, chống Pháp và chống Mỹ. Bưng Bạc là một khu căn cứ địa hiểm trở, một di tích nuôi Cách mạng và Kháng chiến. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân Phước Hữu đã khai phá và định cư ở đây. Những ngày đầu đào mương lập vườn, nhân dân Phước Hữu đã tìm thấy nhiều cọc gỗ, hiện vật tiền sử - cổ sử bằng đá, đồng thau, sắt, gốm, răng xương động vật…

Khi phát hiện, từ năm 1984 cho đến năm 1993 đã có rất nhiều đợt điều tra, thám sát và khai quật của các nhà khảo cổ học, đồng thời cũng thu thập được một số hiện vật trong các đợt đấy như: đồ đá (trong đó có vòng và lõi vòng, khuôn đúc rìu, bàn mài, chày nghiền, bàn nghiền…); đồ đất nung (có bi, dọi se chỉ); các mảnh gốm (gốm có tô màu đen, nâu); đồ gỗ (có cọc gỗ tròn hoặc đẽo vuông). Đặc biệt là thu được 1 giáo đồng và 2 di vật thời cổ sử là chày nghiền, bàn nghiền có chất liệu, hình dáng và hình khắc trang trí giống với hiện vật cùng loại trong Văn hóa Óc Eo.

Vào tháng 2 năm 1994, để nghiên cứu sâu hơn về đời sống tiền sử, bổ sung những nhận định và quan điểm khoa học trước đây. Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học – Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định trở lại Bưng Bạc điều tra, thám sát. Kết quả thu được trong đợt này gồm; mảnh gốm vỡ, một số cục gỉ sắt, đồ đá, rìu đồng, răng xương động vật, công cụ bằng gỗ, cọc gỗ (có dấu vết gia công của con người) và 3 đồng tiền.

Tiếp đó, vào tháng 8 năm 2002, được phép của Bộ Văn hóa – Thông tin, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành khai quật di tích này.

Hố khai quật di tích Bưng Bạc năm 2002.

Cuộc khai quật lần này nhằm “chữa cháy” do việc người dân trong quá trình đào ao làm xuất lộ những dấu tích cọc nhà sàn trên diện tích lớn tại di chỉ Bưng Bạc, ngoài ra cũng muốn bổ sung thêm sưu tập hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sắp được xây dựng. Kết quả cho thấy:

Tầng văn hóa ở đây khá thuần nhất, lớp đất có kết cấu màu sắc tương đồng, chủ yếu có màu xám đen, nâu và nâu sẫm, có chứa nhiều các di tích, di vật của thời đại Kim khí. Lớp sinh thổ là đất sét có màu trắng xanh.

Tầng văn hóa trong hố thám sát di tích Bưng Bạc.

Phát hiện một số dấu tích của người xưa để lại đó là những vùng than tro thường nằm xen lẫn với những cụm gốm vỡ như: bát bồng, nồi, chúng thường nằm kề với những dấu tích cọc nhà sàn. Hiện tượng này rất giống với dấu tích cư trú nhà sàn ở di chỉ Bưng Thơm gần đó. Tuy nhiên, dấu tích này hầu như bị mủn nát do bị ngâm lâu trong bùn nước trải qua hàng ngàn năm.

Di vật, do là cuộc khai quật chữa cháy nên hiện vật thu được không phong phú như những lần khai quật trước. Tuy nhiên cũng đã thu được các tiêu bản hiện vật như: đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ và rất nhiều mảnh gốm các loại.

Đồ đá: Chủ yếu là các công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, đồ trang sức… đó là các công cụ hình rìu, hình trụ, hình gần trụ, bàn mài, hòn ghè… Đặc biệt có rất nhiều mảnh vòng, lõi vòng, phác vật vòng và các mảnh đá khác. Cho thấy di tích Bưng Bạc ngoài tính chất là một di chỉ cư trú còn là một di chỉ xưởng chế tác đồ đá. Lần này không thấy những khuôn đúc bằng đá nhưng đã thấy khá nhiều ở những lần khai quật trước.

Đồ gỗ: Chủ yếu là những cọc gỗ, có kích thước to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau, đều có hình tròn hoặc gần tròn, đường kính trên dưới 10cm, được đóng thẳng, sâu xuống lớp sinh thổ. Dấu tích này cho thấy kiểu cư trú trên nhà sàn của người Bưng Bạc. Hầu hết là gỗ tràm, vót nhọn ở một đầu.

Cọc gỗ phát hiện được tại di tích Bưng Bạc.

Đồ gốm: Cũng như các lần khai quật trước, do di chỉ Bưng Bạc luôn bị ngập nước nên hầu hết đồ gốm bị mủn nát, khó giữ được hình dáng ban đầu của chúng. Nhưng số lượng mảnh gốm thu được lần này cho thấy, đồ gốm Bưng Bạc chủ yếu là gốm thô, xương gốm được pha bã thực vật và hạt sạn nhỏ. Lớp áo gốm thường có màu xám đen, xám vàng, hoặc nâu, gốm xương đỏ rất ít. Qua các kiểu miệng và đế cho thấy loại hình gốm Bưng Bạc chủ yếu là các loại bát bồng miệng khum, nồi miệng loe cổ ngắn mép miệng nồi thường được vê tròn hoặc bẻ xiên.

Mảnh miệng gốm khai quật tại di tích Bưng Bạc.

Ngoài ra còn có các loại lu vại lớn có đường kính đến gần 1m. Loại hình chân đế loe, gần mép đế uốn lượn rất giống với loại hình đế mâm bồng tương tự như ở di chỉ Bưng Thơm. Hoa văn trên gốm Bưng Bạc chủ yếu là văn chải mịn hoặc thô đi với loại hình nồi, văn vẽ là trang trí trên bát bồng. Ngoài ra còn có văn khắc vạch kết hợp với văn chải trang trí trên vai của đồ gốm. Không loại văn thừng như lần khai quật trước.

Nhận xét:Cũng như lần khai quật trước, kết quả của cuộc khai quật lần này càng khẳng định Bưng Bạc là một di chỉ Tiền Óc Eo quan trọng ở miền Đông Nam Bộ nói riêng và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung. Đây là một di chỉ có quy mô lớn, là nơi cư trú của những cư dân thời đại Kim khí trong buổi đầu chiếm lĩnh vùng đầm lầy ven biển.

Những bàn nghiền và chày dạng con lăn có tay cầm tìm thấy ở Bưng Bạc chính là một trong những loại hình hiện vật đặc trưng của Văn hóa Óc Eo, niên đại thế kỷ II – VII sau Công nguyên (theo “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994” của Phạm Đức Mạnh, Viện KHXH TP HCM; Hồ Khắc Bửu, Bà Rịa – Vũng Tàu).

Bàn nghiền và chày, hiện vật khai quật tại di tích Bưng Bạc.

Qua tổ hợp hiện vật trong lần khai quật này cũng như những lần khai quật và thám sát trước, đặc biệt qua số lượng phong phú của loại hình hiện vật đá đã cho thấy di chỉ Bưng Bạc ngoài tính chất là một di chỉ cư trú còn là một di chỉ xưởng.

Lê Thị Huệ (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Di tích Khảo cổ học Bưng Bạc. Tác giả Phạm Đức Mạnh, NXB Khoa học Xã hội 1996. Hà Nội.
  2. Những phát hiện mới về khảo cổ học 2002. NXB Khoa học Xã hội.
  3. Những phát hiện mới về khảo cổ học 1994. NXB Khoa học Xã hội.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Rực rỡ văn hoá Đông Sơn qua thạp đồng mới phát hiện

Rực rỡ văn hoá Đông Sơn qua thạp đồng mới phát hiện

  • 01/03/2014 09:37
  • 5502

Đông Sơn, một văn hoá khảo cổ rất đa dạng và thống nhất trong nội dung và hình thức thể hiện. 90 năm phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn, khảo cổ học Việt Nam đã có những khám phá đầy lý thú. Văn hoá Đông Sơn ẩn chứa sức hấp dẫn đối với bất cứ ai trên con đường "lần tìm" về bản sắc văn hoá Việt cổ.