Hizen là loại gốm nổi tiếng của Nhật Bản, hình thành từ thời kỳ Edo (1603-1868). Gốm Hizen được tìm thấy tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có hai loại, chủ yếu là gốm men trắng vẽ hoa văn màu xanh cobalt dưới men (gốm hoa lam) và loại gốm vẽ màu trên men, trong đó phổ biến là đồ gốm hoa lam. Gốm hoa lam Nhật Bản tìm được tại đây gồm 5 loại hình, chủ yếu là các loại bát, đĩa, chén, bình rượu và hộp nhỏ. Các loại bát có dáng miệng thẳng, thành cong vát, lòng sâu, chân đế nhỏ và thấp. Men có màu trắng phớt xanh được vẽ rồng mây, chim phượng, sư tử, hoa lá, phong cảnh. Các nhà khoa học đã tìm được 135 tiêu bản và 245 mảnh thân, mảnh miệng của loại bát vẽ rồng mây cách điệu mang phong cách Nhật Bản. Thành ngoài bát trang trí hai con rồng có thân cong ngắn, đầu nhỏ, đuôi xòe hình lá, giữa lòng vẽ hình đầu rồng ẩn hiện trong mây, phổ biến hơn là sóng nước hay cá nhảy trên sóng nước. Các nhà khảo cổ cũng tìm được 7 tiêu bản của loại bát quý vẽ hình chim phượng ở giữa lòng với phong cách thể hiện rất độc đáo, phản ánh sự vượt trội về phẩm cấp so với loại gốm thông thường. Thành ngoài bát phổ biến vẽ phong cảnh sơn thủy, hoa lá cùng với những mảng mây lớn cuộn tròn như sóng nước, nét vẽ đậm nhạt linh hoạt và được điểm xuyết bởi các chấm nhỏ; đặc biệt, chim phượng được vẽ trong tư thế đang bay lượn trên đỉnh núi. Bát vẽ hoa lá có nhiều loại hoa văn trang trí, tiêu biểu như loại bát vẽ bông hoa hay đặc sắc hơn là loại bát vẽ hình các nhụy hoa sống động với lối chấm lam độc đáo. Loại bát này phổ biến có men rạn màu trắng đục, giữa lòng vẽ một cành hoa nhỏ với nét bút mảnh tinh tế. Loại bát khác cũng được đánh giá độc đáo là bát vẽ hoa cúc theo kiểu cánh quạt.
|
Lò sản xuất sứ Hizen - Nhật Bản (ảnh dưới) với mảnh sứ được tìm thấy ở Hoàng thành (ảnh trên). |
Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm được 191 tiêu bản và 35 mảnh miệng, mảnh thân của các loại đĩa. Các loại đĩa nhỏ có nhiều kích cỡ và hoa văn chủ yếu vẽ trong lòng là rồng mây, chim phượng và chữ Hán, phong cảnh, quả đào, hoa cúc... Sưu tập đĩa lớn ở khu di tích hiện nay chưa nhiều, nhưng đều là những tiêu bản gốm quý, có chất lượng cao. Về hình dáng cơ bản có hai loại: Thân giật cấp và thân cong tròn. Hoa văn trang trí trên các loại đĩa này khá cầu kỳ, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao, giữa lòng vẽ phong cảnh núi đá, hoa cỏ.
Chén vẽ hoa lá thuộc loại chén có chân nhỏ, thân cong vát, miệng loe thẳng. Chén vẽ phong cảnh có kích thước to hơn một chút, chân đế rộng, thân vát thẳng và miệng hơi loe. Cùng với các loại chén, lần đầu tiên 3 mảnh thân của loại bình đựng rượu men trắng vẽ lam rất đặc trưng của Nhật Bản đã được tìm thấy. Những mảnh vỡ tìm được tại đây thuộc loại bình hay nậm rượu có dáng củ tỏi, thân bầu thon cao và cổ thắt nhỏ, chân đế rộng, quanh thân vẽ phong cảnh và hoa lá.
Bên cạnh các loại đồ gốm dùng trong sinh hoạt nói trên, tại đây còn tìm được những mảnh vỡ của các loại hộp nhỏ men trắng vẽ lam có thể chuyên đựng đồ nữ trang. Đây là những loại hộp nhỏ có nắp đậy, hoa văn vẽ trên nắp hộp như kiểu lá cúc với cách tô đậm đường viền hay hoa văn giống hình con cá cóc là hoa văn mang phong cách rất riêng của gốm Hizen.
Theo PGS - TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành: Số lượng lớn đồ gốm Nhật Bản khai quật được tại khu di tích cho thấy tầm quan trọng của nó trong đời sống Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại. Dù không có sử liệu ghi chép về cách thức sử dụng đồ gốm và vai trò cụ thể của từng loại hình đồ gốm trong đời sống hoàng cung nhưng qua nghiên cứu, so sánh những đồ gốm dùng trong Kinh đô Huế, có thể thấy, đồ gốm là đồ dùng không thể thiếu, từ sinh hoạt thường nhật đến các dịp đại lễ. |
Vai trò quan trọng
Những sưu tập phong phú được phát hiện cho thấy, dù trong bối cảnh đất nước có nội chiến triền miên và đã có đồ gốm nội địa, triều đình Thăng Long vẫn mua một số lượng không nhỏ đồ sứ Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong cung đình. Sự vượt trội về đẳng cấp và chất lượng cao của đồ sứ nhập khẩu vẽ hoa văn rồng, phượng hay các mô típ hoa lá, phong cảnh so với đồ gốm sứ nội địa cho thấy rõ đây là những đồ gốm quý chỉ dành riêng cho nhà vua và hoàng tộc.
Theo Đại Việt quốc thư, từ thời Lê Trung hưng, việc sử dụng đồ gốm sứ trong cung đình đã có những quy định chặt chẽ. Năm 1661, triều đình ban Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, cấm "làm và bán riêng những đồ dùng vẽ rồng, lân, phượng dành riêng cho nhà vua", "về phần sản xuất đồ dùng, cần phải làm và bán theo địa vị của từng người", "những nho sĩ, chức sắc, sinh đồ, lý trưởng, con và cháu các quan cũng như thường dân thì phải dùng bát đĩa nội".
Dựa vào ký sự đương thời và những khảo cứu về các mặt hàng gốm Nhật Bản xuất khẩu sang thị trường Đàng Ngoài từ trước năm 1650 đến năm 1681, các nhà khoa học cho rằng, triều đình Thăng Long đã mua một số lượng khá lớn đồ gốm Hizen Nhật Bản để dùng trong hoàng cung, bao gồm các loại bình, lọ, nậm rượu, bát, đĩa, chén, ấm trà. Sưu tập đồ gốm Nhật Bản khai quật được chủ yếu là các loại đồ dùng uống rượu, uống trà và trong các bữa ăn. Các loại đồ gốm dùng cho trang trí nội thất hiện chưa tìm thấy. Tuy nhiên, công cuộc nghiên cứu, chỉnh lý đồ sứ nước ngoài của khu di tích vẫn đang trong quá trình thực hiện và chắc chắn sẽ còn có nhiều khám phá mới về gốm sứ Hizen ở đây.
Lâm Vũ