Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/02/2019 09:48 6452
Điểm: 4.5/5 (2 đánh giá)
Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên có sự phong phú và đa dạng về loại hình và hoa văn trang trí. Bình là loại hình đồ đựng chiếm tỷ lệ tương đối lớn và các mô típ hoa văn trang trí trên loại hình đồ đựng này khá phong phú và đa dạng. Kết quả những đợt khai quật di chỉ Xóm Rền (xã Phù Ninh, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã cho chúng ta những nhận biết tương đối đầy đủ về các kiểu bình gốm xuất hiện trong văn hóa Phùng Nguyên. Về hình dáng, chúng tôi tạm chia thành 5 kiểu:

Loại I: Bình miệng loe, phần thân phình tròn đều, đáy tròn, cách mép miệng khoảng 1,3cm - 1,5cm có một đường gờ nổi, trên trang trí khía rãnh. Phần cổ trang trí hoa văn khắc vạch hình chữ S, trong khung chữ S có các nét phẩy ngắn, bên dưới băng hoa văn chữ S là một dải băng ngang miết nhẵn giữa hai đường chỉ chìm hoặc hoa văn khắc vạch những hình tam giác đối chiều. Phần thân gần đáy có văn thừng. Đây là kiểu bình chiếm số lượng chính trong loại hình bình.

 
 
Loại II: Bình miệng loe, cổ thắt, miệng loe xiên, thành miệng hơi khum hình vành khăn. Phần vai không trang trí hoa văn. Từ phần hông đến đáy có văn thừng. Bình kiểu này chiếm số lượng ít.
 

Loại III: Miệng loe, có hai quai dọc đối xứng nhau. Trên mỗi quai có bốn mấu. Bình kiểu này chiếm số lượng ít.

 

Loại IV: Bình có chân đế, miệng loe, cổ ngắn và thắt eo, chân đế cao loe choãi, có gờ nổi cao ở gần mép chân đế. Phần cổ và vai trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp chấm dải.

 

Loại V: Bình miệng vuông, phần miệng bình tạo thành bốn cạnh vuông, giữa hơi võng xuống. Phần thân trang trí in văn ô vuông, khắc vạch kết hợp chấm dải. Đây là loại bình có hình dáng lạ, phát hiện trong mộ táng di chỉ Lũng Hòa, chưa phát hiện thêm được ở bất kỳ địa điểm nào của văn hóa Phùng Nguyên.

 

Hoa văn trang trí theo bố cục băng dải. Trên phần vai của bình loại I thường được trang trí các vành hoa văn kết hợp nhau.

Hoa văn khắc vạch hình chữ S đơn hoặc các đường cong phóng khoáng trong kết hợp những nét phẩy ngắn hoặc hoa văn khắc vạch những đường thẳng song song đối chiều nhau tạo thành những hình tam giác đối chiều.

Hoa văn khắc vạch các hình tam giác đối chiều nhau gồm kiểu những hình tam giác đối chiều đơn thuần, cứ tuần tự một hàng vạch chéo xuôi lại đến một hàng vạch chéo ngược, lại một hàng vạch chéo xuôi liên tục cho đến hết, chiếm số lượng nhiều thứ hai. Những hình tam giác đối chiều này được tạo bằng cách khắc vạch bằng que một đầu nhọn hoặc một đầu tù.

Sự phong phú và đa dạng về kiểu loại bình và hoa văn trang trí là một điểm nhấn của bình gốm văn hóa Phùng Nguyên. Sự phong phú và đa dạng này cũng chính là thể hiện một phần tư duy và khả năng sáng tạo của người thợ gốm Phùng Nguyên.

 TS.Bùi Thị Thu Phương

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4235

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Sưu tập đèn cổ trong hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Sưu tập đèn cổ trong hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

  • 13/02/2019 09:06
  • 9693

Cách ngày nay hàng chục vạn năm, loài người đã biết đến lửa và sử dụng lửa để phục vụ đời sống của mình. Họ đã biết cách tạo ra lửa, giữ lửa, duy trì ngọn lửa. Một trong những bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát và chế ngự lửa là khi đèn được phát minh. Ở Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chiếc đèn có niên đại từ hàng ngàn năm trước. Với bàn tay tài hoa và sự sáng tạo, các thế hệ người Việt Nam đã tạo ra những chiếc đèn đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, kích thước mang giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao. Đèn không chỉ dùng để giữ lửa phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, gắn bó với các không gian tâm linh của người Việt Nam.