Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/12/2014 12:22 3033
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng ngày 20/12/2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Văn hóa Đông Sơn - Rực rỡ nền văn minh Việt cổ” với sự tham gia của gần 80 sinh viên Trường Đại học Phương Đông, Hà Nội.

Văn hóa Đông Sơn(khoảng từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 - 2 sau Công nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven Sông Mã, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.Đây là một nền văn hóa có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Trải qua 90 năm phát hiện và nghiên cứu, văn hóa Đông Sơn được biết đến như là cơ sở vật chất cho sự ra đời của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, Nhà nước đầu tiên thời đại các vua Hùng. Sức sống của văn hóa Đông Sơn được các thế hệ người Việt Nam bảo tồn và phát triển từ cách đây hơn 2.000 năm đến nay đã trở thành truyền thống văn hóa Việt Nam.

Sàn thi đấu chỉ còn lại gần 1 nửa số bạn chơi sau câu hỏi thứ nhất.

Với ý nghĩa đó, nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Phòng Giáo dục, Công chúng) phối hợp với trường Đại học Phương Đông tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Văn hóa Đông Sơn - Rực rỡ nền văn minh Việt cổ” nhằm giúp các em sinh viên hiểu rõ hơn về Văn hóa Đông Sơn - cơ sở nền tảng của nhà nước đầu tiên cũng như hình thành truyền thống lịch sử dân tộc, đồng thời qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam.

Trải qua hơn 1 tiếng tham quan hệ thống trưng bày, các em sinh viên đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về văn hóa Đông Sơn thông qua những hiện vật và sưu tập hiện vật trược trưng bày tại cơ sở 1 – BTLSQG và trở về phòng sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” để tiếp tục tham gia các hoạt động của chương trình. Sau một số tiết mục văn nghệ "tự biên tự diễn" rất vui và đặc sắc, các em bắt đầu bước vào hoạt động chơi thứ nhất “Thử tài của bạn” với hình thức chơi giống chương trình truyền hình “Rung chuông vàng” rất phù hợp với đối tượng sinh viên. Tham gia hoạt động này là 40 người chơi chính. Các em sẽ lần lượt trả lời 20 câu hỏi của chương trình được sắp xếp theo cấp độ khó dần để chọn ra bạn chơi xuất sắc bằng cách viết đáp án ra bảng. Thời gian suy nghĩ cho mỗi câu trả lời là 15 giây. Nếu viết đáp án sai người chơi sẽ tự động đứng lên ra khỏi sân chơi. Nếu trong sàn thi đấu không còn thí sinh, thì sẽ sử dụng phao cứu trợ (chọn 20 thí sinh khác vào chơi). Trò chơi tiếp tục cho đến khi tìm được người chơi xuất sắc.

Ban tổ chức trao phần thưởng cho các sinh viên xuất sắc trong họat động

“Thử tài của bạn”.

Hoạt động chơi bắt đầu với sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn khán giả. Tuy nhiên, mới chỉ ở câu đầu tiên, do chủ quan nên hơn 50% (25/40) bạn chơi đã bị rời khỏi sàn thi đấu. Sau 11 câu hỏi, trên sàn thi đấu lúc này chỉ còn lại 3 bạn chơi. Ở câu hỏi số 12, cả ba bạn chơi đều trả lời chưa chính xác đáp án của chương trình. Câu lạc bộ quyết định trao giải thưởng cho 3 bạn chơi xuất sắc đã trải qua 12 câu hỏi và một phần quà khuyến khích cho 1 bạn chơi đã vượt qua được 10 câu hỏi.

Sinh viên Đại học Phương Đông trong hoạt động chơi “Lật mảnh ghép tìm di sản”

Hoạt động thứ hai mang tên “Lật mảnh ghép tìm di sản” với sự tham gia của hai đội mang tên “Văn Lang” và Âu Lạc”. Đây là hoạt động có sự kết hợp giữa hoạt động thể chất và trí tuệ, nhằm giúp các em phát huy được sự khéo léo, thông minh, nhanh nhẹn của mình. Hai đội phải khéo léo lăn bóng vào vòng tròn, đội sở hữu quả bóng mang số thứ tự nào sẽ có quyền trả lời câu hỏi mang số tương ứng. Trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai quyền trả lời thuộc về đội bạn, nếu hai đội không đưa ra được đáp án chính xác quyền trả lời thuộc về các bạn khán giả. Đội nào đoán được chính xác tên di sản được ẩn chứa sau những mảnh ghép là đội thắng cuộc. Trong tiếng reo hò cổ cũ của các bạn cổ động viên, hai đội nhanh chóng hoàn thành phần chơi này. Đội "Văn Lang" khéo léo hơn trong hoạt động lăn bóng đã giành được 6/9 trái bóng, đội "Âu Lạc" giành được 3/9 trái bóng. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, chỉ sau 5 mảnh ghép được lật mở, đội "Âu Lạc" đã trả lời đúng đáp án của chương trình và là đội thắng cuộc. Qua hoạt động chơi này, các em sinh viên nhớ và hiểu sâu hơn một số kiến thức lịch sử về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Đông Sơn thời kỳ dựng nước.

Cô Doãn Thị Minh Hiền - đại diện trường ĐH Phương Đông bày tỏ tỏ lời cám ơn chân thành tới cán bộ BTLSQG.

10h30 phút, buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Văn hóa Đông Sơn - Rực rỡ nền văn minh Việt cổ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia của các em sinh viên Trường Đại học Phương Đông đã kết thúc. Cô giáo Vũ Thị Minh Hiền - Trưởng ngành Quản trị Kinh doanh của nhà trường đã bày tỏ lời cám ơn chân thành tới các cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng - BTLSQG, những người đã dày công thiết kế, xây dựng một chương trình, một sân chơi bổ ích và phù hợp với lứa tuổi của các em sinh viên ở giảng đường đại học và hy vọng các em sinh viên sẽ tiếp tục được tham gia những chương trình sinh hoạt ngoại khóa bổ ích và lý thú khác tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Lê Liên (Phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Em yêu lịch sử nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành Lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành Lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

  • 23/12/2014 11:32
  • 3029

Chiều thứ Năm, ngày 18/12/2014, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia diễn ra buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Quân đội nhân dân Việt Nam – chặng đường 70 năm lịch sử.” với sự tham gia của hơn 50 học sinh giỏi đến từ lớp 6, 7, 8, 9 Trường THCS Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội.