Sáng thứ Sáu ngày 28/11/2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” chủ đề: “Việt Nam qua hai lần kháng chiến chống thực dân Pháp (1858-1945) và (1946-1954)” với sự tham gia của hơn 100 em học sinh khối lớp 5 Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Trong hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bền bỉ, nhân dân Việt Nam đã đánh bại các cuộc xâm lăng, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Năm 1858, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi. Dân tộc Việt Nam có chủ quyền, độc lập sau gần một thế kỉ đấu tranh oanh liệt. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta lần hai. Đáp Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” nhân dân ta tiếp tục đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mĩ, bảo vệ độc lập dân tộc mà khó khăn lắm chúng ta mới giành được. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kì, gian khổ, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn lịch sử này cũng nằm trong chương trình môn học lịch sử của lớp 5.
Nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về hai lần kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Phòng Giáo dục, Công chúng) phối hợp với Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long (Quận Hoàng Mai– Hà Nội), tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Việt Nam qua hai lần kháng chiến chống thực dân Pháp (1858-1945) và (1946-1954)”
Các em học sinh tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”.
8h30 sáng, hơn 100 em học sinh khối lớp 5 đến từ Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long đã có mặt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tham gia buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”. Sau 60 phút tham quan nội dung trưng bày giới thiệu lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1954, (phòng số 1 đến phòng số 14), các em học sinh đã hiểu được nhiệm vụ khác nhau của cách mạng Việt Nam qua hai lần kháng chiến chống Pháp: Giai đoạn từ (1858-1945) nhân dân ta chống thực dân Pháp để giành độc lập dân tộc, giai đoạn từ (1946-1954) nhân dân ta kháng chiến chống Pháp để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau đó, các em trở về phòng sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử ” để tham gia 3 hoạt động chơi mang tên: “Theo dòng lịch sử”, “Nhận diện nhân vật lịch sử”, “Lật mảnh ghép tìm sự kiện” .
Hoạt động đầu tiên mang tên “Theo dòng lịch sử” với sự tham gia của hai đội mang tên hai danh nhân là đội Hồ Chí Minh và đội Võ Nguyên Giáp. Đây là hoạt động có sự kết hợp giữa hoạt động thể chất và trí tuệ, nhằm giúp các em phát huy được sự khéo léo, thông minh, nhanh nhẹn của mình. Hai đội phải khéo léo lăn bóng vào vòng tròn, đội sở hữu quả bóng mang số thứ tự nào sẽ có quyền trả lời câu hỏi mang số tương ứng. Trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai quyền trả lời thuộc về đội bạn, hai đội không đưa ra được đáp án chính xác quyền trả lời thuộc về các bạn khán giả.
Trong tiếng reo hò cổ cũ của các bạn cổ động viên, hai đội nhanh chóng hoàn thành phần chơi này. Đội Hồ Chí Minh khéo léo hơn trong hoạt động lăn bóng đã giành được 5/8 trái bóng, đội Võ Nguyên Giáp giành được 3/8 trái bóng. Các câu hỏi của hoạt động đều gắn với nội dung các em đã được học ở trường, kết hợp với những câu chuyện kể của các hướng dẫn viên khi tham quan hệ thống trưng bày nên hai đội nhanh chóng đưa ra được câu trả lời đúng. Với ưu thế về quyền trả lời câu hỏi nên đội Hồ Chí Minh đã giành được 50/80 điểm, trong khi đội Võ Nguyên Giáp chỉ giành được 30/80 điểm, đội Hồ Chí Minh đã là đội thắng cuộc. Qua hoạt động chơi này, các em nhớ sâu và hiểu thêm một số kiến thức lịch sử thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ nhất (1858-1945).
Trước khi bước vào hoạt động 2 của chương trình, các em học sinh trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long đã đem đến một số tiết mục văn nghệ rất vui và đặc sắc.
Tiết mục văn nghệ của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long.
Tham gia hoạt động 2 mang tên “Nhận diện nhân vật lịch sử” gồm hai đội (mỗi đội 6 bạn). Nhiệm vụ của 2 đội là từng cặp mang theo dữ liệu lịch sử và di chuyển quả bóng bằng lưng đến vạch đích, rồi gắn dữ liệu tương ứng vào bảng. Đội nào hoàn thành nhanh, chính xác sẽ là đội thắng cuộc. Hoạt động này đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo và nhớ chính xác về sự kiện gắn với một nhân vật lịch sử cụ thể. Thời gian cho hoạt động chơi là 20 phút nhưng với sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, chưa hết thời gian mà hai đội đã nhanh chóng hoàn thành phần chơi này. Cả hai đội đều ghép chính xác tên nhân vật gắn với sự kiện lịch sử, nhưng Đội 1 gắn đáp án nhanh hơn nên đã trở thành đội thắng cuộc trong hoạt động chơi này.
Học sinh tham gia hoạt động “Nhận diện nhân vật lịch sử”
Kết thúc hoạt động chơi thứ 2, các em tiếp tục được tham gia hoạt động chơi mang tên “Lật mảnh ghép, tìm sự kiện”. Tham gia hoạt động chơi gồm 2 đội được mang tên là Xung kích và Trinh sát, mỗi đội gồm 3 bạn. Có một hình ảnh ẩn dưới 6 mảnh ghép, mỗi mảnh ghép là một câu hỏi (tương ứng với 6 lá cờ đã được đánh số thứ tự). Trước khi tiến hành lật các mảnh ghép và trả lời các câu hỏi thì hai đội được tham gia một hoạt động thể chất rất sôi động, đòi hỏi sự nhanh nhẹn và khéo léo mang tên “Lá cờ-báo hiệu chiến thắng”. Nhiệm vụ của hai đội là di chuyển bằng xe lắc từ điểm xuất phát, vượt qua các chướng ngại vật của chương trình lên tới vạch đích rồi chọn một lá cờ. Lá cờ mang số thứ tự nào sẽ trả lời câu hỏi trong mảnh ghép có số tương ứng, trả lời đúng giành được 10 điểm và một mảnh ghép được mở ra, trả lời sai quyền trả lời sẽ thuộc về đội bạn. Đội nào đọc chính xác sự kiện trong bức ảnh trước giành được 30 điểm, nếu trả lời sai đội đó phải dừng cuộc chơi. Đội nào có tổng số điểm cao hơn sẽ là đội thắng cuộc.
Học sinh tham gia hoạt động “Lật mảnh ghép, tìm sự kiện”.
Sau những giây phút vui nhộn, những tiếng hò reo của khán giả thì hai đội chơi đã hoàn thành phần chơi của mình. Mặc dù hai đội cùng giành được số lá cờ bằng nhau (3-3), nhưng đội Xung kích đã trả lời được sự kiện ẩn sau bức ảnh: Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và giành được 60 điểm và là đội thắng cuộc (đội Trinh sát giành được 30 điểm). Hoạt động này giúp các em ghi nhớ một số sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1946-1954), đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.
Học sinh nhận quà lưu niệm của chương trình.
11h30 phút, trong tiếng reo hò, sự hân hoan xen lẫn cảm giác tiếc nuối của các em học sinh, buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Việt Nam qua hai lần kháng chiến chống thực dân Pháp (1858-1945) (1946-1954)” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia của cô và trò Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long đã kết thúc với lời hẹn gặp lại ở những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” bổ ích và lý thú tại Bảo tàng lần sau./.
Nguyễn Phương (Phòng GDCC)