2. Một vài khía cạnh khác Những phát hiện về gốm men trắng văn in ở Lam Kinh tại khu vực điện miếu thờ cúng đã chỉ rõ một trong những chức năng của dòng gốm này là dùng vào những lễ nghi thờ cúng của triều đình nhà hậu Lê. Ngoài ra, tần xuất xuất hiện khá dày của dòng gốm này tại các di tích khác nhau trong Hoàng Thành Thăng Long cũng chỉ ra khả năng dùng để phục vụ cuộc sống thường ngày trong hoàng cung. Với tư cách là những sản phẩm chất lượng cao, dòng gốm này cũng đóng vai trò xuất khẩu. Bằng chứng được tìm thấy trong di chỉ tàu đắm Cù Lao Chàm. Đặc biệt, những tiêu bản tìm thấy ở con tàu này còn được trang trí men đa sắc, một vài tiêu bản còn có trang trí văn in hình phượng. Ngoài ra, một vài mảnh gốm trang trí hoa mai với hình bông mai sáu cánh in nổi trong lòng phát hiện ở thành Sakai, gần vịnh Osaka (Nhật Bản) cũng chỉ rõ một trong những đích đến của con đường xuất khẩu dòng gốm sứ này
2. Một vài khía cạnh khác Những phát hiện về gốm men trắng văn in ở Lam Kinh tại khu vực điện miếu thờ cúng đã chỉ rõ một trong những chức năng của dòng gốm này là dùng vào những lễ nghi thờ cúng của triều đình nhà hậu Lê. Ngoài ra, tần xuất xuất hiện khá dày của dòng gốm này tại các di tích khác nhau trong Hoàng Thành Thăng Long cũng chỉ ra khả năng dùng để phục vụ cuộc sống thường ngày trong hoàng cung. Với tư cách là những sản phẩm chất lượng cao, dòng gốm này cũng đóng vai trò xuất khẩu. Bằng chứng được tìm thấy trong di chỉ tàu đắm Cù Lao Chàm. Đặc biệt, những tiêu bản tìm thấy ở con tàu này còn được trang trí men đa sắc, một vài tiêu bản còn có trang trí văn in hình phượng. Ngoài ra, một vài mảnh gốm trang trí hoa mai với hình bông mai sáu cánh in nổi trong lòng phát hiện ở thành Sakai, gần vịnh Osaka (Nhật Bản) cũng chỉ rõ một trong những đích đến của con đường xuất khẩu dòng gốm sứ này
Là sản phẩm nội địa, dấu tích của dòng gốm này đã được tìm thấy trong các di chỉ lò ở Chu Đậu, Hải Dương. Một số mảnh tìm thấy ở di tích ở làng Mỹ Xá và ở một số di chỉ lò khác ở các làng Cậy, Hợp Lễ đã được đề cập đến trong bài viết của Nguyễn Văn Đoàn và Đào Lê Quế Hương. Vào năm 1999, một mảnh trang trí văn in vân mây sóng nước với chữ Quan in nổi trong lòng được phát hiện ở di chỉ Xóm Bến. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, Hải Dương là một trong những nơi sản xuất ra dòng gốm này để phục vụ cung đình cũng như xuất khẩu.
Rất may là các lớp văn hóa cũng như kiến trúc khảo cổ ở Lam Kinh không bị xáo trộn, điều này giúp xác định cho trật tự niên đại tương đối chính xác của dòng gốm sứ này. Loại sứ tinh xảo nhất trong dòng gốm này xuất hiện sớm nhất ở lớp kiến trúc thế kỷ XV - XVI tại Lam Kinh. Theo như ghi chép của sử sách thì Lam Kinh được xây dựng để làm nơi thờ cúng tổ tiên với các nghi lễ quốc gia suốt từ năm 1433 và đặc biệt là vào năm 1466 khi vua Lê Thánh Tông có lệnh cấm các quan chuyển đổi đi nơi khác không được dỡ lấy đồ dùng công sở. Bởi vậy, rất có thể loại sứ này được bắt đầu sản xuất khoảng những năm 1460. Niên đại kết thúc của loại sứ này rơi vào khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, khi thực quyền của nhà Lê đã suy yếu vào thời Lê Mục Tông (1505-1509).
Cùng thuộc dòng sứ này, gốm Quan men trắng văn in, chất lượng kém hơn chỉ xuất hiện ở các lớp muộn hơn của Lam Kinh (từ thế kỷ XVII). Bên cạnh đó, các cuộc khai quật khảo cổ học ở Dương Kinh, Hải Phòng, quê hương của nhà Mạc, cũng tìm thấy gốm Quan men trắng văn in nhưng chất lượng kém hơn và dày hơn rất nhiều so với ở Lam Kinh. Do đó, có thể nói rằng, niên đại kết thúc của dòng gốm này rơi vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.
Là một loại sản phẩm đặc biệt của tầng lớp quý tộc, truyền thống gốm Quanxuất hiện sớm ở các nước Đông Á. Ở Trung Quốc, gốm Quan đã xuất hiện từ thời Đường, thế kỷ VII. Cho tới triều Minh, hệ thống lò quan và tổ chức quản lý sản xuất được hoàn thiện. Muộn hơn, vào thế kỷ XIV, lò Quan và sản phẩm của lò Quan qui chuẩn, chính thống mới xuất hiện ở Việt Nam. Thực ra, dấu tích từ các mảnh gốm có chữ Quan, hay viết chữ men nâu Thiên Trường phủ chế được cho là bút tích của một học giả hoặc cũng có thể là của vua Trần Anh Tông hoặc Trần Minh Tông là minh chứng sớm nhất về một loại hình gốm sứ đặc biệt được triều đình chăm sóc. Những mảnh gốm này được tìm thấy trong cuộc khai quật ở Thiên Trường, Nam Định, nơi phát tích của nhà Trần. Những phát hiện về gốm sứ Quan ở Lam Kinh và Thăng Long có thể coi là tiếp nối truyền thống gốm cung đình Việt Nam vào thế kỷ XV. Như một biểu tượng cao quý, hiệu đề Quan tiếp tục được duy trì trên gốm tới tận thế kỷ XVII bất chấp suy thoái về quyền lực và tài chính vào cuối triều Hậu Lê. Trong khi đó, như các vương hầu của nhiều nước khác trên thế giới, chúa Trịnh đã đặt hàng đồ sứ (đồ ký kiểu) cho riêng mình từ Nhật Bản và Trung Quốc[i]. Từ triều Tây Sơn cho đến cuối triều Nguyễn (1902-1925), đồ sứ cung đình chủ yếu được đặt hàng từ Trung Quốc, tiếp đó, các vua Nguyễn cũng đặt hàng từ Pháp hoặc Anh.
Như một thị hiếu của tầng lớp quý tộc thế kỷ XV ở các nước Đông Á, sứ trắng không những được ưa chuộng ở Việt Nam, mà còn ở Triều Tiên. Từ thời vua Sejong (1418-1450), nhà Joseon bắt đầu mối quan hệ giao hảo với nhà Minh, từ đó, sứ trắng được lựa chọn như một đặc quyền thẩm mỹ của tầng lớp quý tộc và nghiêm cấm dân thường sử dụng. Từ năm 1424 đến 1432, theo sử sách ghi chép, có 139 lò sứ và 185 lò gốm trên bán đảo Triều Tiên. Tùy vào chất lượng của sản phẩm mà các lò được xếp hạng từ cao cấp đến thứ cấp. Các sản phẩm đẹp nhất được lựa chọn cho hoàng tộc rồi đến hàng quan lại. Hệ thống lò tập trung ở Bunwon, tỉnh Guangju, nay thuộc Nam Hàn. Như vậy, truyền thống gốm Quan tồn tại trên bán đảo Triều Tiên từ đó cho đến thế kỷ XIX, dưới thời Choson.
Cùng thời điểm xuất hiện với sứ trắng cung đình Triều Tiên, ở Việt Nam, sứ trắng Quan chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong nửa cuối thế kỷ XV và biến mất vĩnh viễn sau đó. Tuy nhiên, thẩm mỹ này vẫn được nhà Mạc duy trì trên chất liệu gốm tới cuối thế kỷ XVI.
Tại sao dòng sứ cao cấp lại tồn tại ngắn ngủi thế trong truyền thống gốm sứ Việt Nam ? Có lẽ điều này phụ thuộc vào yếu tố thổ nhưỡng và chất liệu hơn là yếu tố kỹ thuật. Chính sách đóng cửa xuất khẩu gốm sứ của Minh Thành Tổ là một yếu tố thúc đẩy thị trường gốm sứ Đại Việt. Cùng với sự nở rộ này, có lẽ vào thời điểm đó, theo đơn hàng của triều đình, các lò gốm Đại Việt đã nhập khẩu kaolin để sản xuất sứ Quan cho triều đình. Tuy nhiên, khi các lò gốm Đại Minh mở cửa trở lại cùng với sự suy thoái của triều đình nhà Hậu Lê và thị hiếu mang tính toàn cầu đối với gốm sứ Trung Quốc đã chấm dứt sự tồn tại ngắn ngủi của sứ cung đình có nguồn gốc nội địa trong lịch sử gốm sứ Việt Nam.
- Một vài suy nghĩ thay lời kết
Những phát hiện khảo cổ học ở Lam Kinh và Thăng Long đã đánh dấu sự tồn tại của sứ có nguồn gốc nội địa trong lịch sử gốm sứ Việt Nam. Cũng như các quốc gia Đông Á khác như Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc, sứ cũng là sở thích của tầng lớp quý tộc nhưng vì những lý do khác nhau mà chủ yếu là thiếu nguồn nguyên liệu mà sự tồn tại của sứ Việt Nam rất ngắn ngủi.
Niên đại của sứ men trắng văn in Việt Nam rơi vào nửa sau thế kỷ XV, nhưng sự tồn tại của loại hình gốm sứ Quan này kéo dài đến hết thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII dưới triều Mạc, trên chất liệu gốm.
Chức năng của loại hình sứ này ở thế kỷ XV không chỉ dùng để phục vụ cho việc tế lễ, sinh hoạt thường ngày của triều đình mà còn đóng vai trò xuất khẩu. Các sản phẩm gốm sứ xuất khẩu này có chất lượng tương đương với chất lượng sản phẩm cung đình nhưng đôi khi họa tiết trang trí khác với thị trường nội địa.
Là sản phẩm nội địa, các lò cổ trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay đã từng là quê hương của loại hình sứ Quan này.
Phỏng theo mô hình nhà nước cũng như hệ thống quản lý các ngành nghề thủ công truyền thống theo kiểu Trung Quốc, các triều đại Việt Nam cũng duy trì truyền thống gốm Quan trong tầng lớp quý tộc, hoàng cung, tuy vậy, hệ thống lò Quan về cơ bản lại chỉ tồn tại từ thế kỷ XIV đến hết thế kỷ XVI. Từ nửa sau thế kỷ XVII trở đi, gốm Quan không còn sản xuất trong nước nữa mà bắt đầu được đặt hàng từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Hoa.
TS.Nguyễn Văn Đoàn
Bùi Kim Đĩnh