Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/09/2017 00:00 3425
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Sau khi con tàu chở đồ gốm bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) được khai quật, hơn 240.000 món đồ gốm Chu Đậu có niên đại khoảng thế kỷ XV được trục vớt, phân bổ cho một số bảo tàng ở Việt Nam và đưa ra nước ngoài bán đấu giá thì dòng gốm này trở nên quen thuộc với giới sưu tầm đồ gốm Việt Nam và quốc tế.

Sau khi con tàu chở đồ gốm bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) được khai quật, hơn 240.000 món đồ gốm Chu Đậu có niên đại khoảng thế kỷ XV được trục vớt, phân bổ cho một số bảo tàng ở Việt Nam và đưa ra nước ngoài bán đấu giá thì dòng gốm này trở nên quen thuộc với giới sưu tầm đồ gốm Việt Nam và quốc tế.

Nhiều bảo tàng lớn trên thế giới như: British Museum, Gallery of New South Wales, Seattle Art Museum, Phoenix Art Museum, Asian Art Museum of San Francisco, San Diego Museum of Art… đã mua đồ gốm Chu Đậu do nhà Butterfields bán đấu giá tại San Francisco và Los Angeles (Mỹ) vào tháng 10-2000. Cuộc khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm và sự kiện nhà Butterfields bán đấu giá sưu tập gốm Chu Đậu thu được từ con tàu đắm này ở Mỹ đã đưa gốm Chu Đậu “bước ra ánh sáng”, khiến cho giới nghiên cứu và sưu tập gốm sứ trên thế giới quan tâm đến dòng gốm này, đồng thời góp phần hồi sinh làng gốm Chu Đậu sau gần 400 năm “tắt lửa, đóng lò”.

Trong khi gốm Chu Đậu gần như vô danh trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở Việt Nam vào trước thời điểm tàu đắm Cù Lao Chàm được phát lộ, thì nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đã lưu giữ và trưng bày nhiều tuyệt tác gốm Chu Đậu. Trong cuốn sách Vietnamese Ceramics. A separate tradition do John Stevenson và John Guy chủ biên (Art Media Resources with Avery Press, 1997) có giới thiệu nhiều món đồ gốm Chu Đậu tuyệt hảo, từ sưu tập của những bảo tàng lớn trên thế giới như: Metropolitan Museum of Art (New York), Denver Museum of Art (Denver), Seatle Art Museum (Seatle), Museum of Fine Arts (Boston), Birmingham Art Museum (Alabama) và Asian Art Museum of San Francisco (San Francisco)ở Mỹ; Society of Ancient Southeast Asian Ceramics, Kyoto National Museum, Machida Municipal Museum ở Nhật Bản; British Museum of London ở Anh; Museum of East Asian (Bath) và Art Gallery of South Australia (Adelaide) ở Úc; Museum het Princesshof (Leewarden) ở Hà Lan…

Tuy nhiên, hiện vật gốm Chu Đậu nổi danh nhất thế giới là chiếc bình hoa lam vẽ hoa cúc dây và hồi văn đầu cánh hoa, có viết dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, trưng bày ở Bảo tàng Tokapi Saray tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Điều thú vị là không ai nghĩ chiếc bình này là gốm Chu Đậu của Việt Nam và Bảo tàng Tokapi Saray khi trưng bày chiếc bình này cũng ghi chú là “Đồ sứ Trung Quốc, thời Minh”.

1

Bình gốm Chu Đậu vẽ hoa cúc dây và hồi văn đầu cánh hoa, có viết dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, hiện vật của Bảo tàng Tokapi Saray, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuốn sách Chinese Porcelain Collections in the Near East Topkapiand Ardebil của học giả Nhật Bản T. Misugi (Hong Kong Univesity Press, 1981) cũng in hình chiếc bình này và ghi chú đây là đồ sứ Trung Hoa. Năm 1980, nhà KCH người Nhật Makato Anabuki chụp ảnh chiếc bình này gửi cho ông Tăng Bá Hoành (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương) để xác minh lai lịch chiếc bình này. Ông Tăng Bá Hoành đã nỗ lực rất lớn trong việc xác định niên đại, nguồn gốc của chiếc bình Tokapi Saray nói trên và đã tìm ra thân thế của người đã “ký tên” lên món đồ gốm này. Đó chính là bà Bùi Thị Hý, sinh năm 1420 mất năm 1499, quê ở Nam Sách, Hải Dương, vợ của ông Đặng Sỹ, chủ một lò gốm rất lớn ở Chu Đậu lúc bấy giờ. Bà chính là người đã viết chữ và vẽ hoa văn cho rất nhiều món đồ gốm Chu Đậu trong đó có chiếc bình ở Bảo tàng Tokapi Saray.

Cuối năm 1997, khi tôi đang đi tu nghiệp ở Nhật Bản, tôi có dịp ghé thăm Bảo tàng Machida (Machida Municipal Museum) ở ngoại ô thủ đô Tokyo. Tại đây, tôi được quản thủ Yajima, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về gốm Việt Nam thời Lê ở Đại học Tokyo đưa đi xem sưu tập gốm Việt Nam, trong đó có rất nhiều đĩa gốm ChuĐậu kích thước lớn đã từng tham gia vào cuộc triển lãm “Những chiếc đĩa lớn” tổ chức ở các thành phố Tokyo, Osaka và Masuda vào năm 1997.

2

Đĩa gốm Chu Đậu vẽ kỳ lân, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida, Nhật Bản.

3

Đĩa gốm Chu Đậu vẽ song điểu, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Nhật Bản.

4

Đĩa gốm Chu Đậu vẽ hoa và chim phượng, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Nhật Bản.

5

Đĩa gốm Chu Đậu vẽ hoa điểu, TK XV, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida, Nhật Bản.

6

Đĩa gốm hoa lam vẽ cá và rong, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng gốm sứ Kyushu, Nhật Bản.

Theo lời TS. Yajima, sưu tập gốm Việt Nam trong Bảo tàng Machida rất đồ sộ, phần lớn là quà tặng của nhà sưu tập Yamada Yoshio. Ông Yamada Yoshio đã dành trọn đời mình để sưu tập đồ gốm sứ các nước Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam để đưa về Nhật Bản. Trước khi qua đời, ông đã hiến trọn bộ sưu tập này cho Bảo tàng Machida. TS. Yajima cho biết thêm có khoảng 20 bảo tàng ở Nhật Bản có đồ gốm Chu Đậu và đồ gốm Việt Nam nói chung, nhưng những món đồ quý nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Machida, Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu. TS. Yajima viết thư giới thiệu tôi với các quản thủ ở Bảo tàng Gốm sứ Kyushu và Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka. Rời Tokyo, tôi tiếp tục hành trình đến Kyushu và Fukuoka và được xem hầu hết những món đồ gốm Chu Đậu đang lưu trữ tại các bảo tàng này. Phần lớn những hiện vật ở đây đều tuyệt hảo và toàn bích, do các bảo tàng này mua được trong những cuộc bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu tập hảo tâm hiến tặng. Cần lưu ý là vào thời điểm này, con tàu đắm Cù Lao Chàm chưa được khai quật, đồ gốm Chu Đậu chưa được biết đến nhiều nhưng những bảo tàng này đã có được những sưu tập đồ gốm Chu Đậu đồ sộ, toàn bích và hoàn hảo từ dáng kiểu đến men màu. Quả là đáng khâm phục.

Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4472

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Pháp lam Huế ở Châu Âu

Pháp lam Huế ở Châu Âu

  • 28/08/2017 00:00
  • 7235

Pháp lam là danh xưng của loại hình cổ vật bằng đồng tráng men nhiều màu, mà người Trung Hoa vẫn gọi là pháp lang. Nghệ thuật làm đồ pháp lam xuất hiện ở Huế từ thời Minh Mạng (1820-1841). Sách Ðại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: "Minh Mạng năm thứ 8 (1827)... đặt Pháp lam tượng cục. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam.