Pháp lam là danh xưng của loại hình cổ vật bằng đồng tráng men nhiều màu, mà người Trung Hoa vẫn gọi là pháp lang. Nghệ thuật làm đồ pháp lam xuất hiện ở Huế từ thời Minh Mạng (1820-1841). Sách Ðại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: "Minh Mạng năm thứ 8 (1827)... đặt Pháp lam tượng cục. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam.
Pháp lam là danh xưng của loại hình cổ vật bằng đồng tráng men nhiều màu, mà người Trung Hoa vẫn gọi là pháp lang. Nghệ thuật làm đồ pháp lam xuất hiện ở Huế từ thời Minh Mạng (1820-1841). Sách Ðại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: "Minh Mạng năm thứ 8 (1827)... đặt Pháp lam tượng cục. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam.
Bèn sai đặt cục ấy, hạn cho 15 người, thiếu thì mộ mà sung vào". Ngoài xưởng chếtác pháp lam ở Huế, triều đình nhà Nguyễn còn mở xưởng pháp lam tại Ái Tử (Quảng Trị) và Ðồng Hới (Quảng Bình) để sản xuất pháp lam phục vụ cho nhu cầu kiến thiết, trang trí nội ngoại thất các cung điện ở Huế, cũng như dùng làm vật dụng cho nhu cầu sinh hoạt và tế tự trong cung.
Bình rượu bằng pháp lam Huế. Sưu tập của Philippe Truong.
Tuy nhiên, các nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật trên thế giới thì chỉ quan tâm đến pháp lam Trung Quốc và pháp lam Nhật Bản, do hai nước này là những cường quốc về kỹ nghệ chế tác đồ pháp lam. Vì các nhà nghiên cứu Âu Mỹ không có thông tin về nghề làm pháp lam ở Việt Nam vào thời Nguyễn, nên khi sưu tầm được những món pháp lam Huế, họ thường xếp chúng vào sưu tập pháp lam Trung Hoa.
Bộ đồ uống trà bằng pháp lam Huế, đời Minh Mạng. Sưu tập của Philippe Truong.
Trong chuyến nghiên cứu cổ vật Việt Nam ở châu Âu vào mùa thu năm 2004, tôi có viếng thăm kho của Bảo tàng Dân tộc học Berlin (Đức) và nhìn thấy 3 món pháp lam Huế để lẫn trong sưu tập pháp lam Quảng Đông (Trung Quốc). Khi tôi nói những món pháp lam này do Pháp lam tượng cục ở Huế chế tác vào giữa thế kỷ XIX, thì TS. Siegmar Nahser, phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Berlin, rất ngạc nhiên. Ông cho biết: “Những cổ vật này đến từ Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á của Đông Đức trước đây. Sau ngày nước Đức thống nhất, các bảo tàng ở Đông Berlin và Tây Berlin sát nhập với nhau, nên có nhiều hiện vật chưa được thống kê và kiểm định trở lại. Chúng tôi cứ nghĩ những cổ vật này là pháp lam Trung Hoa nên để chúng trong sưu tập Trung Hoa”. Bảo tàng Dân tộc học Muenchen (Đức) cũng lưu giữ khoảng chục món pháp lam Huế, trong đó có một chiếc bình dâng rượu cúng trang trí ngũ phúc triều thọ thật đẹp.
Bình dâng rượu. Pháp lam triều Minh Mạng. Sưu tập của Bảo tàng DTH Muenchen (Đức).
Còn trong kho của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (Pháp) thì có cả một sưu tập pháp lam chừng vài chục món, để lẫn với mấy món đồ đồng và đồ ngà cũ kỹ trong một góc kệ. TS. Françoise Coulon, quản thủ bảo tàng, cho biết: “Cách đây hơn 15 năm, bảo tàng chúng tôi nhận được một nhóm cổ vật do những người lính lê - dương quê ở vùng Bretagne, từng tham chiến ở Đông Dương, hiến tặng, trong đó có những món đồ này. Tôi không nghiên cứu về nghệ thuật châu Á nên không có nhiều thông tin về nhóm hiện vật này. Vì thế, đành tạm xếp chúng vào nhóm hiện vật chờ giám định”.
Chậu hoa bằng pháp lam Huế. Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes.
Đó là những quả hộp, chậu kiểng và các bộ đồ uống trà trong hoàng cung Huế trước đây, được chế tác dưới thời Minh Mạng (1820 - 1841) và Thiệu Trị (1841 - 1847). Trên những món pháp lam này còn dán những chiếc tem nhỏ ghi rõ xuất xứ từ Annam (tức xứ Trung Kỳ, theo cách phân chia thời Pháp thuộc. Hai xứ kia là Tonkin, tức Bắc Kỳ và Cochinchine, tức Nam Kỳ, cũng xuất hiện trên những chiếc tem dán lên một số hiện vật khác).
Hộp trầu bằng pháp lam Huế, đời Minh Mạng. Sưu tập của BT Mỹ thuật Rennes.
Các bộ đồ uống trà bằng pháp lam Huế. Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes.
Hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế đang sở hữu hơn 100 hiện vật pháp lam, nhưng không có bộ đồ uống trà nào, trong khi một bảo tàng xa lạ nơi đất khách quê người này lại sở đắc đến 3 bộ đồ trà bằng pháp lam Huế. Thật là một bất ngờ thú vị.
Một nhà sưu tập khác ở Paris là Philippe Truong cũng sở đắc nhiều món pháp lam Huế rất quý giá. Anh thường lang thang trong các chợ bán đồ cũ ở ngoại ô Paris, hay tham gia các phiên đấu giá cổ vật, và thỉnh thoảng đã mua được những món pháp lam Huế với giá rất hời. Anh cho hay: “Người châu Âu không hề biết rằng Việt Nam từng làm ra những món pháp lam tuyệt hảo. Vì thế, họ cứ nghĩ đó là đồ Tàu. Đôi lúc, tôi cũng mua được từ người Pháp những món pháp lam Huế với giá rất rẻ do họ không hiểu giá trị của chúng”.
Hai chiếc dĩa trà bằng pháp lam Huế. Sưu tập của Philippe Truong.
Hiện nay, pháp lam Huế đang trở thành đối tượng quan tâm của nhiều nhà sưu tầm cổ ngoạn. Xin giới thiệu một số món pháp lam Huế thuộc sưu tập của Bảo tàng Dân tộc học Berlin, Bảo tàng Dân tộc học Muenchen, Bảo tàng Mỹ thuật Rennes và của nhà nghiên cứu Philippe Truong ở Paris, một loại hình cổ vật đặc sắc của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài.
TS.Trần Đức Anh Sơn