Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/09/2013 09:37 13834
Điểm: 3.5/5 (2 đánh giá)
Tạm ước Việt- Pháp là một ký kết tạm thời, được ký ngày 14-9-1946, giữa đại diện Cộng hòa Pháp là Marius Moutet và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tạm ước này có thể coi là thành quả mà hai bên Pháp và Việt Nam đạt được tại Hội nghị Fontainebleau tuy hội nghị chính không mang lại thỏa thuận nào.

Từ ngày 19-4 đến ngày 11-5- 1946 tại Đà Lạt, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức một hội nghị trù bị, gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt và Pháp chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau (Paris) chính thức khai mạc vào tháng 7-1946. Ngày 31-5-1946, phái đoàn Chính phủ do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu khởi hành sang Pháp tham dự Hội nghị Fontaineblau. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên đường sang Pháp, tiếp xúc với chính giới Pháp và cộng đồng người Việt tại Pháp. Trước khi lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thư gửi đồng bào Nam Bộ”, khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên trong Chính phủ ra tiễn Người làm lễ chào cờ và duyệt đội danh dự tại sân bay Gia Lâm, hà Nội, ngày 31/5/1946.

Những ngày ở nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với Đảng Cộng sản, các tầng lớp nhân dân Pháp, đại biểu Việt kiều, các nhân sĩ, trí thức, một số người đứng đầu các đảng phái ở Pháp. Người ra sức tuyên truyền, làm sáng tỏ cuộc đấu tranh của nhân dân ta, tranh thủ sự đồng tình, nâng cao uy tín quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tỏ rõ thiện chí hòa bình trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền và thống nhất của dân tộc ta.

Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp Marius Moutet (người đeo kính) đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bonrget, Paris ngày 22/6/1946.

Hội nghị Fontainebleau sau đó diễn ra kéo dài hơn 2 tháng, từ ngày 6-7 tới ngày 10-9-1946 nhưng không đem lại kết quả cụ thể nào vì hai bên đã bế tắc ở hai điểm bất đồng then chốt, đó là:

- Việc thống nhất ba kỳ: Bắc, Trung, Nam

- Trao trả độc lập cho nước Việt Nam

Do thái độ ngoan cố và hiếu chiến của thực dân Pháp, cuộc đàm phán giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp tại Fontainebleau không đi đến kết quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ nguy cơ của một cuộc chiến tranh ác liệt có quy mô cả nước mà Người dự đoán từ trước, đã đến gần. Để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và để tỏ thiện chí của Chính phủ ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang ở Paris với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, đã tranh thủ dàn xếp, ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các ông Dương Bạch Mai (đội mũ phớt), Phạm Văn Đồng, Trần Ngọc Danh, Vũ Đình Huỳnh (đội mũ ca lô) tại khu rừng Boulogne trong thời gian ở Pháp, ngày 23/6/1946.

Bản Tạm ước gồm 11 khoản. Nội dung cơ bản của bản Tạm ước là sự thỏa thuận tạm thời giữa ta và Pháp về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận. Chính phủ Pháp phải thi hành các quyền tự do, dân chủ và phải ngừng bắn ở Nam Bộ; Chính phủ ta tạm thời nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hóa ở Việt Nam; quy định thời gian tiếp tục cuộc đàm phán Việt- Pháp vào tháng 1-1947.

Thủ tướng Pháp G. Bidanlt đang trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dinh Thủ tướng, số 14 phố Saint Dominique, ngày 2/7/1946.

Tạm ước 14 tháng 9 là một sách lược ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tạm ước đã tạo điều kiện để nhân dân ta có thêm thời gian hòa bình, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn tư liệu:

  1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Việt Nam những sự kiện 1945-1986. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội- 1990.
  3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 2000.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5030

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Cách đây 63 năm (16/9/1950 – 14/10/1950). Ta mở chiến dịch Biên giới thu đông (Chiến dịch Lê Hồng Phong II).

Cách đây 63 năm (16/9/1950 – 14/10/1950). Ta mở chiến dịch Biên giới thu đông (Chiến dịch Lê Hồng Phong II).

  • 12/09/2013 16:49
  • 11591

Với mục đích phá thế cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt Trung để tiếp nhận sự giúp đỡ của các nước phe XHCN, tiêu diệt một phần sinh lực quân đồn trú của Pháp, thử nghiệm các chiến thuật về quân sự cho bộ đội ta còn thiếu khi tham gia các trận đánh lớn… trung tuần tháng 9/1950, Đảng và Chính phủ ta quyết định mở Chiến dịch Biên giới để tạo những chuyển biến có lợi cho kháng chiến.