Đó là Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh,ông là một trong những học trò cuối cùng của Trường Mĩ thuật Đông Dương. Con người và sự nghiệp của ông là hình ảnh một kiến trúc sư tài năng, uyên bác nhưng giản dị, một người nghiên cứu khoa học với tâm hồn nghệ sĩ và tấm lòng đôn hậu. Ông đã mất, nhưng tên tuổi của ông sẽ được lịch sử và nhiều thế hệ người Việt Nam ghi nhớ, bởi ông chính là người đã thiết kế Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
KTS Ngô Huy Quỳnh sinh năm 1920 tại làng Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình Nho học. Năm 1938, với tài năng của mình, ông đã thi đỗ vào hai khoa Mĩ thuật và Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương. Ngay từ năm thứ ba ông đã thiết kế một số công trình, đa phần là nhà tư nhân và những biệt thự như: Ngôi nhà 84 phố Nguyễn Du, biệt thự ở phố Cao Đạt, Hà Nội, những ngôi nhà ở Nam Định, Đình Bảng-Bắc Ninh… Những công trình do ông thiết kế, đến ngày nay vẫn còn giá trị nghệ thuật.
Năm 1943, sau khi tốt nghiệp trở thành kiến trúc sư, ông chính thức tham gia Việt Minh và được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc. Cách mạng tháng Tám nổ ra, KTS Ngô Huy Quỳnh được Đảng cử tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Định.

Bản vẽ thiết kế Lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945 của KTS Ngô Huy Quỳnh.
Ngày 1/9/1945, KTS Ngô Huy Quỳnh được cấp trên giao trọng trách thiết kế và tham gia dựng một Lễ đài ở vườn hoa Ba Đình, có thể giản dị nhưng phải trang nghiêm. Sau những phút giây rất nhanh tính toán, KTS Ngô Huy Quỳnh đã trọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh (vì thời gian gấp) và bọc lụa xung quanh, trên vàng dưới đỏ để tạo dáng mĩ thuật, vừa nhanh vừa dễ làm. Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa vườn hoa Ba Đình. Công trình được thiết kế có màu vàng nhạt, vòng hai tay ôm lấy phía sau lễ đài màu đỏ.
Toàn cảnh Lễ đài, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.
Cùng với tài năng và sự nỗ lực, ông và các cộng sự hoàn thành công trình nổi tiếng này chỉ trong một ngày đêm (công trình hoàn thành trước rạng đông ngày 2/9). Màu đỏ, vàng của lễ đài với hai bình hương hai bên, cùng màu của cờ đỏ sao vàng trên cột cờ lễ đài, tất cả cùng nổi lên rực rỡ và sống động. Ngày 2/91945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng chính phủ lâm thời đã đứng trên Lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào và Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tháng 10 năm đó, KTS Ngô Huy Quỳnh vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Đông Dương khi mới chỉ 25 tuổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam DCCH ngày 2/9/1945.
Năm 1947, KTS Ngô Huy Quỳnh cùng Nguyễn Cao Luyện, Trần Hữu Tiềm, Hoàng Như Tiếp sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đến năm 1956, khi trường Đại học Bách khoa được thành lập, KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những người thành lập ra lớp kiến trúc đầu tiên của trường và ông cũng chính là chủ nhiệm đầu tiên của lớp học ấy. KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những kiến trúc sư tài năng, có nhiều đóng góp cho nền kiến trúc Việt Nam và sự phát triển của ngành xây dựng nước nhà. Được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương, sau này lại có khoảng thời gian đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ) nên kiến thức về kiến trúc phương Tây của ông rất uyên thâm. Nhưng đặc biệt, ông là một trong số ít các tác giả đi sâu nghiên cứu và viết rất nhiều sách về lịch sử kiến trúc Việt Nam. Ông cũng đã cho xuất bản nhiều tác phẩm về lí luận kiến trúc Việt Nam. Đặc biệt, năm 2001, bộ sách “Lịch sử kiến trúc Việt Nam” của ông được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật, đợt 1.
Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
KTS Ngô Huy Quỳnh qua đời năm 2003. Cuộc đời ông đã giành 60 năm cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng, cho nền kiến trúc Việt Nam. Chính những đóng góp lớn tích cực đó, KTS Ngô Huy Quỳnh đã vinh dự Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương hữu nghị của Nhà nước Lào…Tài năng, phẩm chất trong con người KTS Ngô Huy Quỳnh đã tạo nên một nhân cách, một tấm gương cho không chỉ các kiến trúc sư mà cho cả thế hệ trẻ ngày hôm nay noi theo.
Ngoài người thiết kế Lễ đài Độc lập, chúng ta còn được biết đến trong ngày lễ đặc biệt này, có nhiều người khác tham dự vào các công việc khác nhau, trong đó có một người được vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lâp- khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là bà Đàm Thị Loan, một nữ chiến sĩ trong số 34 đội viên đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng). Bà Đàm Thị Loan sinh năm 1926 tại Ăng Giàng, Bình Long, Hòa An, Cao Bằng, tham gia cách mạng từ năm 1940 và thoát li gia đình năm 1942. Cùng kéo cờ còn có một phụ nữ khác là bà Lê Thi, lúc ấy là một nữ sinh tham gia nhiều hoạt động khác, trong đó có cuộc cướp chính quyền ngày 19/8/1945 tại Hà Nội.
Bà Đàm Thị Loan trong hồi kí của mình đã viết: “14 giờ tôi được hướng dẫn đến dưới cột cờ. Cả biển người đồng thanh hô: “Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm!”. Tôi ngước lên nhìn thì thấy Bác dẫn đầu đoàn Chính phủ lâm thời và Tổng bộ Việt Minh đang tiến lên lễ đài. Tiếng nhạc trầm hùng của bài Tiến quân ca vang lên, hai bàn tay tôi run run nâng lá cờ đỏ sao vàng, còn người thiếu nữ Hà Nội cầm dây cờ kéo theo nhịp Tiến quân ca. Khi bài Tiến quân ca kết thúc thì lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trong sắc nắng mùa thu. Cũng từ giờ phút ấy, dân tộc ta từ nô lệ trở thành người chủ của đất nước. Với tôi kỉ niệm về ngày 2/9/1945 mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm”.
Hoàng Ngọc Chính (Tổng hợp)