Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/08/2013 13:35 5357
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Quán triệt chủ trương: "Chống phá bầu cử quốc hội bù nhìn khóa II của địch, đưa phong trào cách mạng tiến lên một bước cao hơn". Tháng 8 năm 1959, các dân tộc ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã nổi dậy đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm ở cơ sở, giành quyền làm chủ.

Trà Bồng là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có 4 dân tộc sinh sống: Kinh, Cà Dong, HRê, Kor. Tại đây, từ tháng 7 năm 1958, Đại hội đại biểu các dân tộc đã tiến hành nhằm quyết định chủ trương, biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ phong trào trong toàn huyện. Quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ và chống địch càn quét. Cũng trong thời kỳ này Mỹ - Diệm đã có những phản ứng quyết liệt. Ngô Đình Cẩn lớn tiếng đòi “tiêu diệt cộng sản”. Chúng lấy Quảng Ngãi là một trọng điểm. Mỹ - Diệm còn đem áp dụng luật 91 (còn gọi là luật 10-59), kéo lê máy chém đi khắp nơi để chặt đầu những người yêu nước và kháng chiến cũ.

Ngày 13 tháng 3 năm 1959 tại xã Trà Thọ, huyện Trà Bồng vào lúc nửa đêm, đơn vị vũ trang 339 được thành lập. Họ thề “chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để đánh đổ Mỹ - Diệm, giành chính quyền về tay nhân dân”.

Tháng 6 năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương đến với nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Nghị quyết 15 giúp lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhận thức sâu sắc về mối quan hệ, tác động giữa phong trào ở địa phương với toàn quốc và giữa Việt Nam với quốc tế. Ban lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã tập hợp mọi lực lượng, tổng kết kinh nghiệm, dùng mọi biện pháp có hiệu lực, trong đó chú trọng biện pháp vũ trang để phá tan âm mưu của địch, đưa phong trào lên một bước cao hơn, nhất là các huyện ở miền Tây của Quảng Ngãi.

Về phía địch, Mỹ - Diệm đang ráo riết tuyên truyền, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội bù nhìn, mưu đồ của chúng là “cuộc bầu cử thắng lợi sẽ đánh bật ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản”. Địch huy động lực lượng quân sự càn quét khắp miền Nam để hỗ trợ cho các đoàn “chiến tranh chính trị” đi tuyên truyền, mua chuộc nhân dân. Riêng ở Quảng Ngãi, địch dùng sư đoàn 22 càn quét đánh phá ác liệt, hòng bắt nhân dân khuất phục bỏ phiếu. Chúng trắng trợn tuyên bố: “ ai không đi bầu cử sẽ bị đốt nhà, bị giết chết”. Trước những thách thức đó, nhân dân càng sôi sục chuẩn bị nổi dậy.

Ngày 13 tháng 8 năm 1959, 400 đồng bào, thuộc 2 xã Trà Giang, Trà Thủy (ở ngay của ngõ vùng cao) biểu tình tuần hành kéo xuống quận lỵ, phản đối trò bầu cử “Quốc hội” của Mỹ - Diệm.

Trước tình hình đó, Thường vụ cơ quan lãnh đạo tỉnh ủy Quãng Ngãi đưa ra khẩu hiệu “ chống bầu cử” thay cho khẩu hiệu “ chống dồn dân” trước đây và chủ trương cho miền Tây tẩy chay cuộc bầu cử của địch. Riêng vùng cao Sơn Hà( Trà Bồng) kiên quyết đấu tranh không cho địch tổ chức bầu cử, nếu bị đàn áp thì phát động quần chúng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 25 tháng 8 năm 1959, Ban cán sự miền Tây chỉ thị cho phép lãnh đạo nhân dân chuẩn bị nổi dậy đánh trả lại địch, sử dụng đơn vị 339 đưa về các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân và các lực lượng bán vũ trang đánh địch. Trong ngày Thường vụ tỉnh ủy họp bất thường và chủ trương “tìm mọi cách tổ chức cho nhân dân tránh né không đi bầu cử và tránh xô sát với địch, lợi dụng sơ hở, khó khăn của địch để chuẩn bị đầy đủ hơn cho cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng lớn". Ngày 26 tháng 8 năm 1959, địch đến xóm rừng, xã Trà Lãnh truy bức dân chúng, đồng bào các thôn bí mật cắm chông vây xung quanh nơi trú quân của địch, rồi phóng lửa đốt, địch hoảng hốt bỏ chạy đến Trà Phong thì bị thanh niên đánh, địch chạy về Eo Chim.

Ngày 28 tháng 8 năm 1959, từ sáng sớm theo kế hoạch, khắp vùng cao Trà Bồng đã vùng lên. Nhân dân và lực lượng thanh niên vũ trang các xã Trà Phong, Trà Lãnh, Trà Quân, Trà Sơn, Trà Nham, Trà Khê khi nghe tiếng báo hiệu đều nhất loạt nổi dậy, vây diệt bọn cảnh sát ác ôn, uy hiếp tinh thần binh lính địch, vùng cao Trà Bồng bừng bừng khí thế quật khởi.

Đồng bào các dân tộc tham gia nổi dậy ở Trà Bồng, Quảng Ngãi, 8/1959.

Lính địch hốt hoảng lẩn trốn vào các thôn, nóc, liền bị bao vây, gọi hàng, bắt sống. Những tên ngoan cố phá vây, chạy thục mạng về đồn Eo Chim, quân địch ở hai đồn Đá Líp và Tà Dạt khiếp sợ, bỏ cả đồn và hòm phiếu chạy về quận lỵ. Chiều ngày 28 nhân dân và lực lượng vũ trang tiến công cơ quan ngụy quyền xã, tiêu trừ đến tận gốc quyền lực độc tài của Mỹ - Diệm ở cơ sở. Bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở bị đập tan, các hòm phiếu bị phá bỏ. Địch chỉ còn đóng ba vị trí là Eo Chim, Eo Reo và quận lỵ của huyện Trà Bồng. Ngày 29 tháng 8 năm 1959, sau khi nhận được chỉ thị của ban cán sự miền Tây cho tiếp tục khởi nghĩa. Nhân dân, các lực lượng vũ trang có đơn vị 339 làm nòng cốt bí mật bao vây đồn Eo Reo và Eo Chim trong đêm, đến gần sáng thì nổ súng, đốt đuốc, thổi tù và đánh chiêng, mõ uy hiếp tinh thần địch, đồng thời kêu gọi địch đầu hàng rồi tràn vào chiếm đồn. Ngày 31 tháng 8 năm 1959, đơn vị 339 và các nhóm vũ trang bao vây đốt lửa quanh đồn và đánh chiêng trống uy hiếp và đã giải phóng được Eo Chim, Eo Reo.

Di tích đồn Eo Chim, xã Trà Lãnh, Trà Bồng, Quảng Ngãi.

Vùng xung quanh quận lỵ, đồng bào Kinh nổi dậy xóa bỏ các hình thức kìm kẹp của địch. Quận trưởng, quận phó Trà Bồng trốn chạy về tỉnh. Từ vùng cao Trà Bồng, cuộc khởi nghĩa đã lan nhanh đến các vùng khác. Từ đấy Trà Bồng trở thành căn cứ địa vững chắc của Khu ủy 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Bất chấp sự càn quét khủng bố của địch, người dân Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn kiên cường, một lòng một dạ theo Đảng, Bác Hồ. Sau khi Bác mất người Kor tự nguyện mang họ Hồ của Bác.

Sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, nhân dân các dân tộc ở Kon Tum, Đắc Lắc nổi dậy ác liệt, giành quyền làm chủ. Khởi nghĩa này đã mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Mãi là niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi và của cả nước.

Lê Thị Huệ (tổng hợp)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5807

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Hiệp ước Harman (25-8-1883), bản Hiệp ước chính thức đánh dấu thời Pháp thuộc ở Việt Nam

Hiệp ước Harman (25-8-1883), bản Hiệp ước chính thức đánh dấu thời Pháp thuộc ở Việt Nam

  • 25/08/2013 10:52
  • 21781

Đầu thập niên 1880, quân Pháp chủ trương xâm lăng và tìm cách gây hấn tại Bắc Kỳ. Năm 1882, thủ phủ Hà Nội thất thủ, Pháp chiếm được toàn bộ miền trung châu Bắc Kỳ. Trong khi đó, sau khi triều đình Huế gửi cầu viện, dưới danh nghĩa giúp nhà Nguyễn, quân Thanh đã vượt biên giới vào Bắc Kỳ mở đầu cuộc chiến Pháp- Thanh.