Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/09/2013 16:49 11589
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Với mục đích phá thế cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt Trung để tiếp nhận sự giúp đỡ của các nước phe XHCN, tiêu diệt một phần sinh lực quân đồn trú của Pháp, thử nghiệm các chiến thuật về quân sự cho bộ đội ta còn thiếu khi tham gia các trận đánh lớn… trung tuần tháng 9/1950, Đảng và Chính phủ ta quyết định mở Chiến dịch Biên giới để tạo những chuyển biến có lợi cho kháng chiến.

Đảng ủy mặt trận Biên giới và Bộ chỉ huy chiến dịch gồm có: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh, Bí thư Đảng ủy mặt trận, chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái – Tổng tham mưu trưởng, Đảng ủy viên mặt trận, Tham mưu trưởng chiến dịch. Cùng các đơn vị tham gia tác chiến là: Đại đoàn 308 (trung đoàn bộ binh 36, 88, 102 và tiểu đoàn 11); 2 trung đoàn chủ lực (là trung đoàn 209, 174); 3 tiểu đoàn độc lập (là 426, 428 của Liên khu Việt Bắc, 888 của tỉnh Lạng Sơn); 4 đại đội sơn pháo, phối hợp cùng với lực lượng vũ trang của Liên khu Việt Bắc và 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Bộ chỉ huy quyết định đánh xuống Đông Khê nơi lực lượng địch yếu hơn để đảm bảo đánh chắc thắng. Phương châm của chiến dịch là “đánh điểm, diệt viện”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở chiến dịch Biên giới năm 1950 (từ trái qua: đồng chí Trường Chinh, Hồ Chủ tịch, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp).

Về phía lực lượng của địch ở Liên khu biên giới Đông Bắc gồm có: 1 tiểu đoàn và 9 đại đội lính Việt, 10 tiểu đoàn lính Âu – Phi, với 27 khẩu pháo các loại, 8 chiếc máy bay (2 chiếc bay trinh sát, 6 chiếc bay chiến đấu), 4 đại đội công binh, các tiểu đoàn Lê Dương là các đội quân tinh nhuệ, có khả năng phòng ngự tốt, các tiểu đoàn lính Ma Rốc có khả năng đánh rừng núi, lực lượng lính bản xứ xông xáo thông thạo hiện trường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận chiến dịch Biên giới năm 1950.

Ngày 2 tháng 9 năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội nêu rõ: “ Chiến dịch Cao – Bắc – Lạng rất quan trọng, chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Tiếp đó Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Người đến sở chỉ huy chiến dịch nghe báo cáo và kiểm tra công tác chuẩn bị, trực tiếp theo dõi, động viên cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị bước vào chiến đấu.

Pháo binh của ta nổ súng vào cứ điểm Đông Khê trong chiến dịch Biên giới.

Ngày 16 tháng 9 năm 1950, Trung đoàn 174 và 209 của quân đội ta do thiếu tướng Hoàng Văn Thái chỉ huy chủ động đánh chiếm cứ điểm Đông Khê, uy hiếp cứ điểm Thất Khê và phá thế trận phòng thủ của quân Pháp trên đường số 4. Đến ngày 18 tháng 9 năm 1950 cứ điểm Đông Khê hoàn toàn bị thất thủ. Thắng lợi trận then chốt mở màn chiến dịch đánh vào cứ điểm Đông Khê đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chiến dịch. Mất Đông Khê, Cao Bằng bị cô lập.

Các chiến sĩ trinh sát của ta len lỏi sát đồn bốt địch để nắm tình hình trong chiến dịch Biên giới.

Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng, nhanh chóng điều động quân viện trợ ở Bắc Bộ thực hiện cuộc “hành quân kép”. Một binh đoàn do trung tá Lơ Pagiơ (Maurice Le Page) chỉ huy, hành quân từ Lạng Sơn qua Thất Khê nhằm mở lại đường số 4 và thu hút lực lượng của ta. Một binh đoàn khác do trung tá Sactông (Pierre Charton) chỉ huy rút từ Cao Bằng xuống gặp Le Pagiơ ở Đông Khê, hòng chiếm lại Đông Khê. Ngày 30 tháng 9 năm 1950 quân địch đã đến Đông Khê.

Lúc đó quân đội ta đã bố trí các thế trận chờ sẵn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên tục đi củng cố các vị trí phục kích. Lực lượng chủ lực là Đại đoàn 308, Trung đoàn 209 và trung đoàn pháo binh tập trung trong vùng núi biên giới Trung Quốc và đường số 4.

Một cánh quân của bộ đội ta tiến vào chiếm cứ điểm Đông Khê trong chiến dịch Biên giới ,1950

Từ ngày 2 – 8 tháng 10 năm 1950, Đại đoàn 308, Trung đoàn 209 vận động tiến công tiêu diệt binh đoàn Lơ Pagiơ từ Thất Khê lên và binh đoàn Sactông từ Cao Bằng rút về tại khu vực Cốc Xá và khu đồi 477 ở phía tây Đông Khê, bằng chiến thuật vận động, quân đội ta đã đánh tan và bắt sống toàn bộ chỉ huy của hai binh đoàn địch.

Từ ngày 10 tháng 10 năm 1950, các đơn vị của quân đội ta đánh quân địch tăng viện và truy kích địch rút chạy. Ngày 14 tháng 10, chiến dịch kết thúc.

Với chiến dịch Biên giới, sau gần một tháng chiến đấu quân đội ta đã tiêu diệt và bắt sống 8 tiểu đoàn địch (với hơn 8000 quân), thu hơn 3000 tấn vũ khí, các phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân và nhiều vùng quan trọng ở khu biên giới Việt – Trung, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa.

Thị xã Cao Bằng được giải phóng ngày 3/10/1950

Chiến thắng Biên giới đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến, làm thay đổi cục diện chiến tranh, đưa kháng chiến vào giai đoạn mới, giai đoạn quân đội ta nắm quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, chủ động tiến công và phản công của quân đội ta, địch ngày càng rơi vào con đường không lối thoát.

Huệ-Chính (tổng hợp)

Nguồn:

- Đại cương Lịch sử Việt Nam tập III,tác giả Lê Mậu Hãn, NXB Giáo dục.

- Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc 1954-1975 (Biên niên sự kiện), NXB Quân đội Nhân dân.

- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục.


Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5030

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Tháng 9/1861. Trương Định (Trương Công Định) khởi nghĩa chống Pháp ở Gia Định.

Tháng 9/1861. Trương Định (Trương Công Định) khởi nghĩa chống Pháp ở Gia Định.

  • 11/09/2013 13:44
  • 59155

Những năm 1859 – 1864, ở Nam kỳ đã nổi lên các trung tâm kháng chiến: Trương Định ở Gò Công; Trần Xuân Hòa ở Mỹ Tho; Nguyễn Trung Trực ở Tân An; Vũ Duy Dương (Thiên hộ Dương) ở Đồng Tháp Mười; Quản Là ở Tây Ninh…Trong những cuộc khởi nghĩa này, cuộc khởi nghĩa của Trương Định là lớn nhất lúc đó.