Chủ Nhật, 29/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/08/2021 19:29 2609
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Những đồng bạc hoa xòe không chỉ là tiền, nó còn thể hiện sự giàu sang quyền quý.

 

 Ngân hàng Đông Dương ở Sài Gòn TƯ LIỆU TỪ CUỐN LỊCH SỬ ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM
Ngân hàng Đông Dương và đồng tiền bà đầm xòe
Năm 1875, Tổng thống Pháp Patrice Macmahon ban hành sắc lệnh thành lập Ngân hàng Đông Dương. Ngân hàng này có địa bàn hoạt động rộng lớn. Theo Jean Pierr Aumiphin (tư liệu lưu trữ tại Pháp), Ngân hàng Đông Dương ngay từ đầu đã được trao đặc quyền như các ngân hàng thuộc địa lâu đời. Tuy nhiên, nó có một đặc quyền đặc biệt lớn là độc quyền phát hành tiền Đông Dương, được dùng trong toàn cõi Đông Dương.
Theo cuốn Lịch sử đồng tiền Việt Nam, tuy được thành lập năm 1875 nhưng phải tới 1879, thực dân Pháp mới cho phát hành đồng tiền đầu tiên bằng kim loại. Đó là một đồng tiền bằng đồng với mệnh giá nhỏ. Tiền kim loại bạc được đúc trong nhiều đợt khác nhau. Đồng tiền bạc cũng thường bị thu hồi, tăng giảm hàm lượng bạc để giá trị đồng tiền ngang bằng giá trị bạc.
Cũng theo cuốn Lịch sử đồng tiền Việt Nam, đồng bạc có mệnh giá 1 piastre được người dân quen gọi là đồng bạc Đông Dương (Piastre de Commerce) hay đồng bà đầm xòe. Điều này được cho rằng có liên quan đến việc trên tiền kim loại Đông Dương, mặt trước thường đúc nổi hình tượng Marianne, hình người phụ nữ đầu đội vương miện tỏa sáng, tay phải cầm cây thiền trượng. Đây là biểu tượng của nền cộng hòa Pháp.
Một khảo cứu trên tạp chí Xưa và nay số 274 (năm 2006) cho thấy có nhiều ý kiến khác nhau về việc đồng bà đầm xòe có tên khác là đồng bạc hoa xòe hay không. Khảo cứu này trích dẫn học giả An Chi, theo đó ông An Chi cho rằng đồng bạc hoa xòe là đồng bạc Đông Dương. Tuy nhiên, khảo cứu này lại cho rằng đồng bạc Mexicana được lưu hành ở Việt Nam cho tới năm 1905 mới là đồng bạc hoa xòe. Lý do: đồng bạc Mexicana mệnh giá 8 reed có hình đốm lửa xòe như đóa hoa nở, nhân của đốm lửa là một quả cân. Chính vì thế, đồng tiền Mexicana này có tên đồng bạc hoa xòe hoặc đồng bạc cái cân. Nó còn một tên nữa là đồng bạc con cò vì trên đó có hình con ó, nhưng người dân gọi là con cò.
Mặc dù vậy, một số nhà nghiên cứu vẫn gọi đồng bạc Đông Dương bằng cái tên dân gian là đồng bạc hoa xòe. Mặt trước của đồng tiền này có hình Marianne. Mặt sau, ngoài hàng chữ Piastre de Commerce còn có ký hiệu cho biết đúc tại đâu, thời gian nào và trọng lượng bao nhiêu gam.
 

Đồng bạc Đông Dương giả ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TH.S LÊ CẢNH LAM 

“Bóc phốt” bạc hoa xòe giả

Th.S Lê Cảnh Lam, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cũng là người gọi đồng bạc Đông Dương là đồng bạc hoa xòe. Theo ông, đồng tiền này là một từ quen thuộc bởi nó đã thoát khỏi chức năng ban đầu là tiền tệ. Nó là món đồ cho những người sưu tập tiền cổ, được ứng dụng vào bài thuốc dân gian dùng để đánh cảm. Đồng bạc này cũng đã trở thành vật thách cưới của một số dân tộc vùng cao. “Loại tiền này có mặt ở các cửa hàng bán đồ cổ và đồ lưu niệm ở khu vực Việt Nam, nam Trung Quốc, Lào, Campuchia”, Th.S Lê Cảnh Lam cho biết.
Ông Lam nêu lên cảnh báo về việc làm giả đồng bạc Đông Dương này cũng như cách nhận dạng tiền giả. Chẳng hạn, có thể nhận biết chúng từ đặc điểm của kỹ thuật sản xuất. Theo đó, đồng bạc thật được sản xuất bằng phương pháp dập, trong khi tiền giả được đúc. Vì thế, khi quan sát dưới kính lúp sẽ thấy tiền thật có các nét chữ có thành vuông góc với mặt tiền chứ không cong tròn thoai thoải như tiền giả.
Ông Lam cũng đưa ra cách nhận biết thật giả từ nhận diện chất liệu hợp kim bạc. Ông cho biết đồng bạc thường ghi hàm lượng bạc trên mặt tiền, con số thường ghi là 900 chỉ hàm lượng bạc 90%. “Nếu có điều kiện phân tích thành phần thì rất tốt, nếu không thì có thể thả rơi đồng tiền xuống nền gạch ceramic, nếu là hợp kim bạc thì sẽ phát ra tiếng kêu cạch cạch, còn nếu loại đồng mạ bạc thì sẽ có tiếng kêu keng keng”, ông Lam cho biết. Cũng có thể đo cân nặng để xác định thật giả. Loại tiền có ghi 27 gr thì khi cân thực tế sẽ là 26,9 - 27,1 gr trong khi loại tiền giả thường có khối lượng 25 - 26 gr.
Cũng theo Th.S Lê Cảnh Lam, có trường hợp tiền được làm giả từ tiền thật bằng cách thay đổi năm. Đó là khi tuy cùng là tiền bạc thật nhưng những đồng đúc ở năm tiền đúc ít (tiền hiếm gặp) lại có giá trị trao đổi cao hơn cả chục lần năm đúc nhiều. Vì thế, một số đồng tiền thật bị sửa năm sản xuất bằng kỹ thuật kim hoàn. Tuy nhiên, theo ông Lam, nếu chỉ sửa năm thì một số thông tin khác về trọng lượng tiền lại không đúng. Chẳng hạn, đồng tiền đúc năm 1890 rất hiếm, và do đó người ta thường sửa số 6 ở đồng sản xuất năm 1896 thành số 0 để được giá hơn. Tuy nhiên, trọng lượng được ghi 27 gr thường không đúng với tiền năm 1890.
TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cho biết có thời gian người ta thường tìm kiếm những đồng bạc Đông Dương này ở vùng núi phía bắc, đặc biệt nơi có người Thái sinh sống. Ở đó, đồng bạc này không chỉ là tiền mà còn thể hiện sự giàu sang quyền quý. Người ta bán nó đắt và đổi trâu, bò. Tuy nhiên, hiện nay tiền này trở nên khó tìm. “Các nhà sưu tập có thể giữ được bạc hoa xòe. Giá của nó đắt, lớn hơn nhiều giá trị lượng bạc cân lên. Nó là giá trị phi vật thể, tâm linh, đẳng cấp xã hội, nhiều thứ…”, ông Quân nói.
https://thanhnien.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6733

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Những chuyện kỳ thú đồng tiền Việt Nam: Tiền giấy 'không yêu dân' của Hồ Quý Ly

Những chuyện kỳ thú đồng tiền Việt Nam: Tiền giấy 'không yêu dân' của Hồ Quý Ly

  • 03/08/2021 15:35
  • 2412

Tiền giấy Thông Bảo Hội Sao là một chính sách kinh tế lớn của Hồ Quý Ly. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự áp chế của ông khi thực hiện chính sách này.