Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người viết từ tháng 5 năm 1965, hàng năm Người viết bổ sung, đến ngày 10 tháng 5 năm 1969, di chúc được hoàn chỉnh. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách và khát vọng của Người về một đất nước Việt Nam tự do, hòa bình và thịnh vượng. Điều mà Người mong mỏi cuối cùng trước lúc “đi xa” là miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.
Đây là khát vọng cháy bỏng của Người, cũng là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Khát vọng đó chỉ 6 năm sau khi Người qua đời đã trở thành hiện thực. Nhưng để có nó, Người cùng toàn thể dân tộc Việt Nam đã phải trải qua một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh để tìm ra con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc mà chặng cuối cùng là đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thật vậy, từ cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là tâm nguyện cháy bỏng của những người yêu nước. Nhiều văn thân, sĩ phu và các nhà cách mạng tiền bối đã tổ chức các phong trào đấu tranh, các hội ái quốc để tìm đường cứu nước, song đều bị thất bại.
Nguyễn Ái Quốc với nhãn quan chính trị nhạy bén đã sớm nhận ra những hạn chế trong đường lối đấu tranh giành độc lập của thế hệ đi trước. Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911, khi Người mới 20 tuổi. Khác với các bậc tiền bối, Người một mình sang phương Tây - nơi sớm nổ ra các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nơi các trào lưu tư tưởng tự do, dân chủ đang phát triển mạnh mẽ “xem họ làm thế nào để trở về giúp đồng bào mình”.
Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà rồng, Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911 (chụp lại tranh của hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc).
Sau gần mười năm bôn ba, vừa lao động kiếm sống, vừa tìm hiểu thực tiễn nhiều nước tư bản và thuộc địa cũng như cách mạng tư sản ở các nước, Người rút ra kết luận: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi, nó đã phá tan gông xiềng của chế dộ phong kiến để giải phóng sức lao động của con người, xây dựng chế độ xã hội mới tiến bộ hơn, nhưng cách mạng rồi dân chúng vẫn khổ cực, vẫn bị áp bức bóc lột, vẫn muốn làm cách mạng.
Được tiếp xúc với Luận cương Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, qua thực tiễn cuộc cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Người thổ lộ: “Luận cương Lê nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước đông đảo quần chúng: Hỡi đồng bào bị đọa đày dau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Để giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, trước hết cần có đảng cách mạng. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin “làm cốt”, phải gắn bó máu thịt với nhân dân, phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, thành phố Tua,
tháng 12-1920.
Từ kinh nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, Người khẳng định: Cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga. Ngưới nói: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật…Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công phải lấy dân chúng làm gốc, phải có Đảng vững bền”.
Bảo vật quốc gia: Sách "Đường Kách Mệnh" của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1927.
Vận dụng vào cách mạng Việt Nam, từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp những người Việt nam yêu nước ở Quảng Châu để huấn luyện về phương pháp hoạt động cách mạng. Những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện này được tập hợp thành cuốn “ Đường cách mệnh”. Nội dung tài liệu “Đường cách mệnh” đặt cơ sở cho sự hình thành đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam theo đường lối cách mạng vô sản.
Báo “Thanh niên”, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc), số ra ngày 3-10-1926.
Tháng 6 năm 1925, trên cơ sở số cán bộ được huấn luỵên, Người lập ra Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, ra báo Thanh niên – Tờ báo cách mạng đầu tiên làm nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu về chủ nghĩa Lê nin và cách mạng Tháng Mười Nga, giải thích đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1929, Người triệu tập Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản, đầu, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chính cương, sách lược vắn tắt và các văn kiện của Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng của Người về con đường giải phóng dân tộc.
Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam,
tháng 2-1930.
Sau ba mươi năm ra đi tìm đường cứu nước, tháng 1 năm 1941, Người trở về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5.1941). Tại Hội nghị, Người nhận định: Cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền mà là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Tháng 6 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước. Người viết: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn việt gian, đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp chiếm Đông Dương. Ngày 9 tháng 8 năm 1945, phe đồng minh gửi công hàm yêu cầu Nhật Bản đầu hàng không điều kiện. Chớp thời cơ này, Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Người viết: “Hỡi đồng bào yêu quí. Giờ quyết định vận mệnh dân tộc ta dã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên, tiến lên, dưới lá cờ Việt minh , đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi trong cả nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đây là thành quả đầu tiên trên con đường vạn dặm tìm đường cứu nước của Người.
Thiếu tướng. TS Nguyễn Xuân Năng