Trưng bày chuyên đề Ngày Độc lập 2/9 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu đến công chúng một hiện vật đặc biệt, đó là họa bản của báo Việt Nam độc lập số 102, xuất bản tháng 7/1946, số đăng ký hiện vật 6625/Gy4484, họa bản này được in bằng ba màu màu đen, đỏ, xanh, trên khổ giấy kích thước 29 cm x 39 cm. Ở góc trái phía trên in cờ Mỹ. Góc phải phía trên in cờ Việt Nam. Bên dưới tên báo có hai câu thơ lục bát: “Quân đội Mỹ là bạn ta/Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Hiện vật là minh chứng cho sự hợp tác giữa người Mỹ với Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cùng ngược dòng lịch sử 75 năm về trước để tìm hiểu về nguyên nhân, diễn biến, kết quả của sự hợp tác trên.
Họa bản báo Việt Nam độc lập trongTrưng bày chuyên đề “Ngày Độc lập 2/9”
Bối cảnh lịch sử
Những vụ nổ làm rung chuyển Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941 đã dễn đến những thay đổi to lớn trên toàn thế giới. Cuộc tấn công của Nhật Bản đã kéo nước Mỹ vào vòng chiến bên cạnh Anh, Liên Xô, và Trung Quốc trong nỗ lực đánh bại Đức, Italia và Nhật Bản. Khi Mỹ trở thành nước tham chiến chính thức, thì quan điểm của Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt về Pháp và Đông Dương thuộc Pháp cũng dần thay đổi, ông nhận ra Đông Dương “là bàn đạp cho cuộc tấn công của Nhật vào Philippines, Malaysia và Đông Ấn thuộc Hà Lan” (Dixee R. Bartholomew-Feis 2007:75) và tương lai của Đông Dương “không nên trở lại với người Pháp mà nên được quản lý bởi một cơ quan ủy trị quốc tế” (Dixee R. Bartholomew-Feis 2007:75). Trong nỗ lực đánh bại Nhật thì Mỹ “cần phải có sự hiện diện của tình báo quân đội Mỹ tại Việt Nam lúc đó đang bị Nhật Bản chiếm đóng, một khu vực nằm ngoài những quan tâm của Mỹ thời kỳ trước chiến tranh nhưng lại đặc biệt quan trọng bởi nằm kề với Trung Quốc và đảo quốc Nhật Bản” (Dixee R. Bartholomew-Feis 2007:12), nhiệm vụ đó được giao cho Cơ quan Tình báo Chiến lược gọi tắt là OSS.
Những thay đổi của tình hình thế giới đã tác động đến đường lối cách mạng Việt Nam. Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm bôn ba tìm kiếm con đường đấu tranh cho dân tộc đã trở về nước, Người thành lập mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp lực lượng tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cùng với chương trình hoạt động trong nước, Việt Minh còn tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài, dựa trên sự biến chuyển của tình hình chiến tranh thế giới.
Một góc trong Trưng bày chuyên đề “Ngày Độc lập 2/9”
Các quan điểm của Tổng thống Roosevelt về Đông Dương đã vạch ra một con đường cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngày 21/12/1941, Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã ra trách nhiệm cần kíp của Đảng trước thời cuộc “phải đứng về phe Anh - Mỹ - Nga - Tàu” (Văn kiện Đảng toàn tập 2000: 245).
Nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Đồng Minh để chống Nhật, ngày 13/8/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tên mới Hồ Chí Minh đại diện cho Việt Minh bí mật sang Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của giới lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng chính quyền Quốc Dân Đảng tỉnh Quảng Tây, do nghi ngờ đã bắt giam Người trong hơn một năm. Sự kiện Hồ Chí Minh bị bắt giữ ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của người Mỹ ở đây, “trong bức điện của Đại sứ Gauss ghi ngày 31/12/1945… đã nhắc tới một bản thông báo trước đó nói về việc người Trung Hoa bắt giữ một lãnh tụ Việt Nam “một người An Nam tên là Ho-Chih-chi” (Archimedes L.A.Patti 2008: 108). Một năm sau, Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh đã nhận được một bức thư yêu cầu ủng hộ việc trả tự do cho Hồ Chí Minh của Ủy ban Trung ương Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược ở Đông Dương.
Vì những lí do khác nhau, cả hai nước Pháp và Trung Quốc đều tỏ ra dè chừng với Mỹ và cả hai đều từ chối không chịu trình bày ý đồ kế hoạch cộng tác của mình với Mỹ về các chủ trương chính sách đối với Đông Dương. Trong khi “Pháp thì muốn ve vãn tình cảm và sự ủng hộ của người Anh, cùng là nước thực dân như nhau để loại trừ người Mỹ. Còn Trung Quốc lại lo giành thế mạnh trên bàn đàm phán hòa bình sau này về các vấn đề đặc quyền Ngoại giao và nhượng thuộc địa của Pháp ở Trung Quốc, nên Trung Quốc đã mưu tính với những người quốc gia Việt Nam nhằm thừa cơ hất cẳng Pháp ra khỏi thuộc địa cũ của Pháp” (Archimedes L.A.Patti, 2008:113). Thực tế đó đã gây khó khăn cho hoạt động bí mật của Mỹ ở Đông Nam Á, điều đó thôi thúc đại diện OSS đồng ý “xúc tiến một cố gắng chính thức nhằm kéo Hồ Chí Minh ra khỏi nhà tù và điều đình để ông cộng tác với OSS” (Archimedes L.A.Patti, 2008:113).
Sự hợp tác ngắn ngủi
Ngày 2 tháng 11 năm 1944, một phi công người Mỹ thuộc Phi đội 51 tên là Shaw buộc phải đáp xuống vùng ven Cao Bằng. Anh đã được một đơn vị Việt Minh cứu, họ đưa anh đến gặp Hồ Chí Minh. Người gặp Shaw, nói chuyện chân tình “quà tặng Shaw là một tấn lụa trắng thêu dòng chữ tiếng Anh “Chúc mừng khách đến”, một tấm vải đỏ có chữ ký của nhiều hội viên Mặt trận Việt Minh ủng hộ Đồng Minh chống Phát xít và một bản tiếng Anh toàn văn bản chương trình Việt Minh” (Trần Thị Minh Châu 2005:285-286).
Ở lại Việt Nam một tháng, anh đã nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của Việt Minh điều đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Shaw: “...Lúc đầu tôi nghĩ họ là những kẻ tham lam nhưng trên thực tế là hầu hết những người yêu nước Đông Dương lại rất đức độ. Họ giúp chúng tôi không phải vì tiền của chúng tôi, mà vì tình yêu thương và tình bằng hữu. Họ biết rằng chúng tôi đang chiến đấu không chỉ vì nước Mỹ mà còn vì tự do và dân chủ của thế giới, và cũng vì đất nước của họ nữa. Vì lý do đó mà họ coi bổn phận yêu nước của mình là giúp đỡ chúng tôi – những đồng minh của họ” (Dixee R. Bartholomew-Feis 2007:234). Sự kiện trên đã khiến người Mỹ nhận ra việc tìm kiếm những điệp viên người Việt để cộng tác và “Việt Minh dường như là một con đường đúng đắn để theo đuổi” (Dixee R. Bartholomew-Feis 2007:238).
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9/3/1945), OSS gặp nhiều khó khăn về thông tin ở đây “vì vậy phải cấp bách mở lại các đường giao liên và các hoạt động bí mật để bảo đảm cho các kế hoạch chống Nhật ở Trung Quốc và Thái Bình Dương” (Archimedes L.A.Patti, 2008:128) và người họ nghĩ đến là Hồ Chí Minh. Trung úy Hải quân Charles Fenn, công tác tại cơ quan Cứu trợ mặt đất của Mỹ ở Trung Hoa (AGAS), đã quyết định sắp xếp một cuộc gặp với Người vào ngày 17/3/1945. Mặc dù cuộc gặp này chưa đạt được thỏa thuận toàn diện, nhưng vị trung úy đã “ấn tượng bởi cách nói chuyện khúc chiết và sự điềm tĩnh như Đức Phật của ông”. Ba ngày sau, một cuộc gặp khác lại được diễn ra, tại đây Hồ Chí Minh đã yêu cầu Charles Fenn sắp xếp cuộc gặp với Tướng Claire Chennault - Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ, Fenn đồng ý nhưng với điều kiện không được đòi hỏi ở Chennault bất cứ điều gì: việc xin tiếp tế cũng như hứa hẹn ủng hộ. Ngày 29/3/1945 cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và Tướng Mỹ Claire Chennault tại Côn Minh – Trung Quốc đã diễn ra, cuộc gặp được xem là cộng tác của Hồ Chí Minh và người Mỹ chính thức bắt đầu.
Theo như thỏa thuận hai bên về sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Việt Minh sẽ lập trạm cứu trợ phi công Mỹ ở Bắc kỳ, cung cấp tin tức về tình hình quân đội Nhật ở Đông Dương; còn phía Mỹ sẽ giúp phương tiện cần thiết bao gồm vũ khí và huấn luyện quân sự cho Việt Minh. Ngày 16/7/1945, một đơn vị biệt kích Mỹ thuộc OSS có biệt danh “Đội Con Nai” do thiếu tá Allison K. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống khu giải phóng Việt Bắc, được du kích Việt Minh tiếp đón và đưa về trú đóng ngay tại cơ quan đầu não của cách mạng ở Tân Trào. Khoảng 200 chiến sĩ du kích Việt Minh được tuyển lựa để “Đội Con Nai” huấn luyện trở thành “Bộ đội Việt-Mỹ” do Đàm Quang Trung chỉ huy và thiếu tá Thomas đảm nhiệm vai trò tham mưu trưởng. Chương trình huấn luyện gồm tập bắn và lau chùi vũ khí, hướng dẫn sử dụng súng cối và lựu đạn.
Nhờ có điện đài rất tốt, các nhà lãnh đạo Đảng đã xác định chính xác thời điểm Nhật đầu hàng Đồng Minh để chớp đúng thời cơ phát động Tổng khởi nghĩa. Khi Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào để quyết định các vấn đề trọng yếu của cuộc tổng khởi nghĩa, chính Đội Con Nai đã có mặt ngay cạnh hội trường, sau đó “Bộ đội Việt-Mỹ” trong hàng ngũ Việt Nam Giải Phóng Quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến đánh Thái Nguyên rồi tiến về Hà Nội.
Lựa chọn của Mỹ
Cách mạng tháng Tám đã nhanh chóng thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, nền độc lập non trẻ gặp rất nhiều khó khăn: Miền Bắc hơn 20 vạn quân Tưởng do tướng Lư Hán dẫn đầu tràn vào nhằm lật đổ chính quyền; Miền Nam 2 vạn quân Anh tiến vào dọn đường cho thực dân Pháp tái chiếm thuộc địa...
Muốn bảo vệ nền độc lập vừa giành được, cần phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, đồng thời cần được các cường quốc dân chủ trên thế giới thừa nhận và hậu thuẫn. Thực hiện đường lối đối ngoại mở rộng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhằm tìm kiếm và tranh thủ sự ủng hộ của các cường quốc, trong đó có Mỹ.
Thực hiện đường lối trên, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã gửi hàng loạt thư, điện, công hàm tới Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng thống Mỹ đề nghị nước Mỹ công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao đồng thời ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.
Ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới tổng thống Mỹ Truman đề nghị “cho phép đại diện của Mỹ tại Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với chính phủ Lâm thời Cộng hòa Việt Nam và yêu cầu phải có đại diện của Chính phủ Lâm thời Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp Đồng minh để giải quyết những vấn đề của Việt Nam” (Nguyễn Trọng Hậu 2001: 112).
Sau khi Pháp nổ súng tấn công Nam Bộ, ngày 24/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Truman thông báo về những biện pháp của Tổng tư lệnh Anh đang tiến hành ở Miền Nam đã “vi phạm đến những quyền tự nhiên của nhân dân Việt Nam” (Hồ Chí Minh toàn tập 2011:27)
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chi Minh gửi điện tới Tổng thống Mỹ Truman thể hiện sự ủng hộ “về việc thành lập Ủy ban Tư vấn đối với khu vực Viễn Đông”, bức điện đề cập đến việc làm sai trái của Liên hiệp quốc khi chấp nhận “cho Pháp đại diện cho nhân dân Việt Nam tại Hội đồng này”, nhấn mạnh “sự đại diện này là thiếu cơ sở pháp lý hoặc cơ sở thực tế” bởi Pháp đã bán Đông Dương cho Nhật một cách đê tiện và đã phản bội các nước Đồng Minh, do đó Việt Nam có đủ điều kiện để cử đại diện vào Hội đồng cố vấn (Hồ Chí Minh toàn tập 2011:60).
Ngày 22/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục gửi điện đến Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ công bố tình trạng “khẩn cấp” và yêu cầu “có sự can thiệp ngay lập tức từ phía Liên hiệp quốc”. Gửi kèm bức điện trên là bản Tuyên ngôn Độc lập, bản công bố thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại, bản Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về chính sách ngoại giao chung và một bức công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam với các vấn đề có liên quan tới Nam Việt Nam (Hồ Chí Minh toàn tập 2011:80).
Nhằm thể hiện thiện chí của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ, ngày 10/10/1945 Hội Việt-Mỹ thân hữu được thành lập, cuối tháng 10 tạp chí bán nguyệt san “Việt Mỹ tạp chí” được xuất bản (Nguyễn Trọng Hậu 2001: 113). Cũng trong mong muốn thắt chặt quan hệ hai nước, ngày 1/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đề nghị Mỹ tiếp nhận khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để một mặt thiết lập mối quan hệ thân thiết với thanh niên Mỹ, mặt khác xúc tiến việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật (Hồ Chí Minh toàn tập 2011:91).
Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Truman đề nghị được “hợp tác với Liên hợp quốc trong việc xây dựng nền hòa bình thế giới bền vững” (Hồ Chí Minh toàn tập 2011:107).
Ngày 22/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Truman đề nghị Mỹ “giúp đỡ Việt Nam vượt qua nạn đói” (Hồ Chí Minh toàn tập 2011:118) do chính sách tịch thu, tích trữ lúa gạo của Pháp, cộng thêm lũ lụt vào mùa hè 1945 và số lượng lúa gạo phải cung cấp cho quân Tưởng vào chiếm đóng.
Cũng trong tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi điện đến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thể hiện sự thất vọng “về việc vắng mặt của đoàn đại biểu Việt Nam” trong dịp “khai mạc Hội nghị Oasinhtơn về Viễn Đông”, nhưng vẫn hi vọng chính phủ Hoa Kỳ sẽ “công nhận nền độc lập của nước Cộng hòa Việt Nam và đặt dấu chấm hết cho các cuộc xung đột giết chóc ở Nam Việt Nam” (Hồ Chí Minh toàn tập 2011: 128).
Trong năm 1946, Chính phủ VNDCCH đã nhiều lần đề nghị Mỹ “Tìm một giải pháp tức thời cho vấn đề Việt Nam”. Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến thống chế Xtalin, Tổng thống Mỹ Truman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, chủ tịch Hội đồng Liên hiệp quốc và các đại diện của Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc tại Hội đồng Liên hiệp quốc, đề nghị đưa vấn đề Việt Nam ra trước Hội đồng, công nhận nền độc lập của Việt Nam và kết nạp Việt Nam vào Hội đồng Liên hợp quốc. Đó là những yêu cầu chính đáng và hoàn toàn phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc, nhưng đáng tiếc những đề nghị đó đã không nhận được một hồi âm nào (Nguyễn Trọng Hậu 2001: 114-115).
Trong những nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự công nhận từ Mỹ và các cường quốc, ngày 16/2/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ, hai ngày sau đó Người lại gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao các nước Trung Quốc, Mỹ, Anh, Liên Xô, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới” và đề nghị Liên hợp quốc và Chính phủ Mỹ “thực hiện những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngăn chặn đổ máu đang diễn ra tại Việt Nam và đi tới một giải pháp cấp bách hợp lý cho vấn đề Đông Dương…. Đưa vấn đề Đông Dương ra trước Liên hiệp quốc” (Nguyễn Trọng Hậu 2001: 114-115).
Trước những đề nghị tha thiết và thiện chí của chính phủ Việt Nam, chính phủ Mỹ và Tổng thống Mỹ Truman đã lựa chọn phương án “không phản đối và cũng không hài lòng việc thiết lập lại nền cai trị của Đông Dương” yêu cầu đại diện Mỹ ở Việt Nam phải tuyệt đối trung lập và “tương lai Việt Nam chỉ là một vấn đề hết sức ngoài lề” (Archimedes L.A.Patti 2008 616-618). Những người Mỹ thuộc đội Con Nai đã tham gia hoạt động cùng Mặt trận Việt Minh ở căn cứ địa Việt Bắc được lệnh lần lượt rút về nước. Như vậy, chính sách của Mỹ về vấn đề Đông Dương của Tổng thống Roosevelt đã dần thay đổi dưới thời Tổng thống Truman. Mặc dù tuyên bố trung lập nhưng Mỹ lại đồng ý để Anh chuyển giao cho Pháp 800 xe quân sự cùng nhiều vũ khí và khí tài khác giá trị hơn 70 triệu USD, ứng tiền cho Pháp mua 75 tàu chở quân của Mỹ, viện trợ cho Pháp 8 chiến hạm để đưa Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 sang Đông Dương và đánh chiếm Nam Bộ, đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến thương đau suốt 30 năm.
Lựa chọn của Mỹ đã chấm dứt sự hợp tác ngắn ngủi giữa họ và Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám 1945. Phân tích tình hình thế giới sau Thế chiến 2, Ban Chấp hành Trung ương xác định thế giới có nhiều mâu thuẫn, trong đó có mâu thuẫn Liên Xô – Mỹ từ chỗ là đồng minh chống phát xít dần chuyển sang đối đầu, do đó Mỹ muốn phối hợp với Anh, Pháp lập mặt trận chống lại cái gọi là mối đe dọa của Liên Xô đối với Tây Âu. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Mỹ Truman ngày 18/1/1946, Người đã nhận mình là “Người bạn chân thành của tổng thống” (Hồ Chí Minh 2011:185), tuy nhiên chính quyền Mỹ đã từ chối để bắt tay với Pháp chà đạp lên khát vọng và giấc mơ của người Việt Nam nhằm thực hiện những toan tính của họ. Năm mươi năm sau, trong cuộc gặp giữa Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara và đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1995 và 1997), người Mỹ đã nuối tiếc cho rằng: liệu có cơ hội nào đã bị bỏ lỡ hay không khiến hai quốc gia không thể thiết lập được sự hợp tác mà quay sang đánh nhau, thì Việt Nam đã nhắc họ rằng chúng ta đã từng hợp tác cho đến khi lợi ích của nước lớn đã khiến Mỹ chọn con đường khác.
Thu Nhuần
Tài liệu tham khảo:
-Dixee R. Bartholomew-Feis: OSS và Hồ Chí Minh – Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật, Nxb Thế giới, 2007.
-Archimedes L.A.Patti, Tại sao Việt Nam?" (Why Vietnam), Nxb Đà Nẵng, 2008.
-Trần Thị Minh Châu 2005, “Nhớ lại thời hợp tác ở Tân
Trào” trong Tuyên Quang trong Cách Mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân
Pháp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
-Đảng cộng sản Việt Nam 2000, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật.
-Nguyễn Trọng Hậu, “Hoạt động đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ 1945-1950”, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, 2001, (Tài liệu lưu tại thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
-Hồ Chí Minh toàn tập 2011, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
-