Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/06/2019 09:14 5029
Điểm: 3.67/5 (3 đánh giá)
Cảm giác ngày đầu đến nhận công tác ở Kho Lưu trữ Trung ương Hà Nội (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Đó là tâm trạng bồn chồn, hồi hộp của một sinh viên lần đầu bước chân vào một công sở có cái tên khá ấn tượng: “Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng”.

Lưu trữ ở tất cả các quốc gia là một nghề cơ mật, hoạt động với những luật lệ, quy định nghiêm ngặt và chặt chẽ. Số công chức, viên chức trình  độ đại học và trên đại học trong các cơ quan lưu trữ luôn chiếm phần đa số. Nghề lưu trữ đòi hỏi phải tuyển lựa những nhân viên có tư chất riêng, đó là sự trầm tĩnh, nghiêm cẩn trước các trang tài liệu đóng dấu đỏ “mật”, “tối mật”…. Tôi lại hình dung ra đâu đây bóng dáng của các viên quan lưu trữ thời thực dân như Paul Boudet, Ngô Đình Nhu và sau này là các ông Đào An Thái, Vũ Dương Hoan… tất cả đều có những tư chất khác lạ, đặc biệt.

Bước qua cổng sắt uy nghiêm, vào khuôn viên bên trong, trước mắt tôi là một toà nhà kiên cố, ngăn cách với Thư viện Quốc gia Việt Nam bằng một hàng rào mảnh nhẹ như muốn giữ cái thế chia cắt tạm thời của cái thuở hợp hôn gượng ép xa xưa giữa Lưu trữ và Thư viện. Thực ra, phần sở hữu của cơ quan Lưu trữ vẫn nằm trong khuôn viên hình chữ U được kiến trúc rất hài hoà của một cảnh quan văn hoá. Nơi đây vốn là Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương thuộc Pháp đầu thế kỷ XX, toạ lạc ở địa chỉ số 31 phố Tràng Thi, Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chừng 500 mét.

 

Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, năm 1917

Vùng đất này xưa kia vốn là nơi các môn sinh từ vùng quê Thanh Hoá trở ra phía Bắc “lều chõng” tham gia kỳ thi Hương danh giá và đầy may rủi với giấc mơ được thoát nghèo, gia nhập hàng ngũ quan lại của triều đình phong kiến An Nam để quản dân, quản nước và cũng  để “vinh thân, phì gia” với thiên hạ…

Người Pháp mở con đường trải nhựa chạy qua đất của “Trường thi Hương” theo tiêu chuẩn quy hoạch của các thủ đô như Paris, London… Họ vẫn không muốn xoá bỏ quá khứ của một thời nên đã đặt cho con đường cái tên Rue du Champ des Lettes, (có thời kỳ đổi tên thành: Borgnis Desbordes), sau Cách mạng tháng Tám với tên mới: phố Tràng Thi, hay và ý nghĩa hơn.

 

Kho lưu trữ tài liệu ngày ấy…

Theo tài liệu lịch sử, ngày 29/11/1917, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ký Nghị định thành lập Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, tiếp đó ngày 26/12/1918 thành lập 5 kho lưu trữ trong đó có Kho Lưu trữ trung ương tại Hà Nội. Sau đó năm 1924, họ cho khánh thành một tòa nhà bốn tầng đáp ứng được nhu cầu thu thập, tổ chức sắp xếp, bảo quản và tra tìm các tài liệu được sản sinh trong quá trình hoạt động của bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Kho Lưu trữ có sức chứa tài liệu được sản sinh trong thời gian ít nhất là năm mươi năm sau.
Đó là tòa nhà lưu trữ duy nhất ở vùng Viễn Đông hội đủ tất cả những sự hoàn thiện hiện đại nhất có thể của những điều kiện vật chất đầu thế kỷ XX. Với hệ thống chiếu sáng và tời điện, có đường điện thoại liên lạc trực tiếp với các cơ quan hữu quan, không khí trong kho luôn được làm sạch bằng phương pháp chân không, với một quy trình được kiểm tra nghiêm ngặt về thông gió, thích nghi với các điều kiện riêng của một xứ sở mà nhiệt độ và độ ẩm cao luôn là tác nhân có hại cho tuổi thọ của tài liệu (chủ yếu bằng giấy). Ngoài ra, một hệ thống phòng cháy chữa cháy khẩn cấp cũng được duy trì, bên cạnh việc ngăn ngừa sự huỷ hoại của mối mọt, côn trùng miền nhiệt đới.  

Tôi bước chân vào tiền sảnh của toà nhà, đối diện cửa ra vào là cái thang nâng hàng có tuổi đời xưa nhất xứ Đông Dương, thang máy chỉ để vận chuyển tài liệu từ dưới lên các kho chứa bên trên và tài liệu được sắp xếp trên các ngăn kệ với một số ký hiệu cố định. Nhân viên làm việc trong toà nhà lưu thông bằng một cầu thang bộ duy nhất, giúp cho việc bảo quản, bảo mật tài liệu được tuyệt đối nhất.
Lên tầng 3, bên phải cầu thang bộ có tấm biển nhỏ chỉ dẫn: “Phòng Khai thác”. Trong phòng có bố trí Phòng Đọc tài liệu rộng rãi, có thể tiếp đón vài chục độc giả. Trên bàn đón khách luôn có một cuốn Cẩm nang lưu trữ (Manuel de l’archiviste) mà tác giả là nhà lưu trữ thực dân Paul Boudet. Ngoài việc hướng dẫn cách phân loại, sắp xếp tài liệu trong kho, cách đăng ký vào sổ quản lý, những việc làm bắt buộc của nhân viên lưu trữ,… phần quan trọng nhất của cẩm nang là hệ thống phân loại thông tin mà giới lưu trữ học thường gọi là “Khung phân loại Paul Boudet”. Khung phân loại được cấu tạo gồm có các chữ cái theo vần alphabet của tiếng Pháp từ chữ A đến chữ Z và các chữ số A Rập từ số 0 đến số 9. Các chữ cái dùng để biểu thị các vấn đề lớn gọi là loại mục (các Séries), các chữ số đi kèm với chữ cái dùng để biểu thị các vấn đề nhỏ gọi là các tiểu mục (các Sous-séries).
Đây được xem là xương sống của việc tổ chức tài liệu trong kho lưu trữ thời kỳ Pháp đặt quyền cai trị lên xứ Đông Dương, trong đó nổi bật là các kho ở Hà Nội, Sài Gòn và Phnonpenh, vừa khoa học, vừa tiện lợi và dễ thực hiện.

 

Paul Boudet (1888-1948), nhà lưu trữ thực dân - 
tác giả cuốn Cẩm nang lưu trữ (Manuel de l’archiviste)

Phòng Đọc có ba dãy bàn ghế giành cho độc giả đóng bằng gỗ lim vừa dài, vừa rộng đã lên mầu thời gian đen nhánh. Ánh sáng tự nhiên được lấy từ 2 hướng Đông-Tây với hệ thống rèm che bằng chất liệu vải đặc biệt nhằm cản bớt sáng, mang lại cho người đọc cảm giác dễ chịu nhất khi tiếp xúc với tài liệu đồng thời cũng để ngăn cản sự huỷ hoại dưới tác dụng lý hoá của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, phòng Đọc còn có hệ thống điện chiếu sáng, quạt gió hỗ trợ khi nhiệt độ tăng cao và thiếu sáng tự nhiên. Phía sát tường 2 bên phòng là hệ thống thẻ tra cứu tài liệu phân loại theo chữ cái alphabet hoặc theo chủ đề, chuyên đề để người đọc dễ dàng tìm kiếm tài liệu một cách nhanh chóng nhất. 

Độc giả đến nghiên cứu tài liệu phần lớn là những nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước. Họ thường tìm kiếm tài liệu thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp trong các phông Toàn quyền Đông Dương, hay trong phông Thống sứ Bắc Kỳ nhằm tìm tòi, tra cứu thông tin về công cuộc chinh phục và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và lịch sử thời kỳ tổ chức hành chính trên toàn cõi Đông Dương từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.

Một người Pháp khi đến thăm và làm việc tại Kho Lưu trữ Trung ương Hà Nội năm 1928 đã viết: “Ta có thể ngạc nhiên là sao lại có một cơ quan hoàn chỉnh như thế ở quá xa nước Pháp? Ngạc nhiên hơn nữa khi thấy số người An Nam có thể mang những ứng dụng tỉ mỉ vào việc sắp xếp tài liệu lưu trữ. Trường Pháp điển (1) có thể tự hào về ngành học phơi phới này đã được trồng trên mảnh đất nhiệt đới”. (2)

 

Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Sau này là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I 
khi còn ở 31 Tràng Thi, Hà Nội

Một vinh dự vô cùng lớn của tôi trong giai đoạn này, tôi được phân công làm việc ngay tại khu vực nhà sàn Bác Hồ. Tôi và nữ đồng nghiệp Đào Thị Diến đã có thời gian 6-7 tháng làm công việc nghe lại toàn bộ những cuốn băng ghi âm các bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong các cuộc họp, hội nghị, các cuộc nói chuyện của Bác với đồng bào và nhân dân… Từ đó ghi chép lại một cách tuyệt đối chính xác những câu nói của Bác làm tiền đề cho các xuất bản phẩm sau này về khối tài liệu phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Do phương tiện ghi âm thời đó còn lạc hậu, băng từ bảo quản trong điều kiện không chuẩn nên nhiều chỗ hầu như không còn nghe hiểu được nữa. Chúng tôi phải nghe đi, nghe lại nhiều lần rồi hội ý quyết định. 

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi đã xa “ngôi nhà” Lưu trữ hơn 30 năm (1987-2019). Tuy thời gian làm việc ở đây chỉ vỏn vẹn 6 năm nhưng quả thật trong tôi luôn luôn ấp ủ, gìn giữ những kỷ niệm sâu đậm về nơi chốn này, nơi có rất nhiều những con người mà tôi yêu quý, kính trọng bởi cách họ đã toả sáng trong công việc thầm lặng của mình…

Tòa nhà Lưu trữ mà lần đầu tiên tôi bước vào ở đường Tràng Thi giờ đã không còn thuộc quyền sở hữu của cơ quan Lưu trữ nữa, đó là một điều đáng tiếc vì đây là nơi ghi dấu ấn lịch sử của sự ra đời một ngành nghề mới mẻ và rất quan trọng tại Việt Nam, nơi mà những người làm lưu trữ các quốc gia khác phải thèm khát và ngưỡng mộ vì nghề nghiệp này của chúng ta đã có một bề dầy khó có gì sánh kịp. Nên chăng cần có một bảo tàng của ngành Lưu trữ tại chính ngôi nhà này?  Một ước muốn chính đáng của những người làm lưu trữ Việt Nam!

Xét về lịch sử, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã có tuổi đời hơn một thế kỷ, kể từ khi Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập vào năm 1917.


Nguyễn Xuân Vượng

(Cựu viên chức tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Ghi chú:

(1) Trường Cổ tự học Quốc gia (Ecole Nationale des Chartes).

(2) Trích từ cuốn Extrême- Asie De Yokohama à Singapour. Nguồn: Tuần san Eveil économique de l’Indochine số ngày 4-11-1928, người dịch Lưu Đình Tuân.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6387

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu Trại Nhi đồng Nghệ thuật I (tháng 8/1947) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu Trại Nhi đồng Nghệ thuật I (tháng 8/1947) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

  • 03/06/2019 13:57
  • 4602

Tại phòng Tư liệu - Thư viện, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang lưu giữ một bức thư đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây hơn 70 năm, được Người trực tiếp đánh máy, ký tên và đóng dấu triện đỏ sau tấm ảnh chân dung của mình. Đó là “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu Trại Nhi đồng Nghệ thuật I, tháng 8 năm 1947”.