Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/07/2019 08:46 6399
Điểm: 3.8/5 (5 đánh giá)
Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Người ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Người viết: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giao, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

 

Bảo vật quốc gia: Bút tích Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh,

 ngày 19-12-1946.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giành thắng lợi vẻ vang với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn đọng địa cầu”.

Đó là thành quả thứ hai trên con đường cách mạng của Người.

Chưa dừng lại ở đó, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhảy vào thế chân Pháp xâm lược nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Khác với các cuộc kháng chiến trước đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra chủ yếu trên chiến trường miền Nam. Lúc này cách mạng nước ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cũng chính do đặc điểm này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn canh cánh nỗi niềm với miền Nam thân yêu. Người nói “Hình ảnh miền Nam yêu quí luôn ở trong trái tim tôi”. Khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trong Người cháy bỏng hơn lúc nào hết. Đối với Người “Một ngày Tổ quốc chưa thống nhất, miền Nam chưa được giải phóng là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Để biến khát vọng đó thành hiện thực, Người cùng Trung ương Đảng luôn trăn trở tìm đường lối, phương pháp cách mạng cho từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ tháng 7 năm 1954, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bất kỳ hòa bình hay chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.

Ngày 6 tháng 7 năm 1956, trong thư gửi đồng bào cả nước, Người đã viết: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”. Cũng trong năm 1956, trong bài đăng trên báo Sự thật của Liên Xô, Người đã viết: “Dân tộc Việt Nam phải vạch ra những phương pháp và biện pháp riêng của mình để chống âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai hòng vĩnh viễn chia cắt đất nước”.

Đầu năm 1959, theo định hướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 đã xác định: con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo chủ trương này, nhân dân ta ở miền Nam đã tiến hành cuộc đồng khởi thành công đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Năm 1962, tiếp Đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn miền Nam sớm được giải phóng để Người vào thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thân yêu ở miền Nam.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, 
năm 1965.

Đầu năm 1965, bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến, đồng thời dùng không quân, hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đứng trước thử thách nghiêm trọng. Bạn bè quốc tế lo ngại liệu Việt Nam có thể đương đầu với Mỹ. Song với tư duy khoa học và biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã đánh giá đúng tương quan lực lượng ta- địch và đề ra chủ trương: Động viên cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào. Người khẳng định trong Lời kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ: “Lúc này chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”. Người luôn đề cao vai trò của miền Bắc, coi đây là “cái gốc”, cái nền, là hậu phương lớn của cuộc khánh chiến. Vì vậy khi đế quốc Mỹ dùng máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, tháng 7 năm 1966, Người ra lời kêu gọi động viên nhân dân miền Bắc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong những năm cuối đời, chuẩn bị cho việc “ra đi” của mình, Người đã viết di chúc. Khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của Người càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Dù Người biết mình không thể cưỡng lại qui luật của cuộc đời, không thể tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đi đến chặng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng Người vẫn rất lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Câu đầu tiên trong di chúc Người đã viết: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Người dự liệu những việc sẽ làm khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quí của chúng ta. Kế đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe XHCN và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”.

Tiếp đó, sau khi nói về Đảng, về đoàn viên thanh niên, về nhân dân lao động, di chúc của Người lại nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Điều này chứng tỏ Người rất trăn trở nỗi niềm với miền Nam khi miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất. Có lẽ đây là trăn trở lớn nhất trước khi Người “đi xa”. Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Người khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Đúng như dự liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Vậy là những trăn trở, khát vọng của Người đã trở thành hiện thực.

Đây là thành quả vĩ đại được kết tinh qua một chặng đường dài hàng chục năm Người ra đi tìm đường cứu nước, tìm đường giải phóng cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, đánh bại những đế quốc hùng mạnh nhất của thời đại và kế đó xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc như Người hằng mong ước.

Nhìn lại chặng đường Người tìm đường cứu nước và quá trình cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc có thể thấy:

1. Từ một người yêu nước chân chính, Người trở thành người Cộng sản đầu tiên ở Việt nam và là người tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đưa cách mạng Việt nam đi theo con đường của cách mạng vô sản.

Chúng ta đều biết, Người ra đi tìm đường cứu nước khi tuổi đời còn rất trẻ. Lúc đó Người cũng như các bậc tiền bối khác chưa có ý niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, về chủ nghĩa Mác - Lê nin và Đảng của giai cấp vô sản. Qua hoạt động thực tiễn ở các nước trên thế giới, đặc biệt được tiếp xúc với Luận cương Lê nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giúp người hình thành thế giới quan Cộng sản. Luận cương Lê nin đã giải đáp cho Người những băn khoăn về con đường giải phóng dân tộc. Quá trình Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, học tập ở Đại học Phương Đông và sống trong không khí sôi sục tại trung tâm phong trào Cộng sản ở Nga đã giúp Người hoàn thiện thêm nhận thức về chủ nghĩa Mác- Lê nin. Người thấu hiểu sức mạnh của nhân dân lao động, hiểu mối quan hệ giữa các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mối quan hệ giữa cách mạng các nước thuộc địa và các nước chính quốc, về vai trò của Đảng Cộng sản, về chính quyền cách mạng…

Những nhận thức đó cùng với hoạt động thực tiễn đã đưa Người từ một người yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ Cộng sản. Và cũng chính Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường cách mạng vô sản với sự kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước gắn với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

2. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

 

Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội,

ngày 9-9-1969.

Mặc dù từ một người yêu nước, bằng lí luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin và thực tiễn hoạt động ở các nước trên thế giới, nhất là thực tế cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Song Người không máy móc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê nin và kinh nghiệm thực tiễn cuộc cách mạng ở các nước vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà Người luôn sáng tạo tìm con đường đi cho riêng mình và cách mạng nước mình. Người chú trọng đến sự vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin sao cho phù hợp với thực tế mỗi nước. Người đặt vấn đề: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lí nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào - lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó không phải là toàn thể nhân loại”. Với luận điểm này, Nguyễn Ái Quốc đã phê phán khuynh hướng “ lấy châu Âu làm trung tâm”, coi châu Âu là mẫu mực, là điển hình cho sự phát triển của nhân loại, từ đó cho rằng cách mạng vô sản ở châu Âu thắng lợi thì các dân tộc thuộc địa đương nhiên được giải phóng. Ngược lại, Người đánh giá cao chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa. Người cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Từ đó, Người nhấn mạnh tầm quan trọng của ách mạng ở các nước thuộc địa. Người nói “Vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa”.

Nguyễn Ái Quốc đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa. Điều này chứng tỏ tư duy sáng tạo của Nguyễn Ái quốc dựa trên quan điểm thực tiễn, quan điểm biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Những quan điểm đó được Người vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo Người, cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam không diễn ra giống ở phương Tây, chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước. Từ đó, Người đề nghị xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Người kiên trì vận dụng những quan điểm này để chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Điều này được thể hiện cụ thể qua các văn bản mà Người đã soạn thảo như “Đường cách mệnh”, “Chánh cương, sách lược vắn tắt” và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

3. Cho đến tận cuối đời, Người vẫn trăn trở vì sự nghiệp cách mạng mà Người theo đuổi bao nhiêu năm vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn. Di nguyện của Người trong di chúc về sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đã chứng minh rất rõ điều này.

Tất cả những điều đã nói ở trên khẳng định bản chất yêu nước, cách mạng và tinh thần cộng sản của Hồ Chí Minh - một lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đúng như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non song đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

                                                     Thiếu tướng. TS Nguyễn Xuân Năng
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6399

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Thành cổ Nam bộ: Thành Mỹ Tho - Chốn 'đại đô hội'

Thành cổ Nam bộ: Thành Mỹ Tho - Chốn 'đại đô hội'

  • 11/07/2019 09:40
  • 2049

Năm 1722, chúa Nguyễn sai quan biên thần Gia Định lập đạo Trường Đồn ở xứ Mỹ Tho, đặt cai cơ và thư ký để làm việc, sau đó đổi thành dinh Trường Đồn vào tháng 11.1779. Nơi đây dần trở thành đồn quân sự dưới thời chúa Nguyễn và Tây Sơn.