Thứ Ba, 15/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/05/2021 08:49 1971
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong chiến thắng lịch sử này, một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi là sự đóng góp sức người, sức của của toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ bảo đảm tốt hậu cần cung cấp lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm phục vụ cho bộ đội ngoài mặt trận. Phía bên kia, tướng Navarre nhận định: “Lực lượng của tướng Giáp sẽ không thể có được chuyện tiếp viện vũ khí, đạn dược và lương thực. Phải mang hàng ngàn tấn hàng xuyên hàng trăm kilômét rừng rậm để tiếp viện cho một lực lượng chiến đấu khoảng 50.000 người là một thử thách không thể vượt qua”.(1)

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cho mặt trận, tất cả để đánh thắng” toàn quân, toàn dân đã tập trung sức người, sức của để chi viên cho mặt trận Điện Biên Phủ. Vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược cho bộ đội trong điều kiện xa hậu phương hàng trăm kilômét, đường xá hiểm trở, thời tiết mưa lũ khó khăn, phương tiện vận tải thiếu thốn, trong khi đó máy bay địch không ngừng đánh phá, đây thực sự là một thử thách cam go đối với bộ đội và dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Hội đồng cung cấp tiền phương, toàn quân toàn dân ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược phục vụ mặt trận. Từng đoàn xe ô tô, đoàn thuyền, đoàn xe ngựa thồ, đặc biệt là hàng vạn chiếc xe đạp thồ từ các vùng tự do, vùng mới giải phóng Tây Bắc cũng như những vùng sau lưng địch đã băng rừng vượt suối hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến. Những tuyến cung cấp của quân và dân ta dài hàng trăm kilômét từ Thanh Hoá, Phú Thọ lên đến Tây Bắc, những đoàn dân công hoả tuyến vượt núi băng rừng đi qua những quãng đường đèo dốc hiểm trở ngày đêm bị máy bay địch bắn phá, bom nổ chậm để vận chuyển hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men kịp thời phục vụ bộ đội ăn no, đánh thắng.

Kết quả công tác bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ:

1.Hậu cần quân đội bảo đảm: 16.829 tấn lương thực, thực phẩm.

-Trong đó có: 14.950 tấn gạo; 577 tấn thịt; 565 tấn thực phẩm khô.

-Cung cấp: 1.450 tấn vũ khí đạn dược, trong đó có 1.000 tấn đạn pháo cối.

-Bảo đảm quân y: 55 tấn hàng quân y; cứu chữa 10.130 thương binh; 4.489 bệnh binh.

-Công tác vận tải: Vận chuyển 20.239 tấn vật phẩm; vận chuyển từ các địa phương 30.359 tấn; sử dụng 628 xe ô tô vạn tải các loại.

2. Hậu phương huy động:

- 25.056 tấn gạo.

- 1.824 tấn thịt và thực phẩm khô.

- 261.453 dân công.

- 20.991 xe đạp thồ và xe thô sơ.

- 11.800 thuyền mảng và canô.

- 500 ngựa thồ. (2)

Ở gần hoả tuyến, công tác phục vụ được tiến hành hết sức khẩn trương, công tác nuôi quân, tiếp tế, quân y, vận tải đều tiến hành ngay trong giao thông hào dưới làn bom đạn. Ở hậu phương, tinh thần phấn khởi cách mạng do cải cách ruộng đất mang lại, hàng nghìn thư từ, điện từ các địa phương gần xa ngày ngày gửi đến mặt trận đã tạo ra tinh thần phấn khởi, quyết tâm chiến đấu cho các chiến sĩ ngoài mặt trận làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu tiêu biểu về cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược 1946-1954 trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Tại hệ thống trưng bày thường xuyên, cùng với những hiện vật là các loại vũ khí, các phương tiện kỹ thuật thông tin liên lạc như máy vô tuyến điện của bộ đội sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiến lợi phẩm là các loại vũ khí như: Súng, súng phun lửa, mìn, áo giáp chống đạn, ống nhòm, ghế ngồi của tướng De Castries tại hầm chỉ huy ở Điện Biên Phủ,  các hiện vật về công tác bảo đảm hậu cần của bộ đội và dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ như: Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi toàn thể anh chị em dân công tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; các hiện vật bộ đội dùng mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ như: Búa, cuốc, cào, mũi khoan… đến những hiện vật các đoàn dân công dùng trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ cho bộ đội ngoài mặt trận như: Sọt, gùi… nhân dân dùng vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội ở Điện Biên Phủ; Đòn gánh của anh Phan Viễn ở Tân Hưng-Hà Nam tự làm để gánh gạo trong đoàn dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện vật nổi bật trong trưng bày là chiếc xe đạp thồ- một trong những loại phương tiện vận chuyển chủ yếu của dân công tham gia vận chuyển lương thực thực phẩm cho bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhóm hiện vật về bảo đảm hậu cần này đã đem lại ấn tượng sâu sắc đối với công chúng.

Tuy nhiên, do diện tích và không gian trưng bày giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946-1954 trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử khá chật hẹp vì đây là khu vực hành lang tầng 2 của nhà trưng bày được cải tạo lại sử dụng cho trưng bày từ năm 2005 nên còn có nhiều hạn chế về không gian, mỹ thuật trưng bày và các điều kiện về thiết bị trưng bày như ánh sáng, tủ, bục trưng bày chưa phù hợp với hiện vật nên chưa thực sự ấn tượng. Số lượng hiện vật còn hạn chế nên chưa phản ánh được toàn diện, đầy đủ để tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa của thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhằm khắc phục những hạn chế đó, trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã luôn nghiên cứu tìm tòi để đổi mới về nội dung và hình thức trưng bày. Gần đây nhất là năm 2011, hệ thống trưng bày phần lịch sử cận hiện đại Việt Nam từ 1858 đến nay đã được chỉnh trang cả về nội dung và hình thức. Nội dung lịch sử về cuộc kháng chiến chống Pháp trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ đã được chỉnh trang phù hợp hơn, các hình ảnh tư liệu, các tài liệu khoa học bổ trợ như bản trích, số liệu, thống kê… đã giảm bớt và thay vào đó là trưng bày tăng cường các hiện vật thể khối tạo ấn tượng cho công chúng thăm quan. Tuy nhiên, do không gian trưng bày hạn chế, nội dung trưng bày mang tính diễn giải, minh hoạ lịch sử theo biên niên, các hiện vật trưng bày khá đơn lẻ, đồng thời chưa có sự nghiên cứu thay đổi định kỳ các hiện vật có giá trị lịch sử hiện đang lưu giữ tại kho cơ sở như: Sơ đồ khu lòng chảo Điện Biên Phủ - Ban chính trị tỉnh đội Cần Thơ ấn hành năm 1954. (ký hiệu 16216/Gy13237); Hiệu triệu của Tổng quân uỷ gửi các đồng chí đảng viên trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký năm 1953. (ký hiệu 17028/Gy 14050); Mệnh lệnh ngừng bắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. (ký hiệu 7066/Gy 5190). Về công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch có nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như: Sổ tay của dân công ở Phú Thọ ghi chép về hoạt động của đoàn xe thồ gạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (ký hiệu 4701/Gy 3203); Sách: Gương chiến đấu anh dũng của bộ đội và dân công ở Điện Biên Phủ, năm 1954. (ký hiệu 10580/Gy 7818).

 

Sổ tay của dân công ở Phú Thọ ghi chép về hoạt động của đoàn xe thồ gạo

trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954

Các hiện vật như: Xẻng, xà beng, cuốc, choòng, sọt, gùi… của bộ đội và dân công tham gia mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Các hiện vật như: Cờ, sách, tài liệu tuyên truyền, truyền đơn, tờ tin chiến thắng… Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ những cuốn sách: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - Mốc vàng thời đại”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đường tới Điện Biên Phủ” có bút tích chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/2004.

 
 

Ấn phẩm về chiến dịch Điện Biên Phủ có bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 7-5-2004

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa giá trị lịch sử của hiện vật giúp công chúng hiểu biết đầy đủ hơn về lịch sử dụng nước và giữ nước của dân tộc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý hệ thống trưng bày giai đoạn cận hiện đại trong đó có nội dung trưng bày về cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược 1946-1954 trong đó chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một điểm nhấn trong trưng bày giai đoạn này. Trưng bày tập trung theo hướng lựa chọn giới thiệu các sưu tập hiện vật phản ánh toàn diện về cuộc kháng chiến về các mặt từ chính trị, quân sự đến đời sống xã hội-văn hoá của dân tộc ta trong giai đoạn 1946-1954, trong các sưu tập hiện vật đó có sưu tập hiện vật về bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đồng thời để trưng bày ấn tượng hấp dẫn công chúng sẽ hỗ trợ bằng các giải pháp mỹ thuật, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để công chúng được tiếp cận một cách toàn diện, đầy đủ, chân thực và ấn tượng về cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện và anh dũng của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.

“Điện Biên Phủ mãi mãi tiêu biểu cho tinh thần quật cường của dân tộc ta, đem sức mạnh đoàn kết muôn triệu người như một, đem tinh thần anh dũng của một dân tộc chiến đấu vì độc lập tự do, của một đội quân nhân dân còn non trẻ nhưng đầy sức mạnh chiến đấu mà chống lại quân đội hùng mạnh của một nước đế quốc”(3). Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là động lực to lớn cổ vũ quân và dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Ths. Phan Tuấn Dũng

TL tham khảo:

1. Alain Rusccio: Điện Biên Phủ kết thúc một ảo tưởng, NXB Lao động, năm 2011, trang 22.

2. Tổng cục Hậu cần: Công tác Hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, xuất bản năm 1978, trang 75, 76, 554.

3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, NXB CTQG, Hà Nội 1998, trang 264.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6488

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Đôi nét về sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Quốc hội Việt Nam lưu giữ tại BTLSQG

Đôi nét về sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Quốc hội Việt Nam lưu giữ tại BTLSQG

  • 20/05/2021 09:28
  • 1805

Trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Viêt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 16/8/1945 Đại hội đại biểu quốc dân đã được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang). Đại hội đã thay mặt toàn dân nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cụ thể hóa đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng ngay sau khi giành được chính quyền, cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng (tức Chính phủ Lâm thời) lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới. Quốc dân Đại hội Tân Trào còn tạo ra những cơ sở cho sự hình thành và ra đời của một thể chế Nhà nước mới, đặt nền móng cho cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và xây dựng Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (1946), hình thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.