Thứ Hai, 20/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/11/2014 09:12 5360
Điểm: 3/5 (2 đánh giá)
Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13, vùng ven biển Việt Nam đương thời tiếp nhận một nền văn hóa độc đáo, chịu ảnh hưởng của Ấn độ giáo. Mối quan hệ này được thể hiện qua phế tích của một loạt các đền- tháp kỳ vĩ, phân bố ở của một địa điểm quan trọng, vốn là một thủ đô tôn giáo và chính trị của vương quốc Chămpa trong hầu hết quá trình tồn tại của nó.

Giá trị nổi bật toàn cầu

Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13, vùng bờ biển Việt Nam đương thời là cái nôi của một nền văn hóa lớn, xuất phát từ Ấn độ giáo. Người ta tìm thấy bằng chứng vật chất của nền văn hóa này đã được thể hiện qua các phế tích của những đền- tháp kì vĩ tìm thấy ở một địa điểm được coi là thủ đô tôn giáo và chính trị của vương quốc Chămpa.

Khu thánh địa Mỹ Sơn phát triển từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13. Các đền- tháp được xây dựng trong vùng núi của huyện Duy Xuyên, thuộc tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam ngày nay. Khu di tích phân bố trong một thung lũng được bao quanh bởi một dãy núi vốn là thượng nguồn của con sông thiêng Thu Bồn. Dòng chảy của sông Thu Bồn bắt nguồn từ dãy núi này, chảy qua các công trình kiến trúc rồi đi ra ngoài thung lũng, đi qua trung tâm của vương quốc Chăm, sau đó đổ ra biển Đông. Cửa sông Thu Bồn nằm ngay gần cảng thị cổ Hội An, vị trí này giúp cho khu thánh địa có ý nghĩa chiến lược, bởi nó trở thành một thành trì rất khó để tấn công.

Các khu đền- tháp được xây dựng trong khoảng hơn 10 thế kỷ phát triển liên tục, tại khu vực là trung tâm nơi cư trú của thị tộc Dừa. Thị tộc này đã thống nhất các bộ tộc người Chăm và thành lập nên vương quốc Champapura (thành phố của người Chăm theo tiếng Phạn) vào năm 192. Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13, nền văn hóa độc đáo ở ven biển Việt Nam đã tiếp nhận các yếu tố tư tưởng của Ấn độ giáo. Từ đó, nhiều ngôi đền đã được xây dựng, để thờ các vị thần Hindu như Krishna và Vishnou, đặc biệt là thần Shiva. Mặc dù Phật giáo Mahayana đã thâm nhập vào nền văn hóa Chăm, khả năng từ thế kỷ thứ 4, và có vị thế vững chắc ở phía Bắc của vương quốc này, thì Shiva giáo vẫn được coi là quốc giáo của Chămpa.

Các di tích ở thánh địa Mỹ Sơn chính là những công trình xây dựng quan trọng nhất của nền văn minh Mỹ Sơn. Các khu tháp- điện thể hiện sự đa dạng kiểu dáng kiến trúc, tượng trưng cho sự cao quý và thuần khiết của núi Tu Di, ngọn núi linh thiêng huyền thoại, nơi ở của các vị thần Hindu nằm ở trung tâm của vũ trụ, nay được tái hiện lại một cách biểu tượng tại vùng đất của người Chăm. Những ngôi đền- tháp này được xây bằng gạch nung, với các cột đá và được trang trí phù điêu bằng đá sa thạch, thể hiện các cảnh trong thần thoại Hindu. Sự tinh tế trong công nghệ xây dựng các đền- tháp này đã phản ánh kỹ năng xây dựng của người Chăm, trong khi đó những hình tượng trang trí công phu và mang tính biểu tượng trên các đền- tháp cho chúng ta thấy được nội dung và sự phát triển trong tư tưởng tôn giáo và chính trị của người Chăm.

Khu thánh điện Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc đáng chú ý, đã phát triển trong khoảng thời gian hơn 10 thế kỷ. Nó phản ánh một bức tranh sinh động về đời sống tinh thần và chính trị trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử khu vực Đông Nam Á.

Các công trình này mang tính độc đáo và chắc chắn có một không hai ở khu vực Đông Nam Á.

Thánh điện Mỹ Sơn là một mẫu hình đặc biệt, thể hiện tính giao lưu văn hóa, với một xã hội bản địa thích nghi với những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhất là về nghệ thuật và kiến trúc Hindu từ tiểu lục địa Ẩn Độ. Vương quốc Chăm là một hiện tượng quan trọng trong lịch sử chính trị và văn hóa của Đông Nam Á, được thể hiện sinh động qua các phế tích ở Mỹ Sơn.

Tính toàn vẹn

Các đền- tháp Hindu của thánh điện Mỹ Sơn nằm trong một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt có ranh giới được xác định rõ ràng. Có tám nhóm tháp với 71 công trình hiện còn trên mặt đất cùng với đó là số lượng lớn các di tích khảo cổ học trong lòng đất, phản ánh đầy đủ quá trình lịch sử của việc xây dựng các đền- tháp tại di tích này, bao gồm toàn bộ thời kỳ tồn tại của vương quốc Chăm.

Việc bảo quản các công trình ở Mỹ Sơn bắt đầu vào đầu thế kỷ 20, ngay sau khi các nhà khảo cổ học Pháp phát hiện ra khu di tích này. Trong thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh Đông Dương đầu tiên, và nhất là trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, nhiều tháp đã bị phá hủy. Tuy nhiên, công tác bảo quản đã được thực hiện và các đền- tháp còn lại vẫn được giữ gìn và bảo quản tốt.

Di tích này còn chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt như những trận lũ lụt và độ ẩm cao, mặc dù việc mở rộng dòng sông và khai quang môi trường xung quanh cũng giảm thiểu được phần nào ảnh hưởng từ những tác động này. Tuy vậy vẫn còn một vấn đề, đó là sự có mặt của các loại đạn dược, quân nhu không rõ nguồn gốc, các loại bom đạn chưa nổ trong phạm vi ranh giới ở vùng đệm của di tích, gây ảnh hưởng đến các nghiên cứu khảo cổ học tại các khu vực mới được phát hiện, ảnh hưởng đến việc trùng tu 8 khu công trình, cũng như việc giới thiệu di tích với du khách.

Tính xác thực

Sự hiểu biết của chúng ta về tính xác thực của thánh địa Mỹ Sơn phụ thuộc vào công việc nghiên cứu của Henri Parmentier vào đầu thế kỷ thứ 20. Về mặt lịch sử, việc nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khảo cổ học, các nhà sử học và các nhà nghiên cứu khác vào thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20, đã khẳng định tầm quan trọng của khu di tích với các công trình, được coi là những kiệt tác kiến trúc bằng gạch đương thời, thể hiện rõ trên cả hai phương diện: công nghệ trong việc xây dựng cũng như những điêu khắc trang trí cầu kì trên gạch. Địa thế và tính chất linh thiêng của di tích đã bảo đảm rằng, các công trình vẫn còn nguyên vẹn trong khung cảnh tự nhiên ban đầu của nó, mặc dù phần nhiều trong số đó đã bị hư hại theo thời gian. Những tác động của việc bảo tồn do các chuyên gia Pháp và Ba Lan tiến hành là tương đối nhỏ và không ảnh hưởng đến tính xác thực tổng thể của di tích. Tính xác thực trong kiến trúc, vật liệu, công nghệ và quy hoạch của Mỹ Sơn tiếp tục củng cố cho giá trị nổi bật toàn cầu của nó.

Các yếu tố cần thiết cho việc bảo vệ và quản lý.

Di tích này đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1979 và Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào năm 2009. Tất cả các cơ quan ở địa phương và trung ương phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa (2001, sửa đổi năm 2009).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chung về việc bảo vệ và quản lý di sản thông qua Cục Di sản Văn hóa. Trách nhiệm này được phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy Ban Nhân dân huyện Duy Xuyên, thành lập Hội đồng quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn. Nhiệm vụ này được thực hiện dựa trên yêu cầu đặc biệt của di sản lịch sử trong Dự án phát triển du lịch quốc gia, cũng như trong Dự án phát triển kinh tế xã hội tổng thể của huyện Duy Xuyên.

Một chiến lược nhằm đánh giá lại kế hoạch bảo tồn di tích Mỹ Sơn đang được phát triển trong khuôn khổ Dự án di sản thế giới của UNESCO tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương và sẽ được kết hợp với một Dự án Quản lý mới dành cho di tích này.

Sau năm 1975, công tác bảo tồn được bắt đầu lại một cách nghiêm túc, và cho đến nay việc bảo tồn di sản là một tiêu chuẩn quan trọng đối với các nhóm nghiên cứu cả trong và ngoài nước đến nghiên cứu di tích này.

Mặc dù các nhà chức trách Việt Nam đã dọn sạch bom mìn chưa nổ xung quanh 4 công trình chính từ năm 1975, nhưng công việc này tiến triển chậm và một phần công việc rà phá bom mìn hiện vẫn chưa được thực hiện.

Để đẩy mạnh việc bảo vệ di sản, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 1915/QĐ TTg, chính thức cho phép triển khai Dự án tổng thể về di sản (từ năm 2008 đến 2020) và cấp kinh phí cho việc bảo quản và đẩy mạnh hoạt động du lịch ở đó.

Việc quản lý các khu rừng xung quanh di chỉ cần được cải thiện để giúp cho di sản có được môi trường bảo vệ tốt hơn. Việc khảo sát chi tiết các khu vực xung quanh để đánh giá ảnh hưởng của những điều kiện khí hậu khắc nghiệt với di tích cần được tiếp tục thực hiện và nên gắn với công tác quản lý di sản mang tính lâu dài, hướng tới tương lai.

Với sự gia tăng đáng kể về số lượng du khách đến thăm di tích, nên việc quản lý về khả năng đón tiếp du khách ngày càng quan trọng và cũng nên được coi là một phần của kết hoạch Quản lý cần thiết cho di tích

Cần tiếp tục công việc rà phá bom mìn để đảm bảo sự an toàn của người dân và cho phép tiếp cận với di tích một cách thích hợp và tìm hiểu các công trình phạm vi quy hoạch của di tích.

Mô tả lịch sử

Vương quốc Chămpa ra đời năm 192 sau Công nguyên, khi cư dân của vùng Tượng Lâm đứng lên chống lại nhà Hán và lập nên một nhà nước độc lập trên dải đất hẹp dọc theo bờ biển của Việt Nam. Nhà nước này được biết đến qua các nguồn sử liệu của Trung Quốc, trong đó, chính thể này xuất hiện liên tục dưới những tên Lâm Ấp, Hoàn Vương và Chiêm Thành, một phiên âm của từ Champâpura, có nghĩa là “thành phố của người Chăm”. Nền kinh tế của người Chăm dựa vào nông nghiệp (nông nghiệp lúa nước), săn bắn và thương mại hàng hải.

Người Chăm đã chịu ảnh hưởng của Ấn độ giáo từ tiểu lục địa Ấn độ ngay từ buổi đầu phát triển, mặc dù thời điểm chính xác còn chưa rõ. Nhiều ngôi đền đã được xây dựng để thờ các vị thần Hindu như Krishna, Vishnu, … và đặc biệt là thần Shiva. Phật giáo đại thừa xâm nhập vào nền văn hóa Chăm muộn hơn, khoảng thế kỷ thứ 4, và có vị thế vững chắc ở phía Bắc của vương quốc Chămpa, nhưng Shiva giáo vẫn là quốc giáo.

Vương quốc này có hai thành phố thiêng liêng, mỗi thành phố thuộc về một bộ tộc lớn. Mỹ Sơn (tên tiếng Việt có nghĩa là “núi đẹp”) là đất thiêng của bộ tộc Dừa (tiếng Phạn là Narikelavansa), bộ tộc này tôn thờ vị vua huyền thoại Srisanabhadresvara và kiểm soát Amaraveti, tức là vùng đất phía Bắc của vương quốc; đó cũng chính là kinh đô của cả vương quốc Chămpa. Cùng với ý nghĩa quan trọng về mặt tôn giáo, với việc phân bố trong một thung lũng nhỏ được bao quanh bởi những dãy núi cao hùng vĩ, vị trí của Mỹ Sơn còn mang ý nghĩa chiến lược bởi nó như một tòa thành dễ thủ khó công.

Các triều vua kế tiếp nhau từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8 đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với khu vực Mỹ Sơn và xây dựng ở đó nhiều ngôi đền tuyệt đẹp. Từ năm 749 đến năm 875, bộ tộc Cau trở nên hùng mạnh, và trong một thời gian, thủ đô đã được chuyển về Vivapura, phía Nam của vương quốc. Tuy nhiên, Mỹ Sơn vẫn giữ vai trò quan trọng về mặt tôn giáo, và lấy lại vị thế của mình vào đầu thế kỷ thứ 9, dưới triều vua Naravarman I, người đã chiến thắng trong nhiều trận đánh chống lại quân đội Trung Quốc và Khmer.

Ngay từ đầu thế kỷ thứ 10, ảnh hưởng của Phật giáo bắt đầu suy giảm, và điều này đem lại lợi thế Mỹ Sơn, nơi mà Ấn Độ giáo luôn chiếm ưu thế. Đến triều đại của Giaya Simhavarman, vào cuối thể kỷ thứ 10, Ấn Độ giáo đạt vị thế ngang bằng với Phật giáo trong vương quốc Chăm. Đây cũng chính là thời kỳ đa số các công trình kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đã được xây dựng.

Trong phần lớn thế kỷ thứ 11, chiến tranh đã nổ ra và Mỹ Sơn cũng như các vùng đất thiêng khác ở Chămpa đã bị tàn phá nặng nề. Harivarman IV đã khôi phục lại hòa bình trong vương quốc. Đến cuối thế kỷ 11, ông đã dời đô về Đồ Bàn, nhưng vẫn tiến hành trùng tu Mỹ Sơn. Cuộc chiến tranh một lần nữa nổ ra vào thế kỷ thứ 12, khi Jaya Indravarman IV đã tấn công đế chế Khơme và cướp phá kinh đô của đế chế này. Ngay lập tức, người Kheme đã trả đũa và vương quốc Chămpa đã bị Khmer chiếm đóng từ năm 1190 đến 1220.

Từ thế kỷ thứ 13, vương quốc Chăm trở nên suy yếu và dần bị thâu tóm bởi chính quyền đang phát triển ở Đại Việt Vào cuối thế kỉ 15. Chămpa không còn tồn tại như một thực thể nữa và khu thánh địa Mỹ Sơn cũng trở nên hoang phế.

Một số hình ảnh về các tháp - đền Mỹ Sơn:

Nguyễn Thúy (biên dịch)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6802

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Bộ sưu tập sắc phong ở Đền Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội)

Bộ sưu tập sắc phong ở Đền Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội)

  • 11/11/2014 14:04
  • 3642

Tháng 10/2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa (Hà Nội) khảo sát một số di tích lịch sử trên địa bàn quận. Trong quá trình khảo sát tại di tích đền Kim Liên, một trong Tứ trấn của Thăng Long, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với bộ sưu tập sắc phong đồ sộ, gồm 33 đạo sắc có niên đại từ thời Vĩnh Tộ (1619 - 1628) đến thời Khải Định (1916-1925).