Thứ Ba, 18/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/11/2014 14:04 3782
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tháng 10/2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa (Hà Nội) khảo sát một số di tích lịch sử trên địa bàn quận. Trong quá trình khảo sát tại di tích đền Kim Liên, một trong Tứ trấn của Thăng Long, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với bộ sưu tập sắc phong đồ sộ, gồm 33 đạo sắc có niên đại từ thời Vĩnh Tộ (1619 - 1628) đến thời Khải Định (1916-1925).

Trấn Nam Phương – Đền Kim Liên.

Thời Lê trung hưng gồm có 22 bản trong đó:

- Thời Vĩnh Tộ có 2 bản (các năm 1620 và 1623);

- Thời Đức Long có 3 bản (các năm 1629, 1632 và 1634);

- Thời Dương Hòa có 2 bản (các năm 1637 và 1639);

- Thời Phúc Thái có 3 bản (các năm 1645, 1647 và 1649);

- Thời Khánh Đức có 1 bản (năm 1652);

- Thời Thịnh Đức có 2 bản (các năm 1655 và 1656);

- Thời Vĩnh Thọ có 2 bản (năm 1660);

- Thời Cảnh Trị có 1 bản (năm 1670);

- Thời Vĩnh Thịnh có 1 bản (năm 1710);

- Thời Vĩnh Khánh có 1 bản (năm 1730);

- Thời Cảnh Hưng có 3 bản (các năm 1740; 1767 và 1784);

- Thời Chiêu Thống có 1 bản (năm 1787).

Thời Nguyễn gồm có 11 bản trong đó:

- Thời Thiệu Trị có 2 bản (cùng năm 1844);

- Thời Tự Đức có 5 bản (năm 1849, 1852 (2 bản), 1856 và 1880);

- Thời Đồng Khánh có 1 bản (năm 1886);

- Thời Duy Tân có 2 bản (năm 1909, cùng ngày 11/8);

- Thời Khải Định có 1 bản (năm 1914).

Ngoài ra còn có 5 bản sao của các bản sắc phong trên (3 bản thời Lê trung hưng và 2 bản thời Nguyễn).

Đặc điểm chung

Các sắc phong có đặc điểm chung đều được làm từ giấy bản, dày, hình chữ nhật, màu vàng, hơi sẫm. Kích thước rộng từ 45 đến 52cm; dài từ 126 đến 142cm. Một bề mặt trang trí các hoa văn hình rồng, mây, hoa lá, chữ Thọ cách điệu… Sắc phong đều viết bằng chữ Hán, bên phải ghi nội dung phong tặng, bên trái là lạc khoản ghi thời gian ban sắc và một dấu triện vuông màu son đỏ, có 4 chữ Hán triện “Sắc mệnh chi bảo” (đọc từ trên xuống dưới, từ phải qua trái). Các bản sao đều không có dấu triện và chất lượng giấy kém hơn, đặc biệt là bản sao sắc phong thời Nguyễn, được làm bằng giấy thường, màu đỏ sẫm, đã bị rách mép nhiều.

Ni dung sắc phong

Các sắc phong thời Lê trung hưng chủ yếu phong các “mỹ tự” cho thần Cao Sơn (thời Vĩnh Tộ năm 1620 và 1623) và từ thời Đức Long (năm 1629 trở về sau) phong thêm công chúa Huệ Minh Trang Tịnh Phương Dung. Sắc phong sau lặp lại những mỹ tự của sắc phong trước, trên cơ sở đó, bổ sung thêm mỹ tự mới.

Sắc phong thời Đức Long năm thứ 4.

Các sắc phong thời Nguyễn có bố cục đơn giản hơn. Bên cạnh việc sắc phong riêng cho thần Cao Sơn thì còn có những sắc phong cho các bà như Huệ Minh phu nhân, Thủy Tinh phu nhân, công chúa Liễu Hạnh… Cùng với việc sắc phong cho các thần, các sắc phong thời này cũng chỉ định cho nhân dân phường Kim Liên thờ phụng các thần theo lệ cũ. Đáng chú ý ở thời kỳ này có những đạo sắc được ban cùng ngày như sắc phong thời Tự Đức (ngày 14/1/1852), trong đó có 1 bản sắc phong cho Thủy Tinh phu nhân và 1 bản sắc phong cho công chúa Liễu Hạnh, 4 năm sau (năm 1856) mới có sắc phong ban cho Huệ Minh phu nhân; sắc phong thời Duy Tân (ngày 11/08/1909), trong đó 1 bản sắc phong mỹ tự cho thần Cao Sơn, bản còn lại chỉ định phường Kim Liên phụng sự thần Cao Sơn và 3 bà: Huệ Minh phu nhân, công chúa Liễu Hạnh, Thủy Tinh phu nhân.

Như vậy có thể thấy, càng về sau, các sắc phong càng được bổ sung đầy đủ. Ở giai đoạn Lê trung hưng, sắc phong cho thần Cao Sơn và sau đó thêm công chúa Huệ Minh. Sang giai đoạn Nguyễn, các sắc phong cũng bắt đầu từ thần Cao Sơn cho đến Huệ Minh phu nhân, sau đó bổ sung thêm Thủy Tinh phu nhân và công chúa Liễu Hạnh, đồng thời lệnh cho dân phường Kim Liên thờ tự.

Sắc phong thời Tự Đức năm thứ 6.

Một vài nhận xét

Đây là những hiện vật/tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu các vấn đề của lịch sử trong giai đoạn này.

Bộ sắc phong phản ánh một thực trạng lịch sử đương thời, khi mà thực quyền nằm trong tay các chúa Trịnh, vua Lê chỉ có thể khẳng định mình bằng cách ban những sắc phong cho các vị thần trong các ngôi đền. Thực tế không chỉ ở đền Kim Liên mà rất nhiều những di tích lịch sử khác vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong thuộc giai đoạn Lê trung hung.

Bộ sắc phong cũng là tư liệu quý để tìm hiểu văn phong, nghệ thuật thư pháp cũng như nghiên cứu những giá trị nghệ thuật, hoa văn và chất liệu giấy đương thời.

Tại đây còn lưu giữ một tấm bia lớn nói về công lao của thần Cao Sơn “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” khắc năm 1772 dựa theo những ghi chép của sử thần Lê Tung năm 1510, một tấm bia “Lịch triều sắc tặng” thống kê lại các bản sắc phong từ thời Vĩnh Tộ 2 (1620) đến thời Tự Đức 3 (1850) và một tấm bia nhỏ ban tặng riêng cho bà Huệ Minh Trang Tịnh Phương Dung. Cùng với bộ sắc phong trên, những tư liệu, hiện vật này là những báu vật quý cần được lưu giữ, bảo quản và nghiên cứu, trưng bày để giáo dục văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần làm rõ thêm lịch sử vùng đất Thăng Long - Hà Nội hơn ngàn năm tuổi.

Nguyễn Ngọc Chất, Chu Mạnh Quyền (Phòng NCST)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 7180

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Vũ điệu của thần Shiva Nghệ thuật điêu khắc đá văn hóa Chămpa

Vũ điệu của thần Shiva Nghệ thuật điêu khắc đá văn hóa Chămpa

  • 11/11/2014 08:59
  • 21403

Vương quốc Chămpa cổ ở ven biển Miền Trung Việt Nam tồn tại từ cuối thế kỷ 2 tới thế kỷ 15. Do án ngữ ở vị trí quan trọng của con đường tơ lụa trên biển, Chămpa đã sớm dự nhập vào tiến trình giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế. Trong tiến trình này, văn hóa Chămpa đã hình thành và phát triển trên cơ sở giao lưu, tiếp thu và bản địa hóa văn hóa Ấn Độ.