Thứ Hai, 20/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/10/2014 14:07 1 2562
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đầu tháng 9/2014, đoàn công tác của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đi trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác tình nguyện viên ở một số bảo tàng quốc gia Nhật Bản trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác "Nghiên cứu và trao đổi văn hóa" giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản.

Bảo tàng quốc gia Kyushu là bảo tàng quốc gia thứ tư ở Nhật Bản sau Bảo tàng quốc gia Tokyo, Bảo tàng quốc gia Nara và Bảo tàng quốc gia Kyoto. Trong chuyến công tác vừa qua, đoàn công tác vinh dự được đến thăm và làm việc tại ba bảo tàng trong số bốn bảo tàng quốc gia trên của Nhật Bản về công tác tình nguyện viên.

Hội những người yêu Bảo tàng Quốc gia Kyushu (Hội) được thành lập cùng với sự ra đời của Bảo tàng Quốc gia Kyushu. Với bề dày kinh nghệm là 9 năm hoạt động (từ 2005 đến 2014), hiện tại Hội có 352 thành viên với các thành phần từ học sinh trung học đến người già 80 tuổi tham gia tình nguyện tại bảo tàng. Hội được chia ra thành 12 nhóm, mỗi nhóm phụ trách một mảng công việc như:

- Hướng dẫn tham quan tại phòng trưng bày trao đổi văn hóa; giáo dục.

- Hướng dẫn tham quan bảo tàng, nhóm này phân chia tình nguyện viên hướng dẫn khách bằng các ngôn ngữ: Tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung.

- Vệ sinh môi trường xung quanh bảo tàng và trồng cây cảnh.

- Tham gia các sự kiện tại bảo tàng.

- Thu thập số liệu.

- Hỗ trợ khách tham quan; hỗ trợ học sinh, sinh viên...

Hội hoạt động theo quy chế của Hội tự đề ra và cứ 3 năm Hội tuyển tình nguyện viên một lần. Mỗi tình nguyện viên được nhận một cuốn sách hướng dẫn (handbook) do Bảo tàng Quốc gia Kyushu phát hành, trong đó cung cấp những thông tin cơ bản, toàn diện về bảo tàng nhằm giúp họ nắm bắt thông tin và hướng dẫn cho khách tham quan một cách tốt nhất. Mỗi ngày có từ 30 đến 40 tình nguyện viên đến bảo tàng làm việc, trong đó mỗi nhóm cử từ 2 - 3 tình nguyện viên phụ trách mảng công việc đã được phân công.

Một nét văn hóa Việt Nam tại phòng trưng bày giao lưu văn hóa

Bảo tàng Quốc gia Kyushu liên hệ với 800 trường học trong vùng để mời học sinh đến bảo tàng tham quan, học tập. Các chương trình giáo dục này do tình nguyện viên chịu trách nhiệm hướng dẫn. Đối với các trường ở quá xa không thể đưa học sinh đến tham quan được thì bảo tàng chuẩn bị 13 thùng chuyên dụng đựng các tài liệu, hiện vật phỏng theo tài liệu, hiện vật gốc được trưng bày tại bảo tàng. Mỗi hộp là một chủ đề, sự kiện khác nhau gửi đến các trường cho học sinh học tập trong 2 tuần rồi trường gửi lại cho bảo tàng để luân phiên cho các trường khác mượn. Với mục đích chơi mà học, học mà chơi và tạo cho học sinh được trải nghiệm, được tận tay cầm vào các hiện vật sẽ giúp cho học sinh dễ học, dễ nhớ.

Những hiện vật được phỏng theo hiện vật gốc để gửi đến các trường cho học sinh học tập và trải nghiệm.

Khu vực trải nghiệm miễn phí dành cho mọi đối tượng của Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực sự phong phú với các gian trưng bày những nét văn hóa riêng biệt của từng quốc gia trong khu vực Châu Á và một số nước lân cận có ảnh hưởng đến văn hóa Nhật Bản. Khu vực này có khoảng 20 gian trưng bày, cứ 3 tháng một lần, các gian trưng bày lại thay đổi bằng văn hóa của nước khác. Mỗi khi bảo tàng tổ chức một trưng bày đặc biệt có liên quan đến nước nào thì sẽ giới thiệu kỹ những nét văn hóa, lịch sử của nước đấy, nhằm giúp cho công chúng Nhật Bản hiểu rõ hơn. Khu vực này, khách có thể tự do khám phá, tìm hiểu, có thể mặc trang phục, đánh trống, gõ chiêng, đánh đàn, chơi cờ... rất hấp dẫn công chúng, đặc biệt là trẻ em và học sinh. Có thể nói, cách làm này của Bảo tàng Quốc gia Kyushu đã tạo cho công chúng trong vùng có thói quen đến bảo tàng để hưởng thụ những nét văn hóa của Nhật Bản và các nước trên thế giới. Khu vực này cũng do tình nguyện viên hướng dẫn. Đội ngũ tình nguyện viên của Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực sự là cầu nối, giao lưu giữa bảo tàng với công chúng mà đặc biệt là với người dân sống trong vùng.

Khách đến tham quan, trải nghiệm miễn phí tại phòng trưng bày giao lưu văn hóa.

Hoạt động tình nguyện viên của Bảo tàng Quốc gia Kyoto được gần 3 năm, bắt đầu từ khi khánh thành bảo tàng mới. Hiện tại, Bảo tàng Quốc gia Kyoto đang đóng cửa để đổi mới trưng bày và sẽ mở cửa trở lại vào tháng 10 tới. Ngôi nhà bảo tàng cổ được xây dựng cách đây hơn 120 năm dùng làm nơi trưng bày đặc biệt (trưng bày chuyên đề). Tình nguyện viên của bảo tàng tham gia các hoạt động giáo dục, hướng dẫn khách tham quan, phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn khách trải nghiệm thực hành trên hiện vật phục chế.

Đoàn công tác tham gia hoạt động trải nghiệm thực hành trên hiện vật phục chế

Cuốn sách handbook hướng dẫn tình nguyện viên không thể thiếu ở Bảo tàng Quốc gia Kyoto. Mỗi tình nguyện viên đều cầm cuốn sách khi đến làm việc tại bảo tàng như một cuốn cẩm nang cần thiết và khi cần họ có thể đến phòng thư viện để tra cứu các thông tin, đọc thêm tài liệu về bảo tàng nhằm phục vụ tốt nhất cho khách tham quan.

Tuy hoạt động tình nguyện viên của Bảo tàng Quốc gia Kyoto mới đi vào hoạt động nhưng đã dần đi vào nề nếp và có tính chuyên nghiệp. Đó là nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm từ Bảo tàng Quốc gia Kyushu - Một bảo tàng có bề dày kinh nghiệm trong công tác tình nguyện.

Chương trình tình nguyện viên của Bảo tàng Quốc gia Nara được thực hiện từ năm 1997. Trong 17 năm hoạt động, đội ngũ tình nguyện viên đã trở thành một bộ phận quan trọng, không thể thiếu của bảo tàng, hỗ trợ đắc lực cho công tác giáo dục, tuyên truyền và hướng dẫn khách tham quan. Hàng tháng, các nhóm trưởng được họp giao ban với lãnh đạo bảo tàng. Hiện tại bảo tàng có 120 tình nguyện viên ở mọi lứa tuổi và mọi thành phần, nhưng đa số vẫn là người già và người đã về hưu, được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm 40 người tham gia. Mỗi nhóm phụ trách một mảng công việc như: Nhóm thực hiện chương trình di sản văn hóa thế giới; nhóm hướng dẫn, giải thích cho khách tham quan; nhóm hỗ trợ công tác truyền thông.

Để tình nguyện viên có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, bảo tàng soạn cuốn tài liệu hướng dẫn cụ thể, chi tiết dưới dạng hỏi, đáp để có thể trả lời chính xác các câu hỏi của học sinh và khách tham quan. Tình nguyện viên của Bảo tàng Quốc gia Nara có thể hướng dẫn khách tham quan bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc.

Tình nguyện viên của BTQG Nara đang hướng dẫn khách tham quan.

Hoạt động tình nguyện ở Bảo tàng Quốc gia Nara thực sự chuyên nghiệp, thiết thực và hiệu quả. Nó được thể hiện cụ thể trên lịch làm việc, trên các báo cáo công việc hàng ngày của tình nguyện viên, trên bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết để có thể trả lời mọi câu hỏi của khách tham quan. Nếu tình nguyện viên nào mới tham gia, họ được phát một tấm thẻ đeo ghi rõ là "Tình nguyện viên đang thực tập" để khách thông cảm nếu họ chưa giải đáp được hết các câu hỏi của khách.

Cơ sở vật chất mà Bảo tàng Quốc gia Nara dành cho tình nguyện viên cũng rất đáng học tập. Một căn phòng lớn, gọn gàng, tiện nghi với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho những tình nguyện viên đến làm việc hàng ngày. Sách và tài liệu tra cứu đầy đủ để tình nguyện viên đọc nâng cao trình độ, hiểu biết thêm về lịch sử - văn hóa và các phòng trưng bày tại bảo tàng.

Một góc trong phòng làm việc của tình nguyện viên BTQG Nara.

Trên trang chủ Website của Bảo tàng Quốc gia Nara có danh mục riêng về tình nguyện viên. Trong đó đưa lịch làm việc chung và các hoạt động của tình nguyện viên tại bảo tàng. Đó là kênh thông tin - truyền thông quan trọng, kết nối giữa tình nguyện viên với bảo tàng và bảo tàng với công chúng.

Có thể nói, hoạt động tình nguyện viên tại các bảo tàng quốc gia ở Nhật Bản được xem như một bộ phận chuyên môn của bảo tàng, không thể thiếu bởi đội ngũ tình nguyện viên đã đóng góp công sức to lớn vào mục đích chính của bảo tàng, đó là thu hút công chúng đến với bảo tàng. Họ chính là cầu nối, là cánh tay đắc lực, hiệu quả của bảo tàng giúp công chúng thêm hiểu và yêu quí bảo tàng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Hàng năm, họ được tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác tình nguyện viên với những bảo tàng bạn để học tập, nâng cao nghiệp vụ nhằm phục vụ khách tham quan một cách chuyên nghiệp nhất.

Ở Việt Nam, hoạt động tình nguyện viên còn mới mẻ ở hầu hết các bảo tàng và nếu có thì chưa thực sự phát huy hết khả năng của đội ngũ tình nguyện viên. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Câu lạc bộ tình nguyện viên mới được thành lập được hơn 1 năm nhưng cũng đã đóng góp vào thành công ở các hoạt động lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được diễn ra tại bảo tàng. Tuy nhiên, đối tượng tham gia tình nguyện viên mới chủ yếu là giới trẻ, là học sinh, sinh viên trẻ trung, năng động, có điều kiện và trình độ tiếp cận với công nghệ hiện đại, sáng tạo nhưng thời gian tham gia không được ổn định, thường xuyên nên có nhiều hạn chế trong phân công triển khai các hoạt động. Việc thu hút những người già, những người đã nghỉ hưu tham gia công tác tình nguyện tại bảo tàng là cần thiết, bởi họ có thời gian, có kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp phù hợp. Trong thời gian tới, Câu lạc bộ tình nguyện viên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần tập trung mở rộng đối tượng tham gia; đa dạng hóa các hình thức đồng thới với nâng cao chất lượng hoạt động; tổ chức tập huấn và cần thiết soạn thảo bộ tài liệu hướng dẫn trước khi tình nguyện viên đến tham gia vào các hoạt động tại bảo tàng./.

Ths. Tô Thị Thủy Lâm (Phòng Truyền thông)

bảo tàng lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bình luận

Quách Phi Long31/10/2014 15:42

Công tác tình nguyện viên ở một số bảo tàng quốc gia Nhật Bản
Một cách làm hay của người Nhật, một hướng đi đúng và phù hợp của BTLSQG.

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6799

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Chiến dịch Tây Bắc: Bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam

Chiến dịch Tây Bắc: Bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam

  • 30/10/2014 08:22
  • 2761

Tây Bắc có vị trí chiến lược đối với vùng Bắc Đông Dương, ở đây quân Pháp có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc, khống chế bên sườn, sau lưng và chia cắt giữa Việt Bắc với Liên khu 3, đồng thời che chở cho chúng ở Thượng Lào. Tuy nhiên, lực lượng địch ở đây mỏng và yếu, chúng có 8 tiểu đoàn, trong đó có 5 tiểu đoàn ngụy Thái và 3 tiểu đoàn cơ động Âu-Phi. Ngoài ra, còn có 40 đại đội ngụy Thái làm nhiệm vụ chiếm đóng. Địch chia làm 4 phân khu đóng, rải ra trên 144 cứ điểm cấp trung đội, đại đội, riêng ở Nghĩa Lộ, Mộc Châu, mỗi nơi có một tiểu đoàn.