Tháng 10/2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cử cán bộ được mời tham dự chương trình kỷ niệm 40 năm khai quật tàu đắm Shinan - con tàu đắm đầu tiên các nhà khảo cổ Hàn Quốc trực tiếp khai quật, mở đầu cho ngành nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc. Thông qua chương trình này, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thấy được bước hình thành và phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc cũng như cách làm và tư duy nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước nói riêng, quản lý văn hóa nói chung ở Hàn Quốc. Từ đó, có những nhìn nhận lại hiện trạng của ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam hiện nay.
Tháng 10/2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cử cán bộ được mời tham dự chương trình kỷ niệm 40 năm khai quật tàu đắm Shinan - con tàu đắm đầu tiên các nhà khảo cổ Hàn Quốc trực tiếp khai quật, mở đầu cho ngành nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc. Thông qua chương trình này, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thấy được bước hình thành và phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc cũng như cách làm và tư duy nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước nói riêng, quản lý văn hóa nói chung ở Hàn Quốc. Từ đó, có những nhìn nhận lại hiện trạng của ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam hiện nay.
1.Sự hình thành của ngành khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc
So với các nước phương Tây, ngành khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc được hình thành tương đối muộn, từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, do sự quan tâm đầu tư của nhà nước, cũng như thu hút được sự chú ý của cộng đồng khoa học thế giới, khảo cổ học dưới nước Hàn Quốc có tốc độ phát triển nhanh chóng.
Hình ảnh khai quật tàu Shinan năm 1976
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc)
Năm 1975, dưới vùng biển Shinan, Hàn Quốc, người ta phát hiện nhiều dấu tích của một con tàu đắm. Con tàu này được đặt theo tên vùng biển phát hiện - tàu Shinan và bắt đầu được tiến hành khai quật. Sự kiện này đánh dấu những bước đi đầu tiên của ngành khảo cổ học dưới nước Hàn Quốc. Năm 1981, Hàn Quốc đã thành lập Viện Xử lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa thuộc Cục Quản lý Văn hóa Hàn Quốc đóng tại thành phố Mokpo, tỉnh Jeolla Nam.
Quá trình khai quật con tàu đắm Shinan kéo dài 7 năm. Các nhà khai quật đã trục vớt được một số lượng lớn các cổ vật trong tình trạng bảo quản khá tốt với hơn 26.000 đồ gốm sứ thuộc triều đại nhà Nguyên (Trung Quốc), hơn 800 đồng tiền xu Trung Quốc, hơn 1.000 miếng gỗ Tử Đàn đỏ (red sandalwood). Hoạt động khai quật khảo cổ học dưới nước ở vùng biển Shinan chính là dự án khai quật di sản văn hóa dưới nước đầu tiên của Hàn Quốc.
Trưng bày hiện vật tàu Shinan tại Bảo tàng Quốc gia Gwangju Hàn Quốc năm 2016
Shinan là con tàu lớn thuộc thời Nguyên của Trung Quốc với nhiệm vụ chở hàng từ cảng Ninh Ba xuất khẩu sang Nhật Bản. Do đó, việc nghiên cứu và khai quật tàu Shinan sớm nhận được sự quan tâm đặc biệt và hợp tác chặt chẽ từ phía Trung Quốc, Nhật Bản, cũng như cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Trước khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, Hàn Quốc và Trung Quốc đã từng có những hoạt động giao lưu học thuật trong lĩnh vực di sản văn hóa biển. Năm 2010, nhận lời mời của Viện Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc đã phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hiện trạng nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Trung Quốc và Hàn Quốc”, 2 nước đã mở rộng trao đổi học thuật chính thức giữa các tổ chức chuyên môn về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Kể từ đó, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước Trung Quốc và Viện Di sản Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc đã ký kết một bản ghi nhớ về giao lưu hợp tác chính thức. Đến nay, hai bên đã tổ chức 4 hội nghị học thuật về Di sản văn hóa dưới nước vào các năm 2011, 2013, 2014 và 2015.
Sơ đồ hải trình của tàu Shinan
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc)
2.Hoàn thiện về cơ cấu tổ chức chuyên môn về di sản văn hóa biển
Năm 1994, Viện Xử lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa đổi tên thành Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc (viết tắt NRIMCH), thuộc Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước ở Hàn Quốc, đồng thời cũng thành lập một Bảo tàng Hải dương. Ngoài việc khảo sát và khai quật di sản văn hóa dưới nước, cơ quan này còn thực hiện công tác phục dựng tàu đắm cổ và các loại tàu truyền thống của Hàn Quốc, quản lý sưu tầm di sản văn hóa liên quan đến biển, bảo tồn hiện vật gỗ, nghiên cứu lịch sử giao thương hàng hải cũng như các hoạt động giao lưu quốc tế nói chung.
Giai đoạn đầu, các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc được tiến hành với sự hợp tác với Hải quân. Từ năm 2002, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia mới tiến hành khai quật độc lập. Bên cạnh đó, Viện cũng đã trang bị hai tàu phục vụ công tác khảo cổ dưới nước và đang thành lập phòng bảo quản di tích ở Taean.
Trụ sở Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc
Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia chịu trách nhiệm về các công việc có liên quan đến di sản văn hóa biển, các cuộc điều tra, khai quật, bảo tồn, nghiên cứu, triển lãm. Hiện nay, Viện có 110 nhân viên bao gồm nhân viên hành chính, đội khảo cổ học dưới nước, cán bộ nghiên cứu, bảo tồn di sản, các kỹ sư công nghệ, quản lý bảo tàng, quản lý tàu khảo cổ và thuyền viên.
3.Các hoạt động khảo sát và khai quật
Cho đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và khai quật khảo cổ học dưới nước lớn. Tổng cộng có 24 dự án và đã phát hiện ra 14 xác tàu đắm.
Shinan là dự án khai quật đầu tiên kéo dài từ năm 1975 đến 1981. Đây là một con tàu thời Nguyên (Trung Quốc, thế kỷ 14), dài 34m, rộng 11m, cao 4m. Shinan cũng là con tàu đắm lớn nhất được khai quật tại Hàn Quốc.
Cuộc khai quật tàu đắm thứ 2 được tiến hành trong 2 năm (1983 - 1984) với con tàu Wando (đảo Yaksando, tỉnh Nam Jeolla) có niên đại giữa thế kỷ thứ 11, tìm thấy hơn 30.000 hiện vật đồ gốm. Tàu có chiều dài 10m, rộng 3,5m. Đây là con tàu cổ nhất của Hàn Quốc được phát hiện tại Hàn Quốc.
Tàu Shinan được phục dựng
Năm 1992, tại đảo Jindo (tỉnh Nam Jeolla), một con tàu dài 19m, rộng 2,34m đã được khai quật. Đây là con thuyền độc mộc lớn thời Nguyên (Trung Quốc), thế kỷ 13. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, vùng biển này có thể còn có dấu tích của các con tàu đắm khác, do đó, dự án khảo sát vùng biển Jindo vẫn đang được tiến hành.
Tàu Wando (nguồn: http://www.seamuse.go.kr)
Năm 1995, tại đảo Dalido - (Mokpo), một con tàu có chiều dài 10m, rộng 2,7m thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), thế kỷ 13-14 cũng đã được khai quật thu được hơn 600 hiện vật gốm men ngọc.
Tàu Jindo (nguồn: http://www.seamuse.go.kr)
Tàu Dalido (nguồn: http://www.seamuse.go.kr)
Năm 2003 - 2004, tại vùng biển gần đảo Sibidongpado (Gunsan, tỉnh Nam Jeolla) một con tàu thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc) thế kỷ 11 - 12 được khai quật, thu về hơn 6.000 hiện vật gốm men ngọc. Tàu dài 7m, rộng 2,5m.
Tàu Sibidongpado (nguồn: http://www.seamuse.go.kr)
Năm 2005, tại đảo Anjwado, vùng biển Shinan (tỉnh Nam Jeolla) tàu Anjwado được khai quật. Tàu dài 14,7m, rộng 4,53m, cao 1,4m. Đây là con tàu thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), cuối thế kỷ 14.
Năm 2006, tàu Daebudo được tiến hành khai quật tại đảo Daebudo (Ansan, tỉnh Gyeonggi Jeolla). Đây thực chất là một con thuyền nhỏ, có chiều dài 6,62m, rộng 1,4m, thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), thế kỷ 12-13.
Tàu Anjiwado (nguồn: http://www.seamuse.go.kr)
Tàu Daebudo (nguồn: http://www.seamuse.go.kr)
Tàu Taean được khai quật năm 2009 - 2010 thuộc vùng biển Taean (tỉnh Nam Chungcheong) thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), thế kỷ 12, tìm thấy hơn 3.000 hiện vật gốm men ngọc. Tàu dài 8,21m, rộng 1,5m. Cũng trong 2 năm này, tại đảo Mado (biển Taean), con tàu Mado số 4 được song song tiến hành khai quật. Tàu Mado thuộc triều đại Goryeo, thế kỷ 13, có chiều dài 10,8m, rộng 3,7m.
Gần đây, các dự án tại vùng biển Taean đang tiến hành khai quật thêm 3 con tàu Mado (số 1, 2 và 3), trục vớt được hơn 3.000 hiện vật, tất cả đều là tàu cổ thuộc triều đại Goryeo Hàn Quốc thế kỷ 13. Hiện nay, công việc điều tra và khai quật các con tàu này vẫn đang tiếp tục.
Tàu Mado 4 đang được ngâm bảo quản (nguồn: http://www.seamuse.go.kr)
Như vậy, có tổng cộng 9 con tàu đắm tại Hàn Quốc được Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc khai quật, 3 con tàu Mado (số 1, 2 và 3) vẫn tiếp tục những công việc đã làm. Trong đó tàu Shinan là con tàu đầu tiên và cũng là con tàu đắm lớn nhất. Các con tàu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Một điểm đặc biệt nữa là vị trí các con tàu đắm đều thuộc vùng biển phía tây và tây nam của Hàn Quốc.
Sơ đồ vị trí các con tàu đã khai quật tại Hàn Quốc
Xác các con tàu sau khi được trục vớt lên đều được xử lý và bảo quản cẩn thận. Một bộ phận bảo quản chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ theo dõi, xử lý những tác động xấu đối với thân tàu. Điển hình như quá trình nghiên cứu, khai quật và lưu giữ hiện vật xác tàu Shinan. Năm 1981, tàu được khai quật và đưa hiện vật lên bờ. Quá trình khử mặn kéo dài 14 năm, đến 1994 các hiện vật mới được đưa vào trưng bày. Từ năm 1994 đến năm 2004, con tàu được phục dựng lại và đưa vào triển lãm. Trong 20 năm (1994-2014) ở môi trường không khí bình thường, các nhà nghiên cứu luôn luôn duy trì theo dõi thân tàu. Quan sát và phân tích kết quả kiểm tra gần đây, người ta nhận thấy, bề mặt thân tàu có hiện tượng axit hóa ở mức độ khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã có những biện pháp xử lý kịp thời.
4.Công tác triển lãm công chúng
Công tác nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước của Hàn Quốc đặc biệt coi trọng việc triển lãm và tuyên truyền giới thiệu đến công chúng. Phòng Trưng bày triển lãm của Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc là cốt lõi của toàn bộ cơ cấu tổ chức. Tại đây, các loại tàu thuyền truyền thống, tàu đắm cùng các di vật khai quật trong đó, các tư liệu liên quan đến biển, đến đời sống - văn hóa của ngư dân ven biển được trưng bày một cách có hệ thống. Di sản văn hóa biển Hàn Quốc được tái hiện lại và quảng bá đến công chúng. Ngoài ra, một số bảo tàng khác như Bảo tàng sứ men ngọc cổ Hàn Quốc tại Gangjin, Bảo tàng Cố cung Hàn Quốc, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc cũng tập trung triển lãm sứ men ngọc và di chỉ lò nung sứ của Hàn Quốc thời xưa và những di sản văn hóa biển.
Trưng bày di sản văn hóa biển tại Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc
Ngoài hoạt động triển lãm tuyên truyền tại bảo tàng, Hàn Quốc cũng đưa ra chính sách trao tiền thưởng và biểu dương những người có công tìm và giao nộp các cổ vật cho quốc gia. Từ năm 2014, Viện đã bắt đầu công tác quảng bá và giáo dục theo chiều sâu, thành lập các tổ chức như “hợp tác xã làng chài” hoặc “đội cảnh vệ bờ biển”, thiết kế tờ rơi tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa biển. Với chính sách khuyến khích như trên, chỉ trong năm 2014, nhân dân đã chủ động cung cấp 16 manh mối về khảo cổ học dưới nước. Điều này cho thấy chính sách khen thưởng trong công tác tìm kiếm, thu thập hiện vật dưới nước của Hàn Quốc đã đạt được những hiệu quả nhất định.
5.Tàu khai quật khảo cổ
Để triển khai công tác khảo cổ dưới nước tốt hơn, Hàn Quốc cũng đã trang bị các con tàu chuyên về khảo cổ học dưới nước.
Trước năm 2002, các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước được thực hiện với sự giúp đỡ của hải quân, những trang thiết bị tàu thuyền đều của hải quân. Vì vậy, Viện không thể chủ động trong các chương trình khảo sát và khai quật.
Trước khi được trang bị tàu Nurian, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Hàn Quốc cũng có một con tàu để khai quật gọi là tàu Kayang, song đây không phải là con tàu chuyên dụng của ngành khảo cổ dưới nước.
Đến năm 2012, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc đã được trang bị 1 con tàu chuyên dụng để khai quật khảo cổ học dưới nước đầu tiên có tên là Nurian. Thân tàu dài 34,6 m, trọng lượng 290 tấn, tải trọng 600 tấn, mớn nước 2,9 mét. Hệ thống động cơ tàu sử dụng nhiên liệu dầu diesel, hệ thống 4 neo và phụ trợ 4 cuộn dây tời. Tàu có kho lưu trữ hiện vật tạm thời, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng họp... Trên boong tàu có cần cẩu, buồng giảm áp, thang máy đa năng, máy tạo khí và thiết bị chuyên dụng khác cho công tác khảo cổ học dưới nước. Đáng chú ý, ngoài các thiết bị lặn còn có buồng tạo khí với các ống lặn sử dụng các nguồn cung cấp không khí đôi cho độ an toàn cao hơn cùng với hệ thống thông tin liên lạc có thể tương tác bằng giọng nói, các cuộc gọi video, dễ dàng để quan sát bề mặt kiểm soát. Nhờ vậy, thời gian làm việc dưới nước được kéo dài và chất lượng khai quật được nâng cao. Hoạt động lặn dưới nước phối hợp linh hoạt cơ động, đội thợ lặn luôn thực hiện công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tàu khai quật Nurian
Bên cạnh tàu Nurian, Viện Nghiên cứu còn có một con tàu thăm dò tên gọi Seamuse. Tàu dài 18 mét, nặng 18 tấn, có nhiệm vụ chuyên đi khảo sát và thăm dò các vị trí có dấu tích tàu đắm trên các vùng biển có tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước.
6.Một vài nhận xét
Như vậy có thể thấy, công tác nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước của Hàn Quốc được hình thành tương đối muộn nhưng đã có những thành tựu đáng kể. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nghiên cứu khảo cổ học dưới nước Hàn Quốc được đầu tư mạnh mẽ về cả vật chất và nhân lực. Có được điều này một phần do Hàn Quốc là nước có nền kinh tế phát triển của thế giới. Song cũng phải nhìn nhận thực tế xuất phát điểm của họ là từ những năm 70 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, họ vẫn có những đầu tư xứng đáng cho khảo cổ học dưới nước.
Ở thời điểm hiện tại, với điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với Hàn Quốc những năm 70 của thế kỷ trước nhưng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam, theo nhận định trên báo điện tử VOV.VN của PGS.TS. Tống Trung Tín (Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam), vẫn ở tình trạng “ba không”: không chuyên gia, không thiết bị, không kinh phí. Điều này không phải do các nhà khảo cổ học, mà là do các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức (Mai Lan 2012).
Khảo cổ học dưới nước của Việt Nam bắt đầu kể từ năm 1990 với cuộc khai quật tàu cổ Hòn Cau thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hơn 20 năm qua, chúng ta khai quật được 6 con tàu đắm: Hòn Cau (1990 - 1991); Hòn Dầm (1991); Cù Lao Chàm (1997-1999); Cà Mau (1998-1999); Bình Thuận (2001-2002); Bình Châu (2013), nhưng chủ yếu công việc khai quật do các thợ lặn nước ngoài hoặc trong nước tiến hành chứ thực sự chưa có các nhà khảo cổ học dưới nước với các trang thiết bị chuyên dụng và kỹ năng khai quật khảo cổ học dưới nước tiến hành.
Theo các chuyên gia khảo cổ, hiện tại, trên biển Việt Nam có khoảng 40 con tàu cổ bị đắm có thể trục vớt, khai quật. Còn trong các lòng sông, số tàu thuyền cổ ước tính lên tới hàng nghìn. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang gấp rút chuẩn bị cho khai quật một con tàu đắm ở vùng biển Dung Quất (Quảng Ngãi) với mong muốn sử dụng tối đa nguồn lực trong nước. Hy vọng, đây sẽ là con tàu đắm đầu tiên được khai quật thành công do chính các nhà khảo cổ học trong nước trực tiếp thực hiện.
Chu Mạnh Quyền
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Kwon Mee-yoo 2016. Bí mật bị lãng quên dưới tàu đắm Shinan (Forgotten treasures of Shinan shipwreck). Bài đăng trên website http://www.koreatimes.co.kr/www/art/2017/04/691_210504.html
2.Lee Myong-ok 2016. Khám phá từ con tàu đắm Shinan (Discoveries from the Sinan Shipwreck), Museum Collections, II, Bảo tàng Quốc gian Hàn Quốc, tr. 223-225.
3.Mai Lan 2012, Bao giờ Việt Nam có khảo cổ học dưới nước? Báo điện tử VOV.VN (http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/bao-gio-viet-nam-co-khao-co-hoc-duoi-nuoc-226992.vov)
4.Moon Whan-suk. Giới thiệu về việc bảo tồn các hiện vật hàng hải ở Hàn Quốc (The Introduction of Conservation Treatment of Maritime Artifacts in Korea). Bài viết trên trang web http://www.themua.org/collections/files/ori-ginal/63e22f71d8e655f69b515459b0ce444e.pdf
5.Trang thông tin của Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc. http://www.seamuse.go.kr
6.Triệu Triết Hạo (赵哲昊) 2016. Bảo tồn di sản văn hóa dưới nước của Hàn Quốc sau cuộc khai quật tàu Shinan (后新安船时代的韩国水下文化遗产保护). Báo Văn vật Trung Quốc (中国文物报), Số ngày 26/02/2016, tr. 6