Thứ Ba, 05/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/06/2018 05:04 2863
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đồ gốm là một trong những tiêu chí quan trọng khi nghiên cứu đời sống vật chất cũng như tinh thần của các cư dân Tiền sử. Trình độ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ của người xưa được thể hiện rất rõ thông qua các sản phẩm gốm họ làm ra nhằm mục đích phục vụ đời sống hàng ngày và trao đổi với các cư dân khác cùng thời. Những cư dân ở mỗi vùng khác nhau, từng giai đoạn khác nhau đều tạo ra những đồ gốm mang tính đặc trưng riêng của từng cộng đồng.

Đồ gốm là một trong những tiêu chí quan trọng khi nghiên cứu đời sống vật chất cũng như tinh thần của các cư dân Tiền sử. Trình độ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ của người xưa được thể hiện rất rõ thông qua các sản phẩm gốm họ làm ra nhằm mục đích phục vụ đời sống hàng ngày và trao đổi với các cư dân khác cùng thời. Những cư dân ở mỗi vùng khác nhau, từng giai đoạn khác nhau đều tạo ra những đồ gốm mang tính đặc trưng riêng của từng cộng đồng.

Đồ gốm Việt Nam ra đời từ sơ kỳ thời đại Đá mới thuộc văn hoá Hòa Bình - Bắc Sơn [Nguyễn Kim Dung 1983: 22 - 35]. Một chứng cứ khá chắc chắn của gốm sớm phát hiện trong địa tầng hang Mòi (Tràng An, Ninh Bình) có niên đại khoảng 9.000 năm BP. Qua quá trình phát triển đồ gốm giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật tạo hình và trang trí hoa văn. Đây là một trung tâm phát triển độc lập, nhưng có mối quan hệ đa chiều với các nền văn hóa đồng đại và lịch đại.

1.Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên trong mối quan hệ đồng đại

Cùng song song tồn tại và phát triển với văn hóa Phùng Nguyên là các nền văn hóa khác như văn hóa Hà Giang, Mai Pha, Hạ Long, Hoa Lộc, các nhóm di tích Gò Mả Đống, Gò Con Lợn, Cồn Chân Tiên… phân bố trên các khu vực khác nhau.

1.1. Đồ gốm các văn hóa khu vực miền núi phía Bắc

1.1.1. Văn hoá Hà Giang

Các di tích phân bố tập trung ở vùng núi các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên và Yên Bái. Chất liệu gốm Hà Giang thường có pha cát và các hạt thạch anh, cát mi ca óng ánh, bên ngoài áo gốm bôi thổ hoàng nhưng do lớp áo mỏng, hay bong nên tạo cảm giác mặt áo gốm sần sùi. Loại hình có đồ đựng đáy tròn có chân đế, bát bồng... và đã xuất hiện chạc gốm. Hoa văn trang trí gồm các họa tiết khắc vạch đường cong hình chữ S nối đuôi nhau theo băng ngang trên nền trơn ở phần vai hoặc trên nền thừng ở phần bụng đồ đựng. Ngoài các họa tiết chữ S đầu lõm giống họa tiết chữ S thường gặp trên đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên, trên đồ gốm văn hoá Hà Giang còn gặp các họa tiết khắc vạch dạng những đường vòng cung có khi sắp xếp thành hình gân lá, có khi úp vào nhau thành hình chiếc lá trang trí ngoài thành miệng, một số mảnh chân đế trang trí văn trổ lỗ hình tam giác [Hà Văn Tấn 1998].

Qua một số phân tích về đồ gốm, chúng ta đã nhận thấy một số dấu hiệu về mối quan hệ về đồ gốm, đặc biệt là hoa văn trang trí trên đồ gốm giữa hai văn hoá Phùng Nguyên và Hà Giang. Tuy nhiên xét về góc độ kỹ thuật tạo hoa văn thì hoa văn trên gốm Phùng Nguyên phong phú, độc đáo và mang tính thẩm mỹ cao hơn hoa văn trang trí trên gốm Hà Giang. “Cư dân văn hóa Phùng Nguyên và cư dân văn hóa Hà Giang có sự ảnh hưởng qua lại với nhau, với mức độ đậm nhạt khác nhau. Điều này có thể được giải thích bởi vai trò của sông Lô và sông Hồng là những dòng chuyển tải văn hóa cổ, ngược xuôi giữa hai vùng trung du và miền núi” [Hà Giang thời Tiền sử 2000: 229]

1.1.2. Văn hoá Mai Pha

 

Các di tích thuộc văn hóa này phân bố trong phạm vi địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tiêu biểu là hai di tích Mai Pha và Ba Xã. Chất liệu gốm văn hoá Mai Pha làm từ đất sét pha bã thực vật, trộn với cát thạch anh và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ, xương mịn. Đa số gốm có màu đỏ gạch, một số có màu đen do ám khói khi nung hoặc do quá trình đun nấu để lại dấu vết, một vài mảnh có màu đen bóng có thể được tạo bởi một loại nhựa cây hoặc một chất keo nào đó. Kỹ thuật miết láng và tô thổ hoàng rất phổ biến trong gốm văn hoá Mai Pha (14,5% gốm tô thổ hoàng, 92,8% gốm miết láng). Hoa văn gồm các loại văn thừng, văn chải, văn khắc vạch kết hợp trổ lỗ... Văn khắc vạch kết hợp trổ lỗ có nhiều mô típ phong phú là hoa văn đặc trưng của đồ gốm Mai Pha. Nét độc đáo của hoa văn gốm Mai Pha chính là văn khắc vạch hình hoa thị kết hợp trổ lỗ trang trí ở chân đế đồ gốm. Bên cạnh đó còn có các mô típ hoa văn khắc vạch hình chữ thập - có thể đó là biến thể của hoa văn hình hoa thị chuyển từ nét cong sang nét thẳng. Kiểu hoa văn hình hoa thị có lỗ thủng ở giữa cánh và nhụy hoa cùng mô típ hình chữ thập giữa có trổ lỗ rất độc đáo, hầu như không xuất hiện trong hoa văn gốm tiền sử nước ta [Nguyễn Văn Cường 2002].

Giữa gốm văn hoá Mai Pha và gốm văn hoá Phùng Nguyên có sự tương đồng về hoa văn được trang trí trên loại hình bát bồng. Trên bát bồng gốm văn hoá Phùng Nguyên là những hoạ tiết hoa văn khắc vạch kết hợp chấm dải mịn, đi cùng nó là các băng dải cuống rạ. Trên đồ gốm văn hoá Mai Pha, kỹ thuật trang trí khắc vạch trổ thủng cũng thể hiện nhiều ở chân đế bát bồng. Hoa văn khắc vạch trên chân đế bát bồng thường được tạo bởi hai hoặc ba đường thẳng, đường cong song song nhau kiểu khuông nhạc, các lỗ thủng có hình hạt đậu, hình tròn, hình chữ nhật. Sự kết hợp giữa các loại lỗ thủng với các hình khắc vạch tạo ra các họa tiết khác nhau, tiếp nối nhau thành băng trên chân đế đồ gốm.

1.2. Đồ gốm các di tích trung du và đồng bằng Bắc bộ (Nhóm di tích Gò Mả Đống - Gò Con Lợn)

Đây là những di tích phân bố xen kẽ trong địa bàn cư trú của cư dân Phùng Nguyên nhưng mang những đặc trưng văn hóa khác Phùng Nguyên.

Chất liệu gốm của nhóm di tích này thường thô, pha nhiều cát hạt to và sạn sỏi, độ nung thấp, xương gốm đen, bên ngoài màu nhạt hơn. Tuy nhiên trong đồ gốm di chỉ Quang Húc có một số mảnh gốm có lớp áo ngoài mịn nhẵn, láng bóng, một số mảnh trang trí hoa văn khắc vạch [Hà Văn Tấn 1999: 63].

Đồ gốm Đoan Thượng chất liệu thô, pha cát và sạn sỏi, độ nung thấp, xương gốm đen, lớp ngoài màu xám và đỏ nhạt, trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp in chấm nhưng khác phong cách hoa văn khắc vạch đồ gốm Phùng Nguyên [Hà Văn Phùng, Ngô Sĩ Hồng 1979], [Hà Văn Tấn 1999: 80]. Đồ gốm Mả Đống gồm hai loại chất liệu gốm chắc và gốm xốp. Gốm chắc làm từ đất sét pha cát thô và sạn sỏi nghiền nhỏ. Hoa văn chủ yếu là văn thừng trang trí thành băng rộng giới hạn trong hai đường chỉ chìm hay hai đường văn in chấm lõm, chạy quanh thân. Hoa văn khắc vạch bằng que đầu nhọn hoặc hoa văn khuông nhạc. Hoa văn đơn giản, không xuất hiện những đồ án hoa văn phức tạp hay những họa tiết đối xứng như hoa văn đồ gốm Phùng Nguyên [Hà Văn Tấn 1997].

Hoa văn trang trí trên đồ gốm Gò Mả Đống có những đường nét phóng khoáng của hoa văn đồ gốm Hoa Lộc và văn khuông nhạc đặc trưng của đồ gốm văn hóa Đồng Đậu. Theo Phạm Lý Hương: “Tuy không tìm thấy gốm Phùng Nguyên đích thực ở Mả Đống, nhưng có thể tìm thấy bóng dáng ảnh hưởng nhất định của gốm Phùng Nguyên trên gốm Mả Đống hoặc những nét gần gũi giữa chúng... Hoa văn khắc vạch kết hợp văn thừng trên nền trơn miết bóng nói riêng và kỹ thuật miết bóng mặt ngoài đồ gốm nhiều làm nổi các đường nét hoa văn khắc vạch có mặt ở cả Phùng Nguyên (đặc biệt là vào giai đoạn Gò Bông), Mả Đống, Hoa Lộc, Thạch Lạc (giai đoạn muộn)” [Phạm Lý Hương 1991: 29 - 38].

Hoa văn đồ gốm Mả Đống có ảnh hưởng rõ nét của hoa văn gốm Phùng Nguyên, đó là hoa văn khắc vạch hình chữ S. Đây là những mô típ người Hoa Lộc không sử dụng. Tuy nhiên mô típ chữ S của gốm Mả Đống được tạo bằng que nhiều răng. Không phủ nhận hoa văn khắc vạch hình chữ S trên gốm Mả Đống chiụ ảnh hưởng của hoa văn chữ S trên gốm Phùng Nguyên [Hà Văn Tấn 1999: 93].

Trên một vài mảnh gốm ở Gò Ghệ và Gò Dạ (Phú Thọ) có trang trí hoa văn ấn lỗ kiểu Hoa Lộc. Có ý kiến cho rằng người Gò Ghệ, Gò Dạ đã trao đổi đồ gốm đó với chính người Gò Con Lợn ở cách họ không quá 1 ki lô mét. Đáng tiếc là đồ gốm ở chính di tích Gò Con Lợn lại không có điều kiện nghiên cứu đầy đủ. Mặt khác ở gốm Gò Mả Đống, hoa văn khuông nhạc truyền thống Hoa Lộc đã được vẽ trên nền thừng. Cư dân Thạch Lạc và Hoa Lộc không biết đến những chiếc chạc gốm và ở Mả Đống rất hiếm gặp, nhưng ở Đoan Thượng lại khá phổ biến [Hà Văn Tấn 1999: 93]. Thông qua đồ gốm có thể nhận thấy cư dân Phùng Nguyên và Mả Đống có mối liên hệ tiếp xúc và ảnh hưởng qua lại.

Về mối quan hệ văn hóa của nhóm di tích Mả Đống - Gò Con Lợn với các văn hóa khác, đại đa số các nhà khảo cổ học cho rằng đây là mối quan hệ mang tính chất đa chiều. Trong đó với Hoa Lộc là mối quan hệ nguồn gốc chủ thể, với Hạ Long là mối quan hệ của một bộ phận hợp thành văn hóa, với Phùng Nguyên là mối quan hệ láng giềng. Mối quan hệ cuối cùng này ngày càng phát triển [Hà Văn Tấn 1999: 95].

1.3. Đồ gốm văn hóa Hạ Long

Các di tích văn hóa Hạ Long tập trung ở vùng ven bờ biển và hải đảo kéo dài từ Móng Cái đến vùng vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh và vùng đảo Cát Bà (Hải Phòng). Đồ gốm văn hóa Hạ Long khá phong phú và mang những đặc trưng riêng biệt. Gốm văn hóa Hạ Long gồm hai chất liệu: Gốm xốp mỏng, nhẹ, làm từ đất sét pha nhiều vụn vỏ nhuyễn thể và gốm chắc làm từ đất sét có pha cát.

Ký thuật làm gốm văn hóa Hạ Lonng tương đương kỹ thuật làm gốm văn hóa Phùng Nguyên, tạo hình bằng bàn xoay và có sử dụng kỹ thuật bàn đập - hòn kê.

Số lượng gốm có trang trí hoa văn không nhiều (khoảng 25 - 30% tổng số mảnh gốm thu được), chủ yếu là văn thừng thô và thừng mịn. Hoa văn trang trí gồm hoa văn khắc vạch (chữ S đơn, chữ S kép, sóng nước, ô trám, trổ thủng, đắp nổ, in ấn vỏ sò…). Hoa văn khắc vạch hình chữ S khá phổ biến trên đồ gốm Hạ Long nhưng đường vạch thường khác và không cầu kỳ như những họa tiết chữ S trên đồ gốm Phùng Nguyên.

Văn đai đắp nổi, trổ thủng ở chân đế đồ đựng là nét đặc trưng của gốm văn hoá Hạ Long. Trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên cũng xuất hiện loại hoa văn này nhưng không phong phú và đa dạng như gốm văn hóa Hạ Long.

Kỹ thuật tô thổ hoàng khá phổ biến trên gốm Hạ Long, nhưng do chất liệu gốm xốp, bề mặt lỗ rỗ do pha vụn vỏ nhuyễn thể cộng với môi trường biển nên mặt ngoài của gốm đa số đã bị bong nên những dấu vết của thổ hoàng còn lại mờ nhạt [Hà Văn Tấn 1997].

1.4. Với đồ gốm các văn hóa, di tích vùng Bắc Trung bộ

1.4.1. Văn hoá Hoa Lộc

Các di tích thuộc văn hóa này phân bố ở đồng bằng ven biển tỉnh Thanh Hoá. Các nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa này thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới [Phạm Văn Kỉnh, Quang Văn Cậy 1976: 120 - 126] nhưng cũng có người xếp vào thời đại đồng thau trong hệ thống các văn hóa tiền Đông Sơn [Phạm Văn Đấu 1999].

Chất liệu gốm văn hoá Hoa Lộc gồm gốm cứng mịn và thô xốp, làm từ đất sét pha cát có lẫn ít tạp chất. Loại hình phong phú, gồm các loại nồi, bình, bát, âu, liễn, chậu, hộp. Về mặt loại hình, gốm Hoa Lộc đa dạng hơn gốm Phùng Nguyên (miệng đa giác, cong khum, loe võng, trang trí hình thú ở các góc đa giác, các loại hộp gốm, con dấu gốm, khuyên tai đất nung).

Hoa văn trang trí mang tính hình học, kết hợp thành băng, có sự đối xứng khá chặt chẽ. Hoa văn tiêu biểu như đồ án những hình thảo mộc (hoa, quả, cây), hình tượng động vật (chim, tôm, cá), đồ án những hình tam giác, đồ án những hình tứ giác, đồ án hình tam giác và tứ giác kết hợp, đồ án những đoạn thẳng hay những đoạn gấp khúc, đồ án những đường cong, đồ án chữ S [Phạm Văn Đấu 1999].

Nếu như hoa văn gốm Phùng Nguyên chặt chẽ, hài hoà cân đối, thì hoa văn gốm Hoa Lộc mang tính phóng khoáng hơn, thể hiện tư duy và lối sống của một cư dân vùng biển, của những con người quen vẫy vùng trong khoảng trời và sóng nước bao la. Hoa văn gốm Phùng Nguyên có đặc trưng là các băng chấm dải mịn, các đồ án chữ S hoặc những đường cong mềm mại trên nền miết bóng thì hoa văn trên gốm Hoa Lộc lại thiên về dạng hình học như các hình tam giác, hình thoi, hình bình hành. Những hoa văn đặc trưng của gốm Hoa Lộc như hoa văn hình bọ gậy, hoa văn giọt nước cũng lác đác xuất hiện trong đồ gốm một số di chỉ thuộc văn hoá Phùng Nguyên như Gò Ghệ, Gò Dạ [ Hà Văn Tấn 1978: 121 - 124]. Đây có thể là sự giao lưu trao đổi giữa các cư dân cùng thời. Mối liên hệ giữa cư dân văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Hoa Lộc rất rõ nét.

 1.4.2. Nhóm di tích Cồn Chân Tiên

Cồn Chân Tiên là di tích mở đầu thời đại kim khí ở lưu vực sông Mã. Đồ gốm Cồn Chân Tiên có những nét tương đồng đồ gốm các di tích văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Hoa Lộc. Chất liệu gồm hai loại: gốm mịn, màu đỏ, xương cứng (76%) và gốm thô, màu xám hoặc đen, xương xốp (24%). Hoa văn trang trí là những đồ án hình giọt nước, bọ gậy, vỏ sò, hình sin... Đồ án hoa văn đồ gốm Cồn Chân Tiên bố cục theo từng băng dải rất gần gũi với  phong cách sắp xếp hoa văn trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên [Hà Văn Tấn 1999: 164].

Theo Phạm Minh Huyền, nhóm di tích Cồn Chân Tiên và văn hóa Phùng Nguyên có sự tương đồng về thời đại, về trình độ kỹ thuật chế tác đồ đá, đồ gốm và có mối quan hệ khá chặt chẽ. Đồ gốm Cồn Chân Tiên xuất hiện nhiều đồ án hoa văn giống hệt hoa văn trang trí trên gốm Phùng Nguyên [Phạm Minh Huyền 2001: 211- 218].

1.4.3. Nhóm di tích Đền Đồi

Di tích Đền Đồi thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn vùng lưu vực sông Cả. Đồ gốm Đền Đồi làm từ đất sét có pha cát, loại hình gồm các đồ đựng như vò, bát, bình, bát bồng và đồ đun nấu. Trên đồ gốm thô, kích thước lớn có trang trí hoa văn khắc vạch đơn giản. Trên đồ gốm mịn, kích thước nhỏ và bát bồng có trang trí hoa văn khắc vạch khép kín trong có văn chải hoặc in chấm [Bùi Vinh 1984: 31 - 32].

Gốm mịn di chỉ Đền Đồi giống gốm di chỉ Gò Bông với lối trang trí khắc vạch hoặc miết láng trên nền văn thừng. Sự tương đồng ở họa tiết chữ S kiểu Gò Bông hoặc nhiều kiểu trang trí khác cũng thấy rõ ở gốm Đền Đồi như khắc vạch hoặc miết láng trên gốm văn thừng, văn chải, in chấm ở họa tiết khắc vạch khép kín… [Hà Văn Tấn 1997: 197].

1.4.4. Văn hóa Bàu Tró

 

Các di tích thuộc văn hóa Bàu Tró phân bố dọc đồng bằng ven biển Bắc Trung Bộ thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Đồ gốm phát hiện được ở hầu hết các di tích với số lượng lớn.  Đồ gốm Bàu Tró chủ yếu là gốm thô làm từ đất sét pha cát và bã thực vật (gốm thô chiếm 95%) và một số ít gốm mịn (khoảng 5%). Đồ gốm tạo bằng bàn xoay và bàn đập - hòn kê kết hợp nặn tay và kỹ thuật bàn xoay chỉ là bổ trợ. Đây là phong cách riêng trong kỹ thuật tạo hình đồ gốm của cư dân Bàu Tró [Phạm Thị Ninh 2000: 110].

Loại hình đồ gốm đa dạng gồm các loại nồi, bình, bát, đĩa, đồ gốm có tai, cốc chân cao, bát bồng... Hoa văn gồm các loại văn thừng, văn chải, khắc vạch, in chấm, văn khuông nhạc trên nền thừng, kỹ thuật miết láng và tô màu thành băng trên mặt ngoài đồ gốm kết hợp với các họa tiết trang trí khác, khiến người xem liên tưởng ngay đến sự gần gũi tương đồng với kỹ - nghệ thuật trang trí trên đồ gốm Phùng Nguyên [Phạm Thị Ninh 2000].

Điểm lại các tư liệu về đồ gốm thuộc bình tuyến hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí trên đây đã cho thấy rằng đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên bên cạnh những nét đặc trưng riêng biệt, chúng còn có mối quan hệ đa chiều với đồ gốm các nền văn hóa hoặc các nhóm di tích có tính chất tương đồng khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam.

Mở rộng về phía Bắc chúng ta còn thấy đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên còn có mối quan hệ với đồ góm vùng Hoa Nam, đặc biệt là miền đất Điền cổ đại [Trình Năng Chung 2009]. Trong sưu tập hiện vật di chỉ Đại Hoa Trạch, Đại Tôn Tử (Vân Nam) có những loại hình hiện vật giống gốm văn hóa Phùng Nguyên như dọi se sợi hình chóp nón. Những đồ gốm trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp chấm dải của di chỉ Đại Tôn Tử rất gần phong cách hóa văn gốm văn hóa Phùng Nguyên. Tuy nhiên giữa Phùng Nguyên và Đại Tôn Tử cũng có những khác biệt như các mô típ trang trí gốm Phùng Nguyên phong phú hơn Đại Tôn Tử, ngược lại gốm văn hóa Phùng Nguyên không có gốm màu vàng chanh kiểu gốm Đại Tôn Tử.

Một loại hình di vật gốm độc đáo trong văn hóa Phùng Nguyên cũng như thời đại kim khí ở Việt Nam là chạc gốm cũng xuất hiện trong các di chỉ thuộc khu vực trung du và hạ du của sông Hoàng Hà và Trường Giang. Đây cũng là một cứ liệu phản ánh mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa hai khu vực Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc.

2.Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên trong mối quan hệ lịch đại

Thời đại đồ đồng Việt Nam được đánh dấu bằng sự phát triển liên tục của chuỗi các nền văn hóa Tiền Đông Sơn. Các văn hóa từ Phùng Nguyên qua Đồng Đậu đến Gò Mun phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Hồng, vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Các nền văn hóa sau đó một mặt kế thừa những nét đặc trưng của đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên, một mặt sáng tạo ra những đồ gốm mang phong cách mới. Tuy có những nét riêng biệt mang tính đặc trưng của từng văn hóa nhưng “sự khác biệt giữa các văn hóa Tiền Đông Sơn không hề phá vỡ tính liên tục giữa chúng ” [Hà Văn Tán 1975: 22 - 35].

2.1. Đồ gốm văn hóa Đồng Đậu

Đồng Đậu là nền văn hóa tiếp nối văn hoá Phùng Nguyên, địa bàn phân bố trùng khít với địa bàn gốc của văn hóa Phùng Nguyên. Gốm Đồng Đậu bắt nguồn trực tiếp từ gốm Phùng Nguyên nhưng phát triển cao hơn và có nhiều cải tiến kỹ thuật trong khâu chọn chất liệu, nâng cao nhiệt độ nung và có nhiều loại hình mới so với gốm Phùng Nguyên.

Đồ gốm Đồng Đậu thô, cứng, làm từ đất sét pha cát thô, thành gốm dày đều, gốm nặng, ít thấm nước, độ nung khoảng 800ºC. Chất liệu và độ nung gốm Đồng Đậu tốt hơn và cao hơn gốm Phùng Nguyên [Hán Văn Khẩn 1996].

Loại hình đồ gốm giai đoạn Đồng Đậu không khác nhiều so với đồ gốm giai đoạn Phùng Nguyên, vẫn cơ bản là nồi, bình, vò, bát, dọi se sợi, chạc gốm, bi gốm, tượng động vật... Tuy nhiên có một điểm mới là xuất hiện các loại khuôn đúc đồng, nồi nấu đồng. Đồ gốm Đồng Đậu có những chiếc vò kích thước rất lớn, thành gốm dày, phần miệng mở rộng, trang trí hoa văn phức tạp tuy không phổ biến nhưng đã tạo nên nét đặc trưng của  gốm văn hóa Đồng Đậu [Lê Xuân Diệm 1970: 154 - 166]. 

Một số loại hình di vật đã xuất hiện trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên nhưng đến giai đoạn Đồng Đậu đã có chuyển biến như: Số lượng tượng động vật phát hiện được nhiều hơn, thể hiện rõ tính hiện thực sinh động mà chủ nhân muốn phác họa hình ảnh của những loài động vật gần gũi xung quanh đời sống của mình. Chạc gốm Đồng Đậu bên cạnh những nét tương đồng chạc gốm Phùng Nguyên như có chân phụ, có lỗ xuyên… đã có những sự phát triển khác như xuất hiện hoa văn in lăn trên chân chạc. Đồ gốm văn hóa Đồng Đậu ngoài các kiểu miệng loe, miệng khum, miệng thẳng như đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên, xuất hiện các loại miệng gãy cong và gãy góc sau này trở thành một trong những đặc trưng của gốm Đồng Đậu. Đồ đựng có chân đế cũng có số lượng lớn hơn so với đồng loại trong văn hóa Phùng Nguyên. Loại hình đồ gốm văn hóa Đồng Đậu có sự kế thừa và phát triển sáng tạo trên nền tảng cơ bản loại hình đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên.

Hoa văn có sự biến chuyển rõ nét với văn thừng thô chiếm tỷ lệ cao hơn so với văn thừng mịn, văn chải một mặt tiếp thu kỹ thuật tạo văn chải truyền thống từ giai đoạn Phùng Nguyên, với các vệt chải đan xen, chồng chéo hoặc trùng nhau… Tuy nhiên dạng văn chải này ở Đồng Đậu có sự cách tân với những kiểu khuông nhạc đa dạng gồm văn chải khuông nhạc hình chữ S nằm ngang, hình chữ S đứng, chữ S xuôi, nằm nghiêng, liền nét tạo thành các băng chữ S liên tục, khuông nhạc hình sóng nước, khuông nhạc hình dải quạt. Có thể nói cư dân văn hóa Đồng Đậu đã tiếp thu tinh hoa nghề gốm văn hóa Phùng Nguyên một cách linh hoạt và sáng tạo. Một số hoa văn mới xuất hiện và trở thành đặc trưng hoa văn giai đoạn văn hóa Đồng Đậu như văn dấu đan, khuông nhạc… [Hoàng Thúy Quỳnh 2005: 69].

Kỹ thuật chế tạo đồ gốm giai đoạn văn hóa Đồng Đậu không khác biệt nhiều so với giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Phương tiện và thủ pháp tạo hoa văn gốm Đồng Đậu về cơ bản vẫn giống như đồ gốm Phùng Nguyên. Hoa văn gốm Đồng Đậu không còn những đồ án hoa văn khắc vạch chấm dải mang tính đối xứng phức tạp điển hình của hoa văn gốm Phùng Nguyên mà là những đường khắc chìm đơn giản, những đường cong đoạn thẳng cắt nhau không theo một nguyên tắc [Hoàng Xuân Chinh, Trần Anh Dũng 2003: 50].

 

Thủ pháp tạo văn thừng cũng khác giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Những vệt thừng trên đồ gốm Đồng Đậu đập sâu và theo chiều dọc đồ gốm. Hoa văn in vòng tròn vẫn được tạo bằng đầu những ống tay tre, nứa, ấn từng hàng trên thành miệng hoặc phần vai đồ gốm, nhưng hiếm khi trang trí riêng lẻ mà thường kết hợp hoa văn khắc vạch hoặc các mô típ hoa văn khác [Hán Văn Khẩn 2006], [Hà Văn Tấn và cộng sự 1970: 123 - 126].

Sự biến đổi từ văn hóa Phùng Nguyên sang Đồng Đậu qua hoa văn trang trí trên đồ gốm khá rõ nét. Người Đồng Đậu dường như không trang trí hoa văn theo lối đơn lẻ mà thường có sự kết hợp làm tăng thêm tính phong phú và đa dạng của hoa văn trên đồ gốm. Nguyễn Khắc Sử đã nhận xét: “Nhìn vào hoa văn trang trí trên đồ gốm Đồng Đậu, chúng ta có cảm giác chung là phóng khoáng, uyển chuyển, mang tính nhịp điệu đều như sóng nước, mà ít có sự chặt chẽ, đăng đối như Phùng Nguyên” [Nguyễn Khắc Sử 2001: 23].

2.2. Đồ gốm văn hóa Gò Mun

Gò Mun là văn hóa kế thừa và tiếp nối của văn hoá Đồng Đậu. Đồ gốm Gò Mun được làm từ đất sét pha trộn thêm khá nhiều cát, độ nung 800°C - 900°C, hàm lượng ôxit nhôm cao nên chất gốm dẻo quánh, chịu được nhiệt độ cao. Tỷ lệ ôxit sắt thấp nên có tính chịu nén, chịu được tác dụng nhất định cơ học [Hà Văn Phùng, Ngô Sĩ Hồng 1979].

Chất liệu gốm Gò Mun có sự khác nhau ở giai đoạn sớm và muộn. Giai đoạn sớm gốm làm từ đất sét pha cát thô, thành dày (0,7cm - 0,8cm), gốm chắc, nặng, rất cứng, thường có màu xám. Giai đoạn muộn gốm làm từ đất sét pha cát mịn hơn, thành gốm mỏng hơn (0,5cm - 0,6cm), rất cứng, màu xám nhạt và hồng [Phạm Lý Hương 2004: 429 - 449]. So về chất liệu, gốm Gò Mun có những ưu điểm vượt trội về độ bền chắc và tính thực dụng hơn gốm Phùng Nguyên và Đồng Đậu. Gốm Gò Mun cứng hơn, độ chống ẩm, chống thấm tốt hơn gốm Phùng Nguyên và Đồng Đậu [Hoàng Xuân Chinh, Trần Anh Dũng 2003: 52].

Chất liệu gốm từ văn hóa Phùng Nguyên qua Đồng Đậu và đến Gò Mun có sự phát triển theo xu hướng ngày càng thô, cứng do chọn lựa và pha trộn các chất phụ gia. Nếu gốm Phùng Nguyên có nhiều vỏ nhuyễn thể và bã thực vật, thì gốm văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun chất liệu được sàng lọc kỹ hơn, các thành phần tạp chất hạn chế đến mức thấp nhất. Kỹ thuật và nhiệt độ nung gốm ngày càng cao hơn, gốm cứng, chắc hơn, đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong đời sống hàng ngày của cư dân.

Loại hình gốm Gò Mun có sự kế thừa và phát triển trực tiếp từ đồ gốm Phùng Nguyên - Đồng Đậu. Bên cạnh những nét tương đồng cũng có những điểm khác biệt giữa đồ gốm Gò Mun và đồ gốm các giai đoạn văn hóa trước đó. Phần miệng đồ gốm Gò Mun cũng hoàn toàn khác phần miệng đồ gốm Đồng Đậu. Bình miệng loe xiên, cổ ngắn, vai rộng, chân đế cao và loe choãi, thường có trang trí hoa văn đẹp, cầu kỳ ở miệng, vai và chân đế.

Hoa văn trang trí gồm văn lăn - đập thừng, văn chải, văn in nan chiếu, văn in ô vuông, văn đắp nổi, văn in chấm, văn khắc vạch. Văn chải hình khuông nhạc điển hình trong văn hóa Đồng Đậu, sang đến giai đoạn văn hóa Gò Mun không chỉ ít hơn về số lượng, mà đơn điệu hơn cả về đồ án trang trí. Giai đoạn Gò Mun đã vắng mặt các đồ án phức tạp như hình chữ S, hình thừng bện... mà phổ biến là loại văn làn sóng nhẹ gồm 3 - 4 đường chải ở phần cổ hiện vật, phía trên văn thừng.

Hoa văn khắc vạch có nhiều đồ án khác nhau và thường có sự kết hợp của những đường thẳng, vạch ngắn, vòng tròn nhỏ, đường gấp khúc, vạch hình chữ V mang tính chất hình học, chủ yếu trang trí ở phía trong của loại miệng gãy, một số cũng được trang trí ở ngoài miệng và cổ. Đây là nét khác biệt với đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên [Hoàng Xuân Chinh 1983: 129]. Hoa văn khắc vạch nhiều về số lượng và đa dạng về mô típ. Chúng thường là sự kết hợp của những đường thẳng, vạch ngắn, đường gấp khúc, vạch chữ V, ô trám lồng, chữ S gấp khúc, vòng tròn nhỏ... mang tính chất hình học [Ngô Thế Phong, Nguyễn Mạnh Thắng 2002: 18 - 58]. Hoa văn trên đồ gốm văn hóa Gò Mun là sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn mỹ thuật và hoa văn trang trí. Nhìn vào hoa văn trang trí trên gốm Gò Mun “có cảm giác cứng cáp, khuôn mẫu, chuẩn xác và đăng đối” [Nguyễn Khắc Sử 2001: 25].

Nghề làm gốm văn hóa Gò Mun về cơ bản vẫn theo các phương pháp truyền thống từ các giai đoạn Phùng Nguyên và Đồng Đậu trước đó, như tạo hình đồ gốm bàn xoay và bằng tay. Tuy nhiên, có những bước tiến đáng kể so với kỹ thuật chế tác gốm văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu. Văn hóa Gò Mun có thể nói là “đã đạt tới trình độ khá cao về mặt kỹ thuật chế tác đồ gốm trong thời đại đồng thau ở Việt Nam và ở một  mức độ nào đó, có thể nói vượt hơn cả kỹ thuật làm gốm của người Đông Sơn sau này” [Hà Văn Phùng 1996: 144].

 

Qua những nghiên cứu so sánh trên, chúng ta nhận thấy đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên có mối quan hệ đồng đại và lịch đại với đồ gốm các văn hóa, các nhóm di tích khác. Thông qua đồ gốm, chúng ta thấy rõ mối quan hệ văn hóa theo các chiều đồng đại và lịch đại, các mối giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa Phùng Nguyên và các văn hóa khác.

Kỹ thuật tạo hình và tạo hoa văn đồ gốm Phùng Nguyên là nền tảng cơ bản cho sự phát triển về kỹ thuật, mỹ thuật của đồ gốm các giai đoạn văn hóa kế tiếp (văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun). Bên cạnh đó, đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên (đặc biệt là hoa văn trang trí), góp phần quan trọng minh chứng tính bản địa của văn hóa Đông Sơn. Những mô típ hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn, có một phần không nhỏ kế thừa và phát huy sáng tạo của người thợ gốm Phùng Nguyên. Hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên là một trong những yếu tố góp phần tạo nên nghệ thuật đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn.

TS.Bùi Thị Thu Phương

 

TÀI LIỆU DẪN

1.Hà Giang thời Tiền sử 2000. Sở VHTT - TT Hà Giang xuất bản.

2.Hoàng Xuân Chinh, Trần Anh Dũng 2003. Vĩnh Phúc - Gốm và nghề gốm truyền thống, Sở VHTT - TT Vĩnh Phúc xuất bản.

3.Trình Năng Chung 2009. Mối quan hệ văn hóa thời Tiền sử giữa Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Nxb.KHXH, Hà Nội.

4.Nguyễn Văn Cường 2002. Văn hoá Mai Pha. Sở VHTT Lạng Sơn xuất bản. 

5.Lê Xuân Diệm 1970. Văn hóa Đồng Đậu một bước phát triển văn hóa thời Hùng Vương. Khảo cổ học số 7 - 8: 154 - 166.

6.Lê Xuân Diệm, Hoàng Xuân Chinh 1983. Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu. Nxb. KHXH, Hà Nội.

7.Nguyễn Kim Dung 1983. Hai hệ thống gốm trong thời đại đá Việt Nam. Khảo cổ học số 1: 22 - 35.

8.Phạm Văn Đấu 1999. Văn hoá Hoa Lộc. Nxb. VHTT, Hà Nội.

9.Phạm Minh Huyền 2001. Giai đoạn văn hóa Cồn Chân Tiên ở Thanh Hóa và mối quan hệ với văn hóa Phùng Nguyên. Tìm hiểu văn hóa Phùng Nguyên, Sở VHTT - TT Phú Thọ: 211 - 218.

10.Phạm Lý H­ương 1991. Gốm Mả Đống và những mối quan hệ của nó. Khảo cổ học số 3: 29 - 38.

11.Phạm Lý Hương 2004. Nghiên cứu gốm Tiền sử - Sơ sử Việt Nam trong thế kỷ XX: Những hiểu biết căn bản. Một thế kỷ KCH Việt Nam. Nxb. KHXH. Hà Nội: 429 - 449.\

12.Hán Văn Khẩn 1996. Đồ gốm tiền sử và sơ sử ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam: Loại hình, hoa văn và kỹ thuật chế tạo. Tư liệu khoa Lịch Sử, trường Đại học KHXH & NV.

13.Hán Văn Khẩn 2006. Văn hoá Phùng Nguyên. Nxb. ĐHQG Hà Nội.

14.Phạm Văn Kỉnh, Quang Văn Cậy 1976. Kết quả nghiên cứu hai địa điểm Hoa Lộc và Phú Lộc. NPHMVKCH năm 1975. Nxb. KHXH. Hà Nội: 120 - 126.

15.Phạm Thị Ninh 2000. Văn hóa Bàu Tró. Nxb. KHXH, Hà Nội.

16.Ngô Thế Phong, Nguyễn Mạnh Thắng 2002. Kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu lần thứ 6 (Yên Lạc - Vĩnh Phúc). Thông báo khoa học, Bảo tàng LSVN: 18 - 58.

17.Hà Văn Phùng 1996. Văn hoá Gò Mun. Nxb. KHXH. Hà Nội.

18.Hà Văn Phùng, Ngô Sĩ Hồng 1979. Báo cáo khai quật Đoan Thượng. Tư liệu Viện KCH.

19.Hoàng Thuý Quỳnh 2005. Báo cáo khai quật di chỉ Thành Dền lần thứ IV. Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành KCH. Tư liệu Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH & NV.

20.Nguyễn Khắc Sử 2001. Hoa văn gốm Tiền sử. Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt. Nxb. VHDT. Hà Nội: 13 - 57.

21.Hà Văn Tấn 1975. Văn hoá Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Dân tộc học 1: 22 - 35.

22.Hà Văn Tấn 1978. Gốm kiểu Hoa Lộc ở một số di chỉ văn hoá Phùng Nguyên. NPHMVKCH năm 1977. Nxb. KHXH. Hà Nội: 121 - 124.

23.Hà Văn Tấn 1997. Theo dấu các văn hoá cổ. Nxb. KHXH. Hà Nội

24.Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1998. Khảo cổ học Việt Nam tập I: Thời đại đá. Nxb. KHXH. Hà Nội.

25.Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1999. Khảo cổ học Việt Nam tập II: Thời đại kim khí. Nxb. KHXH. Hà Nội.

26.Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn, Hà Văn Phùng 1970. Thực nghiệm tạo hoa văn trên đồ gốm cổ. Khảo cổ học 7- 8: 123 - 126.

27.Bùi Vinh 1984. Nghệ thuật trang trí hoa văn gốm Đền Đồi - Nghệ Tĩnh. Khảo cổ học 3: 31 - 32.

Nguồn tư liệu bản vẽ sử dụng trong bài: Nguyễn Văn Cường, Phạm Văn Đấu, Phạm Lý Hương, Phạm Thị Ninh, Bùi Vinh.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên trong hệ thống gốm Tiền sử miền Bắc Việt Nam

Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên trong hệ thống gốm Tiền sử miền Bắc Việt Nam

  • 11/06/2018 00:00
  • 6541

Đồ gốm là một trong những tiêu chí quan trọng khi nghiên cứu đời sống vật chất cũng như tinh thần của các cư dân Tiền sử. Trình độ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ của người xưa được thể hiện rất rõ thông qua các sản phẩm gốm họ làm ra nhằm mục đích phục vụ đời sống hàng ngày và trao đổi với các cư dân khác cùng thời. Những cư dân ở mỗi vùng khác nhau, từng giai đoạn khác nhau đều tạo ra những đồ gốm mang tính đặc trưng riêng của từng cộng đồng.