Trưng bày là kênh kết nối giữa nội dung trưng bày với khách tham quan bảo tàng. Trưng bày bảo tàng hiện đại đã và đang dần hướng các hoạt động của mình về cộng đồng, vì cộng đồng và dành cho cộng đồng. Thực tế hoạt động của các bảo tàng cho thấy các trưng bày, dù ngắn hạn hay dài hạn, đều luôn cần có sự đổi mới trong nội dung, kỹ thuật, hình thức thể hiện cũng như cách tiếp cận nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Để thực hiện một trưng bày có hiệu quả tốt với xã hội, bên cạnh một ý tưởng tốt, bảo tàng cũng cần tuân thủ các quy trình khoa học bảo tàng học.
Trưng bày là kênh kết nối giữa nội dung trưng bày với khách tham quan bảo tàng. Trưng bày bảo tàng hiện đại đã và đang dần hướng các hoạt động của mình về cộng đồng, vì cộng đồng và dành cho cộng đồng. Thực tế hoạt động của các bảo tàng cho thấy các trưng bày, dù ngắn hạn hay dài hạn, đều luôn cần có sự đổi mới trong nội dung, kỹ thuật, hình thức thể hiện cũng như cách tiếp cận nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Để thực hiện một trưng bày có hiệu quả tốt với xã hội, bên cạnh một ý tưởng tốt, bảo tàng cũng cần tuân thủ các quy trình khoa học bảo tàng học.
1.Khái niệm Bảo tàng
Thuật ngữ “bảo tàng” (tiếng Anh: Museum) có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, ở thời kỳ này chưa có những hình mẫu của một bảo tàng mà chúng ta biết ngày nay. Thời kỳ đó, các lễ vật được đặt trong các đền thờ, đôi khi trong những nhà kho được xây dựng đặc biệt, mở cửa cho công chúng tham quan và người xem thường phải trả một khoản phí nhỏ. Họ gọi đó là “bảo tàng”.
Bảo tàng với các trưng bày phục vụ công chúng như ngày nay được cho là xuất hiện đầu tiên ở Châu Âu. Bảo tàng Ashmolean của trường Đại học Oxford, Vương quốc Anh, mở cửa vào năm 1683, là một trong các bảo tàng đầu tiên do một cơ quan nhà nước mở cửa phục vụ lợi ích công cộng. Tiếp đến là Bảo tàng Anh ở London, Vương quốc Anh, mở cửa năm 1759 và Bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp, mở cửa năm 1793. Từ đó đến nay, các bảo tàng đã phát triển không ngừng, cả về số lượng và loại hình, đặc biệt là ở phương Tây.
Ở Việt Nam, các bảo tàng đầu tiên được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, như Bảo tàng Nghệ thuật Phương Đông ở Hà Nội năm 1910 (sau được đổi tên là Bảo tàng Louis Finot, nay là Bảo tàng Lịch sử quốc giá), Bảo tàng Henri Parmentier ở Đà Nẵng năm 1919 (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) và Bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn năm 1929 (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh). Bảo tàng công lập được thành lập gần đây nhất là Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cùng một số bảo tàng ngoài công lập tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
2.Loại hình trưng bày bảo tàng
Có nhiều cách thức phân loại trưng bày bảo tàng, phân loại theo chủ đề trưng bày, theo sưu tập hiện vật hoặc theo hình thức quản lý của bảo tàng… Tuy nhiên, về cơ bản các trưng bày bảo tàng trên thế giới thường được phân loại theo 4 nhóm chính như sau:
- Bảo tàng trưng bày về lịch sử xã hội: Loại hình bảo tàng này trưng bày về quá trình hình thành, phát triển của các mô hình xã hội, quốc gia hoặc các thời kỳ lịch sử của một cộng đồng cư dân, trưng bày về các anh hùng dân tộc, các cá nhân ưu tú có ảnh hưởng trong xã hội hoặc giới thiệu kết quả khảo cổ học… Cán bộ nghiên cứu trưng bày ở các bảo tàng này thường là các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử xã hội, các nhà sử học… và được đào tạo thêm chuyên ngành bảo tàng học. Bảo tàng thuộc loại hình này gồm các bảo tàng lịch sử quốc gia, như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nga; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ; Bảo tàng Quốc gia Ai Cập; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Singapore… Bên cạnh đó còn có các bảo tàng lịch sử tỉnh, thành phố (một số nước thường gọi là bảo tàng tổng hợp) như: Bảo tàng Lịch sử Bang Washington, Hoa Kỳ; Bảo tàng Lịch sử London (Anh); Bảo tàng Lịch sử thành phố Moscow (Nga)….
Ở Việt Nam, loại hình bảo tàng này chiếm số lượng lớn, đặc biệt là các bảo tàng tổng hợp ở các tỉnh, thành phố (Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng An Giang…).
Cũng thuộc loại hình này, một số bảo tàng được xây dựng với mục đích trưng bày 1 hiện vật duy nhất, như Bảo tàng Vasa (Thụy Điển), trưng bày về con tàu buôn cổ Vasa, lịch sử hình thành cùng quá trình sử dụng và cả những truyền thuyết liên quan. Bảo tàng về các anh hùng dân tộc như Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam); Bảo tàng và Thư viện tổng thống Abraham Lincoln (Hoa Kỳ) hoặc bảo tàng về một người bình thường, nhưng câu chuyện cá nhân họ có ảnh hưởng lớn đến xã hội, như Bảo tàng Anne Frank (Hà Lan) kể câu chuyện của một cô gái Do Thái sống trong thời kỳ Đức quốc xã.
- Bảo tàng trưng bày về lịch sử tự nhiên: Loại hình bảo tàng này trưng bày các nội dung liên quan đến sự hình thành, phát triển của tự nhiên, bao gồm các chủ đề như động vật, thực vật, các hệ sinh thái, địa chất (mỏ, khoáng sản…), cổ sinh vật học, và khí hậu học… Cán bộ nghiên cứu trưng bày ở các bảo tàng này thường là các chuyên gia trong lĩnh vực tự nhiên và được đào tạo thêm chuyên ngành bảo tàng học. Các bảo tàng thuộc loại hình này gồm các bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng chuyên ngành khoa học…, như: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian (Hoa Kỳ); Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp; Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh; Bảo tàng Khoa học London (Anh); Bảo tàng Khoa học thành phố Nagoya (Nhật Bản); Bảo tàng Quốc gia về Tự nhiên và Khoa học Tokyo (Nhật Bản); Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Địa chất (Việt Nam), Bảo tàng Hải dương học (Việt Nam)…
Một góc trưng bày Bảo tàng Lịch sử Hoa Kỳ.
Ngoài ra, cũng có nhiều nơi trên thế giới phát triển loại hình bảo tàng sinh thái, các bảo tàng này thường hoạt động như các trung tâm bảo tồn thiên nhiên, có mở rộng các chương trình thăm quan và giáo dục cho công chúng.
- Bảo tàng trưng bày về nghệ thuật: Loại hình bảo tàng này trưng bày chủ yếu là các sưu tập nghệ thuật hoặc là không gian cho các cuộc triển lãm nghệ thuật, thường là nghệ thuật thị giác. Cán bộ nghiên cứu trưng bày ở các bảo tàng này thường là các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử nghệ thuật, nghệ sỹ thị giác, các nhà phê bình nghệ thuật… và được đào tạo thêm chuyên ngành bảo tàng học. Các bảo tàng thuộc loại hình này gồm các bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng về các họa sỹ nổi tiếng, bảo tàng về các bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân, các phòng tranh quốc gia (national gallery), bảo tàng nghệ thuật đương đại…, như: Bảo tàng Louver (Pháp); Bảo tàng Picasso (Pháp); Phòng tranh quốc gia Washington (Hoa Kỳ); Bảo tàng Hemitage (Nga); Bảo tàng Van Gogh (Hà Lan); Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… Bảo tàng trưng bày các bộ sưu tập nghệ thuật thị giác đương đại như: Bảo tàng Tate Morden (Anh); Bảo tàng Guggenheim (Hoa Kỳ và Tây Ban Nha),… hoặc một số bảo tàng nghệ thuật trưng bày những tác phẩm qua các thời kỳ cùng các tác phẩm nghệ thuật đương đại như: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Hoa Kỳ); Phòng tranh quốc gia Singapore (Singapore)…
Bảo tàng Guimet, CH Pháp.
- Bảo tàng trưng bày về dân tộc học: Loại hình bảo tàng này trưng bày chủ yếu về các tộc người, bao gồm các nội dung về văn hóa, phong tục, trang phục, tín ngưỡng… Cán bộ nghiên cứu trưng bày ở các bảo tàng này thường là các chuyên gia trong lĩnh vực dân tộc học, văn hóa học, nhân chủng học, nhân học… và được đào tạo thêm chuyên ngành bảo tàng học. Bảo tàng dân tộc học đầu tiên trên thế giới là Bảo tàng Kunstkamera1, do Sa hoàng Peter đại đế xây dựng khoảng 300 năm trước bên bờ sông Newa, St. Petersburg, Nga (đây cũng là bảo tàng đầu tiên của Nga). Mục đích xây dựng Bảo tàng Kunstkamera là để giới thiệu các hiện vật tuyệt diệu, được Sa hoàng Peter thích thú, sưu tập khắp thế giới, cho công chúng quý tộc ở St. Petersburg.
Các bảo tàng thuộc loại hình này gồm các bảo tàng về con người, văn hóa tộc người, dân tộc học… như: Bảo tàng Dân tộc học quốc gia Nhật Bản; Bảo tàng Dân tộc học Áo; Bảo tàng Văn minh thế giới (Thụy Điển); Bảo tàng Con người (Pháp); Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Bên cạnh đó cũng có bảo tàng trưng bày các bộ sưu tập dân tộc học nhưng chú trọng tới tính nghệ thuật của các hiện vật, như Bảo tàng Quai Brandy (Pháp); Bảo tàng Anh (Vương quốc Anh)…
3.Những quan niệm tiếp cận và xu hướng trưng bày bảo tàng hiện đại:
3.1. Hiện vật - “trái tim” của các trưng bày bảo tàng
Trong suốt quá trình tồn tại mấy trăm năm của bảo tàng, hiện vật đóng vai trò rất quan trọng đối với các bảo tàng, vẫn luôn được coi như là “trái tim” của trưng bày bảo tàng hay như “máu của cơ thể sống”. Mặc dù vậy, cùng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi nhu cầu tìm hiểu kiến thức, học tập và giải trí của khách tham quan, vị trí và vai trò của hiện vật trong trưng bày hiện nay đã/đang được cân nhắc, điều chỉnh và kết hợp với một số yếu tố khác để thỏa mãn tối đa mục tiêu hoạt động của bảo tàng hiện đại và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách tham quan.
- Hiện vật là trung tâm của trưng bày: thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 là thời kỳ đầu hình thành các trưng bày bảo tàng. Những hiện vật kỳ lạ, được đem về từ những vùng thuộc địa xa xôi luôn vô cùng hấp dẫn với khách tham quan quý tộc Châu Âu. Tính hấp dẫn ở ngay trong sự kỳ lạ của từng hiện vật, vì thế, trưng bày bảo tàng thời kỳ đó không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào để thu hút sự quan tâm của công chúng.
- Con người là trung tâm của trưng bày: Đến giữa thế kỷ 20, thời kỳ công nghiệp phát triển và quyền con người được đề cao, mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí đều hướng tới phục vụ con người. Đồng thời, sự bùng nổ của truyền hình, điện ảnh đã tạo ra sự cạnh tranh trong việc thu hút khách tham quan giữa các thiết chế văn hóa, giải trí này. Bảo tàng cần nỗ lực để thu hút khách tham quan bằng mọi cách, dù là để thỏa mãn nhu cầu học tập hay nhu cầu hiếu kỳ, giải trí đơn thuần. Do vậy, các bảo tàng bắt đầu có xu hướng xây dựng các phòng trưng bày hiện đại, được thiết kế đẹp mắt với các thiết bị chiếu sáng chuyên dụng để tôn vinh giá trị của hiện vật và thỏa mãn thị hiếu của khách tham quan.
Bảo tàng Louvre, CH Pháp.
- Hiện vật và con người tạo nên trưng bày: Những năm cuối thể kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thời kỳ của công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, khách tham quan bảo tàng không còn tò mò với những thứ kỳ lạ. Họ dễ dàng tự tìm kiếm thông tin về mọi lĩnh vực với ứng dụng “google” trên internet. Do vậy, các trưng bày bảo tàng cần phải vận dụng mọi ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại nhất nhằm chuyển tải một cách hiệu quả nhất nội dung và thông điệp của trưng bày tới công chúng tham quan. Đồng thời, các cán bộ trưng bày (curator) phải thực sự sáng tạo để tạo ra các trưng bày, các không gian để khách tham quan không chỉ thưởng ngoạn hiện vật mà còn có thể trải nghiệm những câu chuyện gắn với hiện vật mà bảo tàng đang nắm giữ; tạo ra các ứng dụng để khách tham quan tham gia, trao đổi và chia sẻ ý kiến, câu chuyện và hiện vật của riêng mình với bảo tàng.
Các bảo tàng trên thế giới, kể cả các bảo tàng có số lượng khách đông, như Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp), Bảo tàng Anh, các bảo tàng thuộc Viện Smisonian, Hoa Kỳ,… cũng luôn có những đổi mới mạnh mẽ trong tư duy tổ chức trưng bày. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các hình thức tường thuật, kể chuyện trong trưng bày, có sự tham gia của các cộng đồng liên quan trong việc tổ chức trưng bày và kết nối những giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong nội dung các trưng bày hiện đại. Ví dụ như Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp), vốn nổi tiếng với các sưu tập hiện vật nghệ thuật (từ các nền văn minh) đã làm mới trưng bày gần đây nhất của họ về nghệ thuật cổ Hồi giáo với việc trưng bày đan xen giữa cổ vật, minh họa truyền thuyết (video, tương tác…) và các bài hát cổ, kể chuyện cổ tích (audio tự động…). Hoặc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York vốn được biết đến với các sưu tập mẫu vật tự nhiên quý hiếm, nhưng vẫn đang nghiên cứu và hướng việc trưng bày về tự nhiên gắn với văn hóa và con người của vùng đất đó - nhìn nhận văn hóa như là kết quả của sự tương tác giữa tự nhiên và con người (ứng xử của con người với sự biến đổi của tự nhiên; các phong tục, tập quán và tri thức bản địa liên quan đến tự nhiên,…).
3.2. Bảo tàng trưng bày về cộng đồng và vì cộng đồng
Với quan điểm trưng bày vừa cần có tính giáo dục lẫn giải trí, Bary Lord, trong “Sổ tay cho Trưng bày bảo tàng” (The Manual of Museum exhibition) cho rằng: “Mục đích của trưng bày trong bảo tàng là để thay đổi, trong một vài phương diện, mối quan tâm, thái độ và các giá trị của khách tham quan; thông qua việc khám phá ý nghĩa của hiện vật trưng bày - một sự khám phá được kích thích và duy trì thông qua sự tin tưởng của người xem về tính nguyên bản của các hiện vật“2. Cũng với quan điểm về mục đích của trưng bày bảo tàng như vậy, Bary Lord đã phân tích để thấy rằng: bảo tàng không phải là thư viện, và trưng bày bảo tàng không nên chỉ như một cuốn sách; bảo tàng cũng không phải là trường trung học hay trường đại học, và trưng bày bảo tàng không nên cố sức giảng bài hay lên lớp; bảo tàng cũng không phải là nơi thờ cúng, vì thế trưng bày bảo tàng không thể thuyết pháp; trưng bày bảo tàng cũng không phải là một cuốn phim, trò chơi điện tử hay trò chơi cảm giác mạnh. Mặc dù trưng bày bảo tàng có thể bao gồm các hình thức giải trí nghe nhìn, các chương trình truyền thông đa phương tiện và hệ thống tương tác hay mô phỏng. Tất cả các phương tiện này nên được hướng vào mục tiêu biến đổi phần nào mối quan tâm, thái độ và các ứng xử của khách tham quan về nội dung trưng bày3.
Nguyễn Hải Ninh (Cục Di sản văn hóa)
Tư liệu tham khảo:
1.Nhiệm vụ của Bảo tàng Dân tộc học (The Mission of the Ethnological Museum). Bài Hội thảo “Quá khứ, hiện tại và tương lai của bảo tàng dân tộc học” Seoul, 14/6/2010, TS. Steven Engelsman, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Volkenkunde, Phần Lan.
2, 3. The Manual of Museum exhibition (Hướng dẫn trưng bày bảo tàng), Bary Lord, NXB. Rowman & Littlefield, 2014. trang 18.