Lời mở
Di sản Thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội gồm di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và thành cổ Hà Nội. Nằm trong địa bàn trung tâm lịch sử và văn hoá của thủ đô Hà Nội, vùng đất này sớm trở thành một trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng. Từ thành Vạn Xuân, kinh đô của nhà nước độc lập do Lý Nam Đế thành lập vào thế kỷ 6, rồi phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ 7 - 9 mà tiêu biểu là thành Đại La thế kỷ 9, đều nằm trong khu vực này. Thành Đại La không những là thành lũy quy mô lớn mà còn là một đô thị phồn thịnh bậc nhất của đất nước thời bấy giờ.
Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ gọi thành Đại La là “đô cũ của Cao Vương”. Đó là phủ thành An Nam do Tiết độ sứ Cao Biền xây dựng năm 866 trên cơ sở các phủ thành trước: “Thành mang tên La Thành, chu vi 1980 trượng 5 thước (6,139km), cao 2 trượng 6 thước (8,06m), chân thành rộng 2 trượng 6 thước (8,06m), bốn mặt xây nữ tường cao 5 thước 5 tấc (1,70m), 55 địch lâu (lầu quan sát địch), 5 môn lâu (lầu cửa), 6 ủng môn (cửa ống), 3 cửa nước, 34 đường bộ, lại đắp đê chu vi 2125 trượng 8 thước (6,589km), cao 1 trượng 5 thước (4,65m), chân rộng 3 trượng (9,30m), lại dựng hơn 5000 gian nhà”(1)
Từ cuối năm 2002 những cuộc khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu bắt đầu được tiến hành và nghiên cứu. Qua những đợt khai quật, bên cạnh việc xuất lộ những dấu vết kiến trúc của cung điện còn phát hiện hàng ngàn các di vật góp phần tạo dựng lên các cung điện đó. Tại các hố khai quật đã hình thành một tầng văn hóa thời Tiền Thăng Long (cụ thể là thời Đại La) dày trên dưới 1m, trong đó xuất lộ những đầu ngói ống trang trí mặt linh thú, trang trí hoa sen, những viên gạch lát nền hình vuông trang trí hoa văn hình cá sấu trong sóng nước, hình bông hoa sen, những phù điêu trang trí nóc mái… với số lượng không nhỏ chứng tỏ tại khu di tích này đã từng tồn tại những kiến trúc có qui mô lớn và trang trí công phu của thời kỳ Đại La.
1.Đặc điểm chủ yếu của các loại hình vật liệu kiến trúc
Vật liệu kiến trúc là loại hình di vật quan trọng đóng góp nhiều mặt cho nghiên cứu lịch sử kiến trúc, lịch sử mỹ thuật, lịch sử nghề thủ công cũng như lịch sử văn hóa Việt Nam. Và đây cũng là nền tảng cơ bản để cấu thành những kiến trúc quy mô đồ sộ của thời Đại La, cung cấp cho các nhà nghiên cứu một khối tư liệu đồ sộ để nghiên cứu một kinh thành Thăng Long tồn tại và phát triển không ngừng trong lịch sử.
Đó là những loại hình vật liệu sử dụng để lát nền, lát đường, xây tường, dựng mái, trang trí bờ nóc…, gồm ba loại hình chính là gạch, ngói và phù điêu trang trí trên mái với những đặc điểm, chức năng riêng biệt.
1.1. Những loại hình vật liệu kiến trúc sử dụng trên bộ mái
Vật liệu cấu thành bộ mái kiến trúc chính là những viên ngói cong (ngói âm dương) và những phù điêu trang trí kiến trúc. Ngói âm dương xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm (khoảng thế kỷ 1 - 2 trước Công nguyên) tại khu di tích Cổ Loa (Hà Nội). Ở những vị trí khác nhau trên bộ mái kiến trúc có những loại ngói lợp phù hợp như ngói lợp phần thân mái, lợp phần diềm mái và lợp phần góc mái.
Mô hình mái kiến trúc chùa Hưng Phúc, Nara, Nhật Bản.
Mô hình lợp mái bằng ngói âm dương khu di tích 18 Hoàng Diệu.
Ngói ống lợp thân mái dáng thuôn dài, tròn đều, mặt cắt ngang hình nửa ống tròn. Thân được tạo bằng kỹ thuật dải cuộn kết hợp bàn xoay, thân dày đều, mặt trên làm nhẵn hoặc có dấu thừng, mặt dưới có dấu vải rất rõ. Hai bên rìa cạnh thẳng và cắt bẻ. Phần đuôi và thân được tạo liền khối. Đuôi được tạo bằng cách cắt bớt độ dày thân. Độ dày của đuôi thường bằng ½ độ dày thân.
Ngói ống lợp diềm mái là những viên ngói lợp ở vị trí đầu tiên trong hàng, gồm hai phần: phần đầu có trang trí hoa văn và phần thân hình ống nửa hình tròn, đầu ngói thường được gắn vuông góc với thân ngói. Phần đầu ngói và thân ngói được tạo bằng kỹ thuật ghép nối. Trong lòng đầu ngói trang trí hoa văn với các chủ đề chính là hoa lá, các vòng nhũ đinh, mặt người, mặt linh thú.
Ngói ống lợp diềm mái trang trí hoa sen và mặt linh thú.
Ngói ống lợp góc mái có hình dáng và kích thước tương đương những viên ngói ống lợp diềm mái. Phần đuôi ngói có sự khác biệt so với ngói ống lợp thân mái và diềm mái. Ngói ống lợp góc mái không tạo đuôi như ngói ống lợp ở hai vị trí thân mái và diềm mái. Đuôi thường có đường kính rộng tương đương đường kính thân, hai bên rìa cạnh đuôi cắt lượn tròn đều. Phần đầu ngói thường có mặt cắt dọc vát chéo. Đỉnh của đầu viên ngói nhô cao, mô típ trang trí hình mặt linh thú. Mặt linh thú nhô lên và có tính cách điệu cao. Mặt tròn, mũi to, miệng rộng, trán và cằm có các đường vạch thẳng thể hiện râu và tóc. Xung quanh mặt linh thú có vòng tròn nhũ đinh.
Ngói ống lợp góc mái trang trí mặt linh thú.
Ngói lòng máng lợp thân mái có hình dáng chữ nhật, mặt cắt ngang khum cong phần đuôi rộng hơn phần đầu. Loại ngói này được làm bằng hai kỹ thuật dải cuộn kết hợp khuôn trên bàn xoay và đắp tảng đất trên khuôn kết hợp bàn đập, trong lòng thường có dấu vải, đây là những dấu vết lót khuôn. Thân ngói dày không đều, phần đầu dày và mỏng dần về phần đuôi. Hai bên rìa cạnh thẳng và có dấu cắt bẻ. Cũng giống như ngói ống, ngói lòng máng cũng có những loại hình phù hợp để lợp vào các vị trí trên bộ mái.
Ngói lòng máng lợp diềm mái gồm hai loại:
Loại 1 phần đầu gắn thêm yếm ngói (ngói yếm hay còn gọi ngói trích thủy), yếm ngói thường có 3 nhịp uốn, trên bề mặt trang trí hoa văn hoa sen theo hướng nhìn nghiêng hoặc hình bông hoa đơn giản có hai dải dây lá uốn sang hai bên. Nơi tiếp giáp giữa thân ngói và yếm ngói có dải nhũ đinh tròn cách đều nhau.
Ngói trích thủy trang trí hoa sen theo hướng nhìn nghiêng.
Loại 2 phần đầu dày gấp đôi phần thân, trang trí hoa văn là hai đường thẳng đứt quãng kết hợp đường răng cưa ở mép ngoài được khắc tay trực tiếp lên phần mép đầu ngói.
Ngói lòng máng lợp diềm mái.
Phù điêu trang trí: Gồm những mặt hổ phù, tượng đầu sư tử, mặt linh thú. Loại hình hiện vật này số lượng không nhiều, được làm từ đất sét được chọn lọc cẩn thận, có pha cát hạt mịn, màu xám truyền thống của vật liệu kiến trúc thời Đại La.
Tượng sư tử thường được tạo nguyên khối kết hợp khắc tỉa bằng tay, tính chất tả thực rất cao. Mặt sư tử thường được thể hiện khá dữ tợn với khuôn mặt nhìn thẳng chính diện. Miệng há rộng để lộ hai hàm răng lớn, có những chiếc ranh nanh nhe ra trông dữ tợn. Hai mắt to lồi, mũi lớn với hai lỗ mũi to. Hai bên má là những đường hoa văn dấu hỏi. Râu dưới hàm dài, vành phía ngoài thể hiện là các cuộn xoáy nối tiếp nhau hất ngược lên phía đỉnh đầu. Mặt sư tử được thể hiện khá phong phú, đa dạng, mỗi loại hình nhấn mạnh các chi tiết khác nhau như mắt, mũi, miệng, lông mi, râu…
Tượng đầu sư tử.
Mặt linh thú hình chữ nhật, bề mặt phẳng, các góc cạnh vuông hoặc lượn tròn. Mặt linh thú thể hiện dữ tợn với cặp lông mày rậm xếch, hai mắt tròn to, mũi nổi cao, hai cánh mũi nở, miệng rộng, hai hàm răng đang nhe ra, hai bên có các răng nanh, cắn lưỡi đuổi tà dâm, lưỡi thè ra. Giữa trán thường có khắc nổi chữ Vương thể hiện uy quyền.
Mặt linh thú.
1.2. Những loại hình vật liệu kiến trúc sử dụng xây tường, lát sân nền và các công trình phụ trợ
Đó là các loại hình gạch gồm gạch hình vuông, gạch hình chữ nhật dùng để lát sân/nền, xây tường, bó nền, xây đường đi, xây mộ, xây khuôn giếng hay thành quách… Gạch thời Đại La chất liệu đất sét pha sạn sỏi Laterit, chủ yếu có màu xám, một tỷ lệ nhỏ màu đỏ xám hoặc đỏ nhạt, gồm hai loại gạch hình vuông và gạch hình chữ nhật.
Gạch hình vuông: Bề mặt vuông, mặt cắt ngang hình chữ nhật dẹt, có hai loại, một loại bề mặt trơn (phổ biến) và loại kia có trang trí trên một bề mặt. Họa tiết trang trí gồm các chủ đề cá sấu trong sóng nước, hoa sen và in kiểu bàn cờ.
Cá sấu đang bơi trong sóng nước có mõm dài, hàm răng sắc nhọn, mắt tròn đang nhô lên trên các lớp sóng cuộn trông rất sinh động; trang trí hình bông hoa sen theo hướng nhìn trực diện với các cánh sen to, mập mạp, nổi cao mang phong cách thời đại, đường diềm bao xung quanh bông sen hình ô trám lồng; hoặc trang trí văn in kiểu bàn cờ với những hình tam giác ngược chiều nhau hoặc trong khung vuông có nhiều ô vuông nhỏ xếp thành hàng.
Gạch hình vuông trang trí hoa sen và cá sấu trong sóng nước.
Gạch hình vuông trang trí văn bàn cờ.
Gạch hình chữ nhật: Đây là loại hình gạch có số lượng lớn. Các bức tường kiến trúc, hệ thống các đường cống thoát nước, các giếng nước phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày… đều được xây xếp chủ yếu bằng loại hình vật liệu này.
Một số dấu vết kiến trúc thời Đại La xây xếp bằng gạch hình chữ nhật.
Một số lượng lớn viên gạch trên bề mặt có in nổi chữ Hán “Giang Tây quân”, “Giang Tây chuyên” hay “Giang Tây” trong khung gờ nổi hình chữ nhật. Đây là những viên gạch có chữ có niên đại sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Bằng khảo chứng thư tịch cổ, cố GS. Trần Quốc Vượng cho rằng đây là gạch của binh lính nhà Đường đóng góp nhằm phục vụ việc xây thành Đại La. Thư tịch cổ có ghi vào khoảng cuối thế kỷ IX, để đề phòng quân Nam Chiếu (Văn Ham) đánh xuống, hàng năm vào mùa thu và mùa đông, nhà Đường đã phái nhiều đội quân xuống phòng thủ vùng Lĩnh Nam (Bắc Việt Nam, Quảng Đông, Quảng Tây) trong đó có tướng và quân Giang Tây. Đội quân này cũng được các viên quan đô hộ cho tham gia xây đắp thành trì. Và loại gạch “Giang Tây quân” có thể do quân sĩ Giang Tây sản xuất, chữ “Giang Tây quân” đóng trên các viên gạch như một loại nhãn hiệu sản xuất (2).
Gạch hình chữ nhật in chữ Hán “Giang Tây quân”, “Giang Tây chuyên” và “Giang Tây” .
2.Một vài nhận xét
Vật liệu kiến trúc thời kỳ Tiền Thăng Long không phong phú và đa dạng như vật liệu kiến trúc các thời kỳ sau như thời Lý, Trần, Lê… Chất liệu của các loại hình vật liệu kiến trúc tương đối đồng nhất với đất sét chọn lọc kỹ pha trộn cát hạt mịn, màu xám là màu chủ đạo, nung ở nhiệt độ cao nên tạo ra độ cứng tốt, độ hút ẩm thấp, chịu được mưa nắng đảm bảo cho độ bền của các công trình kiến trúc.
Về kỹ thuật các loại hình gạch đều được làm bằng khuôn gỗ, tạo đơn lẻ, mặt dưới của viên gạch tiếp xúc trực tiếp với sân/nền. Trên một bề mặt nhiều viên gạch thường có dấu vết văn thừng, văn nan chiếu hoặc vết cắt bằng cật tre có tác dụng làm tăng độ bám của bề mặt gạch. Những viên gạch có trang trí hoa văn hay in chữ Hán thường được tạo bằng cách in khuôn khắc chìm lên bề mặt gạch khi còn ướt.
Ngói được tạo dáng trên khuôn định hình. Phần đầu ngói hoa văn trang trí được tạo bằng những khuôn khắc chìm, in vào phần đầu viên ngói khi còn ướt, sau khi nung tạo ra các đầu ngói trang trí các mô típ nổi. Các đường diềm, rìa cạnh được tu chỉnh, cắt bẻ trước khi nung. Trên ngói dấu vết khuôn in còn để lại rõ nét, lòng ngói có dấu vết vải lót khuôn. Các loại hình ngói ống, ngói lòng máng lợp diềm mái thường được tạo bằng kỹ thuật ghép nối. Phần thân ngói và phần đầu ngói, yếm ngói được làm riêng lẻ sau đó gắn ghép vào với nhau. Phần tiếp giáp này được đắp thêm đất sét và được miết kỹ để kết dính hai phần lại với nhau.
Một số dụng cụ sử dụng trong kỹ thuật làm ngói.
Về hoa văn trang trí khá phong phú và đa dạng. Mỗi một đề tài cũng có sự thể hiện với các mô típ khác nhau. Đề tài trang trí hoa sen gồm bông sen theo hướng nhìn trực diện với các kiểu cánh đơn hoặc kép, đầu cánh nhọn hoặc tròn…, bông sen theo hướng nhìn nghiêng bổ dọc. Đề tài mặt linh thú tương đối phong phú gồm nhìn thẳng chính diện, các bộ phận trên khuôn mặt thể hiện cân đối dù mang tính cách điệu cao… Hoa văn trang trí trên đầu ngói trích thủy là mô típ hoa sen theo hướng nhìn nghiêng, hình bông hoa 5 cánh với hai dải dây lá uốn đều sang hai bên, văn “như ý”…
Về chức năng mỗi loại hình vật liệu kiến trúc có những chức năng riêng biệt. Các loại hình gạch dùng để xây dựng những phần tường, lát sân, đường đi, cống thoát nước, giếng nước, bó nền nhà, bó đường đi, cũng có khi được dùng để xây mộ, xây khuôn giếng hay thành quách…
Các loại hình ngói có chức năng tạo nên bộ mái của kiến trúc. Những viên ngói ống, ngói âm lợp diềm mái, ngói trích thủy không chỉ là những viên ngói đỡ ở hàng cuối cùng trong mái mà với những mô típ hoa văn trang trí của nó cùng những phù điêu gắn trên nóc đã tạo nên những nét đẹp của bộ mái kiến trúc. Những viên ngói ống lợp diềm mái thường có sự liên kết với các viên ngói âm với nhau và giải quyết vấn đề thoát nước cho bộ mái trong những cơn mưa xối xả của mùa hè hay những đợt mưa dầm ròng rã của mùa đông.
Tạm đóng
Với một số lượng lớn, phong phú đa dạng về loại hình và kiểu dáng, các mô típ hoa văn trang trí chứng tỏ tại khu di tích 18 Hoàng Diệu đã từng tồn tại những kiến trúc qui mô lớn của La Thành, của Đô hộ phủ thời kỳ Bắc thuộc.
Các loại hình vật liệu kiến trúc thời Tiền Thăng Long phản ánh rõ nét đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những loại hình gạch ngói một mặt có ảnh hưởng truyền thống Trung Hoa như gạch trang trí hình cá sấu trong sóng nước, ngói ống trang trí phần đầu ngói… và một mặt mang đậm chất phương Nam như các mặt ngói hình linh thú. Loại hình đầu ngói ống trang trí mặt linh thú tìm được nhiều ở Trà Kiệu - kinh thành Simhapura (Quảng Nam) (3), Luy Lâu (Bắc Ninh) (4), (5)…
Những loại hình vật liệu kiến trúc thời Đại La vẫn được thời Đinh - tiền Lê tiếp nối và phát triển, đó là những loại hình ngói ống và ngói lòng máng lợp trên nóc kiến trúc, đó là những viên gạch hình vuông trang trí hoa sen ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) mang phong cách tương tự gạch hình vuông trang trí hoa sen thời Đại La... Gạch “Giang Tây quân” cũng có mặt ở Hoa Lư (6), (7). Ở những phế tích cung điện thời Lý - Trần, gạch “Giang Tây quân” tồn tại cùng với gạch chữ nhật. Nhiều viên gạch màu xám thời Đại La đã được tái sử dụng để xây dựng con đường đi từ Đoan Môn vào điện Kính Thiên (8). Điều này chứng tỏ thời Lý - Trần đã sử dụng lại gạch của những kiến trúc thời trước.
Phong cách trang trí vòng tròn nhũ đinh trên đầu ngói ống đến thời Trần có sự xuất hiện trở lại trên loại hình đầu ngói ống trang trí hoa mẫu đơn, hoa mai nhưng các nhũ đinh có kích cỡ nhỏ hơn nhũ đinh trên đầu ngói ống, ngói trích thủy thời Đại La. Sang đến thời Lê, đặc biệt giai đoạn Lê Trung hưng (Thế kỷ 17 - 18), phong cách nhũ đinh lại nở rộ, xuất hiện trên các đầu ngói ống trang trí hoa cúc, các diềm nhũ đinh trên ngói trích thủy, các dải nhũ đinh bên ngoài băng hoa dây lá cuốn của loại hình gạch thẻ…
Các dấu tích kiến trúc và các loại hình vật liệu kiến trúc thời Đại La xuất lộ tại khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã góp phần dần làm sáng tỏ hơn lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua ngàn năm lịch sử trước khi Thăng Long thành lập, đã phản ánh phần nào diện mạo di tích văn hoá vật chất thời kỳ Tiền Thăng Long.
TS.Bùi Thị Thu Phương
Tài liệu dẫn:
1.Đại Việt sử ký toàn thư 1998. Tập 1. Nxb. KHXH. Hà Nội. Ngoại kỷ, Q.5, tr.14b-15a.
2.Trần Quốc Vượng 1966. Vài nhận xét nhỏ về những viên gạch “Giang Tây quân”. Nghiên cứu Lịch sử số 83: 49 và 64.
3.Lê Đình Phụng 2000. Đầu ngói ống Chămpa. Khảo cổ học số 1: 96-103.
4.Hoàng Văn Khoán 2000. Kỹ thuật chế tạo đầu ngói ống hoa sen ở Luy Lâu. NPHMVKCH: 627-628.
5.Tống Trung Tín, Lê Đình Phụng 1986. Báo cáo khai quật khu di tích Luy Lâu. Tư liệu VKCH.
6.Đặng Công Nga 1982. Gạch “Giang Tây chuyên” ở Hoa Lư (Hà Nam Ninh). Khảo cổ học số 2: 34.
7.Đặng Công Nga 2002. Kinh đô Hoa Lư thời Đinh-tiền Lê. Sở VHTT Ninh Bình.
8.Tống Trung Tín 2000. Hệ thống vật liệu xây dựng ở kinh đô Thăng Long qua các đợt khai quật Đoan Môn, Bắc Môn và Hậu Lâu. Khảo cổ học số 4: 27-52.
(Nguồn tư liệu bản ảnh, bản vẽ, bản dập hoa văn, bản scan sử dụng trong bài viết: Viện Khảo cổ học )